Vụ Châu Thị Thu Nga: Hàng trăm tỷ đồng bốc hơi đi đâu?
Việc bà Châu Thị Thu Nga – Đại biểu Quốc hội (Đoàn TP.Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất bị khởi tố, bắt tạm giam đối với những người theo dõi hoạt động trên thị trường bất động sản không có gì quá bất ngờ.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an, từ năm 2008 đến nay, dự án xây dựng khu nhà CT5 và HH2 tại B5 Cầu Diễn, Hà Nội chưa được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên bà Châu Thị Thu Nga và một số cá nhân tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất đã tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để ký 752 hợp đồng góp vốn và thu hơn 377 tỷ đồng của nhà đầu tư.
Bà Châu Thị Thu Nga.
Xét theo góc độ pháp lý, việc bà Nga sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản khách hàng là tội phạm đã hoàn thành. Tuy nhiên nếu như biết dự án xây dựng của mình không được triển khai, bà Nga trả ngay lại khoản tiền cho khách hàng có thể sự việc diễn biến theo hướng khác. Trước khi bà Nga bị bắt, những khách hàng bức xúc do không đòi được tiền gửi đơn từ tố cáo đi khắp nơi.
Video đang HOT
Là người làm kinh doanh và lại là một đại biểu Quốc hội, có lẽ bà Nga không ấu trĩ tới mức vẽ ra dự án “ma” để lừa tiền của khách hàng rồi vung tay tiêu xài đến nỗi cả trăm tỷ đồng tan biến, còn bản thân thì vướng vào lao lý. Với vị thế của mình, có lẽ bà Nga tự tin cho rằng sẽ hô biến dự án chưa được phê duyệt thành hiện thực nên bà vẫn mạnh tay thu tiền của khách hàng một cách trái phép.
Tiếc là qua nhiều năm và chắc hẳn là nhiều nỗ lực của bà và cộng sự, những dự án trên vẫn án binh bất động. Khách hàng đòi tiền thì bà Nga thoái thác nhiều lần. Khi sự việc vỡ lở, bà Nga cũng hiểu rằng nếu không trả lại tiền cho khách hàng thì mọi thứ với bà sẽ chấm hết, cả sự nghiệp kinh doanh và chính trị. Nhưng sự thực thì đã lâm vào tình thế bất khả kháng.
Vậy khoản tiền khổng lồ mà công ty của bà Nga đã thu của khách hàng đã bốc hơi đi đâu, nó được sử dụng vào việc gì? Đây là vấn đề dư luận và nhất là những người bị hại trong vụ án rất quan tâm, mong Cơ quan CSĐT – Bộ Công an làm sáng tỏ. Đây cũng là một phần quan trọng của vụ án, vì nó có thể sẽ còn chỉ ra thêm những đối tượng liên quan.
Theo Ngọc Lương (Dân Việt)
Chưa thể bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga
Theo ông Hà Huy Sơn, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ khi nào bản án của tòa án tuyên bà Nga có tội thì khi đó Quốc hội mới có căn cứ để làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga.
Ngày 8/1, Trung tâm Báo chí, Văn phòng Quốc hội phát đi thông cáo cho biết, ngày 7/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết về việc tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu QH đối với bà Châu Thị Thu Nga, đại biểu QH khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu QH TP Hà Nội.
Cơ sở để UBTVQH ban hành Nghị quyết trên là căn cứ vào Luật Tổ chức QH và đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao tại Công văn số 4866/VKSNDTC-V1 ngày 31/12/2014. Sau khi xem xét, UBTVQH đồng ý đề nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Châu Thị Thu Nga vì có dấu hiệu phạm tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với PV, ông Hà Huy Sơn cho rằng, không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, vì thế UBTVQH chưa thể làm thủ tục bãi nhiệm tư cách đại biểu QH của bà Nga. "Luật Tổ chức QH cũng đã quy định rõ: Đại biểu Quốc hội bị Tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền đại biểu, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật". Như vậy, sau khi bản án của Tòa có hiệu lực pháp luật thì lúc đó QH có thể bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Châu Thị Thu Nga. Còn chưa có bản án thì chưa thể bãi nhiệm được", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo một lãnh đạo Văn phòng QH, UBTVQH mới tạm đình chỉ nhiệm vụ đại biểu còn việc xem xét tư cách đại biểu của bà Nga phải chờ đến kỳ họp QH tới (tháng 5/2015). Khi đó, nếu có đủ những căn cứ theo quy định, các ĐBQH sẽ bỏ phiếu bãi miễn tư cách đại biểu của bà Nga. Tại nhiệm kỳ QH khóa XIII, đã có một ĐBQH bị bãi miễn đó là bà Đặng Hoàng Yến, ĐBQH tỉnh Long An.
Trả lời câu hỏi của PV rằng, Điều 56 Luật Tổ chức QH quy định: "Đại biểu QH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm". Vậy trong trường hợp cử tri, Mặt trận Tổ quốc hoặc cơ quan nào đó yêu cầu QH bãi nhiệm tư cách đại biểu của bà Nga ngay trong kỳ họp tới có được không?
Ông Hà Huy Sơn cho rằng, các cơ quan hoàn toàn có quyền làm đơn kiến nghị để UBTVQH xem xét. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, các cơ quan, tổ chức phải có căn cứ cụ thể bà Nga sai phạm gì, lý do gì mà bị mất tín nhiệm; bao nhiêu cử tri không còn tín nhiệm...
ĐBQH Cao Sỹ Kiêm: Từ đầu khoá XIII đến nay đã có một số đại biểu là doanh nhân làm những điều không hay, ảnh hưởng đến uy tín của QH. Theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên trước hết là do khâu kiểm tra, giám sát, đề cử các ứng cử viên chưa chặt chẽ. Tiếp đến, khi có các đơn khiếu nại, tố cáo đối với các ứng cử viên, hoặc ngay từ đầu khoá chúng ta cũng chưa xem xét giải quyết thấu đáo "đến nơi, đến chốn".
Theo NTD
Hành trình từ đại biểu Quốc hội đến "trùm" lừa đảo Sự kiện cơ quan công an bắt giam để điều tra hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với ĐBQH Châu Thị Thu Nga chiều 7.1 không bất ngờ với nhiều người. Trước đó, hàng năm trời, hàng tá đơn thư tố cáo bà Nga đã được gửi đến khắp nơi. Chưa hết, gần đây còn xuất hiện hàng đoàn xe...