Vụ căn nhà bị ủi sập: Một mảnh đất hai chủ?
Khi mảnh đất đang trong giai đoạn giải quyết tranh chấp và được tòa án cấp quận thụ lý thì căn nhà của ông Hồng bất ngờ bị một nhóm người lạ mặt lái máy xúc ủi sập hoàn toàn.
Hiện trường căn nhà bị máy xúc ủi sập chiều tối 7/4
Như Dân trí đã thông tin, khoảng 17h chiều 7/4, người dân sinh sống tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (phường 6, quận Bình Thạnh, TPHCM) phát hiện một nhóm thanh niên bịt kín mặt đi lại trên đường. Vài phút sau, một người đàn ông trong nhóm leo lên một chiếc xe máy xúc đậu trong bãi đất trống, nổ máy rồi điều khiển chiếc gầu xúc đập mạnh vào các bức tường làm căn nhà cấp 4 số 201 Hoàng Hoa Thám đổ sập.
Căn nhà cấp 4 bị đổ sập, vùi lấp toàn bộ đồ đạc bên trong
Anh Đặng Ngọc Thiện (21 tuổi, ngụ tại căn nhà bị ủi sập) cho biết, khi anh đang nằm trong phòng thì thấy căn nhà rung chuyển, gạch đá đổ sập xuống. Anh vội lao ra ngoài lánh nạn cũng là lúc toàn bộ phần tường, mái nhà đổ sập xuống. Căn nhà bị ủi sập rộng trên 50 m2. Vụ việc xảy ra quá nhanh nên không ai kịp di chuyền đồ đạc ra ngoài.
Anh Thiện đang moi một túi đựng giấy tờ từ đống đổ nát
Theo ông Đặng Thanh Hồng (57 tuổi, chủ căn nhà số 201), năm 2005, ông và vợ là bà Nguyễn Thị Thu Thủy (48 tuổi) có mua mảnh đất thuộc lô số 201D Hoàng Hoa Thám của ông Đỗ Văn Bính (ngụ phường Bến Thành, quận 1) với giá 30 lượng vàng và 200 triệu đồng. Ông Hồng đã trả 30 lượng vàng, 125 triệu đồng và thiếu lại 75 triệu. Ông Hồng cho biết thêm, do việc mua bán chỉ bằng giấy viết tay nên 75 triệu đồng còn lại sẽ được ông trả khi hoàn tất giấy tờ.
Đến năm 2008, ông Bính ủy quyền cho vợ mình là bà Đặng Thị Phước bán lại lô đất số 201 (gồm cả phần đất số 201D mà vợ chồng ông Hồng mua trước đó) cho một công ty xây dựng tại quận Gò Vấp. Mọi việc mua bán này gia đình ông Hồng không hề hay biết, chỉ đến khi công ty mua lại mảnh đất trên cho người đến phá dỡ, đập bỏ các căn nhà (trong đó có cả nhà của ông Hồng) thì ông Hồng mới biết chuyện.
Video đang HOT
Ông Hồng bàng hoàng trước sự việc vừa xảy ra
Ngay sau đó, vợ chồng ông Hồng đã làm đơn khởi kiện đối với ông Đỗ Văn Bính và được Tòa án nhân dân cấp sơ thẩm thụ lý vụ án: “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.
Điều đáng nói, khi tòa án triệu tập nguyên đơn và bị đơn thì vợ chồng ông Bính đã “mất tích” khỏi nơi cư trú. Do đó, ngày 18/9/2012, TAND quận Bình Thạnh đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do: “Không xác định được địa chỉ của bị đơn hiện đang cư trú”.
Tuy nhiên, đến ngày 19/10/2012, nguyên đơn Nguyễn Thị Thu Thủy (vợ ông Hồng) có đơn kháng cáo và cung cấp chứng cứ, xác nhận của công an phường Bến Thành (quận 1) về việc vợ chồng ông Bính đã trở về sinh sống tại địa phương. Trước những thông tin, chứng cứ vợ chồng ông Hồng cung cấp, ngày 12/12/2012, TAND TPHCM đã hủy quyết định đình chỉ vụ án và chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết theo quy định của pháp luật.
Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định giải quyết đình chỉ vụ án của TAND TP.HCM đối với vụ việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Thủy và ông Bính
Điều đáng nói, khi vụ tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Thủy và ông Bính đang được cơ quan chức năng thụ lý, giải quyết thì phía công ty mua lại mảnh đất của bà Phước (vợ ông Bính) đã “bắn tin” hù dọa, buộc gia đình ông Hồng phải rời khỏi nếu không sẽ ủi sập căn nhà.
Cụ thể, giữa tháng 11/2012, gia đình ông Hồng đã bị “khủng bố” làm một phần nhà sau sập xuống khiến bà Thủy bị cành cây đập trúng gây thương tích. Trước sự việc này, bà Thủy đã có đơn trình báo lên Đội điều tra tổng hợp công an quận Bình Thạnh.
Lực lượng chức năng làm việc bên trong hiện trường vụ nhà ông Hồng bị ủi sập
Đến 11h ngày 8/4, Thanh tra xây dựng và công an địa phương đã có mặt để làm rõ vụ việc. Toàn bộ tài sản bên trong căn nhà vẫn chưa được di dời ra bên ngoài. Sau khi căn nhà bị đánh sập toàn bộ người thân của ông Hồng phải ngủ ngay lề đường.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
Theo Dantri
Y tá thiếu kinh nghiệm, bệnh nhân tử vong khi chờ nhập viện
Vụ việc xảy ra chiều 1/4, tại Bệnh viện lao và bệnh phổi trung ương (số 463 đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội). Người nhà bệnh nhân cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm này là do bệnh nhân không được thở ô-xy trong lúc chờ nhập viện.
Bệnh nhân xấu số là anh Vũ Thanh Bình (31 tuổi, trú tại 205 Lâm Du, Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).
Người nhà bệnh nhân Bình bức xúc, tập trung ở sân BV lao phổi TW chiều 1/4.
Chị Phạm Thị Lâm (30 tuổi), vợ bệnh nhân, cho hay, anh Bình bị bệnh lao, được người nhà đưa vào Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức ngày 29/3. Sau khi khám tại đây, anh Bình được các bác sĩ của BV Việt - Đức chẩn đoán bị bán tắc ruột do lao và tư vấn nên chuyển sang Bệnh viện Lao và Bệnh phổi trung ương (BV lao phổi TW) để điều trị cho đúng chuyên ngành.
Ngày 1/4, anh Bình làm thủ tục ra viện tại BV Việt - Đức và được xe cấp cứu của bệnh viện này kèm một y tá đi cùng chuyển viện sang BV lao phổi TW vào khoảng 12h cùng ngày.
Theo chị Lâm, khi chuyển viện, thể trạng anh Bình vẫn bình thường, có thể trò chuyện với người nhà, không hề có dấu hiệu nguy kịch nhưng vẫn phải thở bằng bình ô-xy. Xe của BV Việt - Đức chở thẳng anh Bình tới phòng Cấp cứu tại BV lao phổi TW và được các y tá đưa vào nằm tại đây.
"Khi chồng tôi vừa vào được ít phút thì có một y tá của BV lao phổi yêu cầu đẩy chồng tôi ra phía cổng bệnh viện cách đó khoảng hơn 100m để làm thủ tục nhập viện. Tuy nhiên, y tá này không cho chồng tôi tiếp tục thở ô-xy và cũng không có y tá nào đi kèm dù tôi yêu cầu cho chồng tôi được thở ô-xy vì tôi thấy chồng thở rất yếu. Y tá này nói phải chờ làm xong thủ tục nhập viện." - chị Lâm kể lại.
Ít phút sau đó, trong lúc chờ người nhà làm thủ tục, một y tá khác yêu cầu người nhà đẩy bệnh nhân Bình về phía phòng Hồi sức cấp cứu nhưng chưa đến nơi thì anh Bình đã có biểu hiện tím tái, co giật, sùi bọt mép.
"Chồng tôi vào phòng cấp cứu không có người nhà đi kèm. Khoảng 1 tiếng sau, không thấy phía bệnh viện thông báo về tình trạng bệnh nhân, lại thấy có người ra nói là có người chết trong phòng cấp cứu, gia đình tôi rất lo lắng, xông vào đập cửa, yêu cầu các bác sĩ cho vào trong thì thấy chồng tôi đã tử vong từ bao giờ." - chị Lâm gạt nước mắt nói.
Đau đớn trước sự ra đi bất ngờ của người thân.
Theo người nhà bệnh nhân Bình, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Bình là do sự chủ quan, tắc trách của đội ngũ y bác sĩ BV lao phổi TW.
"Tôi nhiều lần yêu cầu họ cho chồng tôi thở ô-xy vì thấy tại BV Việt - Đức, dù vào phòng chụp, chiếu, chồng tôi vẫn được thở ô-xy nhưng các y tá vẫn một mực yêu cầu phải làm xong thủ tục nhập viện. Chính sự chủ quan của họ đã khiến chồng tôi chết oan ức", chị Lâm nói.
Sáng 2/4, trao đổi với phóng viên, ông Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc BV lao phổi TƯ, cho biết, chưa thể kết luận nguyên nhân cái chết của bệnh nhân Bình.
Theo lý giải của ông Sỹ, do BV lao phổi TƯ không có bình ô-xy lưu động nên khi người nhà đưa bệnh nhân đi làm thủ tục nhập viện, y tá phải rút ống thở ô-xy ra. Ông Sỹ nhận định trường hợp của anh Bình khi được đưa đến phòng cấp cứu của BV lao phổi TW đã gần như hôn mê.
"Khi bệnh nhân phải cấp cứu, đội ngũ y bác sỹ sẽ làm tất cả những gì có thể để cứu sống bệnh nhân trước, mọi thủ tục khác như nhập viện sẽ làm sau, thậm chí có thể để đến ngay hôm sau hoàn thành", ông Sỹ khẳng định.
Cũng theo lời ông Sỹ, có thể do y tá trực lúc bệnh nhân Bình nhập viện còn thiếu kinh nghiệm, dẫn đến việc rút ông thở ô-xy để đưa bệnh nhân đi làm thủ tục nhập viện.
"Chúng tôi sẽ làm rõ trách nhiệm của kíp trực và có biện pháp xử lý phù hợp", ông Sỹ nói.
Khoảng 19h sáng nay, 2/4, thi thể anh Bình đã được chuyển tới nhà xác của Bệnh viện Việt - Đức thể theo yêu cầu của người nhà bệnh nhân. Hiện phía bệnh viện và người nhà anh Bình vẫn đang phối hợp để làm rõ, giải quyết vụ việc.
Theo Dantri
Ưu tiên vốn cho cầu vượt bằng thép UBND TP yêu cầu các ban ngành xem xét để ưu tiên vốn cho 3 dự án xây dựng cầu vượt bằng thép, đồng thời cho phép Sở Giao thông Vận tải chỉ định thầu để rút gọn thời gian khởi công xây dựng 3 cây cầu vượt này. Cụ thể, UBND TP yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì,...