Vụ bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc: Dân gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ
Sau nhiều lần gửi đơn lên các cấp chính quyền địa phương và trong nhiều lần tiếp dân ở UBND huyện Nam Trực (Nam Định) nhưng không được giải quyết thoả đáng, hàng chục hộ dân xã Nghĩa An gửi đơn lên Thanh tra Chính phủ đề nghị làm rõ nghi vấn khuất tất trong việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc ở địa phương.
Người dân cho rằng việc bán đất nông nghiệp cho doanh nghiệp Trung Quốc làm dự án có nhiều điểm mập mờ.
Theo phản ánh của hàng chục hộ dân xã Nghĩa An (Nam Trực, Nam Định), trong thời gian qua họ đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng yêu cầu làm rõ sự việc từ xã đến huyện liên tục vận động người dân bán 30ha đất ruộng để Công ty Bunda Footwear (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng. Bởi vậy người dân xã Nghĩa An đã tiếp tục làm đơn gửi đến Thanh tra Chính phủ.
Theo đơn trình bày: Ngày 13/5/2016, UBND tỉnh Nam Định có văn bản số 994/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu tại xã Nghĩa An và xã Nam Cường, huyện Nam Trực. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.400 tỷ đồng, diện tích đất dự kiến là khoảng 30 ha, trong đó xã Nghĩa An là hơn 28 ha, xã Nam Cường gần 2 ha.
Nhưng ngay từ tháng 3, từ xã đến huyện đã phối hợp với phía Công ty Bunda Footwear liên tục vận động người dân bán đất để triển khai dự án. Do người dân không muốn mất đất sản xuất nên không đồng ý bán.
Người dân lên UBND huyện đề nghị lãnh đạo huyện Nam Trực trả lời về việc bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Sau đấy, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường, đại diện Phòng Tổ chức huyện Nam Trực có đến họp chi bộ xóm 22 và 24, thuộc xã Nghĩa An, nói sẽ tiến hành họp dân để thông báo về việc triển khai dự án.
Khi chưa họp dân thì đã nhận được thông báo trên loa truyền thanh về việc bà con các xóm 21, 22 và 24 lên xã để bán đất cho doanh nghiệp. Dân không đồng ý, xã đã viết giấy mời người dân lên xã để nhận tiền hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất trồng lúa cho Công ty Bunda.
Video đang HOT
Khi người dân lên xã thì phía Công ty Bunda Footwear đưa 5, 6 loại giấy tờ như đơn xin tự nguyện trả lại đất, biên bản thỏa thận về việc tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho Công ty Bunda Footwear thuê thực hiện Dự án nhà máy sản xuất giày xuất khẩu, thông báo về giá thỏa thuận… để người dân ký vào, lấy tiền luôn trước sự chứng kiến của Chủ tịch UBND xã, Bí thư xã, cán bộ địa chính, xóm trưởng.
Người dân tiếp xúc với phóng viên Dân trí, phản ánh về việc nhiều cán bộ địa phương vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo người dân, nhiều văn bản chưa được điền tên, thông tin về thửa đất nhưng đã có chữ ký khống của xóm trưởng để phát cho nhân dân. Người dân cũng không hề được thỏa thuận về mức giá mà được ấn định luôn ở mức 220.000 đồng/m2, tương đương 79,2 triệu đồng/sào.
Bà Lê Thị Thảo (SN 1958), người dân xã Nghĩa An cho biết: “Ngày 20/9, UBND huyện có tổ chức tiếp dân, người dân xã Nghĩa An liên tục yêu cầu huyện trả lời thắc mắc, những mập mờ, thiếu minh bạch trong dự án, nhưng phía huyện trả lời vòng vo, không đi vào vấn đề chính. Chúng tôi yêu cầu phía huyện phải trả lời bằng văn bản nhiều lần, nhưng hiện nay vẫn chưa có”.
Tuấn Hợp – Đức Văn
Theo Dantri
Vụ bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc: Xã dọa không bán không được đền bù?
Ngoài việc hàng trăm hộ dân phản đối bán đất ruộng cho doanh nghiệp Trung Quốc làm dự án, theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều hộ dân khác cho biết đã đồng ý bán vì nghe xã dọa "nếu không bán đất sớm, khi nhà nước thu hồi sẽ không được tiền đền bù".
Không bán đất sẽ bị Nhà nước thu hồi không được đền bù?
Theo lời người dân xã Nghĩa An, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, trong quá trình đi vận động bà con nhân dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc làm dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày xuất khẩu do Công ty Bunda Footwear, một số cán bộ đã nói "Nếu không bán đất sớm, khi nhà nước thu hồi, sẽ không được tiền đền bù". Lo sợ mất không miếng đất, nhiều người đã đồng ý bán.
Người dân thôn Bái Hạ, xã Nghĩa An mong các cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc này.
Theo ông Vũ Huỳnh Tư (83 tuổi), người dân xóm 22, xã Nghĩa An, một người dân đã bán đất cho biết: "Có nhiều người đến nhà tôi một số lần nói là bán đất để làm dự án, lúc đầu tôi không muốn bán 6 sào ruộng đi. Nhưng nhiều lần họ nói là nếu không bán, mai sau bị Nhà nước thu hồi thì không có tiền đền bù. Tưởng thật nên tôi mới đồng ý".
Còn bà Phạm Thị Thơ (SN 1964), ở xóm 24, xã Nghĩa An cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào ruộng, trong đó có 11 miệng ăn. Trong khi đó, chồng tôi làm ở UBND xã Nghĩa An, nên có người đến bảo bán ruộng đi, lấy tiền gửi ngân hàng. Tôi không đồng ý, bởi vì tôi có tuổi rồi, chả công ty nào nhận, muốn dựa vào mấy sào ruộng mà đi làm. Nhưng nhiều lần các cán bộ xã vào nhà tôi đốc thúc, vì chồng, con tôi đều là đảng viên, nên cuối cùng phải bán ruộng".
Bà Phạm Thị Thơm, xóm 24, phản đối gay gắt vì chồng con đồng ý bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
Ông Vũ Đình Chuẩn (SN 1971), ở xóm 21, cho biết, gia đình ông có bố mẹ già hơn 80 tuổi. Ông không muốn bán nhưng cha mẹ ở nhà nhiều lần bị "làm phiền" nên ông đành bán.
Người dân Nam Định phản đối bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc.
"Họ bảo ký đâu tôi ký đấy! "
Trong cuộc tiếp dân vào ngày 20/9, tại UBND huyện Nam Trực, đại diện những người dân xóm 21, 22 và 24 liên tục yêu cầu phía UBND huyện Nam Trực trả lời về việc tại sao lại vận động người dân bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc. Đồng thời làm rõ việc khi triển khai dự án này, tại sao lại không tiến hành họp dân mà lại thông báo người dân đến nhận tiền. Nhưng người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.
Trong khi chưa tổ chức họp dân, vào đầu tháng 7/2016, người dân bất ngờ nhận được thông báo đến câu lạc bộ của thôn Bái Hạ để nhận tiền. Những người đưa tiền cho người bán đất đưa ra 5 loại giấy tờ bảo người bán đất ký vào là nhận tiền.
Biên bản nhận tiền hỗ trợ đất nông nghiệp của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng không có chữ ký của chính quyền địa phương.
Ông Vũ Huỳnh Tư cho biết: "Tôi bán 6 sào ruộng được khoảng 700 triệu đồng, nhưng khi đến nhà tập thể thôn, thấy mấy người bảo cứ ký vào là nhận tiền, nhiều loại giấy tờ tôi cũng không được đọc đến. Thấy có cả Bí thư, Chủ tịch xã với trưởng thôn thì tôi yên tâm ký nhận thôi, họ bảo ký đâu tôi ký đấy".
Tương tự, bà Vũ Thị Ngát (SN 1971) xóm 24 cho hay: "Tôi đi theo chồng tôi vào nơi nhận tiền để làm tách ruộng cho em gái tôi, lúc vào thì tôi thấy toàn bộ là giấy tờ của công ty Bunda Footwear, mọi người cứ bảo ký chỗ nào thì người bán đất chỗ đấy, còn tôi chẳng thấy cán bộ xã, hay thôn ký vào, cũng chẳng thấy dấu gì".
Ông Lê Văn Nông (SN 1956), xóm 24, xã Nghĩa An bức xúc cho biết: "Chúng tôi làm đơn lên Thanh Tra Chính Phủ, thì phía Thanh Tra chuyển đơn về tỉnh và huyện. Nhưng nhiều tháng nay, chúng tôi vẫn không nhận được bất kỳ một câu trả lời nào. Lần nào tiếp dân, lãnh đạo huyện cũng trả lời qua loa, đại khái mà không đi vào vấn đề chính".
Trong khi sự việc chưa được giải quyết, theo người dân xã Nghĩa An, họ vẫn được nghe phổ biến việc đến tháng 10 này, dự án sẽ tiếp tục được triển khai.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.
Tuấn Hợp - Đức Văn
Theo Dantri
Mập mờ dự án "bán đất" cho doanh nghiệp Trung Quốc Trước việc mất đất sản xuất lâu năm cho một dự án xây dựng nhà máy sản xuất giày của một doanh nghiệp Trung Quốc, hàng chục hộ dân 2 xã Nghĩa An, Nam Cường (Nam Định) đã vô cùng lo lắng và bức xúc, cho rằng chính quyền địa phương đã vận động dân "bán đất" thiếu minh bạch. "Mập mờ" trong...