Vụ bắt nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN: Ranh giới mong manh về tội danh
Sau khi ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt để điều tra hai tội thuộc nhóm tội danh kinh tế, có nhiều ý kiến cho rằng, liên quan tới hành vi làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN, ông Sơn đáng ra phải bị truy tố với tội danh tham nhũng (khung hình phạt cao nhất là tử hình).
Ông Nguyễn Xuân Sơn. (Ảnh: PVN)
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Quốc Cường – Giám đốc Công ty Luật hợp danh Sự Thật cho rằng: Hiện nay Bộ luật Hình sự quy định rất nhiều tội danh như tham ô tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội thiếu trách nhiệm; tội cố ý làm trái; tội vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng… nhưng mô tả hành vi phạm tội thì gần giống nhau. Điều này gây khó khăn cho người áp dụng, dẫn đến nhiều vụ án cơ quan khởi tố, truy tố có thể tội này hoặc tội kia đều được. Khó khăn lớn khác với các cơ quan tố tụng là quy định hiện chưa rõ ràng về mức độ thiệt hại của hành vi phạm tội như thế nào là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng để xử lý đúng người, đúng tội. Do đó, việc xử lý án tham nhũng bị kéo dài do gặp rất nhiều vướng mắc.
Cũng theo luật sư Cường, nguyên nhân là về tội danh để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì quan điểm xử lý của cơ quan tố tụng có lúc cũng còn khác nhau bởi cách hiểu về các khái niệm như thế nào là cơ quan, tổ chức có tài sản nhà nước, như thế nào là người có chức vụ, quyền hạn… chưa thống nhất. “Do đó, các tội nặng như tham ô tài sản có thể bị tử hình nhưng khi chuyển qua nhóm tội danh về kinh tế như cố ý làm trái hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn thì hình phạt nhẹ hơn nhiều”- ông Cường nói.
Luật sư Tạ Quốc Cường phân tích thêm, tất cả hành vi nêu trên đều là tham nhũng cả vì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là một đặc trưng của tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, kẻ tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng…
Video đang HOT
Theo_Dân việt
Vì sao nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN bị bắt?
Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí VN, được xác định có vai trò đồng phạm với ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank, trong vụ án xảy ra tại Oceanbank.
Trước khi được bổ nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Sơn từng nắm giữ chức Tổng giám đốc Oceanbank.
Ông Sơn khi còn đương chức tại Tập đoàn Dầu khí VN. Ảnh PVN
Ngày 21.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Sơn để điều tra về các hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
C46 cũng đã thực hiện lệnh khám xét nhà riêng đối với ông Sơn vào chiều tối cùng ngày. Các quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn.
Trước khi bị bắt, ông Sơn từng nắm giữ cương vị là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam - PVN).
Theo C46, cơ quan này đang điều tra vụ án Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank cùng đồng phạm về các hành vi "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, C46 - Bộ Công an đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, ông Sơn đã đồng phạm với Hà Văn Thắm trong thời gian là Tổng giám đốc Oceanbank, đã phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Hiện cơ quan điều tra đã dẫn giải bị can Nguyễn Xuân Sơn về Trại tạm giam Bộ Công an để điều tra mở rộng vụ án, xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng Oceanbank, cuối tháng 10.2014, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Hà Văn Thắm.
Khoảng 2 tháng sau, đến lượt ông Nguyễn Văn Hoàn (SN 1977, nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank) bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Ông Hoàn đóng vai trò đồng phạm với ông Thắm.
Sau khi ông Thắm bị bắt giam, HĐQT Oceanbank đã thống nhất bầu bà Nguyễn Minh Thu (SN 1973, Ủy viên HĐQT) giữ chức danh Chủ tịch HĐQT bắt đầu từ ngày 23.10.2014. Tuy nhiên, đến cuối tháng 1.2015, bà Thu cũng bị bắt giam để điều tra.
Quá trình điều tra mở rộng vụ án, trung tuần tháng 3.2015, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Xuân Thắng (SN 1979, Phó giám đốc Khối khách hàng lớn và đối tác chiến lược Ngân hàng Oceanbank) vì liên quan đến vụ án.
Tính tới thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam tổng cộng 5 cựu lãnh đạo, cán bộ của Ngân hàng Oceanbank.
Quá trình công tác của ông Nguyễn Xuân Sơn Ông Nguyễn Xuân Sơn sinh năm 1962 tại Hà Tĩnh, tốt nghiệp các trường: Đại học Nam Carolina (Hoa Kỳ), chuyên ngành Quản trị kinh doanh cấp đào tạo trên đại học; Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Vật giá và Trường Đào tạo cán bộ Dầu khí. Ông Nguyễn Xuân Sơn có hơn 30 năm công tác trong ngành dầu khí Việt Nam. Từ năm 2003 đến tháng 10.2006, ông giữ chức Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) rồi Tổng giám đốc PVFC đến tháng 5.2007. Đến tháng 12.2008, ông Sơn được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank). Ông Sơn giữ vị trí Phó Tổng giám đốc PVN từ năm 2010, phụ trách các lĩnh vực tài chính kế toán, kế hoạch chiến lược. Ông đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ ngày 8.7.2014 theo Quyết định số 1123/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Ngày 19.7.2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 1105/QĐ-TTg về việc cho thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đối với ông Nguyễn Xuân Sơn để nhận nhiệm vụ tại Bộ Công Thương do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo Xuân Lực (danviet.vn)
Nguyễn Xuân Sơn liên quan gì đến việc "mất trắng" 800 tỉ đồng của PVN? Khi còn tại vị ở ngân hàng TMCP OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn là người đại diện phần vốn góp 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại ngân hàng này. Và cuối cùng, con số 800 tỉ đã chỉ còn... "không đồng". Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), cựu Chủ...