Vụ án Trần Văn Vót: Tòa nói có tội, dân rằng bị oan
Đại diện 3 ngành tòa án, kiểm sát và công an khẳng định vụ án của ông Trần Văn Vót không có dấu hiệu oan sai. Ngoài cổng Tòa tối cao, gia đình bị cáo, đại diện hợp pháp của bị hại cùng nhiều nhân chứng vẫn một mực kêu oan cho những người bị kết án.
Ông Vót trao đổi với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh tại trại giam
Tòa: “Đủ căn cứ kết án”
Ngày 19/10, TAND Tối cao họp báo công bố kết quả xác minh vụ án Trần Văn Vót bị kết án về các tội giết người, vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai, tàng trữ vũ khí trái phép, gây rối trật tự công cộng. Ông Lương Hồng Minh, Vụ trưởng Kiểm tra án hình sự, hành chính – TAND Tối cao khẳng định: “Các căn cứ mà tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót (SN 1949) và Trần Ngọc Thanh (SN 1974, cùng làng Nhân Phúc, huyện Lý Nhân, Hà Nam) về tội giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan”.
Ông Minh cho biết thêm, trước kết luận, tổ công tác liên ngành tòa án – kiểm sát và công an đã nghiên cứu các tài liệu vụ án, kiến nghị của GS Nguyễn Lân Dũng, đơn khiếu nại do các ĐBQH Trần Quốc Khánh và Phùng Đức Tiến chuyển, khiếu nại của người đại diện hợp pháp của người bị hại… Vụ án bắt nguồn từ tranh chấp đất đai giữa 2 vùng Nhân Phúc và Thanh Nga. Người làng Thanh Nga từng đánh gẫy tay ông Vót, đánh bị thương bố anh Trần Ngọc Thanh. Ngày 29/11/1992, hai bên tiếp tục xô xát và có người ném lựu đạn vào đám đông khiến một người chết và 21 người bị thương (đều là người Nhân Phúc). Nạn nhân tử vong là anh Trần Hoa Việt, con cụ Trần Anh Điền (SN 1932) – người sau này kiên trì kêu oan cho các bị cáo.
Sau đó, Công an huyện Lý Nhân khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy nã ông Trần Văn Cự (người Thanh Nga) về tội giết người và tàng trữ vũ khí trái phép. Ba tháng sau, anh Trần Ngọc Thanh (đang đi nghĩa vụ quân sự) bị bắt tại đơn vị và được di lý về Công an tỉnh Hà Nam để điều tra về hành vi giết người trong vụ án trên. Anh Thanh khai nhận ông Vót là người đưa lựu đạn cho mình để ném vào đám đông. Hai tháng sau, ông Vót bị bắt. Quả lựu đạn gây thương tích được xác định do ông Vót thu của anh Trần Hồng Hòa trong thời gian ông công tác tại huyện đội Lý Nhân.
Qua 2 phiên tòa sơ – phúc thẩm, ông Trần Văn Vót nhận án chung thân về 4 tội giết người, phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế- xã hội, tàng trữ vũ khí trái phép và gây rối trật tự. Trần Ngọc Thanh nhận 15 năm tù về tội giết người. Có 26 bị cáo lĩnh án về các tội khai báo gian dối, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ…
Khai bố chết để… được thông cảm?
Tại họp báo, đại diện Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự – Viện KSND tối cao cho biết hồ sơ vụ án Trần Văn Vót đã bị “hủy theo quy định”. Tuy nhiên, dựa trên các tài liệu thu thập được, tổ công tác vẫn đủ căn cứ để kết luận ông Vót không oan.
Phóng viên hỏi, ông Trần Hồng Hòa đã bị xét xử về tội tàng trữ vũ khí, vậy ông Vót phải giao nộp quả lựu đạn vật chứng nên quả lựu đạn gây thương tích có phải của ông Vót hay không? Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) cho rằng: “Chúng tôi đã xác minh chính xác, không còn gì phải nói thêm”.
Video đang HOT
Ông Hưng cho biết thêm, đến nay chỉ có ông Vót kêu oan về cả 4 tội danh, anh Thanh đã nhận tội và không kêu oan. Tuy nhiên, khi phóng viên nói lại lời Thiếu tướng Vũ Quang Hưng qua điện thoại, anh Trần Ngọc Thanh nói: “Không hề có chuyện đó, tôi lúc nào cũng kêu oan, liên tục viết đơn kêu oan. Hiện tôi nhiều bệnh nên không thể ra Hà Nội nhưng chắc chắn rằng tôi không phạm tội”. Ngoài phòng họp, mẹ và em trai anh Thanh cũng phủ nhận lời của Tướng Hưng. Họ đưa ra các đơn kêu oan trong thời gian gần đây và băn khoăn, không hiểu sao đại diện ngành công an lại phát biểu như vậy.
Tiếp theo, ông Hưng phát biểu: “Về việc anh Thanh tự thú có nội dung bố mất trong khi bây giờ ông vẫn khỏe mạnh, thì sau đó có lời khai của Thanh về việc trong quá trình khai báo (tại đơn vị – PV) tâm lý không ổn định nên khai rằng hoàn cảnh gia đình nghèo khó, bố chết, mẹ già yếu nhằm tạo sự thông cảm của đơn vị”. Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, anh Trần Ngọc Thanh phủ nhận: “Không đời nào tôi khai bố tôi chết”.
Có thiếu sót tố tụng
Cụ Trần Anh Điền (85 tuổi) vẫn lên Hà Nội kêu oan cho những kẻ bị kết án giết con mình
Bà Lương Ngọc Trâm – Thẩm phán TAND Tối cao phát biểu: “Không có căn cứ xác định Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh không có mặt tại hiện trường”. Tuy nhiên, những nhân chứng, đại diện hợp pháp của bị hại đứng ngoài cổng tòa đều khẳng định 2 người trên không có mặt tại hiện trường và họ sẵn sàng ra làm chứng điều này.
Trước cổng Tòa tối cao, cụ Trần Anh Điền năm nay đã 85 tuổi vẫn nhất quyết lên Hà Nội nhằm tham dự buổi họp nhưng không được vào. “Tôi cũng gần đất xa trời, giờ chỉ mong giải oan cho những người bị kết án vô cớ. Trong việc này, ai đau xót hơn tôi khi mất con nhưng người ta không phạm tội không thể để người ta trong tù đến chết được. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục kêu oan” – cụ Điền nói.
Về việc vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng, bà Trâm cho rằng: “Chúng tôi cũng thấy việc cơ quan điều tra có một số thiếu sót về tố tụng như đại biểu, GS Nguyễn Lân Dũng đưa ra, như không đối chất giữa Vót – Thanh, không thực nghiệm điều tra hiện trường, tòa phúc thẩm không triệu tập một số nhân chứng. Chúng tôi đã kiểm tra và thấy việc không đối chất được khắc phục ở biên bản phiên tòa sơ – phúc thẩm. Việc không thực nghiệm điều tra đúng là gây khó khăn cho quá trình xác định tội, tuy nhiên có nhiều chứng cứ khác xác định Vót và Thanh có mặt tại hiện trường”.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cho biết, trong cuộc trao đổi tại trại giam mới đây, ông Vót nói: “Vụ án không minh bạch, điều tra không đúng người đúng tội cho nên tôi phải rơi vào hoàn cảnh này. Trong 90 triệu dân Việt Nam thì tôi là khổ nhất, phải ở tù oan 23 năm nay”.
Theo Xuân Ân (Tiền phong)
Bộ trưởng không dám hứa giải quyết hết việc bồi thường người oan sai
Dẫn lại một loạt những vụ án oan "dậy sóng" dư luận thời gian qua như vụ Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Ngọc Thêm... Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bức xúc: "Người dân bị tù mấy chục năm, làm sao chứng minh thiệt hại để đòi bồi thường!"...
Sáng 20/9, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga điểm lại quá trình phát triển luật này, kể từ khi có Nghị định 47 đến Nghị quyết 388 rồi đến luật trách nhiệm Bồi thường nhà nước, mở rộng dần từng bước việc bồi thường những trường hợp người dân bị làm oan sai do quyết định của các cơ quan nhà nước.
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, việc xin lỗi, bồi thường người bị oan sai vẫn làm theo kiểu hình thức, chiếu lệ.
Luật cần phải tính toàn để cân đối giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi hoạt động tố tụng của nhà nước cũng như không để làm chùn tay các cơ quan tố tụng. Bà Nga xác nhận, nếu quy định quá rộng và quá khắt khe về trường hợp bồi thường, như tổng kết từ khoá X tới nay, đã có đánh giá về hiện tượng một số cơ quan bảo vệ pháp luật chùn tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm.
Để giải quyết những hạn chế, bất cập hiện tại, bà Nga đặt câu hỏi, dự thảo luật lần này có gì mới đột phá giúp giải quyết những trường hợp bức xúc dư luận đang rất quan tâm.
Chủ nhiệm UB Tư pháp điểm qua một loạt vụ án của ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Trần Ngọc Thêm (Bắc Ninh)... với nhận định, người dân vẫn cho rằng, phạm vi các trường hợp được bồi thường như vậy vẫn chưa phù hợp nên có một số người đáng ra được bồi thường lại không được, như trường hợp án hết hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành vi tội phạm, hoặc sau điều tra kết luận là hành vi không cấu thành tội phạm...
Về mô hình tổ chức cơ quan bồi thường nhà nước, Chủ nhiệm UB Tư pháp cũng nhận định là chưa hợp lý, có xung đột về lợi ích dẫn đến việc chậm chễ xin lỗi, bồi thường người dân. Vậy nên người bị làm oan suốt thời gian dài, gây hệ quả lớn nhưng khi tiến hành xin lỗi công khai, cơ quan phải xin lỗi chỉ làm nhanh gọn trong vài phút.
"Vừa là người làm oan lại là người đứng ra xin lỗi nên cảm giác hình thức, có đứng ra xin lỗi, nhận trách nhiệm cũng là chiếu lệ" - bà Nga nói.
Về điều kiện, thủ tục yêu cầu bồi thường, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhận xét là quá chặt chẽ. Ví dụ, vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, UB Tư pháp đều phải hoặc là có công văn hoặc phải trao đổi trực tiếp với cơ quan tư pháp TƯ để có chỉ đạo mạnh hơn mới không bị áp dụng quá cứng nhắc.
"Người dân bị bắt đi tù mấy chục năm, chứng từ để chứng minh về bao nhiêu lần thăm nuôi lấy đâu ra trong thời gian suốt 1/3-1/2 đời đời, trong bối cảnh gia đình khốn đốn. Luật có giải quyết thực tế đó không?" - bà Nga đặt câu hỏi.
Một vấn đề quan trọng khác, là người dân bức xúc vì số tiền Nhà nước bỏ ra bồi thường là quá lớn, vậy trách nhiệm bồi hoàn của người làm sai thế nào?
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long: Không dám hứa luật sửa xong có giải quyết hết những bất cập trong việc giải quyết bồi thường oan sai cho người dân.
Giải đáp những băn khoăn của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn thừa nhận: "Về câu hỏi Luật có giải quyết tất cả vấn đề chị Nga nêu hay không thì Bộ trưởng không dám hứa. Vì khi làm luật và đưa luật vào thực tế đều xảy ra trường hợp tổ chức thi hành luật chưa tốt nên có khoảng cách giữa nội dung và thực tế".
Về cách tính toán thiệt hại để bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tư Pháp cho rằng, với những thiệt hại về vật chất tính dễ hơn, nhưng về tinh thần cũng có cách tính toán, và ban soạn thảo cố gắng đưa ra tiêu chí để lượng hoá các thiệt hại về tinh thần để đền bù.
Về việc bồi hoàn, theo nguyên tắc, tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn. "Luật sẽ thiết kế hợp lý để người ta ý thức việc bỏ tiền bồi thường thiệt hại do mình gây ra, nhưng cũng không đến mức quá kinh khủng để cán bộ không dám làm gì nữa" - Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Giải trình thêm, Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào nhấn mạnh, những trường hợp cụ thể về bồi thường oan sai giải quyết chậm và có vướng mắc không phải do quy trình và quy định về pháp luật bồi thường có vướng mắc, mà là do vướng trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.
Bên cạnh đó, việc khó nhất là khi người bị thiệt hại không chứng minh được thiệt hại.
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể cũng nhận định, quá trình giải quyết bồi thường, các cơ quan tố tụng không thấy có khó khăn, chỉ thấy quy định chưa rõ nội dung bồi thường nên tạo ra sự bất nhất giữa cơ quan bồi thường và người được bồi thường, cách thức, thủ tục, mức tính không thống nhất.
"Nói ra thì xấu hổ, bảo "cò kè bớt một thêm hai", nhưng chúng ta cần có quy định rất chuẩn để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó như một ba-rem để tính toán mức bồi thường" - ông Thể nói.
P.Thảo
Theo Danviet
Ông Trần Văn Thêm yêu cầu bồi thường 8,3 tỉ đồng Người mang án tử 43 năm yêu cầu bồi thường oan 8,3 tỉ đồng chứ không phải hơn 12 tỉ đồng như trước đây. Ngày 1-9, gia đình ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú xã Yên Phụ, Yên Phong, Bắc Ninh, người mang án tử 43 năm qua vừa được minh oan) cho biết ông Thêm đã gửi đơn đề nghị cơ...