Vũ Cát Tường: “30 tuổi, tôi không thể nói chuyện với ai, kể cả gia đình”
“Giai đoạn 30 đến 33 tuổi, chúng ta đừng mong đợi ai hiểu, bởi chính mình còn không hiểu mình. Tôi thậm chí không thể nói chuyện với ai, kể cả gia đình”, Vũ Cát Tường chia sẻ với phóng viên Dân trí.
Điều gì đã khiến một ca nhạc sĩ từng sở hữu hàng loạt bản hit được giới trẻ yêu thích lại lựa chọn dần rời xa sân khấu? Điều gì khiến Vũ Cát Tường sau 30 tuổi lại suy nghĩ nhiều về năng lượng và sự bình an trong cuộc sống?
Và điều gì đã khiến giọng ca sinh năm 1992, sau khi đi qua nửa đời người, chỉ mong mỏi được trở thành… người bình thường?
3 năm đi tìm một câu trả lời
Có người bảo rằng Vũ Cát Tường chắc đang “gặp vấn đề gì đó” mới chọn con đường dần rời xa sân khấu, không màng đến các bảng xếp hạng âm nhạc?
- (Cười) Tường nghĩ là do bản thân mình đã tới cái tuổi bắt đầu đặt câu hỏi thôi!
Những năm tháng tuổi trẻ, mình đi nhiều, làm nhiều, theo đuổi những thứ mà mình nghĩ phải đạt được cái này, cái kia thì mới hạnh phúc. Nhưng tới năm 30-31 tuổi, tự nhiên Tường bắt đầu ra đặt câu hỏi rằng mình thật sự muốn cái gì, trân trọng cái gì và đang theo đuổi cái gì?
Tất cả dấy lên bên trong buộc bản thân Tường phải dành thời gian đi tìm câu trả lời.
Vũ Cát Tường chia sẻ về cuộc sống sau 30 tuổi khi dần rời xa sân khấu (Ảnh: Hải Long).
Vậy những năm trước 30 tuổi, Vũ Cát Tường cảm nhận bản thân đi không đúng hướng?
- Thật sự bây giờ nhìn lại năm 2019-2020, Tường vẫn ngỡ ngàng, sao năm đó mình “trẻ trâu” vậy? (cười). Phiên bản sau 30 tuổi buộc mình phải học nhiều thứ sâu rộng hơn, bình tĩnh hơn.
Rồi đột ngột dịch Covid-19 diễn ra, mọi thứ đóng băng, nhiều mối quan hệ không còn phù hợp. Nhưng bạn biết không, điều đó lại cho Tường nhìn thấy nhiều thứ bên trong mình. Bởi năm 21 tuổi, Tường bước vào âm nhạc và bị từ chối nhiều. Chính điều đó tạo nên nỗi đau lớn khiến mình càng yêu nó, càng kiệt sức vì nó.
Nhiều lúc, Tường bất chợt hỏi mình: “Sao yêu mà lại đau đớn quá vậy?”. Sau nay, Tường mới biết: “À! Bởi tình yêu đó không lành mạnh”. Nó đặt trên vai Tường nhiều ước vọng, muốn bản thân phải đạt cái này cái kia, trở thành người này người nọ… đến kiệt sức.
Khi ấy, Tường cảm nhận bản thân nên bớt mong đợi và từ bi với chính mình hơn.
Sự từ bi với bản thân đó là như thế nào?
- Trong đoạn “sương mù” của cuộc đời, chúng ta đừng mong đợi ai hiểu mình, bởi chính bản thân mình còn đang không hiểu mình. Lúc đó, Tường không thể nói chuyện với ai, thậm chí là gia đình, ba mẹ. Tường đóng hết các cánh cửa lại, lắng nghe trực giác của mình để đi tìm câu trả lời.
Sau sự kỳ vọng, Vũ Cát Tường cho mình được từ bi với bản thân hơn (Ảnh: Hải Long).
Tường hiểu rằng khi bản thân mình chưa “sáng” thì âm nhạc của mình sẽ không thể “tỏ” được. Vì vậy, dù ngoài kia mọi người giục “Tường ơi, Tường đang làm cái gì vậy?”, nhưng trong lòng Tường thủ thỉ “hãy bỏ qua hết những ồn ào đi”.
Thời điểm ấy, bất cứ cái gì Tường trải nghiệm, Tường nghĩ đó là điều phải xảy ra nên bản thân cứ chân thành, trải nghiệm với 100% năng lượng. Tường tự cho phép mình thời hạn 3 năm từ 30 tuổi đến 33 tuổi chỉ để ngồi lại, đối thoại với bản thân.
Dành 3 năm chỉ để đi tìm một câu trả lời, liệu có quá lâu?
- Chúng ta có 2 cách để học một bài học. Thứ nhất là tự trải nghiệm nhằm thấu hiểu, đó là cách dành cho những “linh hồn trẻ”. Còn với những người trải qua nhiều kiếp như Tường, quan sát thôi là đã ra vấn đề. Nhưng càng “cứng đầu” thì cuộc đời càng đưa ra những bài học khiến cho bạn tỉnh ngộ.
Thế nên, nếu như tới năm 33 tuổi, Tường vẫn chưa tìm được câu trả lời, thì Tường vẫn phải tiếp tục đi tìm.
Tường có thực hiện podcast mang tên “Thời gian là đường một chiều”, tức con đường ấy mình không thể đi lùi. Ngày mai, bạn vẫn phải thức dậy đi làm, ngày hôm sau vẫn là một phép trừ, đẩy bản thân đến gần năm 33 tuổi.
Đừng đòi hỏi câu trả lời sẽ xuất hiện ngay, đôi lúc nó cần hơn 3 năm. Cái mình đang trải nghiệm là điều tất nhiên phải xuất hiện trong hành trình làm sáng tỏ bản thân. Vì vậy, mình không cần phải vội vàng.
Điều tốt nhất khi ta mắc kẹt trong bóng tối là nhắm mắt, từ từ điều chỉnh luồng sáng mới thấy được con đường!
“Là nhạc sĩ, phải thành thật với bản thân”
Trong hành trình đó, Tường đã thấy những gì?
- Sự ngổn ngang, chưa thành thật với con đường sáng tạo và bản thân.
Sự không thành thật đó có phải lý do khiến Tường từng chia sẻ rằng sẽ không bao giờ hóa thân thành ai khác trong các MV?
- Tường nghĩ mình không thể đóng một vai nào nữa! Bây giờ đạo diễn đưa cho Tường kịch bản, bắt Tường diễn, Tường không làm được! Mình thực hiện dự án là mang tới cảm xúc cho người khác, nhưng không thành thật với cảm xúc bản thân thì làm sao mang cho ai?
Đã đến lúc mình dũng cảm nói với khán giả rằng mình chỉ muốn đóng vai chính mình trong cuộc đời mình thôi!
Còn chuyện sáng tác, Tường cũng từng chia sẻ rằng bản thân biết công thức tạo ra những bản hit, thế nhưng hiện tại Tường lại không thực hiện nữa. Điều gì đã khiến Tường dừng lại?
Video đang HOT
- Tất cả đều đến từ 2 phía. Một người chưa có hit sẽ luôn khát khao có được. Đó là Tường của Vết mưa, Em ơi, Yêu xa… Những ca khúc này đã giúp khán giả biết Tường là ai. Nhưng sau khi có hit rồi thì sao?
Thời điểm đó, mỗi ngày Tường luôn đối diện với áp lực tạo hit cùng sự mong đợi của khán giả. Tường cảm giác nó giới hạn bản thân, buộc mình đi theo lối mòn mà không bao giờ dám mở rộng trải nghiệm cuộc sống khác hơn.
Bản chất của nhạc sĩ là ghi dấu cuộc đời, vì vậy họ cần phải thành thật với tác phẩm, với cảm xúc. Nếu không như thế, khác nào bạn “sinh con” cho xong?
Càng đi, Tường càng tin rằng sự phát triển của một người cần nhiều hơn thế. Nó không chỉ là hit mà còn là hệ giá trị bạn mang lại cho thế giới này.
Biết công thức tạo hit, nhưng Vũ Cát Tường chia sẻ sẽ không thực hiện để có nhiều trải nghiệm sống khác hơn (Ảnh: Hải Long).
Nhưng sự thật, chính khán giả nhận xét Tường không còn tạo ra nhiều hit, thậm chí nhiều người còn nói họ đang không hiểu Tường hát về điều gì…
- Giai đoạn từ 30 đến 33 tuổi, đừng mong đợi ai sẽ hiểu mình. Tất cả những thứ Tường đang làm là đi tìm câu trả lời, đối thoại với bản thân.
Có 2 điều mình phải làm trước khi bước ra nói chuyện với người khác: Một là chấp nhận chính mình, hai là chấp nhận sự thay đổi kèm theo đó là việc đừng mong đợi. Đừng mong đợi người ta hiểu, đừng mong đợi không có ai trách, đừng mong đợi sẽ nổi tiếng, bài hát thành hit…
Tường chọn ghi lại hết cuộc đời trong các sáng tác, để một lúc nào đó mình nhìn lại, kể cả khi thấy tấm ảnh Tường thời tóc xanh, tóc đỏ mà vẫn bật cười: “Trời ơi! Sao ngày xưa mình có thể làm được vậy! Hay thật!”.
Những sáng tác của mình gieo ở đâu, cứ để ở đó. Hiện tại khán giả chưa đi qua giai đoạn đó, chưa tới thời điểm mất mát người thân như mình đã trải, chưa thấy sự vô nghĩa trong cuộc sống như mình đã thấy… Nhưng khi họ đã đi qua, họ sẽ lật lại bài đó, nghe và hiểu.
“Tôi công khai giới tính để không bị hỏi bao giờ lấy chồng”
Sự “không hiểu” ở hiện tại đã khiến Tường gặp khó khăn như thế nào?
- Tường buộc phải đối diện với việc chia tay người yêu gắn bó 5 năm, bạn bè, cộng sự cũ… Nhưng Tường tin người nào “đúng” thì sẽ quay lại.
Trước 30 tuổi, mình suy nghĩ làm sai thì có thể làm lại. Qua 30 tuổi, cơ hội đó không còn nhiều. Cuộc sống trước là theo ý bản thân, nhưng đến giai đoạn này vũ trụ bắt mình sắp xếp lại để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Vì vậy, những mối quan hệ, cái tôi, sự kỳ vọng… đều đến lúc mình phải tập buông.
Chuyện tình yêu đồng điệu và come-out sau tuổi 30 cũng được Vũ Cát Tường tiết lộ (Ảnh: Hải Long).
Còn “người ấy” của Tường, liệu có thấu hiểu hết những gì Tường suy nghĩ?
- Thật sự con đường đi vào bên trong, Tường không thể dẫn theo ai. Tường vẫn đang đi tìm chính mình trước khi kết đôi với một ai đó. Bởi lẽ việc không hiểu mình dẫn đến chuyện mình dễ đặt những mong cầu, thậm chí là vết thương của mình lên người ta, làm khổ cả mình, cả người.
Nhưng may mắn mình nghĩ bạn ấy là một người có sự thấu cảm cao. Cộng với khả năng lắng nghe và trải nghiệm của chính mình, bạn ấy vẫn chia sẻ được với Tường.
Tại sao Tường chọn cột mốc 30 tuổi để quyết định công khai giới tính và chuyện tình yêu?
- Tường là người muốn rõ ràng với những người yêu quý mình. Thế nên, đó là lời khẳng định của Vũ Cát Tường để công chúng, khán giả không hỏi… khi nào lấy chồng.
Câu hỏi đó trước 30 tuổi thì vui. Sau 30 tuổi, mình lười trả lời nhưng lại sợ người ta nghĩ mình không tôn trọng họ. Vì vậy mình trả lời một lần để mọi người biết là Tường không vô tâm với câu hỏi đó.
“Một ngày nào đó ra đường không ai nhận ra, đó là người bình thường”
Đến 33 tuổi – thời hạn cuối cùng của quá trình đi tìm câu trả lời, Tường mong muốn nhìn thấy con người của mình như thế nào?
- Người bình thường.
Người bình thường ấy sẽ sống như thế nào?
- “Người bình thường như anh. Chẳng vội đi nhanh. Ngày ba bữa cơm canh. Tập vui lúc khó. Yêu từng bước nhỏ. Quen đối diện lắng lo…” (lời bài hát Người bình thường – PV).
Vũ Cát Tường chuẩn bị trở lại với concert “Người bình thường” (Ảnh: Hải Long).
Nếu mọi thứ thành hiện thực, một ngày nào đó bước ra đường không còn hào quang, không ai vẫy tay, xin chữ ký, Tường sẽ đối diện như thế nào?
- Ai cũng có “thời hạn sử dụng” của mình về tuổi tác, sức khỏe, sự nổi tiếng, bản hit… Càng về sau, nhiều nhân tài xuất hiện, tại sao Tường lại bắt khán giả vẫn chọn mình?
Trong 3 năm từ 30 đến 33 tuổi, Tường đã cho bản thân thời gian để suy nghĩ thật kỹ mình muốn gì. Ngay cả trong concert Người bình thường sắp diễn ra, có người hỏi “nếu không còn nhiều fan đến dự nữa thì sao?”. Thì mình chịu! Mình đã chấp nhận chuyện không mong đợi nên cần phải đối diện với tất cả khó khăn lẫn thành công.
Với Tường, mọi thứ đều là hạnh phúc! Bởi sau 30 tuổi, ở Tường, không còn câu chuyện “bài hit” nữa mà là tương lai, gia đình và chính bản thân.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của Vũ Cát Tường!
Vũ Cát Tường: Ở tuổi 30, thành công với tôi là tự do về mọi mặt
Vũ Cát Tường cho rằng trưởng thành của bản thân gắn liền với sự khủng hoảng và thất bại trong cuộc sống cá nhân. Vì vậy cô muốn lưu giữ những bài học về khủng hoảng đó, chứ không phải sự ca tụng về thành đạt cá nhân.
"10 tuổi tôi bắt đầu học piano, tuổi 20 sáng tác những bài hát đầu tiên, 21 tuổi tham gia Giọng Hát Việt 2013 và qua 25 tuổi đã làm concert đầu tiên, tuổi 27 được đánh dấu bằng album song ngữ, vừa 30 tuổi có hơn 50 sáng tác đã được viết và ra mắt công chúng", Vũ Cát Tường nhìn lại những cột mốc đáng nhớ của mình.
Và nhắc tới tuổi 30, Tường chia sẻ chưa biết cuộc sống sẽ cho mình trải nghiệm gì, viết chương tiếp theo của đời mình thế nào nhưng Tường biết chắc bản thân muốn gì và thích làm gì.
Cột mốc tuổi 30 có ý nghĩa thế nào với Vũ Cát Tường?
Live concert vừa rồi đánh dấu cột mốc 30 tuổi của tôi. Những năm trước, nếu tôi làm show, chị sẽ không gặp được tôi đâu. Nhưng lần này, tôi đón nhận với tâm thế bình yên. Cảm tưởng ngày mai diễn, bước lên sân khấu tôi hát vẫn được. Làm được điều đó vì tôi nghĩ bản thân không còn khoác lên mình quá nhiều thứ hình thức hóa, không cần bề ngoài, màu mè.
10 năm trước tôi đã "đánh rộng", tổ chức show hàng nghìn khán giả để mọi người biết Vũ Cát Tường. Còn bây giờ, tôi cần chiều sâu nên tổ chức show diễn với khán giả chưa tới 500 người. Mọi người đến như chung vui với tôi thôi.
Tôi biết lựa chọn của mình khác nhiều nghệ sĩ. Có người chọn cột mốc năm 30 tuổi thường tổ chức lớn, thể hiện thành tựu mình đạt được. Nhưng với tôi, thành tựu lớn nhất năm 30 của mình chính là sự trưởng thành. Tôi cảm giác những thành tựu, danh hiệu bên ngoài mình có thể gọi tên nó không góp phần quá nhiều vào sự trưởng thành của mình đâu. Trưởng thành thường nở hoa khi gắn liền với sự khủng hoảng và thất bại trong cuộc sống cá nhân nhiều hơn. Tôi muốn lưu giữ những bài học về khủng hoảng đó chứ không phải sự ca tụng về thành đạt cá nhân.
Người ta chỉ có thể rũ bỏ được sự màu mè khi thật sự tự tin, tự do, là chính mình trên sân khấu?
Đúng vậy. Và biết đủ nữa. Tôi nghĩ sự tự do vẫn luôn ở đó chỉ là mình nhìn thấy nó không. Khó cho chúng ta là luôn có khoảng thời gian bị xao nhãng bởi tiếng ồn ở bên ngoài. Chẳng hạn ta phải đạt được cái này hay cái kia mới là thành công, theo quan điểm của người khác. Tôi không dám nói mình đã tự do hoàn toàn mà chỉ dám đưa ra định nghĩa của mình. Tự do với tôi đó là làm điều mình thích, trong khoảng thời gian mình muốn, theo cách mình muốn.
Vậy Tường đã đạt được sự tự do đó bằng những cách nào?
Tôi nghĩ cần thời gian, kiên nhẫn, kỷ luật. Để được tự do bạn phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Một người làm ở công ty, phải theo sự sắp xếp của đơn vị chủ quản nhưng một người khi có quyền làm chủ thời gian của chính mình, tự do thì phải chủ động đưa ra mọi thứ, sắp xếp và làm việc nhiều hơn như vậy. Vì nếu mình không hoạt động thì không có thứ gì xung quanh mình hoạt động cả. Có thể nói để được tự do tôi phải kỷ luật sắt với chính mình. Tôi tự giác đi kiếm con đường của mình, nghĩ ra mọi kế hoạch chứ không có ai vạch sẵn cho cả.
Nếu kỷ luật sắt với thời gian của mình thì việc sáng tác có bị đưa vào guồng công nghiệp hay vẫn có thể tùy hứng?
Tôi thấy thú vị khi từ từ khám phá bản thân. Những sáng tác của tôi đa số được tích lũy từ vốn sống theo thời gian. Chỉ là tới thời điểm nào đó nó đủ chín thì sẽ lóe qua đầu và tôi phải viết ra. Nghe có vẻ ngẫu nhiên nhưng đó là quá trình tích lũy nhiều năm, thông qua sự quan sát, trải nghiệm và cảm nhận của mình.
Vũ Cát Tường cho hay bản thân có khả năng viết được những gì mình trải qua mà không phải chạy theo trend
Những gì Vũ Cát Tường chia sẻ qua bài hát giờ đây không còn gói gọn trong chủ để tình yêu, chia tay . Đó là minh chứng cho sự trưởng thành?
Mọi con đường đều dẫn tới việc chúng ta hiểu chính mình và mọi thứ xung quanh hơn. Và tôi nghĩ đó là nhận biết của mỗi người về nhân sinh. Cũng có thể với người khác là dở nhưng với Tường là lợi thế. Tôi được ban cho khả năng được viết những gì mình trải qua mà không cần phải đi theo bất kỳ trend nào. Nhiều người nhìn vào và nghĩ sao Vũ Cát Tường ngu ngốc, không tận dụng khả năng, bắt trend để kiếm tiền. Nhưng tôi nghĩ âm nhạc là vòng tuần hoàn: trend - hết trend - lại trend. Vậy nên không phải vấn đề trend như thế nào mà nghệ sĩ sử dụng ngòi bút để nói lên suy nghĩ của mình.
10 năm trước, bạn từng chia sẻ tự tin nắm bắt được công thức tạo nên một bản hit. Bây giờ công thức ấy có thay đổi?
Thời gian làm cho con người ta thay đổi. Vũ Cát Tường từng viết ra bài hit, đứng trước hàng chục nghìn người trên sân khấu. Những trải nghiệm đó tôi đi qua rồi và cái gì đọng lại trong mình? Rõ ràng khi tôi đi qua và hiểu rằng nếu muốn thứ gì mình cũng làm được thôi. Nhưng sau khi trải nghiệm, mình cảm nhận thế nào mới quan trọng. Sẽ có những mục tiêu trong cuộc đời mà mình gắn cho nó những từ ngữ hoa mỹ, lớn lao. Nhưng càng lớn, càng trưởng thành, tôi cảm thấy tất cả chỉ là trải nghiệm. Tôi không muốn bị cái gì đó định danh hoặc người khác đặt cho mình định nghĩa.
Những năm 30 tuổi, trưởng thành hơn, mình càng tôn trọng bản thân, tôn trọng những gì mình muốn theo đuổi, xem đó là giá trị. Những năm 20 tuổi mình đã nghe theo định nghĩa của người khác về sự thành công. Thời điểm này, tôi phải tái cấu trúc lại những gì đã được hiểu. Bây giờ, tôi như đang detox suy nghĩ, sẽ có những thứ mới nhập vào, và có thứ cũ nên thay đổi.
Vũ Cát Tường chia sẻ bản thân hiện không còn đau đáu đặt mục tiêu phải viết bài hit
Nghĩa là bây giờ Vũ Cát Tường không còn đau đáu về việc tạo ra các ca khúc hit?
Có lẽ một bạn trẻ mới vào nghề trả lời về câu hỏi này sẽ hợp hơn tôi. Tôi đã qua thời đặt mục tiêu viết bài để tạo hit mà bây giờ tôi nghĩ viết lên những gì mình suy nghĩ. Ca khúc đó có thể hit hoặc không nhưng khi đã là tài sản trí tuệ của mình, theo thời gian nó vẫn sẽ ở đó và có giá trị của riêng mình. Trong sáng tác, tôi quan trọng là mình đang viết đang hát cho ai nghe, có thể hiện đúng những gì mình nghĩ không.
Thời gian rất quan trọng, thời gian sẽ thay đổi mình. Tuổi 20 đi qua có những khủng hoảng, trải nghiệm tốt và không tốt làm thay đổi hệ giá trị của mình. Và tôi luôn tin không có gì mua được trải nghiệm của sự trưởng thành dù bạn ở độ tuổi nào, để trưởng thành tất cả đều phải đi qua sự thử thách mà thời gian và cuộc đời sắp đặt, không thể dùng tiền để đi đường tắt được.
Tôi hay nói vui là "bạn không thể lobby vũ trụ để được bỏ học". Vì vậy, cái tôi thật sự đau đáu là làm sao để học trong cuộc đời này, để mình trưởng thành hơn và thật sự cống hiến được gì trong suốt quãng đường là nhạc sĩ, ca sĩ, chứ không phải mình đã được ca tụng bao nhiêu.
Định nghĩa thành công của Tường ở tuổi này khác gì tuổi 20?
Đối với tôi thành công là tự do, tự do về mọi mặt: thời gian, vật chất, tư duy suy nghĩ và những lựa chọn về con đường của mình. Với cá nhân tôi thì thấy quý giá nhất chính là tự do về thời gian và tư duy suy nghĩ. Còn vật chất thì chỉ cần mình biết đủ thì tự do tài chính từ từ sẽ đến thôi. Trong hành trình đi đến tự do đó mình vẫn không ngừng trau dồi kỹ năng và tính cách.
Hành trình 10 năm của Vũ Cát Tường dường như khá suôn sẻ, êm đềm bởi ngay từ khi bước vào showbiz bạn đã nhanh chóng được đón nhận?
Tôi tin vào tính thời điểm, thời khắc, thời vận. Khi thời điểm chưa tới, bạn có đổ hàng tỷ đồng thì sản phẩm vẫn không bùng nổ. Nhưng đúng thời điểm, có khi chỉ cần bài demo, đăng lên cũng trở thành hit. Giống như chuyện tôi come out, tôi đâu biết phản ứng của khán giả thế nào. Tôi đoán khán giả có thể rời đi, gây những luồng ý kiến khác nhau. Nhưng tôi lại được chia sẻ rất nhiều.
Tôi quan niệm cái gì đúng thời điểm, đúng quỹ đạo thì sẽ mở ra con đường thênh thang cho mình. Tại sao chị lại nghĩ tôi suôn sẻ mà không nghĩ rằng vì tôi đã đi đúng đường? Thử hỏi nếu chỉ cần chúng ta đi đúng đường thì mọi thứ cũng sẽ mở ra êm đềm như vậy mà không theo định nghĩa của người khác về thành công.
Bây giờ, nếu tôi còn bon chen chuyện top trending, ca khúc hit chưa chắc tôi đã hạnh phúc đâu. Tôi nghiệm ra rằng mọi thứ chỉ là trải nghiệm khoảnh khắc thôi. Để xây một giá trị theo đường dài thì cần thời gian. Cái gì mì ăn liền thì nhanh đến và nhanh bị lãng quên. Tôi tự hỏi tại sao mình phải đánh đổi như vậy.
Có một lần, tôi từng khuyên bạn nghệ sĩ trẻ rằng: "Em có khả năng viết nhạc, hát thì cứ mài dũa đi, hãy đi chậm lại nếu cần thêm trải nghiệm. Em cứ viết nhạc nhiều, để giới thiệu mình là ai trước, từ từ khán giả mới đón nhận". Bạn đó trả lời: "Em không phải người được đón nhận như Tường". Bạn đó không nghĩ từ đầu sự nghiệp tôi cũng như bạn. Tại sao bạn không nghĩ tôi có suy nghĩ đó mới có được ngày hôm nay, mà lại nghĩ Tường phải thành công như ngày hôm nay mới có suy nghĩ đó.
Chúng ta luôn bất an vì nghĩ phải có cái này mới làm được cái kia. Đừng nghĩ thế, không có cái gì thì mình làm từ đầu thôi. Bớt đòi hỏi những điều kiện thì mình sẽ cảm thấy vui, mở ra nhiều điều hay.
Tường cảm thấy mình tự do, được làm những điều mình thích. Còn tôi, được nghe nhiều người nhận xét Vũ Cát Tường chảnh, đòi hỏi khi đi diễn?
Nếu mọi người biết, tôi đi diễn chưa bao giờ yêu cầu có vệ sĩ. Tôi đi tới đâu cũng chỉ có một mình và trợ lý. Tôi thích lối sống khép kín low-key, không ai biết mình, đừng nhiều người, đừng quá ồn ào. Chỉ cần lúc lên sân khấu mình hát và mọi người biết mình là được rồi. Sau khi hát xong, xuống sân khấu, tôi lặng lẽ đi về.
Còn tất cả những gì thuộc về công việc, tôi đòi hỏi phải đạt tiêu chuẩn của mình. Chẳng hạn đi hát, bắt buộc phải có âm thanh, ánh sáng, micro tốt vì đó là uy tín của mình. Nếu âm thanh bị "oét" thì khán giả sẽ không biết hậu trường thế nào mà chỉ đánh giá về giọng hát của tôi. Tôi yêu cầu chuyện đó tuyệt đối.
Ngoài ra, đi đâu, làm gì, nếu không phải vì công việc, tôi quan trọng sự riêng tư. Ở chỗ đó, nếu mình không sẵn sàng tiếp ai, thì đó là không gian riêng tư. Ở nhà cũng vậy, nếu không có việc thì mọi người cũng không gọi tôi. Tôi không thích ồn ào, khua chiêng múa trống đâu.
Thực ra cái may mắn là tôi có là fan hiểu ý mình. Họ biết mình sợ đám đông nên kể cả khi họ tập trung chỗ đông người, luôn giữ khoảng cách để tôi cảm giác yên tâm, không bị vồ vập. Từ bé, tính tôi đã khép kín, tự ti trước đám đông. Bây giờ, tính tôi đã đỡ hơn, nói chuyện với người xung quanh, tự tin hơn. Tôi cũng như những người học về nghiên cứu khá tự kỷ, thiên về phân tích và vui trong không gian của mình thôi.
Tường đã nói sự thay đổi bản thân đến từ những trải nghiệm kinh khủng. Đâu là trải nghiệm đáng nhớ của bạn?
Với Tường thời gian dịch bệnh đánh động vào những giá trị, tâm thức của mình rất nhiều. Tôi đặt dấu chấm hỏi cho tất cả những định nghĩa và ý nghĩa về thành công, nổi tiếng, tiền bạc, quyền lực... Nói chung tất cả những gì mà một người bình thường luôn muốn có trong thế giới vật chất. Tôi cũng đặt câu hỏi về những điều quý giá nhỏ bé mà mình luôn cho là hiển nhiên và bỏ qua. Ví dụ, mình từng nghĩ thở là đương nhiên, nhưng lúc đó người ta mua oxy để được thở, tranh nhau vào bệnh viện. Có những chuyện khi ổn định, mình không nghĩ đến chuyện đó, trải qua mới biết trân trọng.
Nhìn lại mọi thứ, tôi nhận ra chúng ta thật sự cần ít vật chất hơn những gì mình nghĩ. Trước dịch, tôi sống một mình ở nhà quận 3, rộng nhà 147 m2 với hai con mèo. Vào đợt dịch, tôi chuyển về ở với những người thân vì sợ không thể di chuyển nếu có việc và chỉ ở trong căn phòng hơn 10 m2. Nhưng tôi thấy vui lắm vì sáng thức dậy có người thân nấu đồ ăn, nói chuyện. Như vậy đâu nhất thiết phải ở căn nhà to mới vui.
Ngày xưa mình muốn có nhà to, có 2-3 cái thì bây giờ đã có. Nhưng nếu cứ liên tục đòi hỏi thì không biết bao giờ là đủ. Có thể xã hội luôn đặt ra nhiều KPI để người ta phải chạy theo khẳng định mình với bên ngoài, khiến mình có 1 nhà rồi phải có 2 cái. Cho nên mình thấy phải đạt được như thế, mới được cho là thành đạt.
Trải qua mùa dịch với nhiều mất mát, tôi thấy mình chỉ cần được yêu thương, tự do. Suy cho cùng, nghệ sĩ khi muốn lọt top trending cũng là mong nhận sự yêu thương và ghi nhận từ khán giả. Vậy tại sao chúng ta không muốn yêu thương từ đầu để cuộc sống tự mở ra cho chúng ta nhiều hướng hơn chỉ là có một?
Sau ba tháng công khai giới tính, cuộc sống của Tường bị ảnh hưởng ra sao?
Ban đầu, tôi không nghĩ công khai vì tin rằng mình không nói thì ai cũng biết. Tuy nhiên, các bạn trong team nói với tôi: "Thật ra Tường chính thức nói ra cũng khác đấy. Người biết rồi thì khi Tường nói, họ càng có thêm sự khẳng định. Người giống Tường, bị sợ hãi khi công khai giới tính thì Tường giúp họ có động lực".
Tôi vốn không phải là người thích nói về bản thân, vấn đề cá nhân ai hiểu thì hiểu mà không thì thôi. Ngay từ đầu viết nhạc tôi vẫn xưng "anh". Tôi nghĩ đơn giản, khán giả nếu muốn hiểu Tường hãy nghe nhạc của mình. Nhưng tới thời điểm, tôi phải nghe quá nhiều câu hỏi: bao giờ Tường lấy chồng. Tôi thấy cần có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Sau này, tôi còn có người yêu, lập gia đình, phải cho người ta danh phận, phải ghi nhận, công sức mà họ đóng góp cho mình. Vì vậy, tôi xin phép phải nói thật thôi.
Hỏi thật, có khi nào Tường phải đấu tranh giữa hai khía cạnh - tính nam và tính nữ trong bản thân mình?
Tôi không bao giờ từ chối phần nữ tính trong con người của mình. Có những người như tôi sẽ chôn vùi phần nữ tính đó. Tôi nghĩ mỗi người là sự độc đáo riêng và nên đón nhận tất cả những phiên bản của mình. Kể cả người yêu cũng phải chấp nhận việc cơ thể vật lý của tôi không phải là nam. Và tôi cũng đón nhận phần nữ của mình như là tất yếu. Có những ngày mình khó ở, cái gì cũng làm mình khó chịu bởi mình đâu phải nam tính 100%.
Đó là lý do tôi chọn mặc váy chứ không mặc vest khi come out. Đó cũng là cách ngầm nói rằng tôi đang đón nhận phần nữ tính của mình. Nó đâu phải xấu xí gì, nó là một phần cuộc đời mình mà. Nếu cố tình chôn vùi phần nữ tính, mình không phải là mình nữa.
Tôi tin mọi thứ được tạo nên trong thế giới này đều có lý do. Không phải bỗng nhiên tạo hóa cho mình tính nam trong thể xác người phụ nữ. Có thể tạo hóa cho tôi được tự do trong tất cả các định nghĩa. Và đó là lợi thế của những người như tôi. Không ai định danh bạn và bạn được sống tự do. Vậy tại sao tôi phải từ chối phần nữ tính đó? Thực sự một người được chữa lành là khi họ chấp nhận 100% mình là như vậy.
Phần nữ tính được bộc lộ ở Tường nhiều nhất khi nào?
Trong công việc, tôi rất nam tính, tư duy logic. Còn nữ tính có lẽ nằm trong cách tôi cư xử. Khi bàn về vấn đề gì tôi đi khá mềm mại, vào chiều sâu, lý do và khá nắm bắt tâm lý đối phương. Trong khi đó người nam đa số vô tâm, khá cạn trong việc nắm bắt tâm lý người khác. Sự tinh tế, nhạy cảm cũng giúp tôi trong việc viết nhạc.
Khi làm việc tính nam của tôi rất rõ ràng. Nhưng tôi nghĩ hai thái cực luôn hỗ trợ nhau. Khi âm dương càng phối hợp, tôi càng cảm thấy tự do và thăng hoa. Có những bạn như tôi chọn cách chôn vùi nữ tính, thực ra sâu trong lòng họ chưa được chữa lành.
Vũ Cát Tường cho rằng hai khía cạnh - tính nam và tính nữ - trong người giúp mình thăng hoa hơn trong âm nhạc
Người yêu phản ứng thế nào khi Tường có những phút giây thể hiện nhiều sự nữ tính?
Tôi nghĩ mình rất thật với bản thân và người ở bên cạnh. Người ta đón nhận phần nữ tính của tôi. Hơn nữa, tôi không đem hình ảnh ngôi sao trên sân khấu về nhà. Trong môi trường nào mình sống đúng như vậy.
Vũ Cát Tường cho biết đang hạnh phúc bên người yêu lâu năm
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của Vũ Cát Tường!
Vũ Cát Tường: Tự lập từ sớm, nuôi các em ăn học Ở tuổi 30, Vũ Cát Tường có sự nghiệp đáng ngưỡng mộ và một niềm tự hào riêng đó là nuôi các em khôn lớn, trưởng thành. Vũ Cát Tường là cái tên quen thuộc với hầu hết khán giả yêu nhạc. Cô được biết đến là một nữ ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng tại Việt Nam....