Vụ bé trai 13 tuổi tự tử bằng khăn quàng đỏ, chuyên gia nói: Không phải CAMERA, đây mới chính là THỨ cha mẹ cần “trang bị” để giám sát con
Cha mẹ nào cũng quan tâm, kiểm soát và giáo dục con. Nhưng nếu vượt quá giới hạn sẽ vô tình trở thành “liều thuốc độc” với con mình.
Có một nhà giáo dục nổi tiếng từng nói: Giáo dục trẻ cũng giống như trồng cây, cây chỉ có thể cao lớn khi được tỉa cành non lúc còn nhỏ, nếu cây mọc cong queo sau khi lớn lên thì bạn sẽ rất khó uốn nắn. Trẻ phát triển tích cực, tất nhiên không thể thiếu vai trò của sự quan tâm, kiểm soát của phụ huynh.
Nhưng quan tâm thế nào là đủ? Và làm thế nào để phân định rõ ràng ranh giới giữa sự quan tâm và kiểm soát quá mức? Câu chuyện buồn cuối năm của một học sinh 13 tuổi mới đây tại Hà Nội lại khiến câu hỏi tưởng chừng rất cũ này được khơi lại một lần nữa. Cậu bé đã thắt cổ tự tử bằng khăn quàng đỏ chỉ vì mẹ lắp camera trong phòng để theo dõi, do thời gian này con hay chơi điện tử trên mạng.
Ngày hôm ấy, khi camera được lắp xong thì bé trai xin phép đi vào phòng tắm. Hơn 20 phút không thấy cháu ra, gọi không trả lời, người nhà mở cửa phòng và phát hiện sự việc đau lòng.
Một trong những điều tệ hại nhất trong mối quan hệ bố mẹ – con cái, đó là sự thiếu vắng của NIỀM TIN
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh – Phòng Tư vấn Tâm Lý GĐ & TE cho rằng, đây không phải là trường hợp hiếm hoi trẻ phản ứng cực đoan khi bị cha mẹ kiểm soát quá mức. Trên thực tế, nhiều phụ huynh định nghĩa tình thương bằng ham muốn kiểm soát hầu hết mọi thứ trong cuộc sống của con cái.
Bất kể là việc lớn hay việc nhỏ, những đứa trẻ đều phải tuân theo sự sắp đặt sẵn của cha mẹ mình mà không được cân nhắc đến nhu cầu và cảm xúc của bản thân. Khi đó, sự quan tâm đã trở thành “độc hại”.
Theo ông Khanh, giám sát con là cần thiết, nhưng phòng ngủ là không gian riêng của con, nhất là đứa trẻ vốn đã 13 tuổi chứ không còn ở lứa tuổi mẫu giáo hay tiểu học. Bước vào lứa tuổi tiền dậy thì hay dậy thì, sự phát triển về tâm sinh lý của trẻ có nhiều thay đổi xáo trộn. Trẻ vừa là trẻ con lại vừa là người…. đang lớn.
“Ở nhà nếu việc lắp camera các lối ra vào, nơi góc khuất có tác dụng theo dõi sự đột nhập của kẻ gian có thể cần thiết. Nhưng khi nó được đặt trong phòng trẻ, nhất là các bạn trên 10 tuổi, khi các em đã ý thức được giá trị của sự riêng tư, quyền hoạt động cá nhân của mình… thì hành vi này quả là lợi bất cập hại!”.
Đặc biệt nhất là với một số em có tính hướng nội, đa cảm, coi cái TÔI của mình khá lớn, các em sẽ rất tự ái và khó chịu khi thấy rằng “giang sơn” riêng tư của mình là cái góc học tập bị săm soi bởi sự giám sát của ống kính camera.
“Có một kiểu phụ huynh được gọi là “cha mẹ trực thăng” – Nghĩa là giống như chiếc trực thăng của cảnh sát, lúc nào cũng bay vè vè bên trên và rọi đèn theo dõi các nghi phạm. Các phụ huynh này quan tâm con một cách thái quá, luôn theo dõi, nhắc nhở, kiểm tra, dò hỏi… Họ cho rằng đó là điều cần thiết để giữ cho con khỏi bị các kẻ xấu dụ dỗ lôi cuốn, chìm đắm trong game online, tìm cách qua mặt bố mẹ, thầy cô.
Tuy nhiên, một trong những điều tệ hại nhất trong mối quan hệ bố mẹ – con cái, đó là sự thiếu vắng của niềm tin. Chúng ta không tin con em mình thì làm sao có thể bắt trẻ phải tin mình? Khi con cái không còn tin vào bố mẹ thì đúng là thảm họa”, ông Khanh nói.
Video đang HOT
Chuyên gia tâm lý này cũng khẳng định, chính việc sử dụng camera đã là minh chứng cho thấy sự không tin tưởng nhau trong gia đình một cách cụ thể nhất.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.
“Chắc hẳn phụ huynh nếu là nhân viên làm việc trong một công ty nhưng luôn luôn phải làm việc, hoạt động dưới sự giám sát của trưởng phòng hay giám đốc thì sẽ rất khó chịu. Tuy nhiên, vì chúng ta là người lớn, có ý chí nên có thể thầm nghĩ, thôi vì miếng cơm manh áo mà ráng chịu vậy, miễn là mình không làm gì sai.
Nhưng trẻ con là trẻ con! Ở đây không phải là sự bồng bột, háo thắng mà là khả năng kiểm soát cảm xúc của trẻ chưa được như người lớn. Trẻ có cảm giác bị xâm phạm, nhất là nếu vụ gắn camera này mà bị bạn bè hỏi thăm, châm chọc thì trẻ sẽ rất dễ mất kiểm soát và sẽ có những phản ứng, đôi khi rất tai hại”.
Đừng xem thường sức sát thương của “từng cọng rơm”
Nói về việc hiện tượng nhiều trẻ vị thành niên tự tử liên quan đến bạo lực gia đình và học đường đôi khi vì những lý do tưởng rất nhỏ như bị mẹ đánh, bị bạn bè trêu chọc, chuyên gia Lê Khanh lý giải:
Trẻ có thể kết thúc mạng sống của mình một cách khá dễ dàng, ngoài việc tổn thương cảm xúc đưa đến những suy sụp về niềm tin thì có thể trẻ suy nghĩ khá đơn giản về cái chết. Cách giải quyết vấn đề của trẻ vì thế hết sức bồng bột, manh động, đôi khi chỉ muốn bố mẹ hối hận vì đã cư xử không đúng cách với mình.
Đáng nói, sau khi trẻ có các hành vi quá khích, bạo lực hoặc làm hại đến bản thân thì gia đình mới đưa con đi khám. Trước đó, họ đều cho rằng đó là sự “nổi loạn” của tuổi mới lớn, lớn rồi sẽ hết, không có gì đáng nghiêm trọng.
Trên thực tế, qua phân tích nhiều ca bệnh thực tế trên lâm sàng, các nhà tâm lý chỉ ra rằng, không phải một đống rơm nghiền nát đứa trẻ mà chính là “từng cọng rơm”. Từng áp lực, bức xúc nhỏ vẫn có ngày tích tụ thành lớn rồi dẫn đến hệ quả không lường trước được.
Chính vì điều đó, chúng ta phải lưu ý đến tính cách và từng biểu hiện bất thường của con mình. Với các trẻ em hướng ngoại, vô tư… thì có thể la rầy, nhắc nhở đôi lần cũng không sao. Nhưng với trẻ hướng nội, đa cảm, ít nói… thì biện pháp chê trách, mắng nhiếc hay trừng phạt càng để lại các tổn thương sâu sắc.
Tốt nhất tránh hành động bạo lực cả bằng lời nói và hành động, TÔN TRỌNG CON, cho con không gian riêng. Giám sát quá mức kiểu “cha mẹ trực thăng”, bạn có thể đẩy con đến tình trạng kiệt sức, trầm cảm, bị cô lập.
“Điều tốt nhất là hãy xây dựng được NIỀM TIN vào con. Ai cũng thế, khi được sự tin tưởng, tín nhiệm thì sẽ rất tự hào và thoải mái. Đây chính là thứ tốt hơn cả camera để cha mẹ “giám sát” con cái mình.
Chúng ta không nhất thiết cứ phải kiểm soát mọi lúc mọi nơi để rồi khoảng cách tình cảm giữa bố mẹ và con cái ngày càng cách xa. Chưa kể giám sát cũng chưa chắc mang lại kết quả như ý muốn, trẻ rất thông minh để “lách luật”, lúc đó lại dạy con tính không trung thực, gian dối”, ông Khanh chia sẻ.
Bé trai 13 tuổi tự tử vì mẹ lắp camera theo dõi, dân mạng bùng nổ tranh cãi: "Ranh giới giữa quan tâm và áp bức rất mong manh"
Sự quan tâm một cách thái quá của các bậc phụ huynh đôi khi sẽ dẫn đến những hệ luỵ khó lường.
Giận mẹ vì lắp camera theo dõi
Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mới đây, tại khoa Hồi sức cấp cứu đã tiếp nhận một trẻ nam 13 tuổi, được phát hiện đã thắt cổ tự tử bằng khăn quàng đỏ trong nhà tắm.
Gia đình cho biết, trong đợt dịch Covid-19 nghỉ ở nhà, bé trai hay chơi điện tử trên mạng. Vì thế mẹ bé đã lắp camera trong phòng để theo dõi con. Bé trai cảm thấy không thoải mái và đã tâm sự với bạn bè về chuyện này. Ngày hôm ấy, khi camera được lắp xong thì bé trai xin phép đi vào phòng tắm.
"Hơn 20 phút không thấy cháu ra, gọi không trả lời nên tôi đã mở cửa phòng và phát hiện sự việc đau lòng này. Các bạn thân của cháu cho biết cách đây 2 hôm bạn ấy có nhắn tin lớp nhóm nói rằng đây có thể là lần cuối cùng mình nói chuyện với các bạn'', người nhà chia sẻ.
Có nên lắp camera để theo dõi con?
Dưới phần bình luận, 2 ý kiến trái chiều đã nổ ra. Một số phụ huynh cho rằng trẻ đang trong độ tuổi mới lớn sẽ có tính cách và tâm lý khác thường, việc theo dõi sát sao sẽ giúp bố mẹ hiểu con thêm. Tuy nhiên, do công việc bận bịu, phải đi làm mỗi ngày nên việc theo dõi bé gặp khó khăn. Hơn nữa dịch dã nên các bé học online suốt một thời gian dài nên không tránh khỏi việc phụ huynh lơ là con cái.
Bởi thế, việc nhiều phụ huynh lựa chọn việc lắp camera trong nhà không có gì là xấu. Họ mong muốn sẽ theo dõi được con và tránh trẻ chểnh mảng học hành hay chơi điện tử quên giờ học.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đa số cho rằng việc quản lý con bằng việc theo dõi hay can thiệp quá sâu vào chuyện riêng sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu, mất tự do và ngại với bạn bè. Đồng thời, con sẽ hình thành tính cách che giấu, không muốn bố mẹ biết được và lén lút làm chuyện không hay ở một nơi khác.
Việc sát sao trẻ có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác và theo dõi con từng giây từng phút, đặc biệt là ở không gian phòng riêng của con không được đánh giá cao. Chưa kể đến việc bố mẹ không tôn trọng và tin tưởng con, nó còn cho thấy sự không khéo léo và cách nuôi dạy con có phần áp đặt, dồn ép.
Ảnh: BrickHouse Security.
Ranh giới giữa quan tâm và áp bức rất mong manh
Rất nhiều người cho rằng việc quan tâm đến con là cần thiết nhưng phương pháp quan tâm cũng là điều quan trọng.
- Mình cũng đang làm mẹ, nhưng không đồng tình. Bố mẹ thay vì giám sát thì nên chia sẻ tâm sự với con, bởi cho dù cha mẹ có giám sát kỹ đến đâu, thì cũng không thể trông coi 24/24 được. Nên tốt nhất là nên tâm sự, để có vấn đề gì con có thể thoải mái chia sẻ, thay vì lúc nào cũng mang tâm lý sợ hãi không dám nói.
- Quản lý con cái bằng việc giám sát và áp đặt lên con trẻ kiểu này không ổn, hãy thử đặt mình vào vị trí của con để hiểu con hơn. Dạy con cũng như uốn cây vậy phải vừa mềm dẻo vừa cứng rắn tùy trường hợp.
- Trẻ con cũng là con người, chúng cũng có cảm xúc và có quyền được tôn trọng. Đã đến lúc người lớn hãy học cách đừng xem con cái là tài sản riêng của bố mẹ. Bằng chứng là câu chuyện ngay trên bài, đứa trẻ đã muốn "không ngoan" thì có lắp chip vào não, nó vẫn có cách để bất tuân.
- Không nên, mẹ có thể kiểm soát hành vi của con nhưng không thể kiểm soát suy nghĩ của con. Cách giáo dục bằng tình thương không phải bằng nỗi sợ hãi và sự cấm đoán.
Bên cạnh đó, nhiều người đưa ra độ tuổi và thời gian bố mẹ nên lắp camera trong phòng theo dõi con.
- Với con dưới 7 tuổi thì lắp camera để theo dõi phòng khi con ốm. Còn trên 7 tuổi rồi thì không nên. Đừng kiểm soát con quá mức, con cũng có thế giới riêng, có không gian riêng tư mà. Lắp camera trong phòng con thì khác nào con là tù nhân bị giam lỏng và theo dõi không.
Ảnh: Shuttestock.
Hãy tôn trọng con
Để tránh áp lực cho con dẫn đến các rối loạn tâm lý và hành vi tự tử nhất là lứa tuổi vị thành niên, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần tôn trọng, lắng nghe và không nên phán xét đặc biệt tôn trọng khoảng riêng tư của trẻ.
Ngoài ra, việc hiểu rõ nguyên nhân và các dấu hiệu cảnh báo sẽ giúp cho các bậc phụ huynh tìm được cách giải quyết và ngăn ngừa tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, nếu bố, mẹ lo lắng về con mình hãy tìm sự hỗ trợ của các bác sĩ và nhà tâm lý.
Ngoài ra, bố mẹ không nên áp đặt thành tích học tập hoặc kì vọng quá cao vì điều này sẽ gây áp lực cho trẻ. Cần sắp xếp thời gian học tập và vui chơi giải trí cho trẻ hợp lí. Cha mẹ nên dạy trẻ các kỹ năng sống để trẻ có khả năng đương đầu với những biến cố trong cuộc sống.
Được khách boa sộp, tài xế taxi dự cảm điều bất thường kiên quyết không nhận, chẳng ngờ sau đó phát hiện bí mật gây sốc của cô gái Tài xế taxi đã nhận ra điều bất thường chỉ từ một biểu hiện nhỏ của hành khách, nhờ đó tạo nên một câu chuyện vô cùng ấm lòng. Mới đây, một câu chuyện ấm lòng ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã được truyền thông và cộng đồng mạng nước này chia sẻ nhiệt tình. Vào khoảng 9h50 sáng ngày 2/1, anh...