Vụ AVG : 3 triệu USD ‘quây tôn” và dấu ấn’ của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son
Nguyễn Bắc Son (nguyên Bộ trưởng Bộ TT-TT) khai nhận, động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt MobiFone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi Nguyễn Bắc Son nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác, và mong muốn MobiFone và AVG nhớ đến Nguyễn Bắc Son.
Ông Nguyễn Bắc Son bị truy tố 2 tội danh, trong đó có tội ‘Nhận hôi lộ’ – Ảnh: Internet
Theo cáo trạng, năm 2015, MobiFone thực hiện Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình theo hình thức đầu tư vốn nhà nước mua 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỉ đồng, thuộc dự án nhóm A – thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư. Bộ TT-TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone, có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có Quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Nhưng trong quá trình thực hiện dự án, các bị can ở mỗi vị trí, vai trò khác nhau tại MobiFone, Bộ TT-TT, Công ty thẩm định giá AMAX đã có hành vi vi phạm pháp luật; gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với tổng giá trị thiệt hại là hơn 6.590 tỉ đồng.
Cáo trạng của Viện KSND Tối cao ghi rõ lời khai của Nguyễn Bắc Son: “Có mối quan hệ với Phạm Nhật Vũ từ khi Nguyễn Bắc Son làm Bộ trưởng Bộ TT-TT. Sau khi MobiFone có văn bản xin phê duyệt chủ trương về đầu tư dịch vụ truyền hình, Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu cho MobiFone mua AVG”.
Cụ thể, Nguyễn Bắc Son đã có bút phê ngày 15.12.2015 chỉ đạo dự án phải được triển khai ngay và hoàn thành trong năm tài chính 2015. Nguyễn Bắc Son thừa nhận sai phạm trong việc có bút phê chỉ đạo, giao Trương Minh Tuấn (khi đó là Thứ trưởng) ký Quyết định số 236/QĐ-BTTTT ngày 21.12.2015 phê duyệt Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của MobiFone. Ngoài ra, Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký Thỏa thuận, Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG.
Nguyễn Bắc Son khai nhận, động cơ mục đích chỉ đạo quyết liệt MobiFone triển khai thực hiện nhanh dự án mua cổ phần AVG vì mong muốn dự án được thực hiện trước khi Nguyễn Bắc Son nghỉ hưu để tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ công tác và mong muốn MobiFone và AVG nhớ đến Nguyễn Bắc Son.
Để thực hiện ý định này, mặc dù không kiểm tra, xem xét thực tế nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn phê duyệt đồng ý tại phiếu trình của Vụ quản lý doanh nghiệp với nội dung “ Công ty AVG đã trao đổi làm việc với MobiFone và thống nhất sẽ chuyển nhượng cổ phần của AVG cho MobiFone”…
Cáo trạng cũng nêu việc Nguyễn Bắc Son trực tiếp viết Thư công tác ngày 1.10.2015 gửi Vụ Quản lý doanh nghiệp là với mục đích muốn chỉ đạo Vụ quản lý doanh nghiệp làm việc với MobiFone và AVG liên quan đến giá mua, cổ phần mua của AVG để làm sao MobiFone mua được cổ phần dịch vụ truyền hình của AVG.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, ngay ngày hôm sau (2.10.2015), Phạm Đình Trọng đã chủ trì cuộc họp có sự tham gia của HĐTV, Ban TGĐ MobiFone và đại diện AVG thống nhất giá mua 8.898,3 tỉ đồng tương đương 95% cổ phần AVG (trong đó bao gồm 2 khoản đầu tư ngoài ngành của AVG mà không tính tiền).
Gia đình không hợp tác để nộp lại tiền bất chính
Trước khi MobiFone mua cổ phần của AVG, tình hình tài chính của AVG rất khó khăn. Để nâng cao giá trị AVG, Phạm Nhật Vũ đưa ra thông tin việc AVG đang được đối tác nước ngoài trả giá mua 700 triệu USD và AVG đã nhận tiền đặt cọc 10 triệu USD để đàm phán với MobiFone về giá mua bán AVG.
Đồng thời, Phạm Nhật Vũ nhiều lần liên hệ, trao đổi, đề nghị Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ TT-TT, MobiFone, để thúc đẩy việc việc mua bán AVG được nhanh chóng nhằm mang lại lợi ích cho AVG.
Quá trình điều tra, Nguyễn Bắc Son nhận thức rõ nếu không phải là Bộ trưởng Bộ TT-TT, người có vai trò quyết định trong việc triển khai thực hiện dự án để MobiFone mua 95% cổ phần của AVG thì Nguyễn Bắc Son sẽ không được Phạm Nhật Vũ đưa số tiền 3 triệu USD.
Vì vậy, ông Nguyễn Bắc Son đã nhiều lần viết đơn xin nộp lại nhưng không nhận được sự phối hợp của gia đình; đồng thời nguyên Bộ trưởng đề nghị được sử dụng số tiền gần 592 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi tiết kiệm đứng tên Nguyễn Bắc Son để trả lại một phần số tiền đã chiếm đoạt.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên nhà đất của bị can Nguyễn Bắc Son tại số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội); đồng thời, phong tỏa tài khoản của Nguyễn Bắc Son có số dư gần 592 triệu đồng.
Nhã Thanh
Theo motthegioi
Thương vụ MobiFone mua AVG: Công lý phải bình đẳng với tất cả mọi người
Trong thương vụ MobiFone mua AVG, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm và công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
Video: Vi phạm của ông Trương Minh Tuấn trong thương vụ MobiFone mua AVG
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến kết luận của cơ quan Cảnh sát điều tra về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty AVG.
Kết quả điều tra mới nhất cho thấy, 2 cựu lãnh đạo Bộ thông tin và Truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã nhận hơn 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ - cựu Chủ tịch HĐQT công ty AVG để đẩy nhanh dự án. Hơn 3 triệu USD (gần 70 tỷ) đó là số tiền mà các bị can trong vụ án gọi là "cảm ơn bằng vật chất".
Điều dư luận quan tâm, liệu đây có phải là khoản tiền hối lộ duy nhất? Hơn 3 triệu USD có thu hồi được hay không và thu hồi bằng cách nào? Phóng viên VOV phỏng vấn TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội về nội dung này.
TS Nguyễn Sĩ Dũng.
- Ông có bất ngờ không khi nghe tới con số hơn 3 triệu USD mà 2 cựu lãnh đạo Bộ TT&TT đã nhận được từ ông Phạm Nhật Vũ trong thương vụ MobiFone mua AVG?
Trước khi có kết luận của cơ quan điều tra, thông tin này đã được "đồn đại" trong dư luận xã hội, nên tôi không quá bất ngờ.
- Trong số hơn 3 triệu USD, riêng bị can Nguyễn Bắc Son đã khai nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ với ý nghĩa "cảm ơn bằng vật chất". Kết quả điều tra cũng cho thấy, ông Son nhận khoản tiền này khi nhiệm kỳ làm Bộ trưởng sắp kết thúc với ý muốn tạo dấu ấn cho MobiFone. Ông có bàn luận gì về tính thời điểm trong trường hợp này?
Công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội
Đúng là khi chuẩn bị sắp kết thúc, người ta muốn có một cái gì đó để lại tiếng thơm cho đời. Nhưng ở đây, không phải là dấu ấn như vậy.
Thương vụ này không tạo nên kỳ tích cũng như đóng góp gì đó cho xã hội một cách vượt trội. Để hạn chế những việc này, công lý phải được thực thi, ai vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý nghiêm không chỉ ở đầu hay cuối nhiệm kỳ. Bởi vì công lý phải được bình đẳng với tất cả mọi người.
- Từ một "xác chết", AVG đã được thổi giá thành khối tài sản trị giá hơn 8.500 tỷ đồng. Từ lời khai của Phạm Nhật Vũ, mới có khoảng 100 tỷ đồng được dùng để cảm ơn lãnh đạo Bộ TT&TT và bộ sậu của MobiFone. Dư luận đặt câu hỏi, liệu hơn 7.000 tỷ đồng tiền vốn nhà nước đã đi về đâu. Ông có chung mối quan tâm này không?
Tôi cũng có chung suy nghĩ, nếu mới chi khoảng 100 tỷ đồng tiền cảm ơn thì hơn 7.000 tỷ đồng kia đi đâu? Đây là vấn đề được dư luận rất quan tâm. Nếu câu hỏi này không được trả lời rõ ràng thì mọi sự nghi ngờ vẫn còn đó!
- Theo kết luận điều tra, sau khi nhận 3 triệu USD, ông Nguyễn Bắc Son đã đưa tiền cho con gái trong nhiều lần, nhưng không có tài liệu chứng minh sự đưa-nhận này. Ông có bàn luận gì về cách thức tẩu tán tài sản tham nhũng kiểu như vậy?
Đưa cho con gái thì không nhất thiết phải có chứng từ nên bây giờ muốn có chứng từ đã chuyển cho con gái thì rất khó.
Cách dùng người nhà để đứng tên các tài sản bất động sản, đất đai... là một cách để che dấu tài sản và họ sẽ không khai những cái đó.
Đó là một trong những thủ thuật mà rất nhiều người lợi dụng để tẩu tán tài sản, tránh bị phát hiện và cũng tránh phải kê khai tài sản mà Luật phòng chống tham nhũng đã đặt ra.
- Trong vụ án đường dây đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ, dù tòa công bố lời khai của Nguyễn Văn Dương đã đưa hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh - cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa - cựu Cục trưởng C50. Tuy nhiên, trong vụ này, không có ai bị truy tố về các tội liên quan đến hối lộ. Từ thực tế các vụ án tham nhũng, lợi dụng chức vụ quyền hạn được xét xử trong thời gian gần đây, ông có cho rằng, khuôn khổ pháp lý hiện vẫn còn quá nhiều kẽ hở?
Nếu có những lời khai như vậy, nhưng hoạt động điều tra không tìm thấy chứng cứ thì năng lực điều tra có thể cần phải tăng cường. Điều băn khoăn là sự việc tương đối rõ nhưng không tìm được chứng cứ.
- Nhận thức được số tiền đã nhận là hưởng lợi bất chính nên ông Nguyễn Bắc Son xin nộp lại hơn 500 triệu đồng, ông Trương Minh Tuấn xin nộp hơn 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dư luận cho rằng, số tiền các ông ấy nộp lại là quá ít so với số tiền hơn 3 triệu USD đã nhận hối lộ. Ông có bàn luận gì về câu chuyện này?
Pháp lý có điều khoản của Luật Hình sự, nếu người phạm tội chủ động nộp lại 3/4 tài sản nhận hối lộ thì được giảm án.
Số tiền ông Son xin nộp lại là quá ít so với số tiền ông ấy đã nhận hối lộ. 3/4 số tài sản mà ông Son đã nhận phải là 45 tỷ thì phải hoàn trả lại. Anh vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý, bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì đó mới là công lý.
- Vụ án đang được mở rộng điều tra trong khi Đảng ta đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng. Ông có kỳ vọng gì trong việc điều tra, xét xử đại án này?
Vụ án này thể hiện rất rõ "không có vùng cấm", bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý, đặc biệt là cấu thành tội tham nhũng thì đều bị nghiêm trị.
Thông điệp rõ nhất là cán bộ ở cấp gì, giữ chức vụ gì thì đều phải giữ gìn, tuân thủ pháp luật, không được tham nhũng.
Với thông điệp "không có vùng cấm", pháp luật được áp dụng triệt để thì sự răn đe sẽ cao hơn.
Nguồn: VOV.VN
Cựu Chủ tịch MobiFone khai biếu 700.000 USD, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói chỉ nhận 200.000 USD Tại cơ quan điều tra, Lê Nam Trà khai biếu 700.000 USD cho cựu Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son, nhưng ông Son nói rằng chỉ được biếu 200.000 USD. Liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG với giá gần 8.900 tỷ đồng năm 2015, ông Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên MobiFone chỉ đạo Nguyễn Bảo...