Vụ cảnh sát ‘cắm’ thẻ công an để vay tiền xử lý thế nào?
Cảnh sát dùng chứng minh công an nhân dân để vay tiền từng xảy ra ở thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) và không ít sĩ quan đã bị kỷ luật.
Sáng 19/3, đại tá Lê Văn Việt, Giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, cho biết ông đang yêu cầu Công an thị xã Duyên Hải báo cáo vụ “Nhiều cảnh sát cầm cố cả giấy chứng minh công an nhân dân để vay tiền” theo phản ánh của Zing.vn. Bước tiếp theo là tỉnh chỉ đạo công an thị xã ven biển này làm quy trình xử lý, kỷ luật cán bộ vi phạm.
Từng có cảnh sát bị kỷ luật
Theo đại tá Phan Thanh Quân, Phó giám đốc Công an tỉnh Trà Vinh, Ban giám đốc thường xuyên nhắc nhở các đơn vị trước tình trạng cán bộ, chiến sĩ dùng giấy chứng minh công an nhân dân (thẻ ngành) để vay, mượn tiền. Trước đây, tại Công an thị xã Duyên Hải từng xảy ra trường hợp này và những cá nhân sai phạm đã bị kỷ luật.
Đại tá Việt nói rằng Bộ Công an nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ dùng thẻ ngành để cầm cố, thế chấp. Chứng minh công an nhân dân rất quan trọng, nếu để mất tấm thẻ ngành này thì cá nhân được cấp cũng bị kiểm điểm.
“Về việc công an vay tiền, trước mắt là động viên anh em trả nợ, không có điều kiện trả thì cho nghỉ để kiếm tiền trả. Khi động viên không được và anh em không chịu trả thì xử lý kỷ luật”, người đứng đầu Công an Trà Vinh nói.
Vi phạm nhưng không đến mức phải ra khỏi ngành
Theo đại tá Việt, những trường hợp dùng thẻ ngành vay tiền trước đây bị kỷ luật nhưng không đến mức phải tước danh hiệu công an nhân dân. Trường hợp này tùy mức độ vi phạm mà tổ chức xem xét kỷ luật tương xứng với các mức khiển trách hay cảnh cáo.
Cùng quan điểm với lãnh đạo Công an Trà Vinh, thiếu tướng Bùi Bé Tư, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, cũng cho rằng Bộ Công an cấm lực lượng trong ngành dùng giấy chứng minh công an nhân dân để cầm cố, thế chấp. Vì đây là điều cấm nên cá nhân nào vi phạm thì tùy mức độ sẽ bị xử lý theo quy định nhưng không thuộc trường hợp phải buộc cho ra khỏi ngành.
Video đang HOT
Trò chuyện với Zing.vn, luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho biết giao dịch dân sự giữa cảnh sát dùng thẻ ngành vay tiền với chủ nợ rất khó xử lý hình sự. Nếu bên vay không chịu trả nợ thì anh Phi kiện ra tòa.
“Trong trường hợp người vay tiền bỏ trốn thì lúc đó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo hướng Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, luật sư Đức nêu quan điểm.
Theo đơn tố cáo của anh Phi (tên các nhân vật đã thay đổi, ngụ phường 1, thị xã Duyên Hải), hai trung úy là Nguyễn (cảnh sát giao thông) và Huỳnh (cảnh sát hình sự) vay của anh tổng cộng 756 triệu đồng vào tháng 12/2017 và tháng 2/2018. Hai cảnh sát này viết biên nhận, ghi mục đích vay vốn là “đảo nợ vay ngân hàng”, 2 ngày sau đó sẽ trả vốn.
Do nhiều lần đòi tiền nhưng hai trung úy bội tín, anh Phi làm đơn tố giác anh Nguyễn và Huỳnh. Trò chuyện với phóng viên, hai trung úy thừa nhận đang nợ tiền anh Phi và chưa tìm được nguồn để trả.
Không chỉ thẻ ngành, một số cảnh sát ở Trà Vinh còn “cắm” thẻ Đảng viên để vay tiền.
Theo Việt Tường (Zing)
Nhiều cảnh sát cầm cố cả giấy chứng minh công an nhân dân để vay tiền
Tin tưởng những cảnh sát dùng giấy chứng minh công an nhân dân để vay tiền, anh Phi đưa họ hàng trăm triệu đồng nhưng đến hạn trả mà chủ nợ vẫn chưa đòi được tiền.
Trao đổi với Zing.vn ngày 17.3, đại tá Nguyễn Phấn Khởi, Trưởng Công an thị xã Duyên Hải (Trà Vinh), cho biết ông đang động viên những cảnh sát vay tiền của người dân phải sớm có phương án trả nợ. Đối với những cán bộ, chiến sĩ dùng chứng minh công an để vay tiền, đơn vị sẽ xử lý kỷ luật theo quy định của ngành.
"Chúng tôi đã thông báo cho cha mẹ các em vay tiền để gia đình biết. Việc dùng chứng minh công an để đi vay tiền là sai", đại tá Khởi nói.
'Cắm' cả thẻ Đảng để vay tiền
Theo trình bày của anh Phi (tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi, ở phường 1, thị xã Duyên Hải), ngày 1.2, trung úy Nguyễn, công tác tại Đội CSGT Công an thị xã Duyên Hải, đến nhà anh để hỏi vay 330 triệu đồng với mục đích "đảo nợ vay ngân hàng". Viên CSGT viết biên nhận, cam kết 2 ngày trả tiền cho anh Phi nhưng sau đó bội tín.
Biên nhận vay tiền của trung úy CSGT và chứng minh công an nhân dân được anh này cầm cố. Ảnh: Việt Tường
"Quá hạn vài ngày thì tôi gọi điện đòi tiền nhưng anh Nguyễn nói không có điều kiện trả. Lần đòi tiền nào anh ấy cũng hứa 10 ngày sẽ trả nhưng nhiều lần như vậy rồi, vẫn không thấy anh ấy thực hiện. Khi vay tiền, anh Nguyễn có đưa tôi giữ giấy chứng minh công an", anh Phi kể.
Ngoài trung úy Nguyễn, anh Phi còn giữ nhiều chứng minh công an của nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác tại Công an thị xã Duyên Hải, PA72 Công an Trà Vinh và Trại giam Bến Giá (thuộc Tổng cục VIII Bộ Công an, đóng tại Duyên Hải). Những người này có quan hệ tín dụng với anh Phi và họ đưa "thẻ ngành" cho chủ nợ để làm tin.
Quá trình xác minh đơn tố giác của anh Phi, phóng viên còn phát hiện ngoài giấy chứng minh công an nhân dân, một số cảnh sát còn dùng cả thẻ Đảng viên để vay tiền. Trong đó có một sĩ quan cấp úy giao cho người vay cùng lúc hai loại giấy tờ này. Khi tổ chức kiểm tra thì viên cảnh sát xin nhận lại giấy gốc rồi photocopy, ký tên lên bản "sao y bản chính" để đưa cho chủ nợ.
Chủ nợ tố cáo hành vi 'lạm dụng tín nhiệm'
Theo đơn tố cáo của người cho vay, trung úy Nguyễn nói dùng tiền để "đảo nợ vay ngân hàng". Điều này có nghĩa là sau đó anh Nguyễn sẽ được nhà băng cho vay lại và có điều kiện trả nợ cho anh Phi.
Đội CSGT Công an thị xã Duyên Hải, nơi trung úy Nguyễn công tác. Ảnh: Việt Tường
"Có thể anh Nguyễn không 'đảo nợ vay ngân hàng' mà sử dụng vào mục đích khác nên không có tiền trả cho tôi. Nếu dùng tiền sai mục đích đưa ra để vay được tiền của tôi, rồi không trả nợ thì anh ấy có dấu hiệu Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Anh Huỳnh cũng tương tự như vậy", anh Phi trình bày với Zing.vn.
Trao đổi với phóng viên, trung úy Nguyễn nói đang nghỉ phép để về quê "chạy" tiền trả nợ. CSGT này cho rằng lý do bội tín với anh Phi là gia đình khó khăn, hẹn 10 ngày nữa sẽ thực hiện xong nghĩa vụ của người vay để lấy lại giấy chứng minh công an.
Tương tự, trung úy Huỳnh cũng thừa nhận nợ anh Phi hàng trăm triệu đồng và chưa có khả năng chi trả.
"Ở đây không riêng tôi, mà có nhiều người đang nợ anh Phi. Tôi thì không có đưa anh ấy chứng minh công an", viên cảnh sát hình sự nói.
Biên nhận của viên cảnh sát hình sự. Ảnh: Việt Tường
Theo đại tá Nguyễn Phấn Khởi, đơn vị có nhận được đơn tố cáo của anh Phi. Tuy nhiên, việc này là giao dịch dân sự, những người vay mượn tiền thì phải trả cho anh Phi. Trường hợp bên vay không trả thì chủ nợ kiện ra tòa để cơ quan xét xử phán quyết.
Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.Cần Thơ) cho rằng giao dịch cầm cố thẻ ngành giữa công an với anh Phi là nhằm để đảm bảo khoản vay. Đây là giao dịch dân sự, nếu một trong các bên vi phạm giao kết thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết.
"Chứng minh công an dùng để thế chấp trong trường hợp này có ý nghĩa tín chấp hơn ý nghĩa giá trị. Việc dùng thẻ ngành sử dụng vào mục đích này rất phản cảm và sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh Công an Nhân dân", luật sư Đức nói.
Theo Việt Tường (Zing)
2 cán bộ kiểm lâm ở Nghệ An bị bắt Liên quan vụ lâm tặc chặt phá 189 cây pơ mu quý hiếm, 2 cán bộ kiểm lâm tại Nghệ An đã bị bắt. Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm (Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Nghệ An) cho hay, chiều 28.12, cơ quan điều tra khởi tố bị can với Nguyễn Văn Cường (46 tuổi) và Nguyễn Viết Kiên (48 tuổi,...