Vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Hình phạt cho kẻ phạm tội
Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm
Vụ việc mua bán trẻ em xảy ra ở chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội đang được dư luận quan tâm. Hiện nay, công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp đối tượng Nguyễn Thị Thanh Trang (sinh năm 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), bảo mẫu ở chùa Bồ Đề, để điều tra hành vi Mua bán trẻ em.
Cùng bị bắt với Trang là Phạm Thị Nguyệt (sinh năm 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để điều tra về hành vi “Mua bán trẻ em”.
Hiện lực lượng thanh tra liên ngành quận Long Biên (Hà Nội) cũng đang thanh tra, kiểm tra khu vực nuôi dạy trẻ cơ nhỡ, bị bỏ rơi nằm bên trái cổng chùa.
Mấy ngày qua, cổng chùa luôn đóng kín, không cho người lạ vào (ảnh: interrnet)
Trả lời phỏng vấn báo , luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đê, một lần nữa cho thấy hiện tượng lợi dụng danh nghĩa cứu trợ nhân đạo để trục lợi đang gia tăng trong xã hội.
“Vụ việc không chỉ làm giảm sút lòng tin của dân nơi cửa Phật mà còn gây thất vọng cho nhân dân đối với sự buông lỏng quản lý của cơ quan Nhà nước”- Luật sư Lê Đức Tiết nói.
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cụ thể ở đây UBND phường Bồ Đề, phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Long Biên, Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, người đứng đầu UBND và Trưởng phòng LĐTB-XH quận Long Biên không thể viện lý do “không biết, không ai báo cáo” để lẩn tránh trách nhiệm.
“Không thể một việc như vậy xảy ra trong thời gian dài mà các UBND phường Bồ Đề và các cơ quan liên quan lại không hề hay biết. Vụ việc đang chờ cơ quan công an điều tra làm rõ, người phạm tội phải bị xử lý nghiêm về hình sự. Nhưng những viên chức không làm tròn trách nhiệm cũng phải bị xử lý theo trách nhiệm hành chính. Có như vậy mới có thể khắc phục được một cách cơ bản tình trạng này”- Luật sư Lê Đức Tiết bày tỏ.
Video đang HOT
Đối tượng buôn bán trẻ em bị phạt tù ít nhất 3 năm
Luật sư Lê Đức Tiết cho biết, qua thông tin trên báo chí, việc sư trụ trì chùa Bồ Đề cho rằng mình mất cảnh giác hoặc chưa chú trọng việc quản lý việc nuôi trẻ ở chùa Bồ Đề là trốn tránh trách nhiệm. “Công tác điều tra cần làm rõ ai đã cho phép cơ sở nuôi dạy trẻ bị bỏ rơi được thành lập và hoạt động tại chùa Bồ Đề và quy chế hoạt động của cơ sở này mới có thể quy trách nhiệm rõ ràng cho các cá nhân có liên quan”.
Về tính pháp lý của vụ việc, luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can sẽ được các cơ quan chức năng dựa trên cơ sở xác định tội danh của đối tượng thực hiện hành vi mua bán trẻ em theo các quy định của luật pháp.
Luật sư Lê Đức Tiết cho rằng, hình phạt đối với các đối tượng Trang, Nguyệt và các đối tượng liên quan phụ thuộc vào mức độ phạm tội được quy định tại Điều 120, Bộ Luật Hình sự quy định tội mua bán, chiếm đoạt, đánh tráo trẻ em. Khung 1 quy định: “Người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.
Nếu công tác điều tra làm rõ được hành vi của các bị can có những yếu tố của khung 2 là phạm một trong các tội: có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Vì động cơ đê hèn; Đối với nhiều trẻ em; Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; Để đưa ra nước ngoài; Để sử dụng vào mục đích vô nhân đạo; Để sử dụng vào mục đích mại dâm; Tái phạm nguy hiểm; Gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, tại Điều 5 quy định về một số tình tiết định khung hình phạt, có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp người phạm tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em từ 5 lần trở lên, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích và người phạm tội lấy các lần mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em làm nghề sinh sống, lấy kết quả của việc mua bán, đánh tráo, chiếm đoat trẻ em làm nguồn sống chính.
Đối với trường hợp phạm tội từ 5 lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xóa án tích thì tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng các tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng “đối với nhiều trẻ em”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “có tính chất chuyên nghiệp.
Vì động cơ đê hèn là trường hợp phạm tội với động cơ đê tiện, thấp hèn, ích kỷ, thể hiện sự bội bạc, phản trắc, hèn nhát. Người phạm tội nhằm mục đích trả thù, hoặc để khống chế nạn nhân và gia đình, người thân của nạn nhân phục vụ cho mưu đồ của mình.
Đối với nhiều trẻ em là trường hợp mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt từ 2 trẻ em trở lên (mua bán từ 2 trẻ em trở lên; đánh tráo từ 2 trẻ em trở lên; chiếm đoạt từ 2 trẻ em trở lên) trong cùng một lần phạm tội hoặc trong các lần phạm tội khác nhau…./.
Theo VOV Online
Mức án nào cho người mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề?
Hành vi như báo chí đã nêu có thể xử lý về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự", luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ
Những ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao và bức xúc trước thông tin mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề. Được biết, vào chiều ngày 4/8, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội, xác nhận đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi "mua bán trẻ em".
Trước thông tin này, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp.
Hai nghi can trong vụ mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.
PV: Thưa luật sư, trước thông tin vụ việc bắt và khởi tố 2 nghi can có liên quan tới việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, ông có nhận định gì về hành vi mua bán trẻ em của 2 nghi can trên?
Theo dõi các thông tin dư luận trong vài tháng trở lại đây thì thấy có thông tin về việc mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề, thuộc quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất thì Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an Hà Nội, xác nhận đã bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt về hành vi "mua bán trẻ em". Nguyễn Thị Thanh Trang (36 tuổi) là người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (35 tuổi) quê quán tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng triệu tập 3 nghi phạm khác để điều tra.
Như vậy, đến nay đã có căn cứ để xác định có việc mua bán trẻ em tại Chùa Bồ Đề và đã xác định được người thực hiện hành vi mua bán trẻ em thì cơ quan điều tra mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối tượng gây án.
Sự việc mới ở giai đoạn đầu giai đoạn điều tra, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an cũng có thể thay đổi, hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cũng có thể khởi tố bổ sung với các đồng phạm khác. Sự việc sẽ được thực hiện trên cơ sở các quy định về tố tụng hình sự.
PV: Xin luật sư cho biết, với hành vi buôn bán trẻ sơ sinh trên, nếu phát hiện mới buôn bán 1 trẻ thì 2 nghi can này sẽ bị xử lý như thế nào. Trường hợp trong quá trình điều tra mà phát hiện có nhiều trẻ đã bị bán thì mức xử phạt của 2 người này cùng những người có liên quan khác như thế nào?
Hành vi như đã nêu ở trên có thể xử lý về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em theo quy định tại Điều 120 Bộ luật hình sự. Theo đó mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Còn phạm tội đối với nhiều trẻ em thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 01/2013/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 23/7/2013 thì hành vi dùng thủ đoạn môi giới nuôi con nuôi trái pháp luật (để chuyển giao trẻ em cho người đó nhằm nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi) cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
- Trường hợp người môi giới nuôi con nuôi biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là sau khi nhận đứa trẻ sẽ bán đứa trẻ đó cho người khác thì người môi giới và người nhận nuôi con nuôi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
- Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép mà biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi là nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc vì mục đích trái pháp luật khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
- Trường hợp người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác để môi giới nhận nuôi con nuôi trái phép (không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cho, nhận nuôi con nuôi) hoặc tạo điều kiện cho việc môi giới, nhận nuôi con nuôi trái phép, nhưng không biết người nhận nuôi con nuôi nhằm bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc có mục đích trái pháp luật khác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em. Tùy từng trường hợp cụ thể, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến người khác để trục lợi (Điều 283) hoặc tội danh khác theo quy định của Bộ luật hình sự.
- Trường hợp một người biết người khác thực sự có nhu cầu nuôi con nuôi (do hiếm muộn hoặc có lòng yêu trẻ) đã giới thiệu người đó với người muốn cho con của chính họ đi làm con nuôi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện nuôi dưỡng đứa trẻ, mong muốn đứa trẻ được nuôi dưỡng tốt hơn và đã nhận một khoản tiền, đồng thời người môi giới cũng được nhận một khoản tiền cho việc môi giới, thì người môi giới, người cho con mình đi làm con nuôi và người nhận con nuôi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trẻ em theo quy định tại Điều 120 của Bộ luật hình sự.
PV: Theo luật sư, để hạn chế tình trạng buôn bán trẻ em này cần có biện pháp gì? Đặc biệt những đứa trẻ trong trường hợp này đều không có gia đình và bị bỏ rơi?
Để quản lý vấn đề này cần thực hiện tốt vai trò của công tác quản lý hộ khẩu, nhân khẩu trên địa bàn và thủ tục nhận con nuôi. Phải có sự thống kê, ra soát, báo cáo... cơ quan chức năng, đồng thời, cũng cần tăng cường công tác kiểm tra các hoạt động từ thiện, nhận nuôi dạy trẻ mồ côi, bỏ rơi... của một số trung tâm, các ngôi chùa... Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ với Hội phật giáo để đề thực hiện tốt hơn các hoạt động mang tính xã hội, nhân đạo, tránh việc lợi dụng danh nghĩa nhân đạo để trục lợi cá nhân, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Vâng, xin cảm ơn luật sư!!
Theo Thời báo Đông Nam Á
Hơn 100 trẻ ở chùa Bồ Đề sẽ đi về đâu? "Những trẻ em đang nương nhờ ở chùa Bồ Đề nếu có người thân thì sẽ chuyển về với gia đình, số còn lại thì chuyển về các cơ sở bảo trợ xã hội". Trẻ em được nuôi dưỡng và chăm sóc tại chùa Bồ Đề. Liên quan đến việc các cơ quan chức năng thanh kiểm tra chùa Bồ Đề, nơi đang...