Vụ B5 Cầu Diễn, tiền góp vốn mua căn hộ đi đâu?
Huy động 263 tỷ đồng của khách hàng theo các hợp đồng góp vốn vào Dự án B5 Cầu Diễn, nhưng Nguyễn Văn Tuẫn, nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HAIC lại chỉ đạo chi dùng hầu hết số tiền trên vào các mục đích ngoài dự án.
Hầu hết số tiền huy động từ khách hàng mua căn hộ B5 Cầu Diễn được dùng vào mục đích ngoài dự án
Mới đây, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (HAIC).
Theo cáo trạng, Công ty HAIC được Nhà nước giao và cho thuê khu đất B5, có diện tích gần 29.000 m2 thuộc thị trấn Cầu Diễn, Từ Liêm (Hà Nội). Sau đó, Công ty HAIC đã hợp tác với CTCP Đầu tư xây dựng nhà đất (sau đổi tên và gọi tắt là Housing Group) thực hiện đầu tư phát triển Dự án Khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất này. Dự án gồm 3 tòa chung cư 21 tầng và 36 nhà vườn, với tổng mức đầu tư 279 tỷ đồng.
Dù chưa được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết Dự án, nhưng Nguyễn Văn Tuẫn đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền huy động vốn của khách hàng với số tiền lên tới hơn 263 tỷ đồng. Số tiền này được gửi vào ngân hàng và sau đó rút dần, chi tiêu cho nhiều mục đích, ngoại trừ đầu tư vào Dự án B5 Cầu Diễn như: chi phí quản lý doanh nghiệp, chi trả lương nhân viên, hỗ trợ cán bộ nghỉ hưu, chi mua tài sản cố định, trả tiền thuê đất, tiền vay ngân hàng, mua bảo hiểm, chi tạm ứng, cho vay, nộp thuế… Riêng chi nhánh Hải Dương được chi tạm ứng tới 15 tỷ đồng.
Vốn góp của khách hàng để mua nhà ở dự án này còn được sử dụng để chi đền bù hoa màu giải phóng mặt bằng Nhà máy gạch Tuynel Hải Dương (hơn 30 tỷ đồng), chi san lấp ao Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội), chi đầu tư Nhà máy chế biến gỗ Quảng Trị.
Video đang HOT
Đáng chú ý, Công ty HAIC còn dùng tiền này để mua bán thép lòng vòng, đến nay vẫn chưa thu hồi được vốn. Cụ thể, Công ty HAIC ký 7 hợp đồng mua hơn 13.000 tấn thép, trị giá 208 tỷ đồng với CTCP Thép Việt Nhật. Sau khi ký hợp đồng, Nguyễn Văn Tuẫn đã chỉ đạo nhân viên sử dụng khoản tiền vay vốn của khách hàng mua Dự án B5 Cầu Diễn tại ngân hàng để thế chấp vay ngân hàng số tiền 208,9 tỷ đồng để thanh toán tiền mua thép.
Mua thép xong, Nguyễn Văn Tuẫn lại ký 7 hợp đồng bán số thép nói trên cho Công ty Xây dựng Trường Giang với tổng giá trị là hơn 211 tỷ đồng. Hai bên thỏa thuận đây là hợp đồng thanh toán trả chậm nên Công ty Xây dựng Trường Giang phải trả cho Công ty HAIC lãi suất ngân hàng và sau khi trả được 30% giá trị hợp đồng, số tiền còn lại Công ty Xây dựng Trường phải chịu lãi suất trả chậm.
Thực tế, Công ty Xây dựng Trường Giang chỉ thanh toán được 3/7 hợp đồng. Những hợp đồng còn lại, do Công ty Trường Giang chưa thanh toán tiền mua hàng cũng như lãi ngân hàng nên ngân hàng đã cấn trừ tiền lãi vào số tiền góp vốn của Dự án B5 gửi tại ngân hàng. Sau này hai bên chốt với nhau, số tiền Công ty Trường Giang còn nợ sẽ được chuyển thành thép để thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn. Đến nay, Dự án chưa được thực hiện và Công ty Trường Giang cũng chưa trả thép cho Công ty HAIC.
Ngoài ra, Công ty HAIC còn dùng 55 tỷ đồng để góp vốn mua cổ phần ở Dự án Khu nhà hỗn hợp cao tầng, dịch vụ đô thị và các công trình thương mại, công cộng tại Khu đô thị Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội). Việc mua bán không thành, Công ty HAIC lại dùng tiền góp vốn vào Dự án Khu biệt thự nhà vườn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) do Công ty Xây dựng Trường Giang làm chủ đầu tư. Hiện dự án này đang được UBND TP. Hà Nội rà soát, phân loại, điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội mở rộng.
Khi di dời trụ sở Công ty (tại số 116 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) để lấy đất xây Dự án Tòa nhà văn phòng và cho thuê, Công ty HAIC tìm mua đất để đặt trụ sở mới. Công ty HAIC đã mua 1.100 m2 (được giao khoán để canh tác) của một cá nhân ở Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội với giá trị 25 tỷ đồng, đặt cọc hơn 15 tỷ đồng…
Trong hàng trăm tỷ đồng đã được Công ty HAIC chi tiêu vào nhiều mục đích khác nhau, đến nay, mới chỉ thu hồi được hơn 20 tỷ đồng.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Xét xử vụ án lạm quyền huy động vốn tại Dự án B5 Cầu Diễn
Tòa án đã đưa ra xét xử vụ án lạm quyền khi huy động vốn của khách hàng tại Dự án B5 Cầu Diễn trái quy định.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (viết tắt là Công ty HAIC).
Nguyễn Văn Tuẫn (57 tuổi, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty; Bùi Mạnh Hà (52 tuổi, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, Kế toán trưởng của HAIC trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã lạm quyền gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
Theo cáo trạng, Công ty HAIC là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc UBND TP Hà Nội. Nguyễn Văn Tuẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011. Nguyễn Văn Tuẫn đã trực tiếp chỉ đạo và cùng Hà thực hiện việc huy động vốn với tổng số tiền hơn 263 tỷ đồng khi Dự án B5 Cầu Diễn và sử dụng hơn 262 tỷ đồng để đầu tư, chi vào nhiều mục khác nhau nhưng không báo cáo UBND TP. Hà Nội.
Cơ quan tố tụng xác định Tuẫn đã huy động vốn vượt quá quyền hạn được giao theo quy định tại Thông tư số 117/2010 của Bộ Tài chính, hướng dẫn cơ chế tài chính của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đồng thời, sai phạm khi sử dụng vốn đầu tư ra ngoài Công ty HAIC.
Đến nay, Công ty HAIC cũng không có khả năng trả số tiền hơn 88 tỷ đồng đã cho khách hàng rút vốn gây hậu quả, thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Công ty HAIC và những người đã góp vốn.
Kết thúc quá trình điều tra, Tuẫn và Hà bị truy tố về tội Lạm quyền trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, Điều 282, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù.
Quá trình điều tra còn xác định, liên quan đến vụ án này còn có một số người ở trong và ngoài Công ty HAIC giữ các chức vụ khác nhau. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hành vi vi phạm của các đối tượng mà cơ quan điều tra đã có văn bản đề nghị cơ quan chủ quản có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong phiên tòa sơ thẩm, do có một số lời khai của bị cáo và bị hại chưa thống nhất về số tiền liên quan đến vụ án này nên HĐXX đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung về một số khoản tiền mà quá trình xét xử chưa làm rõ được.
Bùi Trang
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Chủ tịch xã chỉ đạo cấp dưới làm giả hồ sơ tâm thần cho người thân Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Minh đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới lập hồ sơ để duyệt cho người thân và một số trường hợp khác không bị bệnh tâm thần nhưng vẫn được hưởng chế độ tâm thần. Ngày 14-9, thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cơ quan An ninh...