Vụ Cảnh sát dùng súng khống chế kiểm lâm: Khởi tố tổ trưởng tổ tuần tra
Nguồn tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết cơ quan CSĐT, Bộ Công an, vừa tống đạt quyết định khởi tố đối với Lê Đức Hải, tổ trưởng tổ tuần tra chiếc xe chở gỗ vi phạm trong vụ cảnh sát dùng súng khống chế kiểm lâm ngày 1/8.
Theo đó, Lê Đức Hải (SN 1979), nguyên là Trạm trưởng Trạm kiểm lâm của Đội Kiểm lâm Cơ động và PCCCR số 1 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hoá bị khởi tố vì hành vi “nhận hối lộ” theo Điều 279 BLHS. Các quyết định và lệnh trên đều đã được viện KSND tối cao phê chuẩn.
Trước đó, sáng ngày 1/8, tổ công tác của đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 Thanh Hóa do Hải làm tổ trưởng tuần tra, kiểm soát trên quốc lộ 1A được báo có xe ôtô mang BKS: 37C-060.12 đang chở gỗ vi phạm. Khi chiếc xe chạy qua địa bàn huyện Quảng Xương đoạn cầu Sông Lý thì bị tổ tuần tra của Hải phát hiện và tạm dừng.
Lê Đức Hải đã bị khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng
Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện ngoài số gỗ cẩm lai theo hồ sơ, trên ôtô này còn có gỗ xẻ giáng hương (nhóm I) không có thủ tục vận chuyển theo quy định của pháp luật nên yêu cầu tài xế đưa xe và hàng về trụ sở đội tại số 305 Bà Triệu, P.Hàm Rồng, TP Thanh Hóa để xử lý.
Tại đây, Hải đã đòi chủ xe chở gỗ phải chi 100 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm. Đến khoảng 18h cùng ngày, khi Hải đang nhận số tiền 100 triệu đồng thì lực lượng CSĐT chống tham nhũng- Bộ Công an ập vào bắt quả tang.
Ngay lập tức, Hải mang 2 cọc tiền vừa nhận chạy lên vứt tại sảnh tầng 2 trụ sở để thủ tiêu chứng cứ. Tuy nhiên, lực lượng công an đã thu giữ toàn bộ số tiền trên.
Chiều ngày 13/8, trao đổi với PV, ông Lê Quốc Việt, Chi cục Phó Chi cục kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết đơn vị cũng vừa nhận được thông báo của Bộ Công an về việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can vụ án hình sự xảy ra tại Đội kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1 theo quyết định số 09 ngày 8/8/2014 của cơ quan CSĐT Bộ Công an.
Nguyễn Thùy
Video đang HOT
Theo dantri
Kiểm lâm nhận hối lộ: Kết cục tất yếu việc "làm tiền" trắng trợn
Mấy ngày qua dư luận không ngớt xôn xao về vụ việc công an bắt quả tang ông Lê Đức Hải, Tổ trưởng tổ tuần tra kiểm soát QL1A, thuộc đội Kiểm lâm cơ động tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ 100 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm cho một xe gỗ có nguồn gốc từ Nghệ An.
Trước khi vụ án nhận hối lộ bị phanh phui, đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 1 tỉnh Thanh Hóa đã có rất nhiều tai tiếng về việc "hành ra bã" những xe chở lâm sản và "làm tiền" các chủ hàng.
Những thông tin chưa cũ
Khoảng 14h ngày 11/8/2011, chiếc xe tải chở 42 tấn gỗ đi Hà Nội qua đoạn đường tránh TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hoá) bị đội Kiểm lâm cơ động số 1 (chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa) dừng xe kiểm tra. Tổ công tác yêu cầu lái xe mở bạt ra để kiểm tra. Một kiểm lâm viên nói: "Gỗ sai quy cách, kích cỡ so với tờ khai". Lúc bấy giờ, tài xế xe tải "xin giải quyết" luôn ngoài đường nhưng tổ công tác yêu cầu đưa xe về đội rồi "có gì, anh nói chuyện với lãnh đạo". Xe về đội, tài xế mang giấy tờ vào gặp cán bộ tên Hiệu làm biên bản và hẹn hôm sau giải quyết.
Sáng 12/8, tài xế đến trụ sở đội Kiểm lâm cơ động số 1 để giải quyết sự việc. Sau khi kiểm tra giấy tờ, một kiểm lâm yêu cầu gọi chủ hàng lên làm việc. Biết ý của kiểm lâm nên tài xế đã chủ động "xin giúp đỡ" thì được người này gợi ý: "Muốn tạo điều kiện thì phải đề xuất". Không muốn phiền hà nên tài xế xin làm cách nào để không phải đổ gỗ xuống. Lúc bấy giờ, một kiểm lâm khác ngồi gần đó chen vào: "Việc của anh sai rất lớn nhưng châm chước cho anh xin ý kiến chủ hàng rồi đề xuất thoải mái". Một lúc sau, tài xế xuống nước và được kiểm lâm viên hướng dẫn lên gặp sếp Chiến (đội trưởng - PV) hoặc anh Hiệu để đề xuất giải quyết nhanh.
Vừa giáp mặt, cán bộ có tên là Hiệu hỏi tài xế: "Có đổ gỗ xuống không", "xuống ít thôi, còn bồi dưỡng bao nhiêu để tôi biết mà gọi cho chủ hàng chi". ông Hiệu lưỡng lự rồi nói chờ xin ý kiến lãnh đạo. Một lát sau ông Hiệu nói: "Xuống ít nhất dưới 1m3, thuộc khung phạt 6,5 triệu đồng". Tài xế bối rối: "Còn tiền nước non?". ông Hiệu nói: "Bảo chủ hàng gửi trước 15 triệu đồng, bồi dưỡng cho lãnh đạo tí, anh em tổ công tác tí, cộng tiền phạt 6,5 triệu đồng".
Ngày 31/8/2011, cũng là một chiếc xe chở gỗ từ Gia Lai đi Bắc Ninh khi đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa thì bị đội Kiểm lâm cơ động thổi còi rồi đưa về kiểm tra như thường lệ. Tài xế xe tải tên T. cho biết, ban đầu các kiểm lâm "hạch" đủ thứ lỗi mà trên thực tế không hề có rồi trắng trợn đòi "bồi dưỡng" 10 "chai" (10 triệu đồng - PV). Tuy nhiên, sau một lúc kỳ kèo, than nghèo, kể khổ thì họ "bớt" cho 2 triệu đồng.
Nghi án "cài bẫy" lái xe
Giữa năm 2012, theo tố cáo của hãng vận tải M.L. thì kiểm lâm Thanh Hóa đã có nhiều hành động được cho là "cài bẫy" lái xe của hãng này để phạt. Họ lặp đi, lặp lại kịch bản tương tự đối với nhiều lái xe khác nhau. Theo tường trình của lái xe Hoàng Văn X., ngày 30/5/2012, anh lái xe taxi BKS 37S - 0553 nhận cuộc gọi từ tổng đài yêu cầu đến cây xăng số 3, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đón 2 khách và được yêu cầu chở ra tỉnh Ninh Bình. Khoảng 11h30 cùng ngày, khi xe đi đến địa phận huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) thì bị đội Kiểm lâm cơ động số 1 dừng xe và yêu cầu tài xế đưa xe và hành lý của hai hành khách về trụ sở đội để lập biên bản nhưng không yêu cầu hai chủ hàng là hành khách đi xe về cùng. Đến 13h30, Kiểm lâm Thanh Hóa đã lập biên bản đơn phương đối với lái xe, tạm giữ tang vật gồm: Rắn ráo trâu, tê tê Java, rắn hổ mang và ô tô taxi BKS 37S - 0553. Đến ngày 19/6/2012, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt đối với lái xe Hoàng Văn X. số tiền 250 triệu đồng và tạm giữ phương tiện cho đến khi lái xe nộp đủ tiền phạt.
Sau khi vụ việc trên xảy ra, lãnh đạo công ty taxi M.L. đã nghi ngờ tại sao, chủ hàng là hành khách đi xe lại được thả? Theo quy định phải lập biên bản tại chỗ có sự chứng kiến của các bên như hành khách, lái xe và các biên liên quan thì Kiểm lâm Thanh Hóa lại đưa xe về đội, thả hành khách và lập biên bản đối với lái xe, bắt lỗi lái xe taxi vận chuyển lâm sản trái phép? Sự việc đã khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về cách làm việc của lực lượng kiểm lâm ở Thanh Hóa.
Tương tự trường hợp trên, cũng theo đại diện hãng M.L., ngày 30/5/2012, xe taxi M.L. Thanh Hóa chở khách ghép về Quảng Xương thì bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ. Đội Kiểm lâm cơ động số 1 đã lên xe taxi lái về trụ sở và lập biên bản. Tuy nhiên điều lạ lùng là khi về đến Đội thì chỉ có lái xe và đội kiểm lâm, hai vị khách kia bỗng nhiên biến mất và đơn vị này vẫn đơn phương ra quyết định xử phạt lái xe 40 triệu đồng... ông Hồ Quốc Phi, chánh văn phòng Chủ tịch HĐQT hãng M.L. bức xúc: "Tất cả sự việc trên đều có sự trùng lặp không hề ngẫu nhiên. Tại sao lại không xử phạt chủ hàng (hành khách của chúng tôi) mà đơn phương xử phạt lái xe, như vậy có nghĩa là quy tội cho lái xe vận chuyển lâm sản trái phép?
Một trong những chiếc xe tải bị "hành" năm 2011.
Gieo nhân nào gặt quả ấy
Tối 31/7/2014, trong khi đang làm nhiệm vụ, tổ công tác đội Kiểm lâm cơ động số 1, thuộc chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhận được tin báo, xe ô tô mang BKS 37C - 060.12 đang lưu thông trên quốc lộ 1A, theo hướng từ Nghệ An - Thanh Hóa vận chuyển gỗ trái phép. Ngay lập tức, ông Lê Văn Hải, Phó đội trưởng triển khai kế hoạch bắt giữ xe vi phạm.
Mặc dù tích cực theo dõi, bám sát tình hình nhưng sau gần 4 giờ đồng hồ, nhưng vẫn không phát hiện được xe ô tô nói trên, lãnh đạo Đội bổ sung thêm tổ công tác gồm 6 cán bộ: Lê Đức Hải, Nguyễn Xuân Vịnh, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thế Vinh, Đỗ Đình Chung và lái xe Hà Lê Minh hỗ trợ. Trong đó, ông Lê Đức Hải là tổ trưởng, được giao nhiệm vụ tiếp tục theo dõi thông tin về chiếc xe chở gỗ nói trên.
Khoảng 9h30 ngày 1/8, tổ công tác phát hiện được chiếc xe chở gỗ mang BKS 37C-060.12 tại khu vực cầu Sông Lý, thuộc địa bàn huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Tại đây, tổ công tác yêu cầu tài xế xuất trình giấy tờ, kiểm tra hành chính. Lúc này, trên xe chỉ có tài xế tên Lê Viết Mùi và tại thời điểm kiểm tra, tài xế này chỉ xuất trình được một bộ hồ sơ, kèm theo 9 tờ bảng kê lâm sản do hạt Kiểm lâm TP. Vinh (Nghệ An) kiểm tra, xác nhận gỗ vận chuyển là gỗ cẩm lai (nhóm 1). Tuy nhiên, kiểm tra trên xe, tổ công tác còn phát hiện ngoài khối lượng gỗ cẩm lai kê theo hồ sơ còn có 20 thanh gỗ giáng hương (nhóm 1) không có giấy tờ hợp pháp. Ngay sau đó, tổ công tác đã yêu cầu tài xế lái xe đưa về trụ sở Đội tại số 305A đường Bà Triệu, phường Hàm Rồng, TP.Thanh Hóa để xử lý.
Đến 14h cùng ngày, một người tên Nguyên đến trụ sở Đội tự nhận là chủ của số gỗ nói trên xe. Khi được hỏi về giấy tờ liên quan đến số gỗ đang bị giữ, Nguyên không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 20 thanh gỗ giáng hương nên tổ công tác đã thu hồi và lập biên bản kiểm kê số gỗ nói trên. Tại trụ sở làm việc, Tổ trưởng Lê Đức Hải đã "vòi" chủ hàng phải đưa 100 triệu đồng cho tổ công tác để "giải quyết" vụ việc êm xuôi và chủ hàng đã đồng ý với đề nghị này.
Khoảng 17h45 ngày 1/8, trong lúc chủ hàng và cán bộ kiểm lâm đang "giao dịch" số "tiền luật" nói trên thì các trinh sát Bộ Công an bất ngờ ập vào trụ sở Đội bắt quả tang. Để tiêu hủy chứng cứ phạm tội, Lê Đức Hải đã tháo chạy lên tầng hai của trụ sở, sau đó vứt số tiền vừa nhận (100 triệu đồng, mệnh giá 500.000 đồng - PV) tại chậu cây cảnh. Lực lượng công an đã tìm thấy và thu giữ, phục vụ công tác điều tra.
Ngày 2/8, ông Lê Quốc Việt, Phó chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết, có 8 cán bộ kiểm lâm liên quan đến sự việc trên gồm: ông Lê Đức Hải, Tổ trưởng tổ kiểm tra; ông Lê Nguyên Chất, cán bộ pháp lý và 5 kiểm lâm viên khác. Hiện tại, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Cơ quan điều tra lấy lời khai của một đối tượng sau khi bị bắt quả tang.
Ông Hải có thể chịu mức án 20 năm tù
Liên quan đến vụ việc nói trên, luật sư Cao Xuân Vượng, Công ty luật TNHH VMF nhận định: Hành vi của ông Lê Đức Hải, Tổ trưởng tổ kiểm soát QL1A, thuộc đội Kiểm lâm cơ động số 1 tỉnh Thanh Hóa đã đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội Nhận hối lộ theo Điều 279, Bộ luật Hình sự. Bởi vì, theo quy định, tội Nhận hối lộ chỉ cần thỏa mãn dấu hiệu về chủ thể và hành vi là đã đủ cấu thành tội phạm.
Điều 279, Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung ngày 19/06/2009 ghi: Tội nhận hối lộ được quy định như sau:
1.Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm... 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm: a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng...
HỒ NGỌC - ANH ĐỨC
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Thông tin chính thức vụ bắt kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa vừa có thông tin chính thức về vụ việc Cơ quan công an bắt giữ cán bộ kiểm lâm vào khuya 1/8, rạng sáng 2/8. Công an đã bắt giữ một kiểm lâm viên công tác tại Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1. Ông Lê Thế Long Chi cục trưởng...