Vụ Bách Hóa Xanh bị tố tăng giá bất hợp lý: Quản lý thị trường báo cáo sao?
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM đã đề cập đến thông tin phản ánh của người dân về việc “ Bách Hóa Xanh tăng giá bất hợp lý” tại cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Công Thương diễn ra ngày 18/7.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.
Ngày 18/7, các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp trực tuyến về tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu cho 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
“Giá cả có tăng nhưng không cao so với ngày thường là mấy”
Tại cuộc họp, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết từ hôm thực hiện Chỉ thị 16 (9/7) đến nay, lực lượng quản lý thị trường tăng cường 100% quân số, kiểm tra, phối hợp với chính quyền, lực lượng chức năng nắm bắt hành vi vi phạm, đặc biệt là việc ngăn chặn hành vi đầu cơ, nâng giá, găm hàng những mặt hàng thiết yếu, trục lợi từ đại dịch. Lực lượng cũng phối hợp công an túc trực thường xuyên 12/12 điểm chốt kiểm tra trên địa bàn thành phố 24 trên 24 giờ.
Báo cáo về tình hình kiểm tra trên thị trường, ông Ba cho biết ngay từ ngày 9/7, khi nghe thông tin thực hiện Chỉ thị 16, một số bà con chợ truyền thống, siêu thị nâng giá hàng do sức mua tăng cao.
“Những ngày đầu, có vài trường hợp cá biệt bà con vào siêu thị mua hàng ra ngoài bán, nhưng quản lý thị trường đã kịp thời nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng này”, ông Ba thông tin. Đến nay, tình trạng người dân vào mua hàng siêu thị và đưa ra ngoài vỉa hè bán không còn.
Về nguồn cung, ông Ba cho biết hàng hóa tại siêu thị những ngày gần đây cơ bản đáp ứng đủ. Cuối ngày, rau củ quả có thời điểm giảm đi, nhưng ngay sau đó lại được bổ sung. Sáng nay (18/7), giá thịt heo khoảng 175.000 đồng/kg, cà rốt 40.000 đồng/kg, bắp cải 40.000/kg…
“Giá cả có tăng nhưng không cao so với ngày thường là mấy. Nguồn cung ổn định, vẫn còn tình trạng xếp hàng vào siêu thị nhưng không còn ồ ạt như trước đây”, đại diện quản lý thị trường cho biết.
Cũng theo vị này, lực lượng quản lý thị trường TPHCM đã phối hợp chặt với địa phương, làm việc với các chợ truyền thống đang mở cửa lại (68 chợ truyền thống), cùng hàng ngàn cửa hàng, hàng trăm siêu thị… tiến hành vận động cam kết không tăng giá bất hợp lý, tạo mọi điều kiện cố gắng cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Video đang HOT
Việc mở lại các chợ truyền thống, theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, là biện pháp tốt, giảm tình trạng quá tải cho các siêu thị. Tuy nhiên, hệ thống phân phối tại TPHCM còn yếu. Các sở ngành như công thương, nông nghiệp, y tế và giao thông vận tải cần có cách nào đó kết nối với nhà cung cấp để chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
“Nếu như chợ truyền thống cũng mở cửa rồi mà hàng hóa không có thì tình trạng tăng giá vẫn có thể xảy ra, gây áp lực lớn lên cho hoạt động kiểm soát”, ông Ba nhấn mạnh.
Ông cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương làm việc với Bộ Tài chính, kịp thời chỉ đạo cơ quan thuế địa phương phối hợp cùng quản lý thị trường điều tra, xác minh trường hợp nâng giá bất hợp lý.
Đề nghị Bách Hóa Xanh, các siêu thị không tăng giá bất hợp lý
Tại cuộc họp, ông Ba cũng thông tin về trường hợp hệ thống siêu thị Bách Hóa Xanh bị phản ánh tăng giá bất hợp lý. Cơ quan quản lý thị trường đã vào cuộc kiểm tra. Cụ thể, cơ quan này đã làm việc với 232 trên 561 cửa hàng Bách Hóa Xanh. Song theo thông tin từ ông Ba, ở các siêu thị, cửa hàng với mức giá cả như thế cũng không phải tăng quá cao, lượng hàng hóa đảm bảo.
“Chúng tôi đề nghị Bách Hóa Xanh, các siêu thị khác và chợ truyền thống cam kết là phải đảm bảo phòng chống dịch, chủ động nguồn hàng, không tăng giá bất hợp lý. Chúng tôi thiết lập các kênh liên lạc, nếu có chi phí đột biến cao tăng giá thì phải cập nhật cho lực lượng quản lý thị trường và lực lượng chức năng nắm”, ông Ba thông tin.
Thời gian gần đây, chuỗi siêu thị lớn Bách Hóa Xanh đang trở thành tâm điểm bởi hàng loạt bài đăng “tố” tăng giá sản phẩm giữa dịch Covid-19.
Một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp không nên tăng giá để đồng hành cùng khó khăn của người dân thời điểm vô cùng khó khăn như thế này. Bởi doanh nghiệp ngoài kinh doanh vì lợi nhuận thì cũng nên có trách nhiệm cộng đồng, tránh làm mất lòng tin của khách hàng.
Trước tình trạng nhiều thông tin tố tăng giá nhiều mặt hàng bất hợp lý để kiếm lời mùa dịch, phía Bách Hóa Xanh cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Theo đó, đại diện doanh nghiệp khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh và cũng không thể bảo đảm 100% việc giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng tươi sống.
Vị này cho biết, chính sách giá bán lẻ áp dụng với một số mặt hàng thiết yếu tại TPHCM đã được điều chỉnh theo sự biến thiên của giá nhập đầu vào tại những thời điểm nhất định. Đồng thời nỗ lực bảo toàn tính cân bằng và hài hòa giữa lợi ích người tiêu dùng và việc vận hành hàng ngàn cửa hàng bán lẻ trong giai đoạn, bao gồm các yếu tố trọng yếu như hệ thống kho bãi, vận chuyển, cung ứng, nhà cung cấp, nhân sự và cả chi phí bảo đảm an toàn cho người mua hàng trong giai đoạn dịch bùng phát này.
Mới đây, tại Sóc Trăng, lực lượng quản lý thị trường cũng lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh do “niêm yết một đằng, bán giá một nẻo” và giá bán ra cao hơn giá được niêm yết.
Thị trường hàng hoá ổn định, vận chuyển lưu thông được cải thiện
Thông tin nhanh từ Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam cho biết, tính đến trưa ngày 17/7, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đã được cải thiện, nguồn hàng cung ứng ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên trong siêu thị Co.opXtra thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh hàng hóa đầy ắp trên quầy kệ. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại TP Hồ Chí Minh, theo Tổng cục Quản lý thị trường, sau 2 ngày sức mua hàng tăng cao do tin đồn phong tỏa toàn thành phố, từ trưa ngày 16/7, lượng người đến siêu thị mua sắm giảm mạnh. Ngày 17/7, lượng khách hàng thưa thớt, các siêu thị không còn phát phiếu hẹn giờ vào siêu thị.
Theo ghi nhận, các siêu thị, hệ thống bán lẻ đều thực hiện nghiêm quy tắc phòng, chống dịch 5K. Nguồn hàng được bổ sung liên tục, cơ bản đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Tuy nhiên, trong chiều 16/7, có vài khu vực hết rau xanh cục bộ, nguyên nhân là do trước đó, trong ngày 14 và 15/7, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ nên nhiều siêu thị, cửa hàng chưa kịp bổ sung nguồn hàng.
Trong ngày 17/7, một số chợ truyền thống đã mở quầy bán rau, củ, quả... mặc dù TP Hồ Chí Minh chưa chính thức cho mở cửa. Thông tin từ Sở Công Thương Thành phố cũng cho biết, đơn vị này đang vận động nhiều doanh nghiệp tham gia mở nhiều điểm bán lẻ thực phẩm tươi sống và thí điểm 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cho phép một số hộ mở lại mua bán rau, củ, quả, thịt.
Đáng chú ý, trong ngày, việc vận chuyển thực phẩm tươi sống vào TP Hồ Chí Minh được thuận lợi hơn. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện, giá một số mặt hàng thiết yếu như trứng gà, trứng vịt... bán bên ngoài siêu thị có giá khá cao, từ 35.000-45.000 đồng/10 trứng, cá biệt có một số người lén lút bán 55.000 đồng/10 trứng gà.
Cũng theo Tổng cục Quản lý thị trường, ngay trong chiều 16/7, sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tăng giá nhiều mặt hàng trong dịch COVID-19 các Đội Quản lý thị trường của Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã lập tức tiến hành kiểm tra và làm việc với 75/641 cửa hàng tại các địa bàn quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh.
Ghi nhận của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, nhìn chung hàng hóa tại các cửa hàng dồi dào, thực hiện niêm yết giá bán theo quy định.
Trong những ngày tới, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng khó khăn tăng giá, trục lợi, Cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ thường xuyên nắm bắt, kiểm tra kịp thời để phát hiện những hành vi vi phạm, nhất là với những mặt hàng liên quan đến phòng, chống dịch như vật tư y tế, thuốc tân dược và các mặt hàng bà con tiêu dùng hàng ngày như rau củ quả, thịt, cá trứng...
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường Tp. Hồ Chí Minh cũng công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân, siêu thị phản ánh khi có tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán hoặc tăng giá bất hợp lý. Các Đội Quản lý thị trường sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra trong những ngày tiếp theo.
Tại tỉnh Phú Yên, tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá và các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, một số chợ truyền thống còn hoạt động... nhìn chung ổn định, cung ứng đủ nhu cầu người dân.
Tại tỉnh Ninh Thuận, sau khi thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sức mua tăng mạnh, đến nay lượng hàng hoá tại siêu thị và chợ được cung ứng đầy đủ, giá có tăng nhẹ.
Hàng hoá qua địa bàn tỉnh diễn ra bình thường, các xe vận chuyển hàng hoá chỉ cần có Tờ khai lịch trình di chuyển gửi mail đến Sở Giao thông vận tải và lái xe có giấy xét nghiệm âm tính với vi rút Sars-CoV-2 có thời hạn trong vòng 72 giờ xuất trình tại các chốt kiểm soát dịch, thực hiện 5K.
Thực phẩm thiết yếu từ các nhà máy sản xuất về tỉnh hiện có chậm hơn trước do diễn biến dịch phức tạp tại các địa phương và việc vận chuyển hàng hóa qua các tỉnh đang gặp khó khan về thủ tục kiểm soát dịch bệnh.
Tại tỉnh Bình Thuận, sức mua hàng hóa của người dân vẫn còn cao nhưng đã giảm so với hôm qua. Giá các mặt hàng thịt heo, thịt bò, trứng và các loại rau củ quả không tăng so với ngày 16/7/2021 nhưng có tăng so với ngày 1/7/2021 (mặt hàng trứng tăng từ 40-50%, rau củ quả tăng từ 20-30%...); các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích cũng như tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, hàng hóa thực phẩm tươi sống và nhu yếu phẩm đa dạng, dồi dào, bảo đảm đủ cung ứng cho người dân.
Riêng đối với mặt hàng trứng gà, trứng vịt tại địa bàn thị xã La Gi, hiện nay lượng hàng cung cấp cho nhu cầu của nhân dân còn ít, một số nơi không còn mặt hàng này do chỉ còn 04 chợ hoạt động (chợ Tân Hải, chợ Tân Phước, chợ Tân Tiến, chợ Tân An hoạt động 1 phần), các chợ còn lại đã bị phong tỏa tạm thời.
Tại tỉnh Đồng Nai, tình hình cung ứng thực phẩm tươi sống như rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích... dồi dào, ổn định. Sức mua của người dân đã giảm hơn so với các ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên do các chợ truyền thống vẫn đang tạm dừng nên lượng người đến mua tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích vẫn còn đông, hàng hóa đa dạng, giá các loại lương thực, thực phẩm ổn định.
Cùng với đó, tại tỉnh Bình Phước, hàng hoá tại siêu thị, chợ truyền thống đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Mặt hàng lương thực thực phẩm tăng giá khoảng 7%-52% so với đầu tháng.
Ngoài ra, tại các tỉnh, thành phố khác, do lo ngại tình hình dịch COVID-19 nên người dân cũng tăng mua các loại thực phẩm thiết yếu. Tình hình cung ứng hàng hoá, thực phẩm tươi sống rau, củ, quả, trứng, thịt, cá... các loại thực phẩm thiết yếu khác tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích và chợ truyền thống, nguồn hàng hóa thiết yếu vẫn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, Cục Quản lý thị trường các tỉnh phía Nam còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.
Lực lượng Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra các mặt hàng bày bán trong Bách Hóa Xanh sau khi nhận được phản ánh, hệ thống siêu thị này tăng giá bán trong dịch COVID-19.
Điển hình, từ ngày 8/7 đến nay, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã kiểm tra, xử phạt 21 vụ, số tiền là gần 16 triệu đồng về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán.
Tương tự, tại Cục Quản lý thị trường Tiền Giang, từ ngày 1/6/2021 đến nay Cục kiểm tra đột xuất 41 vụ, thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc tăng cường kiểm tra kiểm soát, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phía Nam đều công khai đường dây nóng của Đội trưởng, Lãnh đạo Cục/Văn phòng Cục Quản lý thị trường để tiếp nhận và xử lý các phản ánh của người dân về thị trường hàng hóa và phòng chống COVID-19.
Lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh bán hàng cao hơn giá niêm yết Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng lập biên bản một cửa hàng Bách Hóa Xanh vì bán hàng cao hơn giá niêm yết. Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm đối với cửa hàng Bách Hóa Xanh đường Trần Hưng Đạo, TP Sóc Trăng (Ảnh: Phòng kinh tế TP Sóc Trăng) Cụ thể, cửa hàng Bách Hóa Xanh tại...