Vụ cá chết: “Hà Tĩnh cần xử lý nghiêm sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm”
Đó là lời ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong (TNXP) tỉnh Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở NNPTNT Hà Tĩnh – khi nói về những hậu quả mà Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải độc ra biển vừa qua.
Chiều 30.6, Chính phủ họp báo khẳng định Formosa là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt tại bốn tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa-Thiên Huế. Tại cuộc họp báo này, ông Đặng Quốc Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – cũng đã trả lời câu hỏi về trách nhiệm của địa phương khi để Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường biển.
Ông Vinh nói: Formosa là dự án lớn, được tất cả các bộ, ngành tham gia và nhiều việc vượt ra ngoài khả năng của Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Vinh: “Khi có sự cố cá chết xảy ra, chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với các nhà khoa học, với các bộ, ngành T.Ư cung cấp các thông tin và yêu cầu sớm tìm ra nguyên nhân. Còn các cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh như Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành liên quan đã có nhiều cuộc kiểm tra và đã có xử lý. Tuy nhiên, vì khả năng có hạn, sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng chưa được thường xuyên và còn nhiều bất cập, chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc và xử lý những sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình”.
Ông Đào Văn Tinh cho biết, tỉnh cần phải xử lý nghiêm các sở, ngành chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Trước sự cố ô nhiễm nghiêm trọng này, rất nhiều người dân Hà Tĩnh khi được hỏi đều cho rằng tỉnh Hà Tĩnh cần phải xử lý nghiêm các cá nhân, cơ quan lơi lỏng quản lý.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Văn Tinh – Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh, nguyên Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hà Tĩnh – thẳng thắn nói: “Địa phương còn chủ quan, chưa am hiểu hết về Formosa”.
Video đang HOT
Ông Tinh cũng nêu lên mấy khuyết điểm của tỉnh Hà Tĩnh, đó là trong quá trình xem xét đệ trình chủ trương đầu tư của Formosa nhưng chưa thực sự chín muồi, thiểu hiểu biết đầy đủ về nhà đầu tư. Địa phương để cho Formosa quá nhiều ưu đãi. Đặc biệt trong quá trình giám sát của cơ quan nhà nước, chuyên ngành còn bộc lộ nhiều thiếu sót để đến lúc xảy ra sự cố nghiêm trọng người ta mới nhận thấy sự bất ngờ quá lớn, đây thuộc về ý thức, cụ thể ở đây là việc giám sát xả thải trước khi xảy ra sự cố quá lỏng lẻo. Do đó, tỉnh cần phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức chưa làm hết trách nhiệm của mình.
Liên quan đến việc xử lý hậu công bố nguyên nhân gây ra sự cố cá chết, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại nhằm thống kê chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng. Hội đồng gồm 18 thành viên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn làm Phó Chủ tịch hội đồng. Hội đồng này có nhiệm vụ đánh giá chính xác giá trị thiệt hại sau sự cố môi trường trên tất cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng, đề ra giải pháp tổng thể để khôi phục sự cố và ổn định sản xuất phù hợp với quy định và thực tế ở các địa phương.
Nắm bắt tâm tư của ngư dân sau công bố nguyên nhân cá chết Ngày 1.7, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp về các xã ven biển xung quanh dự án Formosa Hà Tĩnh thăm hỏi, lắng nghe ý kiến bà con ngư dân vùng bị thiệt hại. Tại buổi gặp gỡ, rất nhiều ngư dân đã nêu lên những tâm tư nguyên vọng với Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng về những vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh. Tại buổi tiếp xúc này, bà con cũng bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt điều tra, công bố nguyên nhân, thủ phạm gây ra sự cố môi trường biển trong thời gian qua. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cam kết các giải pháp hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho bà con ngư dân, các giải pháp chuyển đổi nghề, xử lý, khắc phục môi trường biển. Cũng trong ngày 1.7, UBND tỉnh Hà Tĩnh ký quyết định hỗ trợ tạm thời người dân một số chính sách để sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ gồm tổ chức, người lao động và các nhân khẩu trong hộ có hoạt động khai thác, dịch vụ hậu cần khai thác hải sản có tàu thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất nhỏ hơn 90CV; dịch vụ hậu cần nghề cá; nghề muối bị ảnh hưởng trực tiếp do sự cố môi trường tại thị xã Kỳ Anh và các huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Lộc Hà và Nghi Xuân.
Theo Danviet
Vụ cá chết: 'Mất 50 năm để khôi phục rạn san hô ở 4 tỉnh miền Trung'
Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT) xung quanh việc Fomosa xả thải gây ô nhiễm khiến 400ha rạn san hô biển của 4 tỉnh miền Trung bị chết.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên và môi trường biển, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TNMT).
Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam, vụ việc Formosa xả thải gây ô nhiễm biển 4 tỉnh miền Trung đã khiến 400ha hệ sinh thái san hô biển bị chết. Hệ lụy của việc mất rạn san hô là gì, thưa ông?
- Ở khu vực biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế là nơi xảy ra thảm họa môi trường cá chết hàng loạt vừa rồi, có hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng. Đây là cơ sở để giữ cho vùng biển này giàu có về nguồn lợi hải sản. Cho nên ở miền Trung, ngành thủy sản và người dân rất quan tâm tới các rạn san hô biển. Chúng tạo ra quần thể sinh vật biển phong phú, tạo ra nguồn lợi đa dạng. Rạn san hô ở đây có 2 mức, một là dạng san hô viền quanh bờ của các đảo như đảo hòn La, hòn Nồm, Cồn Cỏ, hòn Sơn Trà...
Quan trọng hơn, rạn san hồ là cầu nối giữa các đảo như đảo hòn La, hòn Nồm ở Quảng Bình và Cồn Cỏ (Quảng Trị) có các gồ sống trâu, là những vùng đá gốc dưới đáy biển nổi nhô lên. Những rạn san hô nằm chìm sâu ở dưới mà nhờ chúng, hàng nghìn loài hải sản có thể sinh sôi và phát triển được. Tóm lại, san hô như ngôi nhà chung của các loài hải sản này. Nói như thế để thấy rằng hệ sinh thái rạn san hô rất quan trọng với khu vực.
Thế nhưng trong sự cố môi trường vừa qua, cá chết đã đành, các rạn san hô cũng chết theo. Mất rạn san hô, những loài sinh vật biển muốn sống cũng không có chỗ để mà sống.
Đó là chưa kể, san hô như nhà máy tạo ra các chất dinh dưỡng giàu hơn các vùng biển bên ngoài, nó tiếp nhận, đồng hóa chất vô cơ trong nước biển thành chất hữu cơ cho sinh vật biển sinh sống. Thường ở đâu có rạn san hô sẽ có khoảng 2.500 loài sinh vật biển lưu trú.
Vậy chúng ta sẽ phải mất bao nhiêu lâu để khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô như ban đầu, thưa ông?
- Rạn san hô được hình thành rất chậm, chục năm mới mọc ra được vài phân, muốn phục hồi lại được một cánh rừng san hô rộng 400ha, hay còn gọi là rừng mưa nhiệt đới dưới đáy biển mà hiện đã mất, tôi nghĩ chúng ta phải mất ít nhất là 50 năm mới có lại hệ sinh thái san hô như ban đầu. Kèm theo đó là một khoản tiền không hề nhỏ.
Khoản kinh phí không hề nhỏ đó, theo ước tính của ông như thế nào?
- Kinh phí xử lý ô nhiễm đáy biển mới tốn kém, chứ kinh phí phục hồi các hệ sinh thái, rạn san hô không nhiều, khoảng vài chục tỷ là có thể làm được. UBND 4 tỉnh ngồi lại với nhau để cùng đưa ra kế hoạch thực hiện trong vòng 2 năm sau đó để lại cho người dân trông coi. Có thể lấy luôn công nghệ mô hình quốc tế mà Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu biển Hải Phòng đã làm nhiều năm trước.
Phải mất ít nhất 50 năm để khôi phục lại rạn san hô biển ở 4 tỉnh miền Trung (ảnh minh họa).
Để khôi phục lại rạn san hô ở khu vực này, chúng ta phải làm những gì, thưa ông?
- Muốn cải tạo lại rạn san hô cần làm 2 việc: Một là xử lý triệt để ô nhiễm biển, xử lý dưới đáy biển không dễ, chất ô nhiễm sẽ nằm trong hang hốc san hô rất nhiều. Ở vùng biển này, vùng mặt nước an toàn hơn vùng đáy biển, hang hốc san hô. Cho nên bây giờ phải nghiên cứu, xử lý ô nhiễm dưới đáy biển, xử lý được vấn đề này rất tốn kém, rất khó mà mất thời gian.
Thứ hai là phục hồi rạn san hô. Bây giờ các phương pháp phục hồi rạn san hô nhân tạo không khó. Cần đầu tư làm các cấu kiện xi măng theo các hình dáng khác nhau của các rạn, sau đó thả xuống các rạn san hô chết. Cùng với nền cũ, một thời gian sau các ấu trùng san hô bám vào đâu thì các loài sinh vật sẽ chui vào đó để trú ngụ.
Việc khôi phục lại hệ sinh thái rạn san hô cần tính toán như thế nào cho hợp lý, thưa ông?
- Cần khôi phục lại để phục vụ nhiều mục đích. Thứ nhất để cải tạo lại hệ sinh thái dưới biển, tạo môi trường sống cho các loài hải sản. Bên cạnh cải tạo, phải nâng cấp rạn san hô phục vụ mục đích du lịch, giải trí, chúng ta cần tận dụng những con tàu nhỏ bị hỏng thả xuống đáy biển, tạo ra những quần thể san hô mang tính khám phá giải trí, những vùng nước nông có thể thả những xe tăng hỏng để tạo ra quần thể san hô phong phú đẹp mắt thu hút du khách tham quan.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Lập hội đồng đánh giá thiệt hại do Formosa xả thải Sáng 1/7, ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tỉnh vừa ký quyết định thành lập Hội đồng đánh giá thiệt hại sau sự cố môi trường do Formosa xả thải gây ô nhiễm. Ngư dân vùng biển Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) vẫn kiên trì bám biển sau sự cố cá chết (ảnh: T.Hoa) Ngày 30/6...