Vụ Baghdad bị không kích: Chủ tịch Quốc hội Iraq kêu gọi giải pháp an ninh cần thiết
Trong phản ứng mới nhất liên quan đến vụ Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad, ngày 3/1, Chủ tịch Quốc hội Iraq Muhammad Al-Halbousi đã lên án vụ tấn công khiến ông Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Chỉ huy Lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi ở Iraq, thiệt mạng.
Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbousi. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Halbousi kêu gọi Chính phủ Iraq có hành động bảo đảm an ninh, hợp pháp mang tính chính trị để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự. Theo ông, Irag cần phải tránh trở thành một chiến trường hay một phía trong cuộc xung đột ở khu vực hoặc quốc tế.
Trong tuyên bố này, người đứng đầu cơ quan lập pháp Iraq cũng gửi lời chia buồn sâu sắc với Iran về cái chết của Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qasem Soleimani – người cũng thiệt mạng trong vụ không kích.
Ngày 3/1, quân đội Iraq đã lên án vụ tấn công của các lực lượng Mỹ, cho rằng đó là một sự vi phạm rõ ràng nhiệm vụ của các lực lượng này ở Iraq.
Cùng ngày, hãng thông tấn SANA dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Syria, lên án vụ không kích khiến tướng lĩnh cấp cao của Iran thiệt mạng. Bộ trên bày tỏ quan ngoại vụ việc này sẽ đẩy tình hình căng thẳng trong khu vực leo thang, cũng như nhấn mạnh việc Mỹ phải chịu trách nhiệm về những hành động gây bất ổn tại khu vực này. Bộ Ngoại giao Syria cũng đã chia buồn với người dân Iraq và Iran trước cái chết của tướng lĩnh hai nước.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày 3/1, Bộ Ngoại giao Liban đã kêu gọi nước này và khu vực tránh mọi hậu quả từ cuộc không kích của Mỹ. Bộ cũng đã lên án vụ tấn công, cho rằng đó là một hành vi xâm phạm chủ quyền của Iraq và là một hành động leo thang nguy hiểm chống lại Iran.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hành động trả đũa của Iran trong vụ ám sát tướng Soleimani rất có thể sẽ được thực hiện từ Liban. Nhà phân tích chính trị Youssef Diab nhận định: “Vụ ám sát ông Soleimani là một hành động leo thang rất nghiêm trọng và tôi lo ngại rằng sự trả đũa sẽ xảy ra từ Liban thông qua phong trào Hezbollah, tổ chức hiện có lý do vững chắc để tấn công Israel… Chính đảng Hồi giáo Shiite này theo đuổi chương trình nghị sự của Iran”.
Trong khi đó, ông Sami Nader – Giám đốc Viện Các vấn đề chiến lược Levant ở Liban – cho rằng: “Ông Soleimani có ảnh hưởng lớn ở Liban thông qua Hezbollah”. Theo chuyên gia này, sự trả đũa rất có thể được thực hiện từ Liban bởi lực lượng Hezbollah thân Iran có quyền lực lớn ở quốc gia Trung Đông này và lịch sử cho thấy nhóm Hồi giáo Shiite nhắm đến Washington bằng cách tấn công Đại sứ quán và lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại Liban. Ông Nader nhận định Tehran sẽ thực hiện hành động đáp trả để bảo vệ hình ảnh của nước này.
Theo Lan Phương (TTXVN)
'Mãnh hổ Trung Đông' gục ngã trước tên lửa Mỹ, kết thúc cuộc đời oanh liệt
Sau hàng chục năm chiến đấu, rút cuộc thì Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds, Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cũng gục ngã.
Ông thiệt mạng trong cuộc không kích của Mỹ ở gần sân bay quốc tế Baghdad, Iraq rạng sáng 3-1-2020.
Qasem Soleimani là một vị tướng nổi tiếng tại khu vực Trung Đông. Thái độ cứng rắn với phương Tây, tài chỉ huy đỉnh cao đã khiến ông luôn là cái gai trong mắt Mỹ và Israel.
Một tờ báo Kuwait từng tiết lộ "âm mưu của Mỹ và Israel" nhằm loại bỏ một vị tướng quan trọng hàng đầu của Iran, hầu cắt đứt cánh tay nối dài của người Iran ở Trung Đông.
Động thái này được cho là ngăn chặn việc Iran kiểm soát các lực lượng dân quân người Shiite ở Syria và Iraq, cùng với lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine.
Video đang HOT
Theo đó, tờ báo Kuwait Al-Jarida đưa tin, Mỹ bị cáo buộc đã "bật đèn xanh" cho Israel vạch kế hoạch để ám sát tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm al-Quds, cánh tay hải ngoại của lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.
Bài báo trích dẫn một nguồn tin giấu tên ở Tel Aviv nói rằng, "có một thỏa thuận Mỹ-Israel" rằng tướng Soleimani là mối đe dọa hàng đầu đối với lợi ích của hai nước trong khu vực.
Thực tế là cái gật đầu của Mỹ cho phép sát hại viên tướng hàng đầu của Iran lại diễn ra 3 năm sau khi chính nước này từng có một hành động ngăn cản nỗ lực của Israel nhằm ám sát ông Soleimani ở một địa điểm gần Damascus.
Vào thời điểm đó Mỹ đã cảnh báo Tehran về vụ ám sát vị tướng này có thể xảy ra, đồng thời cũng cho biết về việc người Israel đã theo dõi sát sao từng bước chân của tướng Soleimani, ở cả Syria lẫn Iraq.
Tờ báo không chỉ rõ nguyên nhân khi đó tại sao Mỹ lại ngăn cản Israel thực hiện kế hoạch ám sát viên tướng Iran, nhưng rất có thể là vào thời điểm cách đây 3 năm, chính quyền của Tổng thống Obama lo ngại vụ ám sát này sẽ khiến Tehran nổi giận và Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ không bao giờ được ký kết.
Tuy nhiên hiện nay, Tổng thống Mỹ có quan điểm cứng rắn đối với Iran. Ngoài việc hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân với Tehran, mới nhất ông Trump đã ra lệnh cho không quân nước này không kích, giết hại viên tướng nổi tiếng của Iran vào rạng sáng nay (3-1).
Chính Lầu Năm Góc đã lên tiếng xác nhận cuộc tấn công, nói rằng hành động này được thực hiện "theo chỉ đạo của Tổng thống".
Cái chết của tướng Soleimani là một bước ngoặt đầy rủi ro ở Trung Đông và được dự đoán sẽ có sự trả đũa nghiêm trọng từ Iran và các lực lượng mà nước này ủng hộ trong trục đối đầu với Mỹ.
Không chỉ gây sóng gió cho mối quan hệ Mỹ-Iran, vụ việc cũng đã làm chấn động toàn cầu, khiến giá dầu tăng và khiến cho các quốc gia liên quan cảm thấy lo ngại về các bất ổn trong khu vực.
Các quan chức Mỹ từ lâu đã cáo buộc tướng Soleimani là "chủ mưu các cuộc tấn công vào quân đội Mỹ ở Iraq và chống lại lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới".
Trong khi phía Iran tuyên bố Mỹ phải chịu trách nhiệm cho mọi hậu quả của "chủ nghĩa phiêu lưu" của nước này.
Các nhà phân tích đồng ý rằng Soleimani là một nhân vật độc nhất và có lẽ không thể thay thế đối với Iran, sau tin tức về cái chết của vị tướng này.
Trước đó, Tư lệnh lực lượng Vệ binh Cộng hòa cách mạng Hồi giáo Iran, tướng Qassem Soleimani đã chuyển một thông điệp tới Bộ Tư lệnh lực lượng viễn chinh Mỹ tại Syria.
Đồng thời ông cũng khuyến cáo toàn bộ quân đội Mỹ nên rút lui khỏi Syria hoặc "cánh cửa địa ngục sẽ mở ra với lính Mỹ". Hiện tại Mỹ đã rút bớt sự hiện diện ra khỏi Syria, tuy nhiên quân số của họ vẫn đang hiện diện rất lớn xung quanh khu vực này, sẵn sàng can thiệp khi có yêu cầu.
Thiếu tướng Qasem Soleimani sinh ngày 11-3-1957, là sĩ quan cao cấp của quân đội Iran.
Ông Qasem Soleimani từng là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.
Vị tướng này nổi tiếng với với chiến lược ngoại giao cứng rắn và sự hỗ trợ quân sự hết mình cho các đồng minh có cùng hệ tư tưởng, trong đó có Syria.
Năm 2012, tướng Soleimani đã giúp củng cố chính phủ Syria, cũng như gửi quân và khí tài giúp quân đội nước này chống lại tổ chức khủng bố IS.
Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, khi còn trẻ, tướng Soleimani từng làm công nhân xây dựng trước khi trở thành quân nhân chuyên nghiệp.
Ngày 22-9-1980, khi Saddam Hussein phát động cuộc xâm lược của Iran kéo dài 8 năm, Suleimani nổi lên là vị chỉ huy trẻ tài năng và can đảm.
Sau chiến tranh, ông tiếp tục phục vụ trong quân đội. Trong cuộc nổi loạn của sinh viên năm 1999 tại Tehran, tướng Soleimani cảnh báo Tổng thống Mohammad Khatami, nếu không dẹp được cuộc nổi loạn thì chính quân đội sẽ chống lại vị tổng thống này.
Tướng Soleimani được miêu tả là "nhà hoạt động mạnh mẽ duy nhất ở Trung Đông ngày nay và là nhà chiến lược và chiến thuật quân sự chính trong nỗ lực của Iran nhằm chống lại ảnh hưởng của phương Tây".
Tổng thống Bashar al-Assad xoay chuyển được tình thế trong cuộc nội chiến Syria một phần lớn nhờ vào công của vị tướng người Iran này.
"Người Nga không chống lại sự hiện diện của Mỹ và có thể chấp nhận thực tế này sau khi xác định rõ nét ranh giới ngăn chặn xung đột không chủ ý giữa hai bên. Nhưng Iran có một quan điểm rõ ràng và kiên quyết không thay đổi, không để Tổng thống Syria một mình đối mặt với lực lượng quân đội Mỹ, nếu Washington quyết định duy trì sự hiện diện ở chiến trường Syria", Tướng Soleimani từng cho biết.
Việc vị tướng nổi tiếng Iran bất ngờ bị Mỹ ra tay sát hại chắc chắn sẽ làm cục diện Trung Đông nóng lên trong thời gian tới.
Một số quan chức Mỹ cũng như các nhà quan sát kỳ cựu của Iran, nói rằng cuộc tấn công là một động thái leo thang vượt xa những gì họ từng dự đoán.
Một chuyên gia về Iran cho biết, cuộc tấn công đã làm ngạc nhiên ngay cả một số thành viên của chính quyền Trump, thậm chí quyết định nhằm mục tiêu vào vị tướng của Iran chưa bao giờ được xem xét một cách nghiêm túc, ít nhất là trong thời gian gần đây.
Một cựu quan chức Mỹ nói rằng cuộc tấn công đặc biệt đáng chú ý vì nó nhắm vào một nhân vật nằm trong bộ máy chính quyền Iran, trái ngược với các nhân vật phi nhà nước trước đây.
Một quan chức Trung Đông khác của Mỹ nói rằng một cuộc trả đũa của Iran có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Các mục tiêu của Iran có thể là các quan chức Mỹ ở châu Phi, ở châu Mỹ Latinh và có thể là ở vùng Vịnh.
Việt Hùng (Tổng hợp)
Theo anninhthudo.vn
Điều ít biết về Soleimani, tướng "khét tiếng" của Iran vừa bị Mỹ tiêu diệt Tướng Soleimani - "vua gián điệp" Trung Đông được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công rạng sáng 3/1 của Mỹ, liệu đây có phải là sự thật khi mà trước đó vị tướng huyền thoại này đã nhiều lần bị "đồn" là thiệt mạng, Lầu Năm Góc Mỹ xác nhận, Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh Lực lượng tinh nhuệ...