Vụ cá sấu sổng chuồng: Đã thương lượng được về bồi thường
Liên quan đến vụ cá sấu nuôi của Công ty TNHH chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Quốc Việt (ấp Cây Trâm A, xã Định Bình, TP.Cà Mau) sổng chuồng, ngày 23.10, ông Nguyễn Thành Trung, Đội Kiểm lâm cơ động ( Chi cục Kiểm lâm Cà Mau) cho biết: “Đã thương lượng được với chủ hộ để tát ao cá nuôi, bắt lại cá sấu”.
Chủ hộ là ông Nguyễn Văn Trạng đồng ý mức bồi thường 10 triệu đồng. Hiện công tác “tát nước ao, bắt cá sấu” vẫn đang được tiến hành.
“Do ao cá nuôi nước rất sâu nên dự kiến có thể đến khuya nay mới tát cạn được. Thêm nữa, trước đó, Công ty Quốc Việt không đồng ý mức giá bồi thường 10 triệu đồng. Mãi cho đến sáng ngày 23.10, Chi cục Kiểm lâm báo cáo vụ việc với Sở NN-PTNT, và sau đó Công ty Quốc Việt mới… đồng ý với mức giá trên” – ông Trung nói.
Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau thông tin: “Tinh thần là trong đêm nay, lực lượng công tác sẽ bắt hết số cá sấu còn lại”.
Được biết, khi công tác bắt cá sấu sổng chuồng hoàn thành, ngành Kiểm lâm Cà Mau sẽ thông báo rộng rãi đến người dân trong khu vực để bà con an tâm.
Theo TNO
"Lệnh truy nã" cá sấu bị phản ứng
Một ngày sau vụ cá sấu sổng chuồng, nhiều hộ dân ở ấp Cây Trâm A (xã Định Bình, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) bỗng dưng nhận thông báo của Công ty Quốc Việt với những nội dung đầy đe doạ...
Video đang HOT
Đến khu vực ấp Cây Trâm A (Cà Mau), không khó để chúng tôi có trong tay một bản thông báo như nêu trên. Người dân địa phương cho biết, vài ngày trước, cán bộ ấp Cây Trâm A mang thông báo đến tận nhà dân, nói là đưa giúp Công ty Quốc Việt vì người của công ty đang bận truy bắt sấu sổng chuồng.
Thông báo kiểu "doạ" dân
Nội dung tờ thông báo có đoạn: "Nếu ai phát hiện cá sấu thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Cty TNHH Quốc Việt. Nếu ai cố tình che giấu hoặc bắt cá sấu mà không thông báo thì sẽ bị xử lý theo pháp luật". Thông báo được đóng dấu đỏ chót, ký tên người đại diện của Công ty Quốc Việt.
Thông báo của công ty Quốc Việt khiến người dân trong vùng sấu sổng chuồng bức xúc
Một số hộ dân sau khi xem qua thông báo đã nhét vô tủ, một số khác xem đi xem lại thì phát hiện tờ thông báo trên có điều bất ổn, vừa tức, vừa mắc cười. Anh Năm Thắng, ở ấp Cây Trâm A nhìn tờ thông báo rồi lắc đầu: "Ai bị sổng của cải ra ngoài mà không xót của. Nhưng trong trường hợp này, thứ của ấy (cá sấu to) có thể tước đi sanh mạng người khác. Vì vậy, có ra thông báo cũng nên có lời lẽ cho đàng hoàng, tốt nhất là động viên các hộ dân để bà con không tự ý bắt sấu hoặc phát hiện sấu thì phối hợp vây bắt trả lại cho công ty. Đằng này họ ra thông báo kiểu không thiện chí, dựa hơi chính quyền, ngành chức năng để thách thức, dọa dân thì không ổn chút nào".
Cùng suy nghĩ ấy, một thầy giáo ở xã Định Bình hóm hỉnh: "Gấp gáp quá nhiều khi mất khôn. Đáng lẽ thông báo ấy phải được phát hành bởi chính quyền địa phương là UBND xã Định Bình hoặc cấp cao hơn... chứ ai đời do công ty tự phát hành mà áp đặt chế tài, xử lý này nọ. Họ đâu có quyền làm thay cơ quan thực thi pháp luật?"
Con sấu sổng chuồng rạng sáng 17/10 bị vây bắt ngay chánh điện chùa Bửu Hương
Chiều ngày 17/10, PV trao đổi với thiếu tướng Nguyễn Thanh Nam, Giám đốc Công tỉnh Cà Mau về nội dung thông báo trên thì ông Nam không bình luận gì thêm, chỉ trả lời ngắn gọn "Chỉ có cơ quan chức năng mới được chế tài theo luật...".
Chiều cùng ngày, chúng tôi cũng gọi điện nhiều lần qua số di động của ông Ngô Văn Nga, Tổng giám đốc Công ty Quốc Việt để hỏi rõ thông báo trên có phải do ông chỉ đạo phát hành hay không nhưng điện thoại chỉ đổ chuông, không ai nghe máy.
Cá sấu sổng chuồng, có đòi được không?
Ngoài thông báo kiểu doạ dân như vừa nêu, những ngày qua, các hộ dân "xui xẻo" bị cá sấu sổng chuồng bò vô ao cá cũng mệt mỏi, bức xúc không kém. Điển hình nhất là trường hợp của hộ ông Nguyễn Văn Trạng, nhà gần Trường Tiểu học Kim Đồng. Nhà ông Trạng có khu nuôi cá nước ngọt khoảng 4.000m2, nghi ngờ có vài con sấu sổng chuồng bên Công ty Quốc Việt bò vào ẩn náu. Ông Trạng cho biết: "Trước khi bên Công ty Quốc Việt hỗ trợ tôi 5 triệu đồng để được quyền vô khu nuôi cá lùng sấu, nhóm người của công ty này đã nhiều lần quần thảo quanh khu nuôi cá nhà tôi để tìm kiếm, bẫy điện sấu sổng chuồng mà chưa xin ý kiến của tôi. Mình cũng không thể cự họ vì họ chỉ là người làm thuê, làm theo mệnh lệnh của ông chủ. Với lại gia đình cô thế, không tự bắt sấu được nên đành chịu vậy".
Người của Cty Quốc Việt lùng bắt sấu tại ao phía sau chùa Bửu Hương sau khi phát hiện con sấu sổng chuồng bò vô chùa này
Theo ông Trạng, chưa có quy định nào cấm hộ dân nuôi cá bắt cá tại ao nuôi của họ. Ông Trạng dẫn dụ thực tế là ao cá nhà ông nằm cặp ranh với ao cá nước ngọt của Trường tiểu học Kim Đồng. Dù có ngăn bờ, rào chắn kỹ càng nhưng ai biết không có lỗ mọt hoặc sự cố sạt bờ, bể bờ, tràn bờ... khi mưa lớn. Trong trường hợp ấy xảy ra, cá của một trong hai ao sẽ có sự di chuyển sang ao nuôi lân cận.
Ông Trạng cho biết: "Giả sử trong trường hợp cá bên tôi tràn qua ao cá bên trường thì trường có quyền săn bắt tùy ý dưới ao cá của mình, miễn đừng xâm phạm qua ranh ao tôi và ngược lại. Trừ trường hợp tôi chứng minh được con cá của tôi có ký hiệu, dấu hiệu gì đặc biệt khác hẳn cá của trường thì xin phép tham gia thu hồi".
Trở lại câu chuyện con cá sấu sổng chuồng, "hên" cho Công ty Quốc Việt vì hộ dân khu vực lân cận không có hộ nào nuôi cá sấu nên bà con tự ý thức chấp hành tốt. Bằng ngược lại, nhiều khả năng có sự tranh giành, tranh chấp giữa cá sấu của dân - cá sấu công ty. Xung quanh vấn đề này, ông Phan Hùng Dũng, Trưởng phòng pháp chế Chi cục kiểm lâm Cà Mau, cho biết: cá sấu của Cty Quốc Việt được cấp phép gây nuôi hợp pháp nhưng trước giờ không có đặc điểm, kí hiệu nhận dạng riêng mà cũng giống như những con sấu bình thường khác. Nếu cùng một lứa với nhau khó lòng nhận biết con nào là của ai.
Xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước
Khi vật nuôi dưới nước của một người di chuyển tự nhiên vào ruộng, ao, hồ của người khác thì thuộc sở hữu của người có ruộng, ao, hồ đó. Trong trường hợp vật nuôi dưới nước có dấu hiệu riêng biệt để có thể xác định vật nuôi không thuộc sở hữu của mình thì người có ruộng, ao, hồ đó phải thông báo công khai để chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau một tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì vật nuôi dưới nước đó thuộc sở hữu người có ruộng, ao, hồ đó.
(Ðiều 244, Bộ Luật dân sự 2005)
Rộ tin đồn cá sấu sổng chuồng tuồn ra sông lớn
Chiều 17/10, phóng viên nhận được nguồn tin có hai vợ chồng ông lão đi bán than đước, tới khúc sông lớn thuộc xã Định Bình thì hô hoán gặp cá sấu to nổi đầu. Thời gian trên, người đi chợ phường 7 (TP. Cà Mau) cũng bàn tán chuyện mấy người chở rau tươi ở quê lên bán sỉ gặp sấu to trên sông Cà Mau gần chợ. Một số chị đi xe buýt tuyến về huyện Năm Căn cũng thủ thỉ chuyện nhóm người đi câu cá Dứa gặp cá sấu nỗi đầu trên khúc sông lớn Đầm Cùng (đoạn thuộc địa phận xã Trần Thới, huyện Cái Nước, Cà Mau). Song, trao đổi qua điện thoại, lãnh đạo chính quyền các địa phương xác nhận đó chỉ là tin đồn thất thiệt, không đáng tin cậy.
Theo 24h
Phát lệnh "truy nã" cá sấu Công ty Quốc Việt đã ra thông báo: Nếu ai phát hiện cá sấu thì báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc Công ty TNHH Quốc Việt, nếu không sẽ bị xử lý theo pháp luật. Thông báo này khiến người dân không hài lòng. Lúc 19 giờ tối qua 16/10, lực lượng giám sát liên ngành gồm kiểm lâm, công an,...