Vụ BOT Cai Lậy: Chuyển gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang
Tiền mệnh giá 100 đồng hoàn toàn vẫn còn yếu tố pháp lý để lưu thông trên thị trường.
Một tài xế đang dùng 25.100 đồng để mua vé 25.000 đồng, rồi yêu cầu được thối lại đúng 100 đồng.
Vừa qua, các tài xế đã đồng loạt phản đối việc trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) được đặt trên Quốc lộ 1 thay vì đường tránh. Cụ thể, các tài xế đã dùng số tiền 25.100 đồng để mua vé có mệnh giá 25.000 đồng. Trong khi các nhân viên tại trạm thu phí không thể tìm được 100 đồng để thối cho các tài xế, thì các tài xế lại không muốn nhận nhiều hơn số tiền thừa.
Liên quan tới vụ việc này, trao đổi với PV chiều 1/12, bà Nguyễn Thị Đậm – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cho biết, thực tế đã một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng tiền 100 đồng. Tuy nhiên, khi phát sinh vụ việc liên quan tới tiền 100 đồng như tại BOT Tiền Giang thì chi nhánh này đã xin lệnh để chuyển tiền 100 đồng từ trung ương về.
“Ngân hàng Nhà nước khẳng định luôn cung ứng đủ tiền cho nền kinh tế. Riêng tiền 100 đồng, trong một thời gian dài người dân không có nhu cầu sử dụng nên chi nhánh để ở kho tiền trung ương tại TP.HCM. Khi phát sinh việc này, chúng tôi đã xin lệnh điều gấp tiền 100 đồng từ TP.HCM về Tiền Giang”, bà Đậm nói.
Bà Đậm khẳng định lại một lần nữa là tiền đã có sẵn và đang chuyển về Tiền Giang. “Bây giờ đã hết giờ làm việc nên không rõ tiền có về kịp trong chiều nay (1/12 – PV) hay không. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước khẳng định là sẽ có tiền cung ứng”, bà Đậm nhấn mạnh thêm.
Video đang HOT
Thông tin về tiền mệnh giá 100 đồng trên trang web của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Cũng theo bà Đậm, nếu doanh nghiệp nào trên địa bàn có nhu cầu sử dụng tiền mệnh giá 100 đồng thì họ phải tới ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản để yêu cầu số tiền cần rút. Sau đó, ngân hàng thương mại sẽ trả lời doanh nghiệp và đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang cung ứng.
Cũng trao đổi với PV vào chiều 1/12, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, tiền 100 đồng rất ít được dùng trên thị trường do có mệnh giá quá nhỏ. Tuy nhiên, khi thị trường có nhu cầu thì Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng cung ứng.
Về việc các tài xế yêu cầu nhân viên tại BOT Cai Lậy phải thối đúng 100 đồng tiền thừa khi mua vé, ông Tú khẳng định: “Về mặt pháp lý thì không có gì sai vì loại tiền 100 đồng hoàn toàn vẫn còn yếu tố pháp lý, nhưng trên thực tế rất ít dùng”.
Theo Danviet
CHÍNH THỨC: BOT Cai Lậy đã chốt ngày giờ thu phí trở lại
Sau hơn 3 tháng tạm dừng hoạt động do bị các tài xế phản đối bằng cách dùng tiền lẻ, BOT Cai Lậy chuẩn bị hoạt động trở lại.
Liên quan tới vụ việc trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) tạm dừng hoạt động nhiều tháng qua, trao đổi với PV tối 27/11, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 (đơn vị quản lý trạm thu phí BOT Cai Lậy) cho biết, trạm thu phí này sẽ chính thức hoạt động trở lại từ 9h sáng 30/11.
Ông Hiệp cũng cho biết thêm, ở lần thu phí trở lại này, công ty đã chuẩn bị kỹ lưỡng các kế hoạch nhằm giúp việc thu phí được thông suốt và không để xảy ra ùn ứ giao thông khi qua trạm. Theo đó, sẽ có một vùng đất rộng khoảng 800 mét vuông dành riêng cho việc kiểm đếm và bán vé cho các lái xe dùng tiền lẻ.
Trước đó, vào các ngày 13 và 14/8, nhiều tài xế đã lên tiếng phản đối việc trạm thu phí nói trên được đặt ở Quốc lộ 1, không đúng với bản chất của nó là trạm thu phí đường tránh thị xã Cai Lậy. Để thể hiện sự phản đối, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ để mua vé khi qua trạm, gây khó khăn cho hoạt động tại đây và dẫn tới kẹt xe, phải xả trạm.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đã "xả cửa" từ giữa tháng 8 cho tới nay.
Trước tình hình trên, Bộ GTVT đã làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang và các bên liên quan để tìm giải pháp cho BOT Cai Lậy. Sau buổi họp vào ngày 16/8, Bộ GTVT cho biết, các bên đã thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm so với trước đó, cụ thể:
Phương tiện loại 1: Xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng. Mức phí giảm từ 35.000 đồng/lượt xuống còn 25.000 đồng/lượt.
Phương tiện loại 2: Xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn. Mức phí giảm từ 50.000 đồng/lượt xuống còn 35.000 đồng/lượt.
Phương tiện loại 3: Xe từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn. Mức phí giảm từ 60.000 đồng/lượt xuống còn 40.000 đồng/lượt.
Phương tiện loại 4: Xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 fit). Mức phí giảm từ 100.000 đồng/lượt xuống còn 70.000 đồng/lượt.
Phương tiện loại 5: Xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 fit). Mức phí giảm từ 180.000 đồng/lượt xuống còn 140.000 đồng/lượt; vé tháng và vé quý thực hiện theo quy định trên cơ sở vé lượt này.
Theo Bộ GTVT, tại cuộc họp, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất: Giảm tối đa (100%) giá dịch vụ cho chủ sở hữu phương tiện loại 1 và loại 2 có hộ hộ khẩu thường trú tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải); giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
Theo Danviet
Trạm BOT Cai Lậy, Đại Yên giảm phí từ tháng 11 Mức phí qua trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) thấp nhất là 25.000 đồng, cao nhất là 140.000 đồng từ đầu tháng 11. Lãnh đạo Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án BOT Cai Lậy) cho biết đang làm việc với cơ quan chức năng để mở lại trạm thu phí vào đầu tháng 11,...