Vụ bê bối Khaisilk: Làng lụa Vạn Phúc ảnh hưởng ra sao?
Theo Chủ tịch hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, chủ trương của địa phương là bán hàng rõ nguồn gốc, xuất xứ và việc gắn mác Việt vào lụa Trung Quốc là phi đạo đức.
“Xôn xao vì lụa Trung Quốc gắn mác Việt”
Những ngày cuối tháng 10, PV báo Người Đưa Tin đã có mặt tại làng nghề lụa Vạn Phúc (Hà Đông – Hà Nội) để tìm hiểu việc mua bán mặt hàng lụa tơ tằm sau bê bối khăn lụa Khaisilk bị khách hàng tố “treo đầu dê bán thịt chó”, cắt đổi nhãn mác… gây xôn xao dư
Qua cánh cổng làng cổ kính, 2 bên đường là hàng chục cửa hàng lụa tơ tằm với đủ mặt hàng, mẫu mã bày bán từ khăn lụa, áo lụa, vải lụa… Không khí mua bán những ngày cuối tuần tại làng nghề hết sức nhộn nhịp. Ngoài những khách Tây đến du lịch ghé vào mua hàng thì lượng khách Việt đến mua lụa cũng rất đông.
Nhưng khác với thường ngày, hôm nay câu chuyện Khaisilk có mác Trung Quốc và việc khách hàng bị lừa dối được bàn tán nhiều hơn cả. Trên đoạn đường dài gần 200m dẫn vào làng đâu đâu cũng thấy các bà, các chị túm năm tụm ba bàn tán. Thấy PV cùng chiếc máy ảnh đi qua các bác lại dõi theo với những ánh mắt tò mò.
Ghé vào một số cửa hàng trên đường PV ghi nhận cảnh khách hàng đến mua lụa chọn lựa khá kỹ càng. Nhiều khách hàng thậm chí thật thà hỏi chủ cửa hàng rằng “đây là lụa Trung Quốc hay lụa Vạn Phúc?”. Đáp lại câu hỏi của khách người bán hàng thẳng thắn cam kết chỉ bán lụa của nhà rồi chỉ tay vào xưởng dệt nằm phía đằng sau.
Chia sẻ với PV, nhiều chủ hàng cũng khẳng định thông tin Khaisilk bán lụa Trung Quốc ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng và những người làm nghề dệt lụa truyền thống. “Ở đây chúng tôi bày bán hàng thủ công do nhà làm ra và không bao giờ có chuyện đánh tráo thương hiệu, mua hàng Trung Quốc rồi gắn mác của mình vào”, một số chủ cửa hàng bày tỏ khi được PV hỏi.
Video đang HOT
Tại xưởng sản xuất lụa Văn Mão, chủ cửa hàng cho biết: “Từ trước đến nay, gia đình đều tự sản xuất lụa và trao đổi với các làng nghề với nhau chứ không có chuyện “đánh tráo” thương hiệu”.
Khuyến cáo việc minh bạch nguồn gốc
Trước đó, trả lời báo chí doanh nhân Hoàng Khải (ông chủ của tập đoàn Khaisilk) ngoài việc thừa nhận có bán lụa tơ tằm xuất xứ từ Trung Quốc còn “tiết lộ”, ở Việt Nam ngay cả làng lụa truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông) cũng chủ yếu bán lụa có xuất xứ từ Trung Quốc…
Về thông tin này, trả lời PV báo Người Đưa Tin ông Phạm Khắc Hà – Chủ tịch hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc khẳng định: Trong chủ trương làng nghề thì luôn nhắc nhở và khuyến cáo nhân dân về việc minh bạch nguồn gốc xuất xứ.
Chủ tịch hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc cũng khẳng định việc đánh tráo nhãn mác xuất xứ, cắt mác lụa của Trung Quốc, gắn mác của Việt Nam vào là việc làm phi đạo đức trong kinh doanh và là hành vi lừa dối khách hàng.
Theo ông Hà, tại làng nghề lụa Vạn Phúc, tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng đa phần cửa hàng bán lụa Vạn Phúc tự mình làm ra, còn lại là những sản phẩm từ những nơi khác nhập về. Nhưng từ trước tới nay, hiệp hội Làng nghề chưa phát hiện trường hợp nào cắt mác Trung Quốc để dán mác lụa Vạn Phúc.
Ông Hà cũng phủ nhận thông tin tơ để dệt lụa Vạn Phúc là tơ nhập từ Trung Quốc. Theo ông, hiện nay nguồn tơ mà các xưởng đang sử dụng là tơ nhập từ một số tỉnh thành trong nước sản xuất. Bên cạnh đó, Chủ tịch hiệp hội Làng Vạn Phúc vẫn đề nghị Nhà nước nên có quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tơ tằm ổn định và chất lượng để phục vụ nhu cầu của các xưởng dệt, không để phụ thuộc vào nguồn tơ nhập ngoại.
Ông Hà cũng chỉ ra một số cách phân biệt hàng Trung Quốc và lụa truyền thống. Chẳng hạn: Lụa Vạn Phúc làm ra được dệt tất cả các hoa văn truyền thống có tên “Lụa Hà Đông” ở sản phẩm. Lụa Vạn Phúc đều được sử dụng 2 mặt còn hàng Trung Quốc thì chỉ sử dụng một mặt, không mang đậm nét văn hóa Việt Nam…
Nói về chất lượng lụa của Trung Quốc một số chủ xưởng dệt lụa cho biết: “Lụa Trung Quốc, nếu nhập hàng chuẩn thì tốt không kém gì lụa Việt Nam vì bên đó cũng được gọi là quê hương của lụa. Lụa Trung Quốc mẫu mã khá đa dạng.
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, chị Hương một khách mua hàng cho biết, lụa Vạn Phúc nói riêng và lụa thủ công truyền thống nói chung vẫn được ưa chuộng bởi đảm bảo được sự minh bạch về xuất xứ.
Theo Nhất Nam (Người Đưa Tin)
Gần 3 thập kỷ Khaisilk "treo lụa ta bán lụa tàu": Có hay không việc "bảo kê"?
Trong gần 3 thập kỷ qua, Tập đoàn Khaisilk đã ngang nhiên qua mặt người tiêu dùng và các cơ chức năng để nhập lụa Trung Quốc về bán dưới mác "Khaisilk - Made in Vietnam" mà không ai hay biết. Nếu "đội ngũ cắt mác" của Khải Silk không bỏ sót chiếc khăn lụa "tội đồ" ấy thì chẳng biết "cây kim trong bọc" bao giờ mới lộ ra.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin xung quanh sự việc này, ông Phạm Ngọc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho hay, ông thực sự buồn vì sự việc này. Theo ông Hùng, trong khi Nhà nước đang tạo mọi điều kiện để thương hiệu Việt phát triển thì đây lại là đòn đánh thẳng vào lòng tin của người tiêu dùng.
"Sự việc bê bối bị phát giác sẽ khiến Khải Silk khó tránh khỏi làn sóng tẩy chay đến từ người tiêu dùng" - ông Hùng đánh giá.
Cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai, nơi bán ra chiếc khăn lụa có gắn mác "Made in China" đóng cửa im lìm sau khi xảy ra bê bối. Ảnh Zing
Về mặt pháp luật, theo ông Hùng đây chính là hành vi lừa dối người tiêu dùng. Quan trọng nhất là từ năm 90 tới giờ Khasilk đã bán bao nhiêu sản phẩm ra thị trường và mức độ của vi phạm là bao nhiêu? Mức độ vi phạm này sẽ liên quan đến vấn đề xử lý. Nếu từ năm 90 tới thời điểm hiện tại mà xác định được mức độ vi phạm lớn thì phải xử lý hình sự.
Trước đó, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận, sản phẩm của Khaisilk nhập về từ Trung Quốc nhưng doanh nghiệp lại cắt nhãn mác gốc rồi thay bằng thương hiệu của mình.
"Đây là hành vi làm giả nhãn mác để trục lợi và bản thân những sản phẩm này cũng thuộc diện hàng giả, hàng nhái. Sự việc xảy ra không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu Việt trên thế giới", Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh hành vi làm giả nhãn mác nói trên, ông Hùng cũng nêu ý kiến rằng, lực lượng quản lý thị trường và các cơ quan chức năng cần làm rõ Khaisilk nhập hàng hóa qua đường chính ngạch hay nhập qua đường lậu. Nếu Khaisilk không có đủ các giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa thì còn vi phạm pháp luật về buôn lậu qua biên giới.
Cũng theo ông Hùng, một vấn đề khác cần quan tâm là trách nhiệm của cơ quan quản lý, giám sát. Từ năm 90 (theo thừa nhận của Khải Silk) việc buôn bán hàng giả nhãn mác đã bắt đầu xảy ra nhưng tới tận thời điểm hiện tại mới được phát giác thì đây chính là lỗ hổng quản lý.
"Với một lực lượng hùng hậu của cơ quan chức năng gồm các đươn vị quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế... mà một cửa hàng lớn ở ngay trung tâm Thủ đô có hành vi bán hàng giả, hàng nhái trong suốt gần 30 năm qua mà không thể kiểm soát, phát hiện thì đây là trách nhiệm của quản lý thị trường và cơ quan chức năng TP.Hà Nội. Cần làm rõ trong sự việc này liệu rằng có hiện tượng bảo kê của cơ quan chức năng hay không?" - ông Hùng nói.
Theo Diệu Ly (Người đưa tin)
Hoàng Khải - Khaisilk sai hay cố tình lừa dối kiếm lợi? Mặc cho Hoàng Khải đã " cúi đầu xin lỗi" vì sự cố khăn lụa Khaisilk hàng Tàu gắn mác Việt nhưng khách hàng vẫn phẫn nộ vì khẳng định đây là cố tình lừa dối chứ không phải sai sót như ông ta tự nhận. Theo Danviet