Vụ cảnh sát đánh PV: Quyết định xử phạt sai cả nội dung và hình thức
Về nội dung, một số căn cứ xử phạt chưa thuyết phục. Về hình thức, quyết định xử phạt cũng không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, với những thông tin được đưa ra từ Công an TP.Hà Nội và thông tin báo chí đăng tải về quyết định (QĐ) xử phạt hành chính đối với phóng viên (PV) Quang Thế (báo Tuổi Trẻ), theo tôi, quyết định này có những điểm sai cả về nội dung lẫn hình thức.
Một số căn cứ xử phạt chưa thuyết phục
Trước hết, một số nội dung trong QĐ xử phạt hành chính số 29 ngày 29.9 của Công an quận Tây Hồ (sau đây gọi là QĐ 29) với PV Quang Thế là chưa ổn vì thiếu căn cứ pháp lý vững chắc.
Hành vi thứ nhất: “Vào khu vực cấm, nơi tiến hành các hoạt động có nội dung phạm vi bí mật Nhà nước mà không được phép (vi phạm điểm đ khoản 1 Điều 18 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ quy định về an ninh trật tự); mức phạt 2 triệu đồng”. Hành vi thứ hai: “Chụp ảnh tại khu vực cấm (vi phạm điểm e khoản 1 Điều 18 Nghị định số 167/2013 của Chính phủ); mức phạt 2 triệu đồng”.
Cú đấm vào mặt và cú đá của cảnh sát hình sự mà đại diện Công an TP.Hà Nội cho là “gạt trúng vào má và có hành vi giơ chân đá” (Ảnh: HTD)
Để phân tích tính hợp pháp của nội dung xử phạt hai hành vi này phải căn cứ vào Điều 5 và Điều 6 Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước ngày 28.12.2000. Chiếu theo các điều luật này thì PV Quang Thế không vi phạm vì anh đi tác nghiệp báo chí ở một địa điểm không có giới hạn cấm nào. Ngoài ra theo Điều 7 pháp lệnh này, danh mục bí mật Nhà nước thuộc độ mật phải do người đứng đầu hoặc người được ủy quyền của cơ quan, tổ chức đề nghị bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Do vậy để quy kết việc chụp ảnh của PV có xâm phạm bí mật Nhà nước hay không thì phải chỉ ra một QĐ nào đó của Bộ Công an xác định hành vi đó thuộc trường hợp mật. QĐ 29 lại không viện dẫn được QĐ nào của Bộ Công an quy định về nội dung này.
Mặt khác, tất cả clip phản ánh tại hiện trường đều xác định rằng cơ quan công an không chăng dây, không treo biển cấm chụp ảnh tại hiện trường vụ việc. Thực tế thì hiện trường của vụ án xảy ra tại chỗ đông người, bất kỳ ai đứng gần đó đều có thể dùng phương tiện cá nhân của mình để ghi âm, ghi hình, chụp ảnh được. Đây là thực tế khách quan vững chắc để không thể nói hiện trường trên thuộc trường hợp bí mật của Nhà nước như QĐ 29 nêu ra.
Hành vi thứ ba: “Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ (vi phạm điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định số 167-2013; mức phạt 2,5 triệu đồng”. Về hành vi này, muốn xử phạt thì cơ quan công an phải có chứng cứ cụ thể về việc PV đã lăng mạ người thi hành công vụ. Ở đây, theo công bố của phía cơ quan công an thì tôi chưa thấy được chứng cứ đó.
Hành vi thứ tư: “Lợi dụng tư cách nhà báo, PV can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân (vi phạm điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định số 159-2013 của Chính phủ); mức phạt 7,5 triệu đồng”. Theo các clip, hình ảnh và lời kể của các nhà báo tại hiện trường thì nơi PV Quang Thế bị đấm, đá nằm cách xa khu vực hiện trường. Cạnh đó, chỉ có một mình PV bị vây giữa cả chục cảnh sát hình sự to khỏe thì PV có muốn cũng không thể cản trở được lực lượng thi hành công vụ. Do vậy, xử phạt PV về hành vi này là vô lý. Những gì chúng ta đã thấy cho đến nay chỉ là cảnh PV bị cảnh sát hình sự rượt theo đấm, đá chứ không hề có cảnh PV cản trở hoạt động của lực lượng thi hành công vụ.
Video đang HOT
Chỉ riêng hành vi thứ năm là Đỗ xe mô tô trên cầu, phạt 350.000 đồng bản thân PV thừa nhận là có vi phạm.
Không lập biên bản, không thể ra QĐ xử phạt
Tiếp đó, về thủ tục xử phạt, QĐ 29 cũng không tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định phải tiến hành lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định. Đối chiếu lại toàn bộ sự việc cho thấy không có biên bản nào được lập và PV Quang Thế cũng không được yêu cầu ký biên bản nào, trong khi theo quy định việc xử phạt này bắt buộc phải lập biên bản. Do vậy việc công an xử phạt hành chính mà không lập biên bản là trái pháp luật.
Khoản 2 và khoản 3 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lập biên bản vi phạm như phải được ghi rõ từng mục theo quy định, phải được lập thành ít nhất hai bản (giao cho người vi phạm một bản). nếu người vi phạm không có mặt hoặc cố tình trốn tránh ký thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến…
QĐ 29 cũng nêu chưa đủ các nội dung theo quy định của điểm c khoản 1 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đó là trong QĐ không nêu biên bản vi phạm hành chính, kết quả xác minh, văn bản giải trình của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc biên bản họp giải trình và tài liệu khác (nếu có).
Báo Tuổi Trẻ đề nghị Công an Hà Nội xem xét lại quyết định xử phạt Tối 30.9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết: “Chúng tôi đã đề nghị Công an TP.Hà Nội xem xét lại QĐ xử phạt hành chính đối với nhà báo Quang Thế. Theo lời anh Quang Thế tường trình với chúng tôi, anh chỉ có lỗi để xe máy trên cầu Nhật Tân khi vội vàng tác nghiệp chứ không bị những lỗi khác như QĐ xử phạt của Công an quận Tây Hồ”. Theo ông Trung, những hình ảnh ghi lại vụ việc này cũng cho thấy các nhà báo đã bị ngăn cản ngay từ đầu nên họ không thể tác nghiệp, chưa thu thập được thông tin về vụ tài xế taxi tự tử. Hiện trường không được giới hạn rõ trong phạm vi nào nên không thể kết luận các nhà báo (gồm Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tuổi Trẻ Thủ Đô, Zingnews…) đã “vào khu vực cấm” và “cản trở hoạt động của tổ chức, cá nhân” như QĐ xử phạt quy kết. Hơn nữa, cơ quan công an không có biên bản về các lỗi hành chính mà anh Quang Thế bị cho là vi phạm thì căn cứ trên cơ sở nào để xử phạt anh Thế rất nhiều lỗi như vậy? “Liệu Công an TP.Hà Nội đã thực hiện đúng theo chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.Hà Nội là điều tra việc “Công an huyện Đông Anh hành hung PV” (chứ không phải gạt tay trúng má) và “xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” hay chưa? Đó là câu hỏi cần được lãnh đạo Công an TP.Hà Nội trả lời đầy đủ và có trách nhiệm không chỉ cho lãnh đạo TP mà còn cho công chúng cả nước” – ông Trung đặt vấn đề. Trao đổi với chúng tôi cùng ngày, ông Phan Hữu Minh, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cho hay đến chiều 30.9, Hội Nhà báo Việt Nam (Hội Nhà báo VN) vẫn đang chờ văn bản của Công an TP.Hà Nội về công văn của Hội Nhà báo Việt Nam gửi ngày 24.9, đề nghị Công an TP.Hà Nội xử nghiêm minh, đúng người, đúng việc đúng tội, ai có lỗi đều phải xử lý công bằng trước pháp luật. Hội cũng chưa nhận văn bản của báo Tuổi Trẻ đề nghị hội với chức năng của mình có ý kiến về việc này. Hội sẽ có tiếng nói chính thức khi nhận được các văn bản trên. Tuy nhiên, đứng trên quan điểm cá nhân, ông Minh bày tỏ: “Thực ra trong thâm tâm với kết quả trả lời trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Công an TP.Hà Nội, tôi thấy có những lăn tăn. Ví dụ như chi tiết bao nhiêu người dừng lại xem sao không phạt lại phạt mỗi nhà báo vì để xe máy trên cầu. Hay việc nói rõ động tác, động thái của công an đã hợp lý chưa, nói thế nhân dân không tin tưởng tiếng nói của ngành chức năng, mức độ như dùng tay gạt trúng vào má hay có hành vi giơ chân đá…. Trong ngày, mặc dù chúng tôi đã có gắng liên lạc điện thoại với lãnh đạo Công an quận Tây Hồ và lãnh đạo của Công an TP.Hà Nội để hỏi rõ thêm các thông tin liên quan đến sự vụ này nhưng đều không được. Q.Trang – V.Thịnh – T. Phan
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).
Theo Phạm Công Hùng (PLO)
"Khiển trách cảnh sát xô xát với phóng viên là thiếu thuyết phục"
"Hành vi của anh Hưng (cảnh sát xô xát với phóng viên trên cầu Nhật Tân - PV) nếu chỉ dừng ở mức khiển trách thì ngoài việc không thuyết phục, nó còn là sự thiếu công bằng", luật sư Trần Thu Nam bày tỏ.
Trao đổi với Dân Việt, Luật sư (LS) Trần Thu Nam, Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, ông và các cộng sự sẵn sàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho phóng viên Trần Quang Thế (Báo Tuổi trẻ TP.HCM), người có va chạm với Công an huyện Đông Anh trên cầu Nhật Tân hôm 23.9.
Là người theo dõi sát vụ việc, ông nghĩ gì về kết luận của Công an TP. Hà Nội khi nói hành vi của cảnh sát Hưng chỉ là "gạt tay trúng má" phóng viên?
- Qua lời kể của phóng viên Quang Thế, qua clip và ảnh đăng trên báo tôi cho rằng hành vi của cảnh sát hình sự (Ngô Quang Hưng -PV) không phải là cái gạt tay. Qua ảnh có thể thấy anh cảnh sát một chân trên không, một chân dưới đất, đang nhào đến phóng viên Quang Thế. Ảnh khác và clip thì cho thấy nắm đấm của anh Hưng sát vào mặt phóng viên. Hình ảnh đó cho thấy anh cảnh sát mặc thường phục này không phải đang đứng một chỗ vung tay chỉ đạo hay làm việc gì đó rồi chạm vào má phóng viên.
Luật sư Trần Thu Nam, Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).
Tôi cho rằng, Công an TP. Hà Nội kết luận anh cảnh sát vung vào mặt phóng viên là không chính xác. Theo lời kể của phóng viên Quang Thế, sau cú đấm đó anh bị chảy máu mồm, bên cạnh đó hình ảnh cho thấy anh Thế phải chạy, nếu chỉ là vung tay làm sao tới mức chảy máu mồm?
Người cảnh sát có hành vi "gạt tay vào má" phóng viên bị khiển trách, còn người gạt tay vào một máy quay bị phê bình rút kinh nghiệm, ông thấy sao?
- Hình thức xử lý như vậy tôi thấy không thuyết phục, không mang tính răn đe. Trong clip thấy anh cảnh sát mặc áo thường phục màu đỏ có thái độ rất hung hăng, đập cả máy quay của phóng viên rớt xuống dưới đường nhằm hủy hoại tài sản.
Việc khiển trách không mang tính thuyết phục, như tôi đã từng nói. Người công an nhân dân có những lời thề, những điều lệnh là phải hòa nhã, tôn trọng, lễ phép để phục vụ nhân dân. Hành vi của cảnh sát Hưng đã đi trái với những lời thề của người chiến sĩ công an nhân dân, những lời anh được dạy bảo trong trường học.
Hành vi của anh Hưng nếu chỉ dừng ở mức khiển trách thì ngoài việc không thuyết phục, nó còn là sự thiếu công bằng.
Thời gian qua không ít vụ việc người dân chỉ cần kéo áo hoặc có những hành vi cản trở công vụ của công an, chưa cần phải xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, tài sản đã bị khởi tố về tội danh chống người thi hành công vụ. Đối với Công an - những người bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống bình yên cho nhân dân thì càng phải có hành vi chuẩn mực hơn. Là người dân tôi thấy hành vi của cảnh sát Hưng mà chỉ bị khiển trách là không thuyết phục. Xử lý như vậy nhiều người sẽ nghĩ có bao che.
Hình ảnh PV Quang Thế - Báo Tuổi trẻ TPHCM (áo trắng) bị Công an huyện Đông Anh "gạt tay vào má" trên cầu Nhật Tân (Ảnh: M.C)
Trong vụ việc này, PV Trần Quang Thế cũng bị xử lý vi phạm hành chính số tiền lên tới hơn 14 triệu đồng, ông thấy sao?
- Ra một quyết định xử phạt hành chính thì phải có biên bản vi phạm hành chính, biên bản này dựa trên cơ sở những hành vi người vi phạm đã thực hiện. Nói anh Quang Thế xâm phạm vùng cấm, liên quan đến bí mật quốc gia, nhưng tôi thấy hiện trường không có khoanh vùng.
Hiện trường có một xe taxi đậu, các phương tiện giao thông đi qua cầu Nhật Tân vẫn đi gần chiếc taxi, như vậy khoảng diện tích nào được coi là hiện trường chưa được xác định rõ. Thứ hai là cảnh sát chưa kéo dây, kẻ vạch để xác định hiện trường, hay dùng loa để thông báo hiện trường như nào. Thứ ba là một số cảnh sát không mặc sắc phục, cho nên những chỉ đạo của họ không thuyết phục được những người xung quanh.
Như ở nước ngoài khi xảy ra vụ việc ngay lập tức cảnh sát đến căng dây phong tỏa hiện trường, ai bước vào khu vực cấm đó nói không nghe sẽ bị bắt giữ.
Trong vụ việc này giả sử phóng viên có vi phạm vào khu vực hiện trường thì cảnh sát phải dùng các biện pháp về hành chính, như lập biên bản vi phạm trong thời điểm đó. Qua tất cả các clip, hình ảnh tôi chưa thấy nói rõ cách xa chiếc taxi bao nhiêu mét là hiện trường.
Việc xử phạt hành vi về việc xúc phạm, chửi bới cảnh sát thì cần phải đưa ra chứng cứ thuyết phục, không thể căn cứ vào lời của những cảnh sát, cần lời khai của những người dân đi lại hoặc các phóng viên khác có mặt tại hiện trường, thuyết phục hơn nữa là băng ghi âm, ghi hình thể hiện phóng viên có sự nhục mạ những người đang làm nhiệm vụ như thế mới thuyết phục.
Riêng về hành vi anh Quang Thế để xe máy trên cầu Nhật Tân đó là hành vi vi phạm. Nói tóm lại ngoài lỗi để xe máy trên cầu, việc xử phạt những lỗi vi phạm hành chính khác với anh Thế tôi cho rằng không thuyết phục.
Nếu anh Quang Thế đề nghị tôi và các cộng sự tại Văn phòng sẵn sàng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh trong quá trình khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính và các thủ tục khiếu nại tiếp theo về giải quyết của cơ quan Công an.
Xin cảm ơn ông !
Theo Danviet
Phạt nhà báo bị "gạt tay trúng má" hơn 14 triệu đồng Tổng mức tiền phạt với các lỗi mà Công an quận Tây Hồ cho rằng nhà báo Quang Thế vi phạm là 14.405.000 đồng. Liên quan đến vụ một phóng viên bị đánh, tối 29-9, thông tin từ TTO cho biết chiều tối cùng ngày, Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thông báo, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành...