Vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt: “Mạng xã hội không phân biệt giàu nghèo và pháp luật cũng thế”
Vụ việc Nguyễn Phương Hằng là bài học cho những ai ngông cuồng, làm điều sai phạm nhưng bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp.
Mạng xã hội không phân biệt giàu nghèo và pháp luật cũng thế!
Những màn livestream đấu tố, vạch mặt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác của Nguyễn Phương Hằng đã tạo ra hệ lụy rất lớn cho xã hội, đã khiến một bộ phận xã hội cho rằng việc chửi rủa, chà đạp người khác trên mạng xã hội là việc bình thường. Bà Phạm Thị Minh Hiền – đại biểu Quốc hội khóa XIV cho biết điều này khi trao đổi với phóng viên VOV về vụ việc Nguyễn Phương Hằng.
Bị can Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an
Lối ứng xử tiêu cực trên mạng xã hội
PV: Ngày 24/3, VKSND TP.HCM đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam) về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Bà có bất ngờ trước thông tin trên, khi trước đó Nguyễn Phương Hằng nổi lên thành một hiện tượng trên mạng xã hội với những màn livestream đấu tố, “bóc phốt” một số nghệ sĩ nổi tiếng, thu hút hàng triệu người quan tâm?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Tôi không bất ngờ lắm. Vì thời gian qua, cá nhân tôi cũng như rất nhiều người mong muốn cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xem xét xử lý vụ việc gây ồn ào trên mạng xã hội vừa qua. Ít nhất là dùng quy định pháp luật để điều chỉnh thái độ, hành vi người dùng mạng xã hội có dấu hiệu sai phạm.
Sự việc đấu tố vô căn cứ diễn ra trên mạng xã hội đã kéo dài nhiều tháng, sự tác động tiêu cực của nó đã ảnh hưởng rất lớn đến đời thật khiến dư luận bức xúc, nhiều luồng ý kiến tranh cãi thậm chí đối đầu nhau bằng hành vi bạo hành giữa các bên đã gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nhiều người dùng mạng cho rằng mạng xã hội là thế giới ảo, ảo thì không ai có thể quản lý được mình, ai cũng có “quyền lực” ngang nhau, rõ ràng là đã gây ra một hệ lụy rất lớn.
Vụ án này cũng đã cho chúng ta thấy nhiều vấn đề phức tạp khi tham gia hoạt động trên thế giới phẳng. Không phải ai cũng tỉnh táo, trong sáng, văn minh, hành xử chuẩn mực, tích cực. Bên cạnh đó là sự lỏng lẻo của các điều khoản pháp luật, không có sức mạnh răn đe, điều chỉnh, điều đó cũng là một phần lý do để các đối tượng không hề sợ hãi, mức độ sai phạm ngày càng gia tăng, những người bị ảnh hưởng trực tiếp từ các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng phải chịu nhiều thương tổn về tinh thần.
Khởi tố hình sự là điều nên làm ở mức độ sai phạm hiện nay của nhóm livestream liên quan đến bà Hằng. Nhưng giá như có sự can thiệp mạnh mẽ hơn, sớm hơn của cơ quan chức năng thì hệ lụy sẽ không có quá nhiều tiêu cực như bây giờ.
PV: Nguyễn Phương Hằng đã sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Song, những livestream lệch chuẩn này lại được rất nhiều người bày tỏ ủng hộ, thậm chí a dua theo. Bà có thể lý giải về hiện tượng này?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Có rất nhiều thành phần tham gia vào câu chuyện livestream ồn ào này ở nhiều khía cạnh và cách tiếp cận khác nhau. Điều này tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người. Có người chỉ ở vòng ngoài quan sát nhưng cũng không ít người tham gia trực tiếp bình luận phản bác, hùa nhau chửi rủa.
Tuy nhiên, theo quan sát, tôi thấy phần lớn những người dùng mạng tham gia vào cuộc đấu tố với những lời lẽ vô văn hóa phần lớn đều dùng nick ảo, nó như được lập ra để thoải mái chửi rủa người khác mà không sợ ai phát hiện ra con người thật của mình. Đồng thời cũng không ít người dùng nick chính danh, tạo kênh riêng trên nhiều nền tảng như: Facebook, Youtube,Tiktok để tham gia cuộc đấu tố của bà Hằng với mục đích trục lợi, vừa phục vụ mục đích “đấu tố”, “vạch mặt” người khác, vừa tranh thủ gây sự chú ý để bán hàng online.
Ngoài ra, có những thành phần lợi dụng việc này để đẩy mạnh hơn hiện tượng tiêu cực lên mạng xã hội, sau đó kích động, lôi kéo thêm nhiều người đối đầu với chính quyền.
Video đang HOT
Trong tâm lý chung của người dân hiện nay, đặc biệt là nhóm người yếu thế có vấn đề uẩn ức về mặt xã hội, đã từng mâu thuẫn hay xung đột lợi ích với chính quyền thì khi thấy có người lên tiếng như vậy liền coi đó là sự đấu tranh mạnh mẽ, là người đại diện cho tiếng lòng của mình, đại diện số đông người dân yếu thế.
Những thông tin liên tiếp được đưa ra trên sóng livestream không phải là sai hoàn toàn, nó ít nhiều chứa đựng một phần sự thật của hiện trạng xã hội. Chính vì thế nếu tiếp nhận thiếu tỉnh táo, sáng suốt sẽ khó mà nhận diện đâu là đúng, là sai. Ngay cả chính bản thân tôi, ban đầu cũng đã quan tâm theo dõi sự lên tiếng của bà Hằng về những hiện tượng tiêu cực của xã hội, ở góc độ của người làm công tác xã hội, tôi từng xem đó là một trường hợp thú vị và chỉ dừng lại ở đó.
Tôi thấy nguy hại một điều rất rõ của nhóm livestream này là mức độ lộng ngôn, cuồng ngôn ngày càng gia tăng, ngôn từ kém văn hoá, thông tin vô căn cứ nhưng rất hiểm hóc và vô nhân đạo, nhưng lại có rất rất nhiều người tin tưởng và cổ vũ, thậm chí tôn thờ. Điều này, cơ quan chức năng cần phải dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi xã hội có sự chuẩn mực, dù là không gian mạng.
Tôi nhận thấy hành vi của Nguyễn Phương Hằng đã tạo ra một trạng thái gọi là quyền lực ảo, người nào cảm thấy yếu thế, tiếng nói nhỏ bé thì sẽ tìm thấy ở những màn đấu tố của bà Hằng là nơi dựa dẫm về tinh thần, quyền lực. Họ vô tình bị lôi kéo, kích động cuống theo nguồn năng lượng tiêu cực trên mạng xã hội, gần như không có điểm dừng cho đến khi cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố.
Luật pháp ban hành nhiều điều khoản về hành vi nghiêm cấm như xúc phạm danh dự, xâm hại đời tư hay vu khống người khác… Nhưng trong vụ việc của bà Hằng, hành vi này lại được cổ vũ, cổ súy và vô hình trung trở thành lối ứng xử tiêu cực trên mạng xã hội hết sức nguy hại.
Tôi mong rằng, qua vụ việc này, pháp luật cần bổ sung điều chỉnh, phân định rõ các tội danh đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng để có hình thức xử lý thích đáng, không chỉ đối với bà Hằng mà còn cả ekip tham gia livestream. Chính vì vậy, thông tin chiều 24/3 không bất ngờ mà như trút được gánh nặng, cảm thấy nguồn năng lượng tiêu cực đã được rút đi.
Cần có biện pháp mạnh mẽ quản lý trên không gian mạng
PV: Vụ việc của Nguyễn Phương Hằng cũng là cảnh báo cho người dùng mạng xã hội hiện nay khi không ít hiện tượng lợi dụng để câu like kiếm tiền, xúc phạm danh dự người khác, làm lộ bí mật Nhà nước, thưa bà?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Đó là bài học cho những ai ngông cuồng, làm điều sai phạm nhưng bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp. Mạng xã hội không phân biệt giàu nghèo và pháp luật cũng thế!
Tôi cho rằng, cần có sự vào cuộc, chung tay lên tiếng đấu tranh của rất nhiều cá nhân, tổ chức được trao quyền bảo vệ pháp luật cũng như quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân. Cơ quan báo chí, cơ quan hành pháp cần phải phối hợp lên tiếng, đấu tranh công khai, trực diện chứ không nên kéo dài sự im lặng. Rõ ràng hiện tượng này vì kéo dài trong nhiều tháng đã tạo ra hệ lụy rất lớn, một bộ phận xã hội cho rằng việc chửi rủa, chà đạp người khác trên mạng xã hội là việc bình thường.
Để lập lại trật tự, các cơ quan chức năng cần có biện pháp mạnh mẽ, dùng pháp luật để quản lý xã hội và quản lý trên không gian mạng. Cùng với đó tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, định hướng dư luận, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống cho người dân, xây dựng lối văn hóa ứng xử trên mạng xã hội…
PV: Có ý kiến cho rằng, những người a dua tham gia những màn đấu tố, vạch mặt người khác của Nguyễn Phương Hằng cũng không để bỏ lọt. Ý kiến của bà như thế nào?
Bà Phạm Thị Minh Hiền: Ngoài việc khởi tố bà Hằng, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm cũng như xem xét xử lý về mặt pháp luật đối với những thành phần cùng tham gia livestream của bà Hằng.
Tôi tin, một mình bà Nguyễn Phương Hằng không thể tạo dựng được “kênh truyền thông tiêu cực” của cá nhân bà mà sau đó còn cả một lực lượng hỗ trợ. Do vậy, những thành phần này cũng phải được xử lý nghiêm minh. Người nào có liên quan về hành vi vi phạm pháp luật với bà Hằng thì cũng phải xử lý.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Chuyên gia tội phạm học: Bà Nguyễn Phương Hằng tự cho mình vị trí của "người phán xử"
Liên quan đến vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) bị bắt, TS.
Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an) đã chia sẻ quan điểm của mình với PV Dân Việt về vụ việc.
Ảo tưởng bởi sự tung hô của công chúng
Ông Hiếu cho biết, việc bà Hằng bị bắt là cái giá khi để quyền tự do của mình chà đạp quyền tự do của người khác và trật tự xã hội. Bà Hằng bị bắt về tội danh mà nhiều người đã dự cảm.
TS. Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an). Ảnh: Dân Việt.
Trước đó, nguy cơ bà Nguyễn Phương Hằng bị xử lý hình sự đã hiện hữu sau khi những thứ bà công bố trên mạng xã hội được cơ quan chức năng kết luận rằng không có căn cứ.
Theo chuyên gia Đào Trung Hiếu, mấy năm qua, việc bà Hằng tố đích danh sai phạm của một số người đã gây hiệu ứng xã hội mạnh mẽ trên truyền thông phi chính thống, khiến dư luận xã hội dậy sóng và cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành phố đã phải mất nhiều công sức vào cuộc điều tra xác minh.
Thời gian đầu, nhiều người cảm thấy lôi cuốn và thích thú với thông tin độc lạ mà bà Hằng đưa ra, vì được thỏa mãn sự tò mò. Hơn nữa, góc nhìn của người phát ngôn tạo cảm giác đứng từ lợi ích của nhiều người dân.
Lưu ý, quyền tự do ngôn luận của công dân được pháp luật nước ta bảo hộ, được ghi nhận trong hiến pháp như một bộ phận của quyền con người.
Vấn đề là nội dung, thông điệp đưa ra thế nào, có phục vụ lợi ích của xã hội, tốt cho cộng đồng hay xâm hại đến cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Quan sát phát ngôn của bà Hằng trong cả một quá trình, dễ nhận thấy thời gian đầu bà nói ở một chừng mực có thể chấp nhận được, như kể về những giấc mơ. Cách nói ám chỉ không trực tiếp xâm hại danh dự, nhân phẩm của người được đề cập.
Nhưng càng về sau, dường như bị ảo giác bởi những tung hô của cộng đồng mạng, bà hăng hái "bóc phốt" nhiều người, với ngôn từ không phù hợp, làm đối tượng bị công kích cảm thấy tổn thương.
Không dừng lại trước các cảnh báo, bà tiếp tục đẩy câu chuyện đi quá xa, với những cáo buộc khá cụ thể, mang màu sắc đấu tố cá nhân.
"Nghe bà nói trên livestream, tôi có cảm giác bà đang tự cho mình vị trí của người phán xử, thế thiên hành đạo" - ông Hiếu nêu quan điểm.
Vị chuyên gia cho rằng, những phát ngôn không theo các tiêu chí văn hoá, đạo đức, bề trên, hay hằn học miệt thị... đã gây ra một bầu không khí khá nặng nề trong sinh hoạt trên mạng xã hội.
Nhiều người từ ủng hộ việc mạnh dạn lên tiếng tố cáo tiêu cực ban đầu, đã cảm thấy bà Hằng bắt đầu đi quá giới hạn cho phép của quyền tự do ngôn luận.
Dường như sự tung hô của một bộ phận đông đảo công chúng đã khiến bà ảo tưởng sức mạnh, dẫn đến sự tuỳ tiện, coi thường các chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
Bài học này, thiết nghĩ, không của riêng ai!
Việc tố người khác với những con số "như thật", những sự kiện tưởng chừng có thật, đã đẩy những người bị tố cáo bị xã hội nghi kỵ và thật khó thanh minh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ.
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an. Ảnh: CACC
Đồng thời tạo ra một trào lưu xấu trong giao tiếp trên không gian mạng. Một bộ phận giới trẻ đã hấp thụ thói nanh nọc, cạnh khoé, mạt sát, dè bỉu giá trị của người khác sau khi cuốn theo phát ngôn của bà Hằng. Đó là một trong những hậu quả về khía cạnh văn hoá.
"Vài tháng trước, khi việc bà tố đích danh một số người biển thủ tiền từ thiện, với những con số khá cụ thể trên các livestream, tôi đã nghĩ đến khả năng bà bị xử lý hình sự, nếu những cáo buộc đó được xác định là không có cơ sở.
Mọi chuyện đã diễn ra đúng theo phán đoán này. Những người bị tố cáo có quyền lên tiếng, đòi hỏi một sự minh oan từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật" - TS. Đào Trung Hiếu nêu quan điểm.
Đánh giá tội danh mà bà Hằng bị khởi tố, vị chuyên gia cho rằng rất thỏa đáng. Đồng thời, nhận định câu chuyện có thể không dừng lại với tội danh này nếu kết quả điều tra xác định đương sự có thêm các sai phạm khác đến mức phải xử lý hình sự.
"Ngay sau khi thông tin bà Hằng bị bắt, một người bạn đã bảo tôi: "Chính bà đã lựa chọn cho mình kết cục này. Dường như bà đã ép pháp luật phải cho bà thấy giới hạn của quyền tự do.
Vẫn theo người bạn này, có lẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật đã cho bà quá nhiều cơ hội để dừng lại, nhưng bà đã không chọn phương án tốt nhất cho mình" - ông Hiếu nói.
Thế nên kết cục này là lẽ tất yếu khi một người tự cho phép quyền tự do của mình chà đạp lên quyền tự do của người khác. Bài học này, thiết nghĩ, không của riêng ai!
Bà Nguyễn Phương Hằng dùng 12 kênh trên mạng xã hội để xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân Dù nhiều lần được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng bà Nguyễn Phương Hằng cố ý né tránh không chấp hành mà tiếp tục sử dụng 12 kênh trên mạng xã hội để trực tiếp livestream có nội dung xuyên tạc đời tư của nhiều cá nhân khác. Liên quan đến vụ "Khởi tố, bắt tạm giam với bà Nguyễn Phương Hằng"...