Vụ án tại dự án bất động sản 1.250 tỉ đồng: Cựu lãnh đạo Khánh Hòa sai phạm gì?
Các ông Nguyễn Chiến Thắng – cựu chủ tịch UBND tỉnh, Đào Công Thiên – cựu phó chủ tịch UBND tỉnh, Võ Tấn Thái – cựu giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường tỉnh Khánh Hòa – bị đề nghị truy tố tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Khu đất 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang) nhìn từ trên cao – Ảnh: MẠNH NGUYỄN
Ngày 6-7, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã có kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố các ông Thắng, Thiên và Thái do có sai phạm trong quá trình thu hồi, giải phóng mặt bằng, giao đất để thực hiện dự án Nha Trang Golden Gate tại địa chỉ 28E Trần Phú (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Đây là dự án do Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang (Công ty Đỉnh Vàng) đầu tư với tổng mức đầu tư 1.250 tỉ đồng.
Sai phạm hàng loạt
Theo kết luận điều tra, ngày 2-1-2013, Công ty TNHH Đỉnh Vàng Nha Trang gởi văn bản cho UBND tỉnh Khánh Hòa xin thỏa thuận địa điểm đầu tư khách sạn, căn hộ du lịch cao cấp tại số 28E đường Trần Phú, Nha Trang tại khu đất hơn 14.000m 2 do Công ty CP Điện lực Khánh Hòa quản lý, sử dụng.
Tiếp đó, ngày 3-3-2014, công ty này xin mở rộng diện tích đầu tư dự án sang khu đất liền kề có diện tích hơn 6.000m 2 (cũng ở 28E Trần Phú) do Trung tâm điều dưỡng Tổng công ty Điện lực Miền Trung thuê trả tiền hằng năm (đến năm 2019 mới hết hạn thuê).
Ngày 31-12-2014, UBND tỉnh thu hồi 2 thửa đất thuộc khu đất 28E Trần Phú với tổng diện tích hơn 20.112m 2 để thực hiện dự án đã nêu của Công ty Đỉnh Vàng; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý chặt chẽ khu đất và bàn giao cho chủ đầu tư khi có quyết định giao, cho thuê đất, đồng thời phê duyệt phương án bồi thường, tái định cư.
Tuy đề xuất của Công ty Đỉnh Vàng và các văn bản trước đó của UBND tỉnh Khánh Hòa đều thể hiện chủ trương, quyết định theo hướng chủ đầu tư làm việc với người sử dụng đất để thống nhất phương án bồi thường hỗ trợ nhưng sau đó UBND tỉnh lại thực hiện quy trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ấn định mức bồi thường, hỗ trợ cho 2 đơn vị bị thu hồi đất.
Công ty CP Điện lực Khánh Hòa nhận hơn 16 tỉ đồng và Tổng công ty Điện lực Miền Trung nhận 12 tỉ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ căn cứ trên các quyết định của cơ quan nhà nước và do cơ quan nhà nước chi trả vào tài khoản của công ty. Số tiền trên do Công ty Đỉnh Vàng nộp cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Nha Trang và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa để trả cho 2 đơn vị; chủ đầu tư không được khấu trừ số tiền này vào tiền thuê đất, sử dụng đất.
Kết luận điều tra nêu đây là việc không được pháp luật quy định.
Video đang HOT
Mặt tiền khu đất 28E Trần Phú (TP Nha Trang, Khánh Hòa), nơi được cho làm dự án Nha Trang Golden Gate – Ảnh: DUY THANH
Tiếp đó, ngày 4-5-2015, Công ty Đỉnh Vàng xin điều chỉnh dự án thành dự án Nha Trang Golden Gate, tổng diện tích 20.330m 2, xây dựng tổ hợp khách sạn, thương mại, căn hộ cao cấp và khu căn hộ có nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp với cho thuê hoặc cho thuê mua, và được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý chủ trương.
Kết luận điều tra nêu khi dự án trở thành loại dự án xây dựng nhà ở, UBND tỉnh Khánh Hòa đã không áp dụng các quy định về nhà ở, không tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án thông qua đấu giá, đấu thầu là trái quy định pháp luật.
Chưa hết, dự án có quy mô 2.500 căn, là thuộc diện phải xin ý kiến và phải được sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ trước khi thực hiện lựa chọn chủ đầu tư dự án, nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa không thực hiện.
Từng cá nhân sai phạm gì?
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Chiến Thắng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh ngày 24-6-2015 cho Công ty Đỉnh Vàng, ký văn bản ngày 7-10-2015 thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch đối với dự án Nha Trang Golden Gate là hành vi lạm quyền.
Việc này đã biến một dự án chưa được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư trở thành một dự án được công nhận, được thỏa thuận phương án kiến trúc; công ty chưa được lựa chọn chủ đầu tư theo quy định pháp luật nhà ở thành chủ đầu tư của dự án nhà ở dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất không đúng căn cứ, không đúng đối tượng, không đúng hình thức, trái pháp luật. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định tại thời điểm tháng 2-2016 là hơn 55,4 tỉ đồng.
Ông Đào Công Thiên ký quyết định giao đất, cho thuê đất ngày 16-2-2014 trái pháp luật đất đai. Cụ thể là đã giao, cho thuê đất mà không đấu giá hoặc không đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Ông Võ Tấn Thái, khi là giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư đã ký các tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh chỉ định nhà đầu tư dự án mà lẽ ra phải tổ chức đấu thầu dự án có sử dụng đất dẫn đến việc giao đất, cho thuê đất không đúng đối tượng, không đúng hình thức.
Còn với vai trò là giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường sau đó, ông Thái đã ký các văn bản tham mưu cho UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất trái quy định pháp luật. Hậu quả dẫn đến việc bỏ qua áp dụng pháp luật nhà ở, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại không đúng đối tượng, không đúng hình thức.
Thay đổi tội danh
Ngày 10-5-2021, Cơ quan CSĐT Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất 28E Trần Phú.
Ngày 11-5-2021, cơ quan điều tra khởi tố bị can về tội danh trên đối với các ông Thắng, Thiên, Thái và 6 người khác là thành viên Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Khánh Hòa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện thủ tục tố tụng và điều tra, cả hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh và cấp bộ đều không xác định được giá đất cụ thể của khu đất 28E Trần Phú nên cơ quan có thẩm quyền đã hủy các quyết định khởi tố bị can đối với 6 thành viên Hội đồng thẩm định giá đất.
Ngày 6-5-2022, cơ quan điều tra ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án thành “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và quyết định thay đổi tội danh khởi tố đối với các bị can Thắng, Thiên, Thái.
'Xài chùa' hơn 28 ha đất vàng ở TP.Vũng Tàu: Vẫn chưa thu hồi được mặt bằng
Các doanh nghiệp 'xài chùa' hơn 28 ha 'đất vàng' ở Bãi Sau không nhận tiền hỗ trợ và vẫn không bàn giao mặt bằng cho TP.Vũng Tàu.
Theo kế hoạch, ngày 30.6, thời hạn cuối để các doanh nghiệp du lịch sử dụng hơn 28 ha 'đất vàng' dọc đường Thùy Vân ở Bãi Sau, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) phải bàn giao mặt bằng cho TP.Vũng Tàu. Thế nhưng, đến nay TP.Vũng Tàu vẫn chưa thu hồi được mặt bằng.
Đã nhiều lần TP.Vũng Tàu yêu cầu bàn giao mặt bằng nhưng các doanh nghiệp vẫn hoạt động du lịch. Ảnh NGUYỄN LONG
Dây dưa bàn giao mặt bằng
Như Thanh Niên đã có loạt bài "Xài chùa" hơn 28 ha đất vàng suốt 25 năm, phản ánh các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, khách sạn, nhà hàng ở dọc bãi biển Bãi Sau hàng chục năm liền đã có nhiều vi phạm xây dựng không phép, trái phép và nợ nhà nước hàng trăm tỉ đồng thuê đất..
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ra quyết định thu hồi hơn 28 ha "đất vàng" ở Bãi Sau và giao cho TP.Vũng Tàu tổ chức kiểm kê các công trình xây dựng, vật kiến trúc, cây trồng... để hỗ trợ, bồi thường cho doanh nghiệp trước khi các đơn vị này bàn giao mặt bằng.
Các công trình nhà hàng, khách sạn nhiều tầng ở khu hơn 28 ha 'đất vàng' ở Bãi Sau không được đền bù. Ảnh NGUYỄN LONG
Theo đó, quyết định phê duyệt phương án bồi thường cho 9 doanh nghiệp đang sử dụng 28 ha đất ở Bãi Sau có tổng số tiền gần 700 triệu đồng (gồm bồi thường hoa màu, cây trái, không bồi thường công trình xây dựng, vật kiến trúc, đất...)
UBND TP.Vũng Tàu đã có ít nhất 2 lần thông báo đến 9 doanh nghiệp yêu cầu bàn giao mặt bằng vào tháng 3 và cuối tháng 5.2022, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 5.2022, khi các doanh nghiệp không nhận tiền hỗ trợ và cũng không bàn giao mặt bằng thì TP.Vũng Tàu lại tiếp tục vận động, gặp gỡ yêu cầu bàn giao mặt bằng; đồng thời gia hạn đến 30.6 phải bàn giao mặt bằng, nếu không sẽ tiến hành cưỡng chế. Tuy nhiên, đến hết thời hạn cuối, hơn 28 ha đất vẫn đang được các doanh nghiệp "ung dung" kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn...
Lại điệp khúc... cưỡng chế!
Tại các văn bản cũng như trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu đều khẳng định "sẽ cưỡng chế" nếu doanh nghiệp không bàn giao mặt bằng hơn 28 ha "đất vàng' cho thành phố.
TP.Vũng Tàu cho biết sẽ cưỡng chế, yêu cầu doanh nghiệp bàn giao mặt bằng. Ảnh NGUYỄN LONG
Biện pháp nào để buộc các doanh nghiệp phải bàn giao mặt bằng cho TP.Vũng Tàu để thành phố bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lên phương án tổ chức đấu giá toàn bộ khu đất nhằm thực hiện dự án chỉnh trang lại Bãi Sau? Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên, một lãnh đạo UBND TP.Vũng Tàu tiếp tục lặp lại điệp khúc: "sẽ cưỡng chế".
Các doanh nghiệp sử dụng hơn 28 ha đất vàng ở Bãi Sau trong một thời gian dài, nợ hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, xây dựng hàng loạt công trình trái phép, đất đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định thu hồi nhiều năm qua, nhưng vì sao, "bị kẹt" gì mà đến nay TP.Vũng Tàu vẫn không thu hồi được?
Lối thoát nào cho Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình? Nợ thuế lên đến hàng trăm tỉ đồng và con số này vẫn tiếp tục tăng, bị cưỡng chế hóa đơn bởi Cục Thuế - thật không thể hình dung nổi có ngày Khu liên hợp thể thao quốc gia lại lâm vào tình cảnh này. Vì nợ xấu nên bị tính thuế "phụ trội" 8%/tháng Các cơ quan chức năng hiện vẫn...