Vụ cháu bé bị vứt ra nghĩa địa: “Tôi đau lòng nhưng tôi chấp nhận”
Những vết thương trên cơ thể đứa cháu gái 6 tuổi tội nghiệp khiến cho hai vợ chồng ông Tròn không khỏi xót xa. Và rồi sau bao đêm không ngủ, ông buộc phải làm đơn tố cáo con mình vì hành vi bạo hành cháu bé.
Câu chuyện kinh hoàng
Mấy ngày qua, người dân hai xã An Sinh và Phạm Mệnh rất phẫn nộ bởi câu chuyện thương tâm về cháu Nguyễn Minh T. Họ cho rằng cháu T bị chính bố đẻ đánh đập, sau đó mang ra vứt ở nghĩa trang Núi Lọc vào đêm tối. Cháu được người dân giải cứu cùng với nhiều thương tích nặng trên người.
Theo người dân địa phương xã Phạm Mệnh, đây không phải là lần đầu cháu bị đánh rồi bị thả vào nghĩa trang giữa đêm tối. Thậm chí đã hơn 2 lần cháu bị bố mẹ cho vào bao tải thả xuống ao để “dạy dỗ”.
Câu chuyện cháu bị đánh rồi vứt ra nghĩa trang đã đến tai ông bà nội của cháu. Sự việc vỡ lở, cháu T được đưa đi kiểm tra với kết luận y tế ban đầu: gãy xương sườn số 6 bên trái, cổ có nhiều thương tích như từng bị bóp cổ nhiều lần. Mông và hông bầm tím do bị vật rắn tác động.
Những vết thương trên cổ cháu T. sau nhiều ngày điều trị
Trao đổi với PV Dân trí, chị Nguyễn Thị Huệ ( mẹ kế cháu T), một trong những người bị tố là bạo hành cháu T. đã khóc lóc kêu oan, phân trần: “Chúng tôi không đánh đập cháu. Những vết thương trên người cháu ở đâu mà có thì chúng tôi không biết. Việc mang cháu ra bãi tha ma để là có nhưng chỉ để dọa cho cháu sợ vì lười học. Con tôi, tôi thương không hết làm sao đánh được”.
Chị Huệ tại cơ quan công an bảo rất thương con chồng
Về sự việc trên, ông Dương Văn Mẫn – Chủ tịch UBND xã Phạm Mệnh (huyện Kinh Môn) cho biết việc bố mẹ bạo hành con kể trên là có thật. “Mấy ngày trước tôi nghe dư luận đồn thổi có việc bố mẹ đánh đập con rồi mang ra nghĩa địa mà bàng hoàng. Nhưng không nghĩ là việc lại xảy ra chính trên địa bàn quản lý của mình. Cháu bé khi được bố đẻ đưa lên UBND xã để lấy lời khai đã một mực sợ hãi bảo những vết thương trên cơ thể là do bị ngã. Đến khi đích thân tôi tìm cách tiếp cận cháu riêng biệt thì cháu mới khai là bị bố đánh vào mông, mẹ kế đánh bằng roi mây lên cạnh sườn. Mẹ kế còn bóp cổ cháu, dìm cháu xuống ao. Nhưng cháu nói thật là bị đánh thì về mẹ cháu đánh chết”, ông Mẫn kể lại.
“Đây là một hành vi bạo lực trẻ em cả về thể xác lẫn tinh thần. Cá nhân tôi mong muốn cơ quan công an làm rõ hành vi sai trái này để xử lý nghiêm trước pháp luật” – ông Mẫn nói thêm.
Video đang HOT
Người dân đến trình báo việc phát hiện cháu T tại nghĩa trang
Các cô giáo tại trường tiểu học Phạm Mệnh là những người thường xuyên thấy trên cơ thể cháu T có nhiều thương tích. Nhưng khi hỏi thì cháu lại né trách và bảo là bị ngã. Một cô giáo cho biết: “Nhiều lần nhìn thấy vết thương trên cổ cháu tôi đã không cầm được nước mắt. Cán bộ y tế trường thấy thương cháu nên đã cho ít mật gấu để bôi. Gần tuần nay cháu đi học bữa được bữa mất vì ốm. Khi đến thì đi tập tễnh, cháu không dám nô đùa với các bạn mà luôn miệng kêu đau, tỏ ra mệt mỏi và hay ngủ gật trong lớp”.
Cuộc giải cứu cháu bé đẫm nước mắt
Sự việc sẽ vẫn tiếp diễn như vậy và bé T tiếp tục sống trong những ngày kinh hãi bên bố đẻ và mẹ kế của mình nếu như không có cuộc giải cứu của ông bà nội cháu. Lực lượng chính quyền địa phương lần đầu tiên phải thực thi một nhiệm vụ “đau lòng”, đó là hộ tống ông bà Tròn đến nhà con trai họ để đòi quyền “xem” cháu .
Có mặt tại nhà ông Nguyễn Doãn Tròn (ông nội cháu T, ở thôn Kim Xuyên, xã An Sinh), PV Dân trí gặp rất nhiều người dân đến động viên gia đình ông bà. Không ai nói với nhau nhưng đều hiểu rất thông cảm với người cha già khi chấp nhận gạt nước mắt mang đơn trình báo công an về việc làm của con trai và con dâu mình nhằm đòi công bằng cho cháu nội.
Hai vợ chồng ông Nguyễn Doãn Tròn
Ông Nguyễn Doãn Tròn kể lại: Con trai tôi là Nguyễn Doãn Thắng (SN 1983) lấy được người vợ ngoan hiền và sinh hạ ra cháu T. Nhưng rồi sau đó nó lạc lối nhất quyết bỏ vợ để đi ở với cô Nguyễn Thị Huệ (SN 1984). Gia đình chúng tan vỡ, mẹ cháu đi làm ăn xa và để lại cháu T cho chúng tôi nuôi dưỡng. Cách đây 3 tháng Thắng cứ một mực đòi mang cháu T về nuôi. Từ ngày cháu về dưới đó (Thắng ở rể nhà Huệ, tại xã Phạm Mệnh) chúng tôi muốn thăm cháu cũng rất khó. Lần nào xuống cũng tủi cực ra về. Khi thì con dâu tôi bảo cháu ốm không gặp được. Khi thì bảo cháu đi học. Mà lạ kỳ là cứ thấy ông bà nội là cháu lại bỏ chạy không dám đến gần. Mãi đến ngày 24/10 vừa rồi, tôi nghe tin cháu mình bị đánh đập rồi vứt ra nghĩa trang thì mới biết mình đã sai khi để cháu sống xa vòng tay của mình”. Nói đoạn ông lão bật khóc, nước mắt rơi dài trên khuôn mắt hiền khô đầy kham khổ.
Bà Nguyễn Thị Đinh (68 tuổi, bà nội cháu T) chia sẻ thêm: Mấy hôm trước có cô giáo dạy ở trường cháu ghé nhà thông báo việc cháu T. bị đánh, tôi và bà ngoại cháu T. mới biết. Chúng tôi cùng nhau ra trường học của cháu thì được cô giáo bảo cháu ốm mấy ngày nay nghỉ học. Tôi về nhà gặp con dâu nhưng nó nhất quyết không cho tôi gặp cháu. Thấy vậy tôi mới hỏi: làm sao lại đánh con bé đau như thế thì nhận được câu trả lời trắng trợn rằng: “nó là con chúng tôi, muốn giết, muốn đánh đều được, bà không có quyền”.
Không còn cách nào khác, ông bà Tròn đã phải ra xã trình báo nhờ chính quyền giúp đỡ để vào nhà con đẻ mình gặp cháu nội. Được sự trợ giúp của chính quyền xã, ông bà đã tiếp cận được cháu T. ” Trước mắt tôi là đứa cháu gái tội nghiệp thân hình gầy gò xanh xao. Khuôn mặt cháu sợ hãi, cúi gầm xuống không dám nhìn ông bà . Thấy trên người cháu có nhiều thương tích bác nó cho đi khám. Kết quả cho thấy cháu bị gãy xương sườn và hàng chục vết thâm tím, xây xước khác… Chân tay tôi rụng rời” – bà Đinh vừa khóc vừa kể.
Bà Đinh khóc ròng khi kể về đòn roi cháu T phải chịu
Anh Nguyễn Doãn Chiến, bác ruột cháu T. xót xa kể: “Mấy hôm nay, cháu về nhà với ông bà nội thấy tinh thần tốt dần. Nhìn dáng đi xiêu vẹo, tập tễnh của cháu mà tôi giận em mình lắm. Mấy đêm rồi con bé đang ngủ thì choảng tỉnh dậy khóc thét lên. Lúc đó, bố tôi lại ngồi dậy ôm cháu vào lòng rồi khóc…”
Còn với ông Tròn, việc phải trình báo con đẻ để cứu đứa cháu đang hàng ngày bị bạo hành là việc làm bất đắc dĩ. Nhưng với ông, có lẽ đây là cách tốt nhất trong lúc này. “Tôi đi trình báo công an về tội của con mình mà lòng rã rời. Chúng nó gây ra tội với một đứa bé đang ở tuổi ăn, tuổi lớn mà cứ nhơn nhơn cho đó là quyền hành của kẻ làm cha làm mẹ. Biết một khi đã ra đến pháp luật thì kẻ gây ra tội phải trả giá. Tôi đau lòng nhưng tôi chấp nhận để cháu gái tôi được sống một tuổi thơ không còn đòn roi, không bạo lực” – ông Tròn nói.
Thu Hằng
Theo Dantri
Bé trai 3 tuổi bị bạo hành: Khẩn trương tìm đưa cháu vào "nhà tạm lánh"
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã yêu cầu Cục có công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM vào cuộc ngay, tìm kiếm và đưa cháu bé 3 tuổi bị cậu đánh đập vào "nhà tạm lánh".
Đưa cháu Đức vào "nhà tạm lánh"
Sáng sớm 1/11, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE) - Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho PV Dân trí biết, ngay khi đọc những thông tin về cháu bé Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi) bị người thân ép đi ăn xin và bạo hành dã man, cá nhân ông cảm thấy đau xót và bức xúc. Vì vậy, dù đang đi công tác xa nhưng bác sĩ An đã yêu cầu Cục BVCSTE có công văn chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM vào cuộc ngay và báo cáo bằng văn bản cho Bộ LĐ-TB&XH.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết, với sự việc cháu Đức bị bạo hành và ép đi ăn xin, chính quyền sở tại cần báo ngay cho Sở LĐ-TB&XH TPHCM và Trung tâm Công tác xã hội thành phố để được trợ giúp. Theo Chỉ thị 1408/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì Chủ tịch UBND phường nơi gia đình cháu bé cư trú phải hết sức khẩn trương vào cuộc, bằng tinh thần, trách nhiệm để đảm bảo cuộc sống tốt đẹp cho cháu bé.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục BVCSTE, Bộ LĐTBXH yêu cầu khẩn trương tìm kiếm và đưa cháu Đức vào "nhà tạm lánh"
Hiện cháu Đức đang được mẹ đưa đi khỏi nơi cư trú. Do vậy, công an và chính quyền cần nhanh chóng vào cuộc để xác minh xem cháu bé đang ở đâu, sớm đưa cháu vào "nhà tạm lánh" hoặc Trung tâm bảo trợ xã hội... theo Luật/Nghị định phòng chống bạo lực gia đình.
Đối với người cậu Trịnh Đắc Hòa và Đặng Tấn Cường, cần áp dụng chế tài theo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính số 144/NĐ-TTg, ngay 29/10/2013 đối với hành vi bạo lực/hành hạ trẻ em.
Khó tước quyền nuôi con của người mẹ
Bức xúc trước thái độ tiếp tay cho em trai bắt ép con nhỏ đi ăn xin, thờ ơ trước nỗi đau của con... nhiều người cho rằng cần tước quyền làm mẹ của Trịnh Thị Tuyết Nở, đưa cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức vào Trung tâm bảo trợ xã hội để cháu được chăm sóc tốt hơn.
Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Văn Trường, Đoàn luật sư TPHCM, dù Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em; pháp luật Việt Nam cũng đã có các quy định cụ thể các quyền này, nhưng trên thực tế, việc bảo vệ quyền trẻ em như trường hợp cháu Đức là rất hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Do đó, nếu quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong vụ việc này cũng không đúng, bởi lẽ ai cũng biết rằng bà ngoại và mẹ ruột đương nhiên phải yêu thương và lo cho con, cho cháu hơn người ngoài. Thực tế, mẹ cháu cũng thấy xót xa khi biết em trai hành hạ cháu và đã có những phản ứng, dù hơi muộn màng. Đáng tiếc, Nở không có khả năng nuôi con như những người phụ nữ khác.
Khó tước quyền nuôi con của Nở trong vụ việc này
Việc chính quyền địa phương xử lý người cậu là đúng. Tuy nhiên do người cậu chưa tới tuổi trưởng thành nên chỉ có thể xử lý đưa vào trường giáo dưỡng nếu thấy tái phạm hành vi hành hạ cháu mình.
Để giải quyết vụ việc này trên cơ sở đảm bảo quyền lợi những đứa con của Nở, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội liên quan nên tìm hiểu, giải thích, động viên Nở đồng ý cho các cháu vào các tổ chức xã hội từ thiện vì quyền lợi các cháu; hoặc phải có giải pháp hỗ trợ vật chất để Nở nuôi các cháu tốt hơn.
"Bản thân chị Nở chỉ khiếm khuyết trong việc nuôi con, hoặc thờ ơ bỏ mặc cho các cháu tự sống chứ không trực tiếp đánh đập, hành hạ con mình tàn ác... nên cũng không thể tước đi quyền làm mẹ của chị ấy đối với con mình", luật sư Trường nói.
Công Quang
Theo Dantri
Địa ngục trần gian" của cậu bé 3 tuổi bị bắt đi ăn xin Cả gia đình ở trọ trong một căn chòi lụp xụp, mẹ không có việc làm ổn định, ba đi tù, nên mới 3 tuổi, Đức đã phải cùng anh trai 5 tuổi dắt díu nhau đi ăn xin, nuôi sống bản thân và các thành viên khác trong nhà. Bé 3 tuổi đi ăn xin nuôi cả nhà Như Dân trí đã...