Vụ án yêu cầu tòa giám định AND cho bò đã có hồi kết
Do việc giám định di truyền AND cho bò rất đắt và về mặt pháp lý cũng rất phức tạp, hai “ông chủ” quyết định thương lượng với nhau kết thúc vụ án.
TAND huyện Mường Lát nhận được đơn khởi kiện của ông Hà Văn Mươi (SN 1938, ngụ tại bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) với bị bị đơn là ông Vi Văn Khít trú cùng địa chỉ về việc tranh chấp nhau một con bò.
Sau nhiều lần “gõ cửa” chính quyền địa phương và Công an huyện nhưng đều không xác định được ai là chủ nhân thực sự của con bò, nên ông Mươi quyết định làm đơn nhờ Tòa phân xử và đòi giám định AND cho bò để lấy căn cứ xác định ai là “ông chủ” thực sự của con bò.
Sau một thời gian diễn ra vụ án , cho đến nay, việc tranh chấp của 2 “ông chủ” đã có hồi kết.
Con bò mà ông Khít và ông Mươi tranh chấp đã có chủ sở hữu thực sự.
Tin tức mới nhất , Thẩm phán Nguyễn Tiến Dũng đã trực tiếp giải quyết vụ án cho biết, TAND huyện Mường Lát quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Theo đó, ông Vi Văn Khít đã đồng ý trả con bò đang tranh chấp cho chủ sở hữu là ông Hà Văn Mươi, con bò do ông Vi Văn Khít quản lý, chăm sóc theo văn bản quy trữ của Công an huyện Mường Lát tỉnh Thanh Hóa ngày 27/1/2015.
Con bò có đặc điểm như sau: con bò giống đực, có màu vàng; từ vai đến cổ có lông sẫm; có trọng lượng khoảng 60kg; có hai sừng dài khoảng 10 cm nhọn; phía bắp đùi chân phải có vết sẹo có kích thước 0,5×5cm; bên sườn trái có một khối u; phía vành tai trai có vết cắt hình chữ V; có kích thước 01×0,2cm.
Hai bên thống nhất, trọng lượng của con bò tại thời điểm tháng 4/2015 là 70kg, với giá trị thị trường là khoảng 16 triệu đồng.
Ông Mươi đồng ý trả cho ông Khít số tiền công chăm sóc con bò tính từ ngày xảy ra tranh chấp (ngày 2/10/2014), là 6 triệu đồng.
Video đang HOT
Như vậy vụ án hi hữu nhất trong lịch sử ngành tòa án ở Thanh Hóa cho đến thời điểm hiện tại đã có hồi kết, với sự thống nhất thõa thuận giữa hai bên được cho là hợp tính, hợp lý và đúng pháp luật .
P.T
Theo_Người Đưa Tin
Đi xét nghiệm AND cho bò, xử lý thế nào?
TAND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa nhận được đơn khởi kiện của ông Hà Văn Mươi (SN 1938, ở bản Lát, xã Tam Chung, huyện Mường Lát), bị đơn là ông Vi Văn Khít (ở cùng xã). Ông Mươi nhờ tòa án phân xử chuyện con bò và đề nghị đi xét nghiệm ADN. Bởi sau nhiều lần "gõ cửa" chính quyền địa phương nhưng đều không xác định được ai là chủ nhân thực sự của con bò.
Ảnh minh họa
Theo đơn của ông Hà Văn Mươi trình bày, khoảng tháng 3.2014, gia đình ông có thông báo với chính quyền địa phương về việc gia đình bị mất một con bò giống đực màu lông đỏ, nặng khoảng 70kg khi chăn thả tại khu suối của xã. Cho đến tháng 10-2014, khi con bò lạc vào trong vùng trồng trọt của dân bản ăn ngô, chính quyền địa phương thông báo cho các gia đình có bò mất đến nhận.
Nghe tin thông báo, ông Mươi đến thì đã thấy ông Vi Văn Khít đã nhận con bò này. Cả hai bên đều nhất quyết cho rằng, con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình.
Theo ông Mươi miêu tả về đặc điểm nhận dạng, ông có cắt một hình chữ V vào tai bên trái con bò, chiều sâu khoảng 4-5cm (cả đàn bò của gia đình ông đều cắt tai như thế), và một số đặc điểm khác của con bò. Con bò ấy được sinh vào tháng 10-2011 từ một con bò mẹ trong đàn bò của gia đình ông.
Tuy nhiên, ông Vi Văn Khít cũng nói chính xác đặc điểm cũng như đặc tính của con bò đang tranh chấp. Nhưng thời điểm ông Khít mất bò là vào khoảng tháng 8-2013 (trước 5 tháng so với thời gian ông Mươi thông báo mất bò) khi chăn thả ở khu vực rừng phòng hộ huyện Mường Lát và hay đi qua lại tại khu vực Sân Ái thuộc chân núi Lát.
Đến tháng 3-2014, các hộ làm ngô ở khu vực đó phát hiện một con bò lạ vào phá ngô của bà con. Nhận được thông tin nhân dân phản ánh, BQL thôn bản thông báo cho các hộ có bò thả ở khu vực đó thì gia đình tự lùa và bắt lấy. Sáng ngày hôm sau, cả gia đình ông Khít đi lùa bò thì nghe dư luận nói con bò đó là của ông Mươi. Vào thời điểm mất bò, gia đình ông Khít đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn nên không có điều kiện đi tìm.
Đến tháng 10.2014, vợ ông Khít mới lùa bắt được con bò đang gặm cỏ trước cổng trụ sở UBND xã Tam Chung, ngay sau đó ông Hà Văn Mươi cũng đến nhận là bò của gia đình. Cả hai bên đều nhất quyết cho rằng, con bò đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của mình. Cuối cùng, cả hai cùng làm đơn nhờ tòa án phân xử.
Vấn đề cần trao đổi là vụ án nên xử lý như thế nào cho đúng quy định pháp luật và con bò đó của ai?
Con bò đó của ông Hà Văn Mươi
Theo nội dung vụ án, con bò đó đã được ông Mươi nuôi từ lâu, thời gian gần nhất là đến 3-2014. Ông Mươi còn có cả bò mẹ, bò đực bố của con bò này. Trong khi đó, ông Vi Văn Khít đã mất bò từ trước đó rất lâu (8-2013). Tháng 10-2014, con bò được tìm thấy. Cả hai ông đều nhận, đều nói đúng đặc điểm của con bò. Tuy nhiên, con bò nhà ông Khít đã mất cách đó 1 năm, dù có nhận ra bề ngoài, cũng không thể có chứng cứ hơn được ông Mươi. Thêm nữa, khi ông Mươi mất bò, có làm đơn trình báo các cơ quan chức năng, như vậy là đủ căn cứ để xác định, con bò này là của ông Mươi.
Phùng Tất Bắc (Quan Hóa, Thanh Hóa)
Con bò này có nguồn gốc là tài sản của ông Vi Văn Khít
Mặc dù lúc mất bò, ông Khít không báo với cơ quan chức năng, nhưng nhân dân sinh sống cùng bản, cùng xã đều xác nhận ông Khít có mất con bò đực có hình dáng và đặc điểm bề ngoài như vậy. Ngay tại cơ quan chức năng, mặc dù đã sau 1 năm, nhưng ông Khít vẫn nói đúng đặc điểm của con bò. Như vậy có thể khẳng định, con bò này có nguồn gốc là tài sản của ông Vi Văn Khít. Tuy nhiên, dù có là bò của ông Khít, nhưng ông Mươi cũng là người nuôi con bò, nếu tính đúng là tròn 1 năm kể từ ngày ông Khít mất bò, cho nên công sức của ông Mươi rất lớn. Ông Khít cần thương lượng đền bù hợp lý công chăm sóc con bò của ông Hà Văn Mươi.
Hà Thị Mai (Ba Vì, Hà Nội)
Tòa án cần phải trưng cầu cơ quan công an điều tra
Trong những vụ án tranh chấp tài sản như thế này, Tòa án có quyền trưng cầu cơ quan công an điều tra. Theo tôi với sự làm chứng của nhân dân trong bản, sống gần gũi với các đương sự, sự thật vụ án sẽ được làm sáng tỏ. Bò được chăn thả thường đi thành đàn, các gia đình trông bề ngoài đã có thể biết được con bò, con trâu của ai. Vì vậy, cơ quan công an nên về bản, gặp những người dân cùng bản, cùng canh tác, cùng chăn nuôi, chắc chắn sẽ nhận được kết quả. Theo tôi, có khả năng con bò này của ông Khít bị mất tháng 10-2013, ông Mươi bắt được và nuôi, sau đó cũng bị mất vào tháng 3/2014. Khi tìm được (7 tháng sau) cả hai bên đều nhận là của mình. Có thể thấy khả năng rất lớn sự thật vụ án là như vậy.
Vi Phú Sa (TP Điện Biên Phủ)
Đi thử AND cho bò là một đề nghị viển vông
Dĩ nhiên đi thử AND cho con bò này có thể xác định được nó có phải là con của con bò mà ông Mươi khai hay không. Nếu con bò đó không cùng huyết thống với con bò mẹ thì con bò này rất có khả năng là của ông Khít và không phải là con bò của ông Mươi. Lúc đó chỉ còn tranh chấp công nuôi, chăm sóc con bò. Nếu con bò có cùng huyết thống với bò mẹ, đương nhiên con bò không phải của ông Khít, và con bò phải được trả cho ông Mươi. Nhưng lưu ý, giám định di truyền AND rất đắt và về mặt pháp lý cũng rất phức tạp. Có thể sau những cuộc giám định, chi phí phải chi trả còn lớn hơn giá trị con bò. Ông Mươi nên cân nhắc.
Vi Văn Nga (Mộc Châu, Sơn La)
Bình luận của luật sư
Trước hết, theo đúng nội dung vụ án phản ảnh, đây là một vụ án dân sự, dạng tranh chấp tài sản thất lạc, cụ thể là tranh chấp một con bò. Theo Điều 164. Bộ luật Dân sự về Quyền sở hữu: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản. Như vậy, ông Hà Văn Mươi bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình trước Tòa án là hợp lý. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định quyền được đòi lại tài sản của mình: Điều 256. Bộ luật Dân sự, Quyền đòi lại tài sản: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đối với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó. Như vậy, ông Vi Văn Khít kiện ra tòa đòi quyền sở hữu con bò cũng là hợp lý.
Vấn đề hiện nay là tòa án phải xử lý như thế nào trong vụ án này, nhưng nói đúng, trách nhiệm xác định chủ sở hữu con bò này là của Tòa án theo đúng quy định tại khoản 2 điều 25 Bộ luật Tố tụng dân sự: Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Dân sự.
Chúng ta bàn tiếp một việc nữa: Ông Mươi có quyền trưng cầu giám định AND cho bò không. Cần phải khẳng định: Ông Mươi có quyền. Theo Luật sửa đổi một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, việc trưng cầu giám định được quy định như sau: Điều 90. Trưng cầu giám định: "Theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự, thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Người giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định phải tiến hành giám định theo quy định của pháp luật." Ông Mươi có quyền yêu cầu giám định AND và thẩm phán tòa án có quyền ra quyết định trưng cầu giám định AND của con bò.
Tuy nhiên, cần xem xét mục tiêu của phiên tòa dân sự này: Đó là xác định chủ sở hữu của con bò. Việc trưng cầu giám định AND mặc dù hợp các quy định pháp luật, tuy nhiên là hành vi rất tốn kém. Theo quy định pháp luật, người đề nghị trưng cầu giám định trong vụ án dân sự phải trả chi phí giám định, vì vậy, tôi đồng ý với một bạn đọc, ông Mươi cần cân nhắc.
Trong vụ án này, theo chúng tôi, tòa án cần trưng cầu cơ quan điều tra lấy chứng cứ vụ án theo Khoản 2 điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự: Tòa án, Viện kiểm sát có thể trực tiếp hoặc bằng văn bản yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật."
Theo kinh nghiệm của các thẩm phán vùng núi, trưng cầu ý kiến của đông đảo dân bản, dân xã có thể có kết luận sớm. Nhiều vụ án tranh chấp vật nuôi đã được xử thành công trên cơ sở trưng cầu ý kiến dân bản như thế này. Tại miền Tây Quảng Bình, kinh nghiệm của thẩm phán Đinh Lâm Xướng khi xử một vụ tương tự là thế này: Gần một trăm tờ giấy trắng đuợc các cán bộ xã phát cho tất cả mọi người trong bản, đặc biệt là các cụ già. 70% số phiếu trả lời con bò cái là của gia đình một bên tranh chấp. Sau khi nghe thẩm phán kết luận, cả nguyên đơn lẫn bị đơn đều vui vẻ, họ bắt tay, ôm vai nhau.
Tuy nhiên, dù con bò của ai, trên tình nghĩa dân bản, nên cùng nhau thương lượng, bù đắp cho nhau để giữa được tình cảm làng xóm và cũng đúng quy định pháp luật, tại điều 242 Bộ luật Dân sự, người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo cho UBND xã nơi cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Chủ sở hữu nhận lại gia súc bị thất lạc phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được. Sau sáu tháng, kể từ ngày thông báo công khai mà không có người đến nhận thì gia súc đó thuộc sở hữu của người bắt được.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
Theo_An ninh thủ đô
Chết vì cãi nhau con bò trên lon nước tăng lực là đực hay cái! Ngày 11-5, Công an huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu bắt tạm giam đối tượng Đào Văn Thắng (27 tuổi, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích. Theo thông tin ban đầu, tối 9-5, Thắng cùng anh Mai Văn Tân (41 tuổi, ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức) và hai người khác...