Vụ cắt nhầm thận ở Cần Thơ: Bệnh nhân vẫn chưa được ghép thận
Trước Tết Nhâm Thìn 2012, tưởng như bệnh viện có thể tiến hành ghép thận ngay được cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú vì đã có người cho thận (người nhà bệnh nhân). Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, bệnh viện vẫn chưa thể ghép thận được cho chị Tú.
Chị Túđang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (Ảnh: Đại Dương)
Sáng 23/4, Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Phú – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế – cho biết: Sau khi được chuyển từ Bệnh viện Cần Thơ ra Huế tháng 1/2012, bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (ngụ tại ấp Thới Thuận B, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đang được Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành các xét nghiệm cần thiết để có thể ghép thận.
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, tưởng như bệnh viện có thể tiến hành ghép thận ngay được cho bệnh nhân Hứa Cẩm Tú vì đã có người cho thận (người nhà bệnh nhân) đến từ Cần Thơ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, bệnh viện chưa thể ghép thận được cho chị Hứa Cẩm Tú.
Nguyên nhân là sau khi bị cắt nhầm thận, chị Tú được truyền thêm nhiều máu, cơ thể đang trong quá trình mẫn cảm (thải ghép), cần phải có thời gian điều trị để ổn định trước khi ghép thận cho bệnh nhân, chứ không có vấn đề gì về chuyên môn.
Video đang HOT
Về sức khỏe của bệnh nhân hiện nay, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết: Trong quá trình điều trị từ trước Tết Nguyên Đán 2012 đến nay, sức khỏe của chị Tú tạm ổn định, tuy phải chạy thận định kỳ, nhưng bệnh nhân vẫn đi lại được.
Trước đó, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trưởng đoàn chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế là GS – TS Bùi Đức Phú, Giám đốc bệnh viện, Chủ tịch Hội đồng ghép tạng của Bệnh viện cùng các thành viên khác là PGS – TS Hoàng Văn Tùng, Trưởng Khoa Ngoại thận tiết niệu; Thạc sĩ – Bác sĩ Ngọc Tuấn Anh, Phó Trưởng Khoa Nội thận nhân tạo, đã đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ thăm, đồng thời quyết định phương án đưa bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị, ghép thận.
Đây là trường hợp bệnh nhân bị cắt hai quả thận do sai sót về chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trong quá trình phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân vào tháng 12/2011.
Theo Dân Trí
Kỷ luật bác sĩ 'cắt nhầm' thận bệnh nhân
Hơn bốn tháng xảy ra vụ đau thận trái cắt luôn thận phải xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu là bác sĩ Trần Văn Nguyên đã bị kỷ luật.
Ngày 21/4, lãnh đạo Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết đã chính thức kỷ luật cảnh cáo bác sĩ Trần Văn Nguyên, Trưởng Khoa Ngoại thận - Tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Đây là bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật thận trái rồi cắt luôn thận phải của bệnh nhân Hứa Cẩm Tú (37 tuổi) ngụ thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Đối với bác sĩ chẩn đoán hình ảnh không phát hiện chị Tú bị thận móng ngựa, bệnh viện nghiêm khắc phê bình trước tập thể để rút kinh nghiệm.
Vụ việc xảy ra hơn 4 tháng trước, khi chị Tú thấy đau râm ran ở vùng bụng. Anh Nguyễn Thiện Trí đưa vợ đi khám, kết quả siêu âm cho thấy thận trái của chị Tú bị ứ nước độ 3 nên ngày 1/12/2011, người chồng đưa vợ đến Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ điều trị. Tại đây, chị Tú được bác sĩ Nguyên trực tiếp điều trị.
Bốn tháng trước, chị Tú bị cắt mất hai quả thận tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ.
Đến ngày 6/12/2011, anh Trí được tư vấn ký giấy cam kết chấp nhận mổ nội soi cho vợ. Tuy nhiên, trong quá trình mổ do ông Nguyên làm trưởng ca, các bác sĩ thấy máu ra nhiều nên chuyển mổ hở. Hai ngày sau, anh Trí đưa vợ vào phòng siêu âm khi thấy có dấu hiệu bất thường thì phát hiện trong ổ bụng chị Tú không còn quả thận nào.
Sau đó, vụ việc được báo chí tiếp cận nên Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ mời các chuyên gia về thận tiến hành họp đánh giá ca phẫu thuật. Kết quả cho thấy, quá trình can thiệp ngoại khoa, bác sĩ phát hiện chị Tú bị thận móng ngựa với hai quả thận dính nhau. Đây là dị dạng hệ tiết niệu rất hiếm gặp, dễ gặp biến chứng khi phẫu thuật bởi có nhiều mạch máu chằng chịt. Vì vậy, khi thấy các vết cắt khó cầm máu, các bác sĩ đã chọn phương án cắt luôn thận phải vì "bất khả kháng".
Đầu năm 2012, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được Bệnh viện Trung ương Huế hỗ trợ, chuyển chị Tú ra Huế ghép thận. Sau đó, nhiều người muốn hiến thận cho chị Tú cũng bay ra Huế xét nghiệm nhưng đến nay bệnh nhân vẫn chưa được ghép thận.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Đức Phú (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế), lý do chưa thể ghép thận cho chị Tú vì hiện nay phản ứng tiền mẫn cảm của bệnh nhân này vẫn còn dương tính. Nếu ghép thận lúc này thì nguy cơ thải ghép rất cao.
Trong thời gian qua, nhờ sự chăm sóc tích cực của bênh viện nên tỷ lệ phản ứng tiền mẫn cảm của chị Tú từ 80% giảm xuống 60% vào tháng thứ hai và hiện chỉ còn ở mức 30%. Khoảng một tháng nữa, nếu phản ứng tiền mẫn cảm của chị Tú đạt mức âm tính thì bệnh viện sẽ tiến hành ghép thận với người hiến thận phù hợp đã được chọn.
Theo kế hoạch, sáng nay (21/4), chị Tú và anh Trí đáp chuyến bay từ Huế vào TP.HCM, rồi sau đó được Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đón về quê thăm gia đình hai tuần. Khi về quê, chị Tú sẽ được bác sĩ chăm sóc sức khỏe, lọc máu, chạy thận nhân tạo như những ngày ở Huế.
HỒNG DÂN
Theo Infonet.vn
Kỷ lục Việt Nam: Bệnh viện ghép thận, gan, tim đầu tiên Bệnh viện 103, Học viện Quân Y được công nhận là bệnh viện ghép thận, gan, tim đầu tiên tại Việt Nam. Vào ngày 6.1.2012, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận Bệnh viện 103 thuộc Học viện Quân Y (Hà Nội) là bệnh viện đã tiến hành các ca ghép thận, gan, tim đầu tiên tại Việt Nam....