Vụ cán bộ xã thay “Nam Tào” khai sinh, báo tử: Cần khởi tố vụ án
Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Vinh Diện - Văn phòng luật sư Vinh Diện & Cộng sự – trả lời PV Dân trí trong buổi làm việc chiều ngày 22/3 về vụ việc cán bộ xã thay “ Nam Tào” khai sinh, báo tử ăn chặn tiền chính sách.
Gia đình ông Mậu – bà Ngọ có con trai bị tâm thần bị cán bộ xã Thanh Chi ăn chặn tiền chính sách.
Theo luật sư Nguyễn Vinh Diện, đối với những trường hợp làm giả hồ sơ nhưng số tiền những người được làm giả hồ sơ nhận thì cần làm rõ có dấu hiệu hối lộ hay không. Trường hợp nếu cán bộ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị trên 2.000.000 đồng để làm giả hồ sơ thì phạm tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự.
Ở đây không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch xã và một số cán bộ làm giả hồ sơ nếu không vì vụ lợi hay vì động cơ cá nhân. Vấn đề là các cơ quan hữu quan có muốn giải quyết tận gốc của sự việc và có làm quyết liệt hay không. Dù thế nào chăng nữa, với tính chất, mức độ vi phạm như đã nêu nhưng chỉ kỷ luật khiển trách là không ổn, không đúng với tính chất nghiêm trọng của sự việc và không phù hợp với sự tôn nghiêm của pháp luật.
Cũng theo luật sư Nguyễn Vinh Diện: “Việc xử lý vi phạm không chỉ để răn đe, giáo dục mà còn để phòng ngừa chung. Xử lý nhẹ như vậy sẽ dẫn đến sự coi thường pháp luật. Chỉ xử lý khiển trách không những không phù hợp với quy định của pháp luật mà còn tạo ra nghi ngờ về sự thiếu khách quan, nghiêm minh trong dư luận, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Chúng tôi cho rằng cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ những sai phạm”.
Th.s, L.s Nguyễn Vinh Diện – Văn phòng luật sư Vinh Diện & Cộng sự: “Vụ cán bộ xã thay “Nam Tào” khai sinh, báo tử ăn chặn tiền chính sách” cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ những sai phạm…”.
Hành vi của một số cán bộ xã như báo điện tử Dân trí phản ánh mà chỉ bị xử lý kỷ luật khiển trách là không thỏa đáng, chưa phù hợp với các quy định của pháp luật. Theo luật sư Diện, hành vi trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Luật sư Nguyễn Vinh Diện phân tích: “Đối với những trường hợp làm giả hồ sơ giả nhưng số tiền do chủ tịch xã và một số cán bộ nhận và chia chác với nhau có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự. Vì những cán bộ này lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm trái với công vụ, trái với quy định của pháp luật gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước”.
“Lợi ích của nhà nước ở đây bao gồm uy tín của nhà nước và lợi ích vật chất là tiền. Hành vi của họ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, làm méo mó chủ trương lớn của nhà nước là chính sách đối với người cao tuổi, người bị bệnh tâm thần, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với nhà nước”, Luật sư Nguyễn Vinh Diện nói tiếp.
Cũng theo Luật sư Diện, xét về lợi ích vật chất, mặc dù số tiền đã được thu hồi trả lại nhà nước nhưng hành vi đã hoàn thành kể từ khi nhà nước chi tiền. Tùy tính chất, mức độ vi phạm và tùy thuộc quá trình điều tra mà mức hình phạt được áp dụng khác nhau. “Tôi cho rằng vụ việc trên cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ những sai phạm đối với những người liên quan”, Luật sư Diện khẳng định.
Điều 281. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Có tổ chức
b) Phạm tội nhiều lần
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.
Video đang HOT
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Đối với những trường hợp làm giả hồ sơ nhưng số tiền những người được làm giả hồ sơ nhận thì cần làm rõ có dấu hiệu hối lộ hay không. Trường hợp nếu cán bộ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị trên 2.000.000 đồng để làm giả hồ sơ thì phạm tội nhận hối lộ theo quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự.
Điều 279.Tội nhận hối lộ
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A Chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn
c) Phạm tội nhiều lần
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt
e ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Theo Dantri
Cán bộ xã thay "Nam Tào" khai sinh, báo tử ăn chặn tiền chính sách
Không chỉ khai man tuổi của 8 đối tượng để được hưởng tiền trợ cấp dành cho người cao tuổi mà một số cán bộ ở xã Thanh Chi, Thanh Chương (Nghệ An) còn khai tử các trường hợp người có công với cách mạng để "ăn chặn" tiền hỗ trợ mai táng phí.
Khai man tuổi cha mẹ
Theo đơn thư phản ánh của một số người dân ở xã Thanh Chi, trong những năm từ 2008-2011, thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về thực hiện chế độ hỗ trợ dành cho người cao tuổi, các cụ trên 80 tuổi sẽ được hưởng trợ cấp 180.000đ/tháng. Lợi dụng chủ trương trên, một số cán bộ xã Thanh Chi đã âm thầm câu kết với nhau, tự ý thay đổi độ tuổi, ngày tháng năm sinh ở CMND và sổ hộ khẩu của 8 đối tượng.
Hầu hết trong 8 trường hợp được khai man tuổi đều là người thân trong gia đình của cán bộ xã. Đơn cử như trường hợp của bà Đậu Thị Nhi (thôn Kim Thượng) - là mẹ của cán bộ tư pháp xã Phan Thanh Lan dù chưa đến tuổi được hưởng chế độ nhưng bà cũng đã được hưởng trợ cấp từ tháng 11/2008 với số tiền là 6 triệu đồng.
Bảng kê danh sách 8 đối tượng cần phải thu hồi của Ủy ban kiểm tra huyện ủy Thanh Chương
Bà Nguyễn Thị Nhâm, là mẹ vợ của ông Lê Văn Thủy - PCT UBND xã Thanh Chi với tổng số tiền phải thu hồi theo kết luận kiểm tra của huyện ủy Thanh Chương là 6.240.000đ. Bà Lê Thị Thuật (thôn Kim Liên) - là mẹ của cán bộ văn phòng Trần Thị Trúc với số tiền phải thu hồi là 7.200.000đ. Tổng số tiền làm thất thoát của nhà nước hơn 43 triệu đồng.
Không những tự ý "khai sinh" cho các cụ, làm thất thoát tiền chính sách của nhà nước, mà trong các năm từ 2009-2012, trên địa bàn xã Thanh Chi còn có 16 trường hợp người có công với cách mạng thuộc diện phải cắt giảm chế độ vì đã qua đời. Tuy nhiên, các cán bộ ở đây đã "ém" đi không báo cáo lên trên và nghiễm nhiên những trường hợp này vẫn đều đều được hưởng tiền hộ trợ của nhà nước hàng tháng như vẫn đang sống. Với "thủ thuật" này, các cán bộ ở đây đã làm thất thoát của nhà nước thêm 62.800.000đ.
"Khai tử" người còn sống!
Nghiêm trọng hơn nữa, để sớm truy lĩnh số tiền mai táng phí dành cho những người có công, các cán bộ xã Thanh Chi còn báo tử những trường hợp vẫn còn khỏe mạnh và hiện đang cư trú tại địa phương hay ở xa gây phẫn nộ trong quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Phượng, con cụ Trần Thị Nhung bức xúc trình bày sự việc của gia đình mình
Ông Nguyễn Văn Phượng - ở xóm 3, xã Thanh Chi bức xúc cho biết: "Mẹ tôi là Trần Thị Nhung 79 tuổi. Tháng 6 năm 2012 mẹ tôi qua đời do tuổi cao sức yếu. Vì mẹ tôi thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp mai táng phí dành cho những người có công nên gia đình làm hồ sơ để truy lĩnh số tiền trên. Nhưng sau đó chúng tôi nhận được thông báo là tôi đã... ký và lấy số tiền mai táng đó từ năm 2007. Vậy là khi đó mẹ tôi vẫn còn sống mà có người đã báo tử cho mẹ tôi để lĩnh số tiền trên! Đến thời điểm này gia đình vẫn chưa nhận được số tiền mai táng của mẹ tôi".
Oái ăm hơn là trường hợp của cụ Nguyễn Thị Ba (xóm 3, xã Thanh Chi). Mặc dù cụ Ba đang sống khỏe mạnh với con trai ở miền Nam nhưng trên giấy tờ của xã cụ cũng đã được "khai tử" và đã có người ký tên truy lĩnh số tiền mai táng phí. Ông Nguyễn Văn Vinh - con của cụ Nguyễn Thị Ba cho hay: "Gia đình tôi có 5 anh em đều đi bộ đội. Hiện tại mẹ tôi đang sống khỏe mạnh với con thứ hai là Nguyễn Văn Hà ở miền Nam. Không hiểu sao giấy tờ ở xã là mẹ tôi đã mất và số tiền mai táng phí đã có người nhận ký tên là anh Hà. Từ năm 2005 tới giờ anh Hà không hề về quê, vậy ai đã giả mạo chữ ký để báo tử cho mẹ tôi??? Là con cái không ai dám làm cái việc thất đức ấy trong khi mẹ của chúng tôi vẫn còn sống!"
Cụ Nguyễn Thị Ba (ở giữa) đang sống khỏe mạnh với con trai ở miền Nam vậy mà cụ đã được các cán bộ xã Thanh Chi "báo tử"
Cách đây hơn ba tháng, một người nhà của ông Vinh là bà Trần Thị Nhung qua đời, khi gia đình lên làm khai tử để hưởng chế độ mai táng phí theo tiêu chuẩn gia đình có công với cách mạng, thì mới hay bà Nhung đã được xã "khai tử" từ năm 2002!
Không chỉ "khai tử" cho người đang sống, UBND xã Thanh Chi còn "kéo dài thêm tuổi thọ" cho những người cao tuổi đã chết để tiếp tục nhận nguồn trợ cấp từ huyện. Theo thống kê, có 37 đối tượng người cao tuổi sau khi chết, UBND xã Thanh Chi vẫn báo cáo lên huyện là đang sống để UBND huyện tiếp tục chuyển tiền trợ cấp về cho xã.
"Ăn chặn" cả tiền người tâm thần
Cũng theo phản ánh của người dân xã Thanh Chi thì khoảng thời gian từ năm 2008 đến cuối năm 2011, đa số những người cao tuổi thực sự ở xã Thanh Chi và những người tàn tật và bệnh nhân tâm thần trong xã 2 lần được UBND huyện ra quyết định nâng mức trợ cấp xã hội nhưng UBND xã đã "ém" các quyết định này mà không phát xuống cho các đối tượng để họ nắm rõ quyền lợi. Đồng thời, UBND xã vẫn tiếp tục chi trả cho các đối tượng theo mức trợ cấp cũ. Thậm chí trong khoảng gần 2 năm 2008-2009, UBND xã Thanh Chi không hề phát tiền trợ cấp cho người nào. Mãi đến khi nhiều người dân phát hiện ra sự việc kéo nhau lên đòi quyền lợi thì UBND xã mới chịu cho "truy lĩnh".
Gia đình ông Mậu - bà Ngọ có con trai bị tâm thần bị cán bộ xã Thanh Chi ăn chặn tiền chính sách
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Mậu - bà Trần Thị Ngọ ở (xóm 7, xã Thanh Lĩnh) có con là Nguyễn Văn Đồng bị bệnh tâm thần đã 12 năm nay.Năm 2007, gia đình bà Ngọ bắt đầu được hưởng trợ cấp ở mức 65.000đ/tháng, từ năm 2008 thì thấy UBND xã trả 120.000 đ/tháng. Đầu năm 2009, ông Phan Văn Bá - Kế toán UBND xã đến thu cuốn sổ cũ, đổi cuốn sổ mới cho gia đình bà Ngọ và nói: "Năm 2009 được nâng mức trợ cấp lên 240.000đ/tháng rồi bà ạ". Nhưng đến tháng 6/2011, bà Ngọ mới được UBND xã trao Quyết định số 7822/QĐ-UBND do UBND huyện Thanh Chương ký ngày 31/10/2008 về việc nâng mức tiền trợ cấp cho gia đình bà từ 65.000đ/tháng lên 240.000đ/tháng và ghi rõ con bà được hưởng từ ngày 1/1/2008.
Khi đó ông Tý - Phó chủ tịch Hội người cao tuổi đến nhà chơi nói chuyện và cho biết Nhà nước đã nâng mức trợ cấp 2 đợt vào năm 2008 và năm 2010. Cụ thể năm 2008, gia đình bà Ngọ được nâng mức trợ cấp từ 65.000đ/tháng lên 240.000đ/tháng, năm 2010 được nâng từ mức 240.000đ/tháng lên 360.000đ/tháng.
Đến lúc đó bà Ngọ mới hiểu ra thời gian qua UBND xã đã "bớt xén" tiền trợ cấp của gia đình bà. "Vợ chồng tôi tất bật lo việc đồng áng suốt ngày, tối về lo việc nhà và chăm sóc thằng Đồng nên không có thời gian để tìm hiểu các chế độ chính sách của Đảng và nhà nước. Thấy xã họ phát từng nào thì nhận từng đó chứ không biết gì. Sau một thời gian biết thiếu tiền ông Mậu mới lên xã đòi. Lúc đầu xã trả lời chưa thấy quyết định của huyện, đến khi ông Mậu bảo sẽ lên huyện hỏi thì họ mới chịu trả lại", bà Ngọ bức xúc nói.
Quan xã chỉ bị "khiển trách"?
Được biết, ngày 10/1/2012, đoàn kiểm tra Huyện ủy Thanh Chương xuống kiểm tra ở xã Thanh Chi đã có kết luận về 8 trường hợp khai khống tuổi để hưởng chế độ trợ cấp và những sai phạm của cán bộ UBND xã. Tuy nhiên Ủy ban kiểm tra Huyện chỉ yêu cầu Đảng ủy, UBND xã Thanh Chi tổ chức Hội nghị kiểm điểm đối với tập thể các Ủy viên BTV Đảng ủy và chỉ đạo kiểm điểm, xử lý đối với một số đối tượng liên quan, đồng thời yêu cầu UBND xã thu hồi 43.200.000 đồng chi trả sai chế độ và số tiền trên 45.357.300 đồng chi không hết của 3 năm từ 2008- 2010, còn các vấn đề khác không thấy đề cập đến.
Sau đó Đảng ủy xã Thanh Chi chỉ đạo các Chi bộ có Đảng viên vi phạm kiểm điểm, xử lý, nhưng khi lên kiểm điểm tại Đảng ủy thì quyết định xử lý kỷ luật cao nhất chỉ là "khiển trách" đối với những người liên quan và được UBKT Huyện ủy chấp nhận. Chưa hề quan tâm xử lý cán bộ UBND xã cố tình làm sai!
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Thanh Chương về những sai phạm ở xã Thanh Chi
Trước khi Đảng ủy xã Thanh Chi tổ chức Hội nghị kiểm điểm, nhân vật mấu chốt trong vụ việc là ông Trần Đình Nhuận - cán bộ chính sách xã đã "bỏ trốn" vào miền Nam, sau đó ông Nhuận có viết một bức thư về giải bày rằng các khoản chi trả sai quy định là do ông ta làm theo chỉ đạo của người khác (!?). Chính vì nhân vật chủ chốt "bỏ trốn" nên suốt hơn 1 năm qua, vụ việc ở xã Thanh Chi vẫn chưa được giải quyết dứt điểm và hầu hết những vi phạm đều đổ hết lỗi cho ông Trần Đình Nhuận, nhiều vấn đề vẫn chưa sáng tỏ nên còn tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân.
Trả lời báo chí, lãnh đạo huyện ủy Thanh Chương cho biết, sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân cơ quan chức năng của huyện Thanh Chương đã vào cuộc kiểm tra đồng thời đã có kết luận những sai phạm trong việc chi trả chế độ chính sách ở Thanh Chi là có thật (thể hiện trong báo cáo kết quả kiểm tra - PV). Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số xã khác để xảy ra những sai phạm tương tự, tuy nhiên xã Thanh Chi sai phạm nặng nhất. Hiện nay Huyện ủy đang thành lập Ban kỷ luật để sắp tới tiến hành xử lý. Quan điểm của huyện là sẽ xử lý nghiêm minh những đối tượng liên quan, trong đó Chủ tịch UBND xã là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Dantri
Kỷ luật trưởng ban tuyên giáo sinh con thứ ba Huyện ủy Tân Trụ (Long An) vừa ra quyết định kỷ luật đối với ông Trịnh Phước Trung, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy bằng hình thức khiển trách. Lý do là ông Trung vi phạm kế hoạch hóa gia đình, để vợ sinh con thứ ba. Tối 2-3, bà Nguyễn Thị Kim Xuân, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Tân Trụ (Long...