Vụ án ‘Thược dược Đen’ và những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ (Kỳ 2)
Sau khi “Thược dược Đen” Elizabeth Short bị sát hại, cảnh sát đã lần giở lại quá khứ và biết được rằng Elizabeth từng có một mối tình đẹp với một Thiếu tá quân đội.
Elizabeth Short và Matt Gordon.
Cú sốc mất chồng chưa cưới
Sau khi gặp và hứa hôn với Elizabeth, Thiếu tá Matt Gordon bị cử sang tham chiến ở Philippines. Hè năm 1945, Elizabeth trở lại thành phố quê hương Medford trong sự hân hoan. Gặp ai cô cũng khoe về chàng thiếu tá không quân đẹp trai, hào hoa, tốt tính. Cô cũng thường xuyên đeo huy hiệu của Matt trên áo và mang theo bên mình những chiếc thêu tay mà anh gửi về từ tiền tuyến.
Ngày 14/8 năm đó, quân Nhật đầu hàng khiến cho Elizabeth mừng khôn tả. Cũng từ đây, cô ngày ngày mơ đến lễ cưới sắp tới của mình, đến chiếc váy cưới bằng lụa, cách sắp xếp hoa trong đám cưới, đồ đạc tại bàn đón tiếp và thậm chí cả kiểu tóc của cô trong ngày cưới.
Tuy nhiên, khi chỉ ít ngày sau khi tin thắng trận bay về, Elizabeth nhận được một bức thư. Khi bức thư được mở ra cũng là lúc Elizabeth chân tay bủn rủn, người lạnh toát, bức thư do mẹ chồng chưa cưới của Elizabeth gửi, vỏn vẹn chỉ vài chục chữ với nội dung: “Mattt đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay khi đang trên đường từ Ấn Độ trở về nhà. Mẹ rất thông cảm với nỗi đau của con và cầu mong đây không phải là sự thực”.
Bức thư của mẹ Matt đã khiến Elizabeth thực sự suy sụp. Những mộng tưởng đẹp đẽ về một cuộc sống hạnh phúc bên anh người yêu lý tưởng mà cô đã vẽ ra bỗng chốc tan thành mây khói. Trong những ngày tiếp theo đó, Elizabeth luôn sống trong tình trạng hoảng loạn, sợ hãi. Hàng ngày, cô đều mang những bức thư mà Matt đã gửi cho cô ra đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần.
Buông thả
Mùa đông năm 1945, Elizabeth Short trở về Miami với bức cáo phó của Matt trong vali. Tại đây, cô gái trẻ tìm cách quên đi nỗi đau bằng cách qua lại với mọi loại đàn ông, từ những anh lính trẻ cho đến các doanh nhân giàu có, từ người già cho đến người trẻ. Tuy nhiên, những người đàn ông mà cô thích nhất chính là những người có nhiều tiền.
Elizabeth hiểu rất rõ giá trị sắc đẹp mà cô đang sở hữu. Mỗi khi sải bước trên những đôi giày cao gót trên vỉa hè, cô đều ngẩng cao đầu, đắc thắng khi thấy những người đàn ông đi ngang qua nhìn mình. Họ trố mắt, huýt sáo, năn nỉ mời cô ăn tối. Elizabeth thường chấp nhận những đề nghị như vậy. Sau đó, những người đàn ông trả tiền ăn, tiền đi bar, tiền thuê nhà, mua quần áo và còn cho cô tiền mặt để tiêu xài.
Bên cạnh đó, cô cũng tự kiếm tiền để lấp đầy tủ quần áo của mình bằng nghề bồi bàn. Cô thà nhịn đói chứ không bao giờ chịu mặc đồ lỗi mốt hay đã cũ, sờn. Mỗi khi ra khỏi nhà, Elizabeth thường chọn những bộ quần áo màu đen, có đăng ten nhìn rất nữ tính, đi giày cao gót và găng tay dài, phong cách thể hiện sự tinh tế của những cô gái vào những năm 1940.
Tuy giao du với đủ loại đàn ông nhưng Elizabeth đặc biệt tôn sùng những người đàn ông mặc quân phục. Tháng 7/1946, cô trở về Nam California để được ở gần Joseph Gordon Fickling – một Thiếu tá không quân đẹp trai với đôi mắt đen gợi cảm. Thực ra, Elizabeth đã gặp Joseph từ trước khi cô gặp Matt nhưng thời gian đó tình cảm của họ chưa đến mức sâu đậm. Trong thời gian ở gần Elizabeth, Joseph tỏ ra rất tức tối khi thấy cô gái vẫn tiếp tục tán tỉnh những người đàn ông khác và liên tục vặn hỏi liệu vị trí của anh ta trong trái tim cô có cao hơn những người đàn ông khác hay không.
Video đang HOT
Có vẻ như Elizabeth đã không thể, hoặc không thử thuyết phục Joseph rằng anh ta có vị trí quan trọng với cô nên sau đó Joseph đã chuyển tới Bắc Carolina để làm việc. Trong thời gian này cho đến khi Elizabeth bị sát hại, Joseph vẫn tiếp tục gửi tiền cho cô. Trong bức thư cuối cùng gửi cho Joseph trước khi bị sát hại, Elizabeth nói với anh ta rằng cô sẽ chuyển tới Chicago với hy vọng sẽ trở thành một người mẫu.
Trong 6 tháng cuối cùng của cuộc đời mình, Elizabeth Short di chuyển liên tục giữa những khách sạn, căn hộ, nhà thuê ở Nam California. Cô gái trẻ thường xuyên trong trạng thái không có tiền. Từ ngày 13/11 đến 15/12/1946, Elizabeth sống chui rúc trong một căn hộ gồm 2 phòng ngủ với 8 phụ nữ trẻ khác tại Hollywood. Họ làm đủ ngành nghề, từ bồi bàn, tổng đài điện thoại cho đến vũ công để nuôi mộng bước chân vào showbiz.
Sau khi Elizabeth bị sát hại, những người bạn cùng phòng với cô cho biết cô không có việc làm và mỗi đêm lại ra ngoài với một người đàn ông khác nhau. Cô cũng chẳng có người bạn thân nào, dù là nam hay nữ và thích qua lại với những người lạ. Người cuối cùng nhìn thấy Elizabeth còn sống là một nhân viên kinh doanh 25 tuổi đã kết hôn tên Robert Manley. Robert cho biết anh ta quen Elizabeth khi cho cô ta đi nhờ xe. Ngày 9/1/1947, Robert lái xe đưa Elizabeth tới Los Angeles và chia tay cô vào lúc 18h30 cùng ngày để trở về nhà ở San Diego.
Cuộc điều tra lâu dài
Trở lại với những diễn biến sau khi thi thể Elizabeth được tìm thấy, 40 cảnh sát viên đã được điều động tỏa ra khắp khu vực xung quanh hiện trường, gõ cửa từng ngôi nhà nhằm tìm kiếm thông tin và bằng chứng có thể giúp họ bắt được thủ phạm. Họ cũng đã kiểm tra cả những máng nước và các cửa hàng giặt là để tìm kiếm những bộ quần áo dính máu, phỏng vấn người dân với hy vọng kiếm được manh mối trong vụ việc nhưng vẫn không thu được kết quả gì. Hơn 20 bạn trai cũ của Elizabeth đã được triệu tập nhưng cảnh sát vẫn không có được thông tin quan trọng nào về nghi phạm.
9 ngày sau khi Elizabeth qua đời, cảnh sát nhận được một bưu kiện, trong đó có tất cả đồ dùng của nạn nhân như những bức ảnh, giấy khai sinh, chứng minh thư và cả cáo phó của Matt Gordon. Ngoài ra, hắn cũng ghi lại danh sách 75 người đàn ông từng qua lại với Elizabeth. Kẻ gửi thư rất có thể chính là kẻ sát nhân, hắn đã rất khôn ngoan khi dùng xăng để xóa sạch dấu vân tay nên cảnh sát vẫn không thể đưa ra được thông tin nào về thủ phạm đã sát hại Elizabeth. 75 người trong danh sách cũng được chứng minh không liên quan đến cái chết của Elizabeth.
Trong suốt một thời gian dài sau khi Elizabeth bị sát hại, cảnh sát đã thẩm vấn hàng ngàn người, thậm chí cả những người biết rất ít thông tin về cô để phục vụ cuộc điều tra. Hồ sơ ghi lại lời khai và các lưu ý của những người này thậm chí đã lấp đầy một tủ cao. Tại một thời điểm, các điều tra viên còn yêu cầu trường Đại học Nam California, có trụ sở gần nơi phát hiện thi thể, cung cấp danh sách các sinh viên ngành y vì cho rằng việc thi thể nạn nhân được vệ sinh sạch sẽ phải do một chuyên gia trong lĩnh vực y khoa mới làm được.
Trong suốt một thời gian dài sau khi thông tin về vụ sát hại Elizabeth được công bố, khoảng 60 người, trong đó chủ yếu là đàn ông, đã tự nhận mình là kẻ giết người. Song, cảnh sát sau khi mất công điều tra đều khẳng họ hoàn toàn không thể là thủ phạm.
Cho đến nay, những chuyện đã xảy đến với Elizabeth Short sau khi cô đến San Diego vào ngày 9/1/1947 cho đến khi thi thể cô được tìm thấy vẫn còn là một điều bí ẩn. Điều duy nhất cảnh sát có thể chắc chắn trong vụ việc này là trong khoảng 7 ngày đó, cô đã có cuộc gặp định mệnh với kẻ giết người – kẻ đã chửi bới, tra tấn trước khi cướp đi tính mạng của cô theo một cách thức kinh hoàng.
Cảnh sát cũng đã bớt đồn đoán về nhận dạng của kẻ giết người, bởi sự thực là gần 70 năm sau vụ việc, kẻ đã giết chết Elizabeth Short nhiều khả năng đã chết, không vì bệnh tật thì cũng vì tuổi già, và sẽ không bao giờ phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Và vì những bằng chứng chủ yếu trong vụ việc này, trong đó có bức thư quan trọng mà kẻ giết người đã gửi cho cảnh sát 9 ngày sau khi thi thể cô được phát hiện đã biến mất khỏi hồ sơ vụ việc nên vụ án nhiều khả năng sẽ không bao giờ được làm sáng tỏ.
Theo Xahoi
Vụ án 'Thược dược Đen' và những bí ẩn chưa được làm sáng tỏ (Kỳ 1)
Sau khi bị sát hại dã man tại Los Angeles, Mỹ vào năm 1947, với thi thể bị cắt đôi, Elizabeth Short trở nên nổi tiếng với biệt danh "Thược dược Đen" (Black Dahlia).
Nạn nhân Elizabeth Short với biệt danh "Thược dược Đen" (Black Dahlia)
Tuy nhiên, cho đến nay, cảnh sát vẫn chưa tìm được kẻ sát hại Elizabeth, khiến vụ án mạng trở thành một trong những vụ án nổi tiếng nhất từng xảy ra tại Los Angeles.
Phát hiện rợn người
Khoảng 10h sáng 15/1/1947, bà nội trợ Betty Bersinger dắt theo cô con gái 3 tuổi đi bộ dọc Đại lộ South Norton ở trung tâm thành phố Los Angeles để lấy giày tại cửa hàng của người quen. Khi 2 mẹ con đang thong dong dạo bước, bà Betty chợt nhìn thấy một vật màu trắng nằm ở bãi đất trống cạnh lối đi. Ban đầu, bà nghĩ rằng đó là một con ma-nơ-canh bị vỡ của một cửa hàng nào đó vứt đi. Tuy nhiên, khi tiến gần đến vật màu trắng đó, người phụ nữ này chợt rùng mình khi phát hiện đó là thi thể một người phụ nữ đã bị cắt làm đôi. Nhận ra cảnh tượng hãi hùng này, bà Betty vội vã chạy đi báo cảnh sát.
Có mặt tại hiện trường, cảnh sát phát hiện thi thể một người phụ nữ đã bị cắt đôi, phần mặt úp xuống đất, tay giơ cao qua đầu, phần thân dưới cách thân trên khoảng 30cm. Phần chân của nạn nhân dang rộng trong khi miệng cô bị rạch một vệt dài hơn 7cm mỗi bên. Trên cổ tay và mắt cá chân thi thể có những vết xước cho thấy nạn nhân đã bị trói trước khi chết. Ngoài ra, tại hiện trường, cảnh sát phát hiện rất ít máu, cho thấy ai đó đã sát hại nạn nhân, rửa sạch thi thể rồi mới đem vứt ở bãi đất trống.
Khu vực phát hiện thi thể nhanh chóng đông nghịt người đi đường cũng như các phóng viên. Chỉ trong chốc lát, tình hình đã trở nên mất kiểm soát, đám đông các phóng viên và người đi đường đã lao tới gần để xem xét hiện trường, nhiều người trong số đó đã giẫm lên tất cả những bằng chứng mà cảnh sát đang cố sức bảo vệ. Khi cảnh sát có mặt với số lượng lớn cũng là lúc các dấu vết tại hiện trường gần như không còn gì.
Theo kết quả khám nghiệm tử thi, nạn nhân là một phụ nữ trẻ cao khoảng 1m65, mắt xanh nhạt, tóc nâu. Mặc dù hộp sọ của nạn nhân không bị vỡ nhưng cảnh sát phát hiện những vết méo ở mặt trước, tụ máu ở phần bên phải hộpsọ, cho thấy nạn nhân đã bị đánh nhiều nhát vào đầu. Nguyên nhân tử vong của nạn nhân được cho là do những vết cắt trên mặt và chấn thương vì những cú đánh mạnh vào đầu và mặt.
Vì tính chất tàn bạo của tội ác nên vụ việc đã thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận trên khắp nước Mỹ thời bấy giờ. Dấu vân tay của nạn nhân đã được đăng tải trên các kênh truyền thông đại chúng, nhờ đó mà việc nhận dạng nạn nhân đã sớm đưa đến kết quả. Thi thể sau đó được xác định là của một nữ hầu bàn tên Elizabeth Short.
"Thược dược Đen" là ai?
Elizabeth Short sinh ngày 29/7/1924 trong một gia đình khá giả, có cha là ông Cleo Short làm chủ một doanh nghiệp xây dựng ăn nên làm ra ở Hyde Park, bang Massachusetts. Tuy nhiên, cuộc suy thoái vào cuối những năm 1920 đã khiến cho việc làm ăn của ông Cleo điêu đứng. Năm 1930, khi việc kinh doanh trở nên bết bát, ông này đã quyết định giả tự tử để trốn nợ. Sau khi bỏ lại chiếc ôtô và dàn dựng hiện trường của một vụ nhảy cầu, Cleo lẳng lặng tới bang California, bỏ lại người vợ là bà Phoebe cùng 5 cô con gái.
Về sau, khi nhận thấy quyết định của mình là sai lầm, ông này đã xin lỗi bà Phoebe về những việc mà ông đã làm với bà và đề nghị được trở về nhà. Tuy nhiên, bà Phoebe đã từ chối hòa giải vì những tổn thương mà bà phải chịu đựng khi vừa bị phá sản, vừa phải chật vật kiếm sống và nuôi 5 đứa con trong lúc chồng bỏ trốn. Dù cha mẹ mâu thuẫn với nhau nhưng Elizabeth vẫn duy trì mối quan hệ khá thân thiết với ông Cleo.
Elizabeth phải nghỉ học ngay ở năm đầu trung học vì bệnh hen suyễn. Theo khuyến nghị của các bác sỹ, bà Phoebe đã sắp xếp cho con gái tới Florida sống cùng với gia đình một người bạn vàomùa đông và sẽ trở về nhà vào mùa xuân và mùa hè, khi thời tiết đã ấm áp. Lúc này, Elizabeth đã dậy thì và trở thành một cô gái xinh đẹp, hấp dẫn. Cũng như nhiều thiếu nữ xinh xắn khác, Elizabeth đặc biệt yêu thích lĩnh vực điện ảnh và người mẫu. Cô gái trẻ đã đặt mục tiêu một ngày nào đó sẽ được làm việc tại Hollywood.
Elizabeth Short được xem là điển hình của sự nữ tính tại thời điểm những năm 1940, với đôi chân thon thả, phần hông đầy đặn, chiếc mũi nhỏ và thẳng tắp. Cô nhuộm mái tóc màu xám của mình thành đen nhánh, tô son đỏ đậm và thường xuyên cài những bông hoa màu trắng lên đầu. Với làn da trắng bóc, đôi mắt xanh nhạt mơ màng và lối phục trang đặc sắc, nhiều người ví Elizabeth như một "búp bê bằng sứ".
Nguồn gốc biệt danh "Thược dược Đen" của Elizabeth là một điều đến nay vẫn chưa thể xác định rõ. Một số người bạn của Elizabeth nói rằng họ bắt đầu gọi cô là "Thược dược Đen" vì sự yêu thích màu đen quá đỗi của cô. Một số khác cho biết cái tên này được đặt dựa theo tên của bộ phim "The Blue Dahlia" (Thược dược Xanh) được trình chiếu vào năm 1946. Dù nguồn gốc cái tên này là gì thì nó cũng đã được truyền thông dùng để gọi Elizabeth Short và khiến cô trở thành một huyền thoại. Còn ở thị trấn mà Elizabeth Short sống, cô được gọi với cái tên đơn giản là "Bette".
Elizabeth Short
Cuộc gặp định mệnh
Năm 19 tuổi, Elizabeth được ông Cleo gửi tiền để đến sống cùng vớiông tại Vallejo, California. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ giữa cha con họ chẳng vui được bao lâu. Ông Cleo lúc này mang tâm trạng hối lỗi muốn bù đắp cho con gái nhưng lại sớm chán nản với lối sống buông thả, ngủ ngày thức đêm của Elizabeth nên chỉ được một thời gian đã yêu cầu cô dọn ra khỏi nhà ông.
Sau khi bị cha đuổi đi, Elizabeth đã xin việc làm tại phòng thư tín tại trại Cooke (hiện là căn cứ không quân Vandenberg) tại thành phố Lompoc, bang California. Căn cứ này là nơi ở của nhiều binh sĩ đang chuẩn bị được điều ra chiến trường. Chính vì vậy nên sự xuất hiện của Elizabeth đã khuấy động cả doanh trại. Hàng ngày, cô được các binh lính độc thân bao vây, tán tỉnh không ngớt. Mỗi bước đi của cô ta đều thu hút những ánh nhìn thèm thuồng của những chàng trai trẻ. Những anh lính thi nhau tán tụng Elizabeth, bầu chọn là "cô em dễ thương của doanh trại". Biết được khát khao trở thành diễn viên của Elizabeth Short, họ cũng không tiếc lời "phán" rằng cô hoàn toàn có đủ phẩm chất để trở thành một siêu sao màn bạc.
Tuy nhiên, chuỗi ngày được tán tụng và sung sướng của Elizabeth Short đã kết thúc chỉ vài tháng sau đó, khi cô bị bắt giữ tại một quán bar vì tội uống rượu khi chưa đủ tuổi thành niên. Cùng với việc bị bắt, Elizabeth Short bị đuổi việc và bị đưa về quê nhà.
Trong khoảng 2 năm sau đó, Elizabeth thường xuyên đi về khắp nước Mỹ. Cô gái trẻ nhảy tàu từ thành phố Medford tới Chicago, từ bang Florida, tới California rồi tới Massachusetts. Tại những nơi này, Elizabeth làm công việc bồi bàn để có tiền trả chi phí ăn, ở, đi lại và thỏa mãn sở thích được trải nghiệm những miền đất mới, gặp những con người mới.
Elizabeth cũng thường xuyên đến các hộp đêm, cô gái trẻ xinh đẹp yêu âm nhạc, yêu đàn ông và cả không khí tại những nơi này. Những người bạn của Elizabeth cho biết, cô không bao giờ ở 1 mình, trừ khi cô muốn như vậy.
Nhưng, lối sống ăn chơi, buông thả của Elizabeth đã thay đổi vào ngày cuối cùng của tháng 12/1944, khi cô gặp một người đàn ông trẻ tuổi khác hoàn toàn với những gã đàn ông chỉ thèm khát tình dục mà cô vẫn thường qua lại. Trong một bức thư gửi cho mẹ sau đó, Elizabeth hào hứng kể: "Con đã gặp Thiếu tá Matt Gordon vào ngày cuối năm. Con yêu anh ấy rất nhiều. Anh ấy rất tuyệt vời, khác hẳn những người đàn ông khác. Và anh ấy đã hỏi cưới con". Ít lâu sau đó, Elizabeth Short trở về thành phố quê hương với ước mơ được khoác lên mình chiếc áo cô dâu.
Theo Xahoi
Chuyện một ông vua lái xe taxi gây sốt Một người đàn ông Mỹ gốc Ghana mới đây đã được báo chí Mỹ "phát hiện". Cuộc đời của người đàn ông này được ví như phiên bản có thật của nhân vật chính trong bộ phim Hollywood - "Coming to America" (1988). Người đàn ông này hiện đang sinh sống tại thành phố New York (Mỹ). Công việc hàng ngày của ông...