Vụ cá chết: Hơn 260.000 lao động bị ảnh hưởng
Hai bộ NNPTNT và LĐTBXH được Thủ tướng giao xây dựng dự thảo hỗ trợ, chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng trong sự cố cá chết.
Trao đổi với Zing.vn về chính sách hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho hay, Bộ đã chủ động và sớm tham mưu Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân (Quyết định 772). Sau khi quyết định này hết hiệu lực, Bộ tham mưu để gia hạn.
3 đề xuất của Bộ Nông nghiệp
Theo đó, Chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung về gạo là 6 tháng, về đối tượng mở rộng thêm cả diêm dân. Đồng thời, việc thu mua tạm trữ hải sản được kéo dài thêm 2 tháng nữa và một số chính sách khác.
Thứ trưởng Tám cho biết, Bộ đang tham mưu cho Chính phủ ban hành các chính sách chuyển đổi nghề, khôi phục môi trường và tạo việc làm cho bà con ngư dân. Mục tiêu là làm sao để họ có đời sống ổn định trước mắt cũng như lâu dài.
“Bộ đang hoàn tất các văn bản và xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương. Trong tuần tới, Bộ sẽ trình Thủ tướng để ban hành chính sách này. Hy vọng, chính sách chuyển đổi nghề cũng như giải quyết cho bà con ngư dân giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống sẽ đáp ứng được mong đợi của bà con ngư dân 4 tỉnh Bắc Trung Bộ” – Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Bộ NNPTNT đề xuất chuyển đổi nghề cho ngư dân sau sự cố cá chết. Ảnh: Hòa Đức
Về đề xuất cụ thể của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, có một số hướng như sau:
Thứ nhất, Trung ương và địa phương tạo điều kiện cho ngư dân các tỉnh Bắc Trung Bộ đánh bắt vùng lộng và vùng ven bờ. Tức là đối với tàu công suất dưới 90CV sẽ được hưởng chính sách như trong Nghị định 67 và Nghị định 89 (bổ sung Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản bền vững), để ngư dân đóng tàu khai thác vùng xa bờ.
Thứ hai, Bộ NNPTNT đề xuất phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có chính sách đào tạo, chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân. Nếu ngư dân không đi khai thác thì sẽ lên bờ làm những việc phù hợp với điều kiện và có thể tăng thu nhập. Trong đó, Bộ này đề xuất cố gắng mỗi hộ gia đình có được một người đi xuất khẩu lao động. Đây là một hướng giúp cho những gia đình này có điều kiện để ổn định cuộc sống tốt hơn.
Thứ ba, tới đây, Bộ NNPTNT sẽ đề xuất dự án khôi phục, tái tạo lại các rạn san hô cũng như các hệ sinh thái. Dự án này cần một lực lượng lao động rất lớn, cũng sẽ đề xuất đưa các lao động của các hộ gia đình này tham gia.
Theo Thứ trưởng Tám, dự thảo sẽ còn thay đổi tùy theo tình hình thực tế và ý kiến từ các bộ ngành. Bộ đang nỗ lực hoàn thiện bản dự thảo để trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định ban hành.
Video đang HOT
263.000 lao động bị ảnh hưởng
Trao đổi với Zing.vn, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan này đang giao các đơn vị chuyên môn xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ước tính có 263.000 lao động bị ảnh hưởng từ sự kiện cá chết do Công ty Formosa gây ra, trong đó có 100.000 lao động chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Thứ trưởng Diệp cho biết, sau sự cố, lãnh đạo Bộ Lao động đã làm việc với các tỉnh để nắm tình hình khó khăn của ngư dân bị ảnh hưởng, lắng nghe nguyện vọng của ngư dân.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp. Ảnh: Thắng Quang
“Bộ trưởng đã thống nhất với các tỉnh về việc cần phải có một đề án tổng thể về dạy nghề, tạo việc làm và xuất khẩu lao động. Có thể trong vài năm tới đây, họ phải sang khu vực khác để kiếm sống. Sau đó, họ sẽ quay về vùng biển quê nhà để làm việc và sinh sống” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chia sẻ.
Theo Thứ trưởng Diệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất áp dụng 4 chương trình do Bộ và các doanh nghiệp đang thực hiện. Những chương trình do Bộ triển khai với chi phí thấp sẽ được ưu tiên hỗ trợ người dân vùng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, chương trình EPS, đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc, với 3.500 chỉ tiêu sẽ ưu tiên cho các huyện ven biển của 4 tỉnh miền Trung. Những huyện trong diện hạn chế do lao động bỏ trốn nhiều cũng sẽ được ưu tiên tham gia.
Bên cạnh đó, lao động vùng bị ảnh hưởng có thể tham gia chương trình IM Japan đang được xúc tiến. Nếu lao động có đủ sức khỏe và đáp ứng ngoại ngữ sẽ được phía Nhật Bản tạo điều kiện học miễn phí. Lương khởi điểm 800-1.000 USD/tháng.
Ngoài ra, Bộ Lao động đang triển khai 2 chương trình điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản và Đức. Người lao động là con em của ngư dân của khu vực này nếu đủ điều kiện sẽ được Bộ tạo điều kiện tham gia ngay.
Thứ trưởng Diệp cho biết thêm, Bộ sẽ trình Chính phủ cho phép những lao động thuộc hộ nghèo ở các huyện bị ảnh hưởng được miễn phí đào tạo ngoại ngữ, tiền ăn ở trong thời gian học định hướng và các chính sách khác có thể áp dụng được.
Hiện tượng hải sản chết bất thường, hàng loạt bắt đầu xảy ra từ ngày 6.4 tại Hà Tĩnh (khu vực cảng Vũng Áng và các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà của thị xã Kỳ Anh), sau đó tiếp tục xảy ra tại Quảng Bình ngày 10.4, Thừa Thiên – Huế ngày 15.4, Quảng Trị ngày 16.4 với số lượng và tần suất theo thời gian tại từng tỉnh khác nhau và kéo dài đến khoảng ngày 4.5. Trong đó, hải sản chết nhiều tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-7.4, tỉnh Quảng Bình ngày 14-15.4, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 16-17.4 và tỉnh Quảng Trị ngày 18-19.4. Từ ngày 24 đến 26.4, cùng với hiện tượng hải sản chết hàng loạt tại Hà Tĩnh quay trở lại thì trên biển xuất hiện dòng triều màu nâu; ngày 4.5 xuất hiện dòng nước màu nâu đỏ tại Quảng Bình. Qua theo dõi của Tổ công tác hiện trường, từ ngày 4.5 đến nay không còn phát hiện hiện tượng bất thường tại khu vực này nữa. Sau gần 3 tháng điều tra xác minh, Công ty Formosa Vũng Áng (Hà Tĩnh) đã cúi đầu nhận lỗi xả thải ra biển, khiến cá chết hàng loạt. Formosa cam kết bồi thường thiệt hại 500 triệu USD (tương đương 11.500 tỷ đồng) cho ngư dân bị ảnh hưởng và khắc phục sự cố môi trường này.
Theo Thắng Quang (Zing)
Manh mối bất ngờ trong quá trình tìm nguyên nhân cá chết
Vệt nước đỏ xuất hiện ở Quảng Bình ngày 4.5 mà nhiều người nghĩ là thủy triều đỏ hoặc phù sa chính là manh mối quan trọng, mở ra bước ngoặt trong quá trình tìm nguyên nhân cá chết.
Gian nan
Theo PGS.TS Vũ Đức Lợi, Phó viện trưởng Viện Hóa học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học tìm nguyên nhân cá chết, ban đầu hàng loạt các giả thiết về nguyên nhân được đặt ra như sự cố tràn dầu, động đất, dịch bệnh. Khi các giả thiết này dần được loại trừ thì việc tìm kiếm nguyên nhân cá chết rất khó khăn.
Giả thiết được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra tại cuộc họp ngày 27.4 cho rằng, có thể do thủy triều đỏ. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, không phát hiện dấu hiệu tảo nở hoa trên diện rộng dù một số thời điểm bùng phát cục bộ về số lượng vi tảo xảy ra.
Các nhà khoa học kết luận, tảo nở hoa được ghi nhận tại một số thời điểm trong phạm vi hẹp có thể gây cá chết nhưng không phải là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Như vậy chỉ còn giả thiết cá chết do nhiễm độc. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích các mẫu nước biển và trầm tích thu được ở 4 tỉnh miền Trung từ ngày 19.4 đến ngày 29.4, các thông số cơ bản, hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng phenol và cyanua đều nằm trong giới hạn cho phép, chỉ duy hàm lượng sắt tổng số trong mẫu trầm tích có xu hướng cao hơn các năm trước đây và trong mẫu trầm tích lấy bằng phương pháp lặn biển phát hiện thấy phenol với hàm lượng từ 0,2 đến 3,8 mg/kg.
Ngoài ra, trong mẫu cá phân tích, hàm lượng kim loại nặng và asen đều thấp hơn tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Hệ thống xả thải của Formosa (ảnh lớn); Người dân vùng biển Hà Tĩnh đau lòng vì cá chết (ảnh chụp ngày 26.4).
Đúng vào thời điểm khó khăn đó, theo PGS Lợi, kết quả phân tích độc tố (phenol, cyanua) tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Y tế và Đại học Sydney, Úc chỉ ra, trong nhiều mẫu cá chết thu được có hàm lượng độc tố cao. Các nhà khoa học nhận định, phải có một nguồn phát tán có hàm lượng phenol, cyanua đủ cao để gây chết cá.
Thời điểm đó, một vệt nước màu đỏ dài 1,5km, rộng 10m xuất hiện ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình xuất hiện ngày 4.5 và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12.5.2016 đã dần hé lộ kịch bản cá chết.
Cá đã chết như thế nào?
Các nhà khoa học đã thử độc tính của mẫu nước lấy từ hai nơi nói trên. Cá cũng được thả vào lọ chứa các mẫu nước này. Kết quả cho thấy, 80-100% cá chết trong thời gian từ 3-30 phút.
Mẫu nước cũng cho kết quả hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao và có chứa phenol. Màu nước ở các vệt nước bất thường này không phải là màu của tảo nở hoa hay màu của phù sa tự nhiên mà là dạng keo sắt hấp thụ các độc tố như phenol, cyanua, là sản phẩm do hoạt động xả thải của con người gây ra.
Phân tích màng dịch nhầy bao bọc thân cá trên rạn san hô thu được ở Thừa Thiên - Huế ngày 24.4.2016 cũng thu được hàm lượng sắt cao và có chứa phenol. Như vậy kịch bản cá chết đã sáng tỏ. Các nhà khoa học khi ấy đưa ra kết luận, độc tố hóa học, cụ thể là phenol, cyanua cùng với sự đóng góp của hợp chất chứa sắt là nguyên nhân chính gây ra sự cố hải sản chết hàng loạt.
Bản thân phenol và cyanua dạng tự do tan tốt và sẽ bị nước biển pha loãng nhanh, khó có thể gây hiện tượng cá chết tức thời trên diện rộng. Tuy nhiên, phenol, cyanua đã kết hợp phức sắt ở dạng keo (Mixel) xả ra môi trường biển. Nguồn xuất phát từ khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Chất thải của nhà máy Formosa có chứa các độc tố phenol, cyanua, hydroxit sắt vượt mức cho phép gây ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt. Các chất này kết hợp với nhau, được dòng hải lưu chảy hướng bắc nam đưa từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Ảnh: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Phức sắt dạng keo sẽ hấp phụ phenol, cyanua và các độc chất khác. Các độc chất này được làm giàu tới hàm lượng có thể gây độc cấp tính để hình thành cái gọi là "ổ độc di động".
Trên đường đi theo chiều của dòng hải lưu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế, "ổ độc di động" sẽ làm chết cá do lớp màng nhầy của keo sắt làm tắc mang hoặc do tác động gây độc cấp tính của phenol, xyanua. Ngoài ra, cá chết có thể do thiếu hụt ôxy bởi sự chuyển hóa từ dạng sắt hóa trị 2 lên sắt hóa trị 3.
Trong quá trình di chuyển, phenol và cyanua sẽ được giải phóng dần và dạng keo này có thể bị lắng xuống đáy. Khi bị tác động của thủy triều và sóng, tại một số địa điểm, dạng keo này bị đẩy lên mặt nước tạo thành các vệt màu bất thường.
Đó chính là vệt màu đỏ xuất đỏ dài 1,5km, rộng 10m ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình và vệt nước màu đỏ sẫm xuất hiện tại khu vực cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh ngày 12.5.2016.
Ngày 1.6, Hội đồng khoa học đã có báo cáo gửi Bộ KH&CN kết luận về nguyên nhân cá chết, đồng thời chuyển cho GS Yasuki Maeda (Trường Đại học tổng hợp Osaka, Nhật Bản), chuyên gia trong lĩnh vực môi trường để nhận xét phản biện.
Ngày 4.6, GS Yasuki Maeda gửi bản nhận xét và đánh giá cao về tính khoa học của báo cáo cũng như kết luận trong báo cáo. Nhờ đó, Việt Nam có cơ sở khoa học định hướng tìm thủ phạm gây ra sự cố môi trường này.
Theo Nguyễn Hoài (Tiền Phong)
Vụ cá chết ở miền Trung: Sẽ có thêm chính sách hỗ trợ ngư dân "Trong tuần sau, Bộ NNPTNT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, phát triển bền vững đối với ngư dân ven biển 4 tỉnh miền Trung" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám chia sẻ với NTNN/Dân Việt như vậy ngay sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân làm cá chết và hướng khắc phục...