Vụ bé trai 10 tuổi bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành: Cần giám định thương tật
Theo phân tích của các luật sư, cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định thương tật bé trai 10 tuổi bị bố đẻ, mẹ kế bạo hành. Từ đó, tùy mức độ thương tật, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh truy tố đối với bố đẻ, mẹ kế của cháu bé.
Cơ quan điều tra – Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hoài Nam và Phạm Thị Tú Trinh về tội “ Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình” theo Điều 151 Bộ luật Hình sự (BLHS). Theo tội danh bị truy tố, hai nghi can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt tù cao nhất đến 3 năm tù giam.
Bố đẻ, mẹ kế của cháu K. vừa bị khởi tố về tội “Ngược đãi…”.
Đánh giá về vụ việc, luật sư Tạ Anh Tuấn – Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – cho rằng, hành vi ngược đãi, gây thương tích cho con đẻ của Trần Hoài Nam và hành vi của Phạm Thị Tú Trinh là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần phải xử lý thật nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố hai nghi can về tội danh theo Điều 151 BLHS, theo quan điểm của luật sư Tuấn, đây là động thái phù hợp với những tài liệu điều tra ban đầu. Tuy nhiên, Trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh cho rằng, cơ quan điều tra cần thiết trưng cầu giám định thương tích đối với cháu Trần Nguyên K. theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003.
Lý giải điều này, luật sư Tạ Anh Tuấn viện dẫn Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của liên ngành Bộ Tư pháp – Bộ Công an – TAND Tối cao – Viện KSND Tối cao hướng dẫn một số điều của BLHS năm 1999.
Cụ thể, điểm 7.2 của Thông tư liên tịch trên hướng dẫn thi hành Điều 151 BLHS: “Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý; nếu dẫn đến chết người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người (Điều 98 BLHS).
Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khoẻ hoặc chết người xảy ra do lỗi cố ý, thì tuỳ trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”, hoặc Điều 93 BLHS về tội “Giết người”; nếu làm cho nạn nhân bị uất ức mà tự sát, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Bức tử” theo Điều 100 BLHS.”.
Luật sư Tuấn phân tích, hai nghi can đã có hành vi đối xử ngược đãi, hành hạ về tinh thần đối với cháu K., có hành vi bạo hành, gây thương tích cho cháu bé.
“Quá trình điều tra, trên cơ sở Kết luận giám thương tật, nếu tỷ lệ thương tích do Nam và Trinh gây ra cho cháu K. từ 11% trở lên, cơ quan điều tra có thể khởi tố hai nghi phạm theo Điều 104 BLHS.” – luật sư Tuấn nhấn mạnh.
Video đang HOT
Đồng quan điểm với luật sư Tuấn, luật sư Trương Anh Tú – Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) – cho rằng, hiện tại, cơ quan điều tra khởi tố hai vợ chồng Nam – Trinh về tội danh theo Điều 151 BLHS là hợp lý.
“Sau khi có Kết luận giám định thương tật, tùy tỷ lệ thương tích, cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh truy tố đối với các bị can cũng chưa muộn.” – luật sư Tú nêu quan điểm.
Điều 155. Bộ luật Tố tụng Hình sự: Trưng cầu giám định
…
3. Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
a) Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động;
…
Điều 104. Bộ luật Hình sự: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
…
3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Bé trai 10 tuổi bị bố đẻ bạo hành: Xem xét khởi tố tội ngược đãi
Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Hoài Nam (SN 1983, ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) về tội "Ngược đãi..." theo Điều 151 Bộ luật Hình sự.
Liên quan đến vụ việc cháu Trần Nguyên K. (10 tuổi) bị bố đẻ bạo hành, ngày 9/12, Cơ quan điều tra - Công an quận Cầu Giấy cho biết, đơn vị tiếp tục tạm giữ Trần Hoài Nam để phục vụ công tác điều tra. Cơ quan đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Hoài Nam về "Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình" theo Điều 151 Bộ luật Hình sự.
Bị đánh rạn 6 xương sườn
Theo tài liệu điều tra ban đầu, ngày 5/12, cháu K. được cho là ăn vụng đồ ăn do mẹ kế nấu. Người mẹ kế này đã thẳng tay dùng roi đánh con riêng của chồng khiến cháu hoảng sợ.
Cháu K. bị bạo hành trong thời gian dài, cơ thể đầy thương tích.
Sau khi bị cả bố và mẹ kế mắng mỏ, cháu K. thu người lại trong góc phòng. Lợi dụng buổi chiều tối khi bố và mẹ kế đi làm chưa về, cháu K. đã mở được khóa phòng thoát ra ngoài, đi xe buýt về nhà ông bà nội trong tình trạng trên người chi chít những vết thương, khuôn mặt chằng chịt những vết sẹo lớn nhỏ.
Ngay sau đó, cháu K. được lực lượng chức năng đưa đi khám thương. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, cháu K. bị rạn xương sườn phải ở các vị trí xương số 7, 8 và 9. Bên sườn trái cháu K cũng bị rạn các vị trí xương số 6, 7 và 8. Tổng cộng cháu K bị rạn 6 xương sườn. Trên người cháu K cũng có rất nhiều vết thương do những vật tày cứng gây ra.
Bước đầu, Công an quận Cầu Giấy xác định, Trần Hoài Nam chính là đối tượng đã bạo hành cháu K.. Ngày 30/11, Nam đã dùng chân đạp vào người cháu K., khiến hai phần mạn sườn của cháu bé bị tổn thương nghiêm trọng.
Không chỉ dùng chân, tay đánh cháu, Trần Hoài Nam còn sử dụng nhiều móc áo làm bằng nhôm cuộn thành một chiếc roi để đánh con. Thậm chí, Nam còn sử dụng chiếc muôi múc canh đánh vào đầu cháu gây thương tích.
Theo cơ quan công an, việc đánh đập cháu K. của Trần Hoài Nam diễn ra trong một thời gian dài. Điều đáng nói, người cha bạo tàn này không đưa cháu đi khám, chữa trị thương tích mà bỏ mặc ở nhà.
Không chỉ có vậy, cháu bé còn không được đi học trong suốt gần 2 năm vừa qua. Làm việc với trường học nơi cháu K. từng cắp sách đến trường, công an quận Cầu Giấy xác định, học bạ của cháu vẫn được lưu giữ tại đây, không có dấu hiệu được gia đình rút về để đăng ký cho học trường khác...
Tại cơ quan công an, Trần Hoài Nam biện minh cho hành động đánh đập con của mình là muốn dạy dỗ cháu K.. Nam nói bản thân mình cũng không có nhiều tình cảm với gia đình, nhất là với bố mẹ, khi từ nhỏ đã sống với ông bà nội.
Làm rõ sự liên quan của người mẹ kế
Trước thắc mắc về việc vì sao cháu K. bị bạo hành trong thời gian dài nhưng mẹ đẻ cũng như ông bà nội của cháu không hay biết, chị Nguyễn Thúy Ngân (mẹ đẻ cháu K.) cho biết, thời gian đầu sau khi ly hôn, chị vẫn được gặp con. Tuy nhiên, gần 2 năm nay, Trần Hoài Nam lấy nhiều lý do để cấm cản không cho chị gặp con nữa.
Trần Hoài Nam dùng nhiều móc áo cuộn thành roi để đánh, dùng muôi múc canh gõ vào đầu con trai mình.
Bản thân Nam và người vợ thứ 2 cũng dọn ra khỏi nhà bố mẹ đẻ và mang theo cháu K đi. Ngay cả ông bà nội cũng như gia đình bên nội của cháu K. cũng không biết vợ chồng Nam và cháu K. ở đâu. Đây là lý do khiến cháu K. bị bạo hành trong suốt thời gian dài mà người thân và gia đình cháu K. không hay biết.
Theo chỉ huy công an quận Cầu Giấy, vợ chồng đối tượng Nam mới chuyển đến thuê trọ ở địa bàn phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy. Cơ quan điều tra đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với đối tượng Trần Hoài Nam.
Đối với người vợ thứ 2 của Nam là Phạm Thị Tú Trinh (SN 1983, ở Bà Rịa Vũng Tàu), cơ quan điều tra đang thực hiện các biện pháp tố tụng để xác định tính chất, mức độ của Trinh trong vụ việc; làm rõ có hay không sự liên quan của Trinh với chồng trong việc bạo hành cháu K., từ đó có căn cứ để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Bước đầu, tại cơ quan công an, Phạm Thị Tú Trinh cũng thừa nhận đã nhiều lần đánh cháu K. vì đứa con riêng của chồng hỗn láo, không chịu nghe lời.
Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử nghiêm bố đẻ, mẹ kế bạo hành con trai Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan chức năng của quận Cầu Giấy khẩn trương điều tra, sớm có kết luận và xử lý nghiêm bố đẻ và mẹ kế bạo hành con trai Trần Nguyên K. (10 tuổi). Xét tính chất nghiêm trọng vụ việc bé Trần Nguyên K. bị bạo hành,...