Vụ Camry “điên” đâm chết 3 người: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Liên quan đến vụ xe Camry gây tai nạn khiến 3 người tử vong, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm bồi thường?
Như tin đã đưa, sáng 29.2, tại phố Ái Mộ (phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP.Hà Nội) xảy ra tai nạn nghiêm trọng, xe ô tô Camry biển số 29A… đâm vào 2 người đi xe máy và 1 người đi bộ, khiến cả 3 người tử vong (trong đó có một cháu nhỏ).
Nguyễn Quang Vinh (ảnh nhỏ) được xác định là người điều khiển chiếc xe Camry gây tai nạn kinh hoàng.
Sau khi xảy ra tai nạn, Nguyễn Quang Vinh (SN 1977, ở phố Hoàng Như Tiếp, phường Thượng Thanh, Long Biên) đã tới Công an quận Long Biên khai nhận mình là tài xế gây ra vụ tai nạn.
Vinh khai với cơ quan điều tra: Sáng 29.2, có khách điều khiển xe Camry đến cửa hàng rửa xe của gia đình để rửa và để lại chìa khóa. Vinh cùng một người cháu gái sau đó ngồi vào xe, mở nghe nhạc. Thấy đồng hồ xe ô tô có nhấp nháy đèn màu đỏ nên Vinh lái xe đi kiểm tra. Khi vào cua chiếc xe lấn sang làn trái, Vinh bị cuống đạp nhầm chân phanh sang chân ga khiến chiếc xe tăng tốc va gây tai nạn thương tâm.
Liên quan đến vụ tai nạn trên, nhiều người đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân?
Về câu hỏi này, luật sư Lê Văn Kiên (Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý) cho biết: Ô tô được quy định là nguồn nguy hiểm cao độ, căn cứ theo Điều 623, Bộ luật Dân sự (quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ), trong trường hợp cơ quan điều tra xác định người điều khiển chiếc xe Camry đã chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật chiếc ô tô rồi gây tai nạn thì người này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
“Nếu cơ quan điều tra xác định, chủ phương tiện mang xe đến cửa hàng rửa xe để rửa xe, không giao chìa khóa hoặc không có bất cứ thỏa thuận nào về việc cho phép ông Vinh sử dụng xe, nhưng ông Vinh tự ý lên xe Camry điều khiển đi sau đó gây tai nạn thì ông Vinh phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, nếu chủ sở hữu chiếc xe Camry gây tai nạn, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng chiếc ô tô được xác định là có lỗi trong việc để chiếc ô tô bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”, luật sư Kiên nói.
Đồng quan điểm với luật sư Kiên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty luật Hợp danh Thiên Thanh) cho biết thêm, trong trường hợp chủ sở hữu chiếc ô tô Camry gây tai nạn biết việc ông Vinh không có bằng lái xe nhưng vẫn giao chiếc xe cho ông Vinh sử dụng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý hình sự theo Điều 205 Bộ luật Hình sự (quy định Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ).
“Ô tô là phương tiện được pháp luật quy định là nguồn nguy hiểm cao độ, chủ sở hữu và người được giao sử dụng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Vì vậy tôi cho rằng, việc xem xét chiếc Camry bị người điều khiển chiếm giữ, sử dụng trái phép hay người gây tai nạn được chủ xe giao sử dụng dẫn tới tai nạn là tình tiết rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án”, luật sư Tuấn Anh nói.
Video đang HOT
Về việc giải quyết bồi thường, luật sư Kiên và luật sư Tuấn Anh đều cho rằng, về nguyên tắc việc bồi thường sẽ trên cơ sở thỏa thuận giữa gia đình bị hại và người gây tai nạn.
Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì cơ quan tố tụng có thể áp dụng áp dụng quy định bồi thường ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 623, Bộ luật Dân sự và Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
“Theo quy định, gia đình nạn nhân sẽ được bồi thường các khoản như chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; chi phí hợp lý cho việc mai táng; khoản tiền cấp dưỡng mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng trước khi chết; khoản tiền tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm”, luật sư Kiên cho biết.
Theo_Dân việt
Lái xe thuê gây tai nạn, ai phải bồi thường?
Pháp nhân phải bồi thường thiệt do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao.
Hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Tháng 8/2015, xe chúng tôi đang lưu thông đúng luật thì bị xe ô tô của 1 doanh nghiệp khác tông làm hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại hành hóa và xe hơn 01 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp kia bồi thường thì họ đổ trách nhiệm cho lái xe, người này do doanh nghiệp đó thuê có hợp đồng lao động rõ ràng nhưng không có tiền đền bù cho chúng tôi. Chúng tôi có thể khởi kiện doanh nghiệp đó để bồi thường được không?
Lái xe thuê gây tai nạn, ai phải bồi thường? - Ảnh minh họa
Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến:
Điều 618 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: "Pháp nhân phải bồi thường thiệt do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao. Nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoản trả một khoản tiền theo quy định pháp luật".
Căn cứ vào quy định này, doanh nghiệp anh/chị có thể khởi kiện doanh nghiệp đó, buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi đáp ứng các điều kiện sau: xác định doanh nghiệp đó có tư cách pháp nhân theo Điều 84 Bộ luật Dân sự 2005; người lái xe là thành viên của doanh nghiệp thông qua Hợp đồng lao động được ký kết; thiệt hại do người lái xe gây ra liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ mà doanh nghiệp đó giao cho.
Trường hợp không chứng minh được các điều kiện trên thì xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này theo Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005, Mục III Nghị quyết 03/2006/NQ - HĐTP, ngày 07/08/2006 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (phương tiện giao thông cơ giới là một trong những nguồn nguy hiểm cao độ theo Khoản 1 Điều 633 Bộ luật Dân sự 2005). Theo đó quy định và hướng dẫn việc xác định trách nhiệm bồi thường như sau:
a) Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.
b) Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng có thoả thuận khác không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường.
Ví dụ: Các thoả thuận sau đây là không trái pháp luật, đạo đức xã hội hoặc không nhằm trốn tránh việc bồi thường:
- Thoả thuận cùng nhau liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
- Thoả thuận chủ sở hữu bồi thường thiệt hại trước, sau đó người được giao chiếm hữu, sử dụng sẽ hoàn trả cho chủ sở hữu khoản tiền đã bồi thường;
- Ai có điều kiện về kinh tế hơn thì người đó thực hiện việc bồi thường thiệt hại trước.
Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
Ví dụ:Chủ sở hữu biết người đó không có bằng lái xe ô tô, nhưng vẫn giao quyền chiếm hữu, sử dụng cho họ mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại.
c) Về nguyên tắc chung chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:
- Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;
Ví dụ: Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương nặng hoặc bị chết. Trong trường hợp này chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó không phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ (xe ô tô) gây ra.
- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cần chú ý là trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật đó.
d) Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã tuân thủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).
Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.
đ) Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây ra tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:
- Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng; do đó, A phải bồi thường thiệt hại.
- Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp; do đó, B phải bồi thường thiệt hại. Nếu trong trường hợp này được sự đồng ý của A, B giao xe ô tô cho C thông qua hợp đồng cho thuê lại tài sản, thì C là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp xe ô tô đó; do đó, C phải bồi thường thiệt hại.
Như vậy, dựa trên tình hình thực tế xảy ra, tùy theo từng trường hợp cụ thể, doanh nghiệp anh/chị có thể áp dụng các quy định pháp luật mà chúng tôi viện dẫn ở trên để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
HUY LÂM
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Tai nạn ở cao tốc Pháp Vân Cầu Giẽ: Chủ xe khách phải bồi thường "Trong trường hợp lỗi thuộc về tài xế lái xe khách. Và việc gây ra tai nạn lúc tài xế đang làm nhiệm vụ chở khách thì chủ doanh nghiệp xe khách phải có trách nhiệm bồi thường", luật sư Huế chia sẻ. Liên quan đến trách nhiệm pháp lý khi để xảy ra tai nạn thảm khốc cùng vấn đề bồi thường...