Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn: Hủy án, điều tra lại từ đầu
Chiều 6.11, theo nguồn tin của Thanh Niên Online, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện KSND tối cao, ra quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn và trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra lại từ đầu.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong vòng tay của gia đình và người thôn Me sau khi được tạm đình chỉ thi hành án chung thân vì tội “giết người” – Ảnh: Hà An
Trước đó, ngày 4.11, ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, quê quán thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã nhận quyết định tạm đình chỉ thi hành án (ông Chấn đã thi hành án chung thân được 10 năm).
Được biết, sau khi đơn kêu oan của ông Chấn và gia đình, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã tiến hành điều tra.
Trên cơ sở kết quả điều tra, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao và trao đổi thống nhất với lãnh đạo Bộ Công an cần xem xét giải quyết lại vụ án theo trình tự tái thẩm.
Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đồng ý với đề xuất của lãnh đạo liên ngành cần xem xét giải quyết lại vụ án đúng pháp luật, nếu thực tế có oan thì phải khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có vi phạm quy định của pháp luật.
Tại sao kháng nghị tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm? Trả lời tại buổi họp báo ngày 5.11, bà Nguyễn Thị Yến – Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự – Viện KSND tối cao, cho biết theo quy định tố tụng, giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ xem xét khi bản án đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật nghiêm trọng, còn tái thẩm là khi có tình tiết mới làm thay đổi toàn bộ bản chất của sự việc, của bản án. Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tình tiết mới là việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới nên Viện KSND tối cao ra kháng nghị tái thẩm là đúng quy định pháp luật.
Diễn biến vụ án – Ngày 15.8.2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, Bắc Giang. – Ngày 17.8.2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án giết người. – Ngày 30.8.2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập. – Ngày 29.9.2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội giết người. – Ngày 3.12.2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án. – Ngày 10.2.2004, Viện KSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ. – Ngày 26.3.2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người, án tù chung thân. – Ngày 26 – 27.7.2004, TAND tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực. – Ngày 5.7.2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung. – Ngày 25.10.2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.
Theo TNO
Video đang HOT
Án oan 10 năm: Những ai sẽ bị xử lý?
"Luật chỉ giao cho Viện kiểm sát có quyền kháng nghị tái thẩm, nên Viện kiểm sát là người đầu tiên phát hiện, xác minh và Viện Kiểm sát phải đứng ra xin lỗi trước dân. Còn các cơ quan kia thì phải tiến hành xử xong mới xin lỗi..."
Vụ án oan khiến một người phải ngồi tù 10 năm trong tuyệt vọng đang tiếp tục được dư luận, trong đó có các đại biểu Quốc hội, đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã trao đổi với báo chí về vụ việc bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Lâm Đồng
- Ông đánh giá như thế nào về phản ứng của các cơ quan chức năng trước vụ việc?
Có thể nói, sau khi nghe tin này các cơ quan nội chính đã hết sức dũng cảm, dám nhìn thẳng về cái sai, thấy sai, nhận sai, dám giải quyết cái sai. Thứ hai, sau khi hậu quả xảy ra, sau khi minh oan thì phải bồi thường cho nó thỏa đáng. Thứ ba là tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến việc này. Làm sao để hạn chế tối đa việc oan sai.
Hiện nay, các cơ quan truyền thông đã lên tiếng mạnh mẽ rồi, thì các cơ quan phải thấy sai và nhận lỗi với người dân. Phải bồi thường vật chất và tinh thần trong thời gian vừa qua đối với ông Chấn.
Theo ông, biện pháp sửa sai sẽ phải như thế nào thì mới thỏa đáng?
Việc sai này xảy ra lâu rồi, thế nhưng, phải quy trách nhiệm của những người trước đây đã tham gia vào việc điều tra, truy tố, xét xử, chứ không phải một ngành. Bây giờ sai thì ngành tòa án phải đứng ra bồi thường, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm. Cơ quan nào xử lý cuối cùng thì, cơ quan đó phải đứng ra bồi thường, và xin lỗi dân. Còn quy trách nhiệm, thì phải đồng trách nhiệm, kể cả điều tra, truy tố, xét xử. Cái sai đầu tiên là từ điều tra.
- Ông có nhận thấy dấu hiệu ép cung trong biên bản bản nhận tội?
Cái đầy thì phải điều tra, xác minh để mà làm rõ. Nếu quá trình có ép cung, mớm cung thì phải xử lý những người đó.
- Chúng ta có 3 cơ quan tố tụng nhưng vẫn để xảy ra oan sai. Vậy theo ông, sai là do đâu, thưa ông?
Nếu xác định lỗi cố ý của cơ quan điều tra thì phải xử lý hình sự chứ không xử lý hành chính được. Còn đối với cơ quan công tố, tòa án thì họ căn cứ theo hồ sơ nên có thể nhận thức cái sai, thì tùy theo mức độ để xửu lý. Còn điều tra viên mà rõ ràng ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý kỷ luật.
- Theo ông, lỗi ban đầu từ cơ quan điều tra thì phải xử lý như thế nào để có thể coi là thực sự nghiêm túc và tránh xảy ra oan sai?
Theo Luật Bồi thường Nhà nước, cơ quan cuối cùng phải thực hiện công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại trước. Vì đợi phân chia trách nhiệm thì rất là lâu, nên luật quy định cơ quan tố tụng cuối cùng giải quyết việc đó, phải thay mặt 3 cơ quan để xin lỗi, bồi thường thiệt hại. Còn trong quá trình điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân sai bắt đầu từ đâu và ai là người trực tiếp sai? Oan sai mà cố tình thì phải xử lý hình sự. Do ép cung, mớm cung, nhục hình để người ta nhận tội thì phải xử lý hình sự.
Trước hết, Viện kiểm sát là cơ quan có quyền kháng nghị tái thẩm. Luật chỉ giao cho Viện kiểm sát có quyền kháng nghị tái thẩm, chứ không ai có quyền kháng nghị tái thẩm cả. Cho nên Viện kiểm sát là người đầu tiên phát hiện, xác minh thì Viện kiểm sát đứng ra xin lỗi trước dân. Còn các cơ quan kia thì phải tiến hành xử xong, thì mới xin lỗi.
- Ông nghĩ thế nào về việc ông Trần Quốc Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vụ này phải xử giám đốc thẩm chứ không phải tái thẩm?
Theo tôi tái thẩm là đúng vì đây là tình tiết mới.
- Tình tiết mới nhưng lại lộ việc ông Chấn bị oan sai?
Oan sai thì tái thẩm để minh oan. Còn giám đốc thẩm là hủy án đi để xét xử lại.
- Theo ông trường hợp này có phải là cá biệt không, hay còn nhiều vụ khác nữa?
Trước đây đã có rồi. Đã có nhiều vụ án xử đến chung thân rồi, nhưng "người chết" lại trở về. Cho nên phải thận trọng tối đa. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành chặt chẽ, nhưng cũng phải ràng buộc lẫn nhau chứ còn "bộ binh, bộ hạ, bộ hình, ba bộ đồng tình thì con tôi chết". Phối hợp nhưng phải ràng buộc lẫn nhau chứ gần gũi nhau quá, bỏ qua cho nhau thì dẫn đến sai phạm.
- Vậy thì theo ông, tình trạng họp án có làm mất đi tính độc lập không?
Về nguyên tắc là như vậy. Tới đây sẽ xác định rõ hơn về trách nhiệm cá nhân nhiều hơn. Đặc biệt, dự kiến sau này Ủy ban kiểm sát, hoặc Ủy ban thẩm phán của Tòa án sẽ không được ghi trong luật. Về trách nhiệm, trước thường đưa ra tập thể để bàn, còn tới đây là quy trách nhiệm cá nhân.
- Hiện nay, những trường hợp bị xử án tử hình có phải đưa ra Thường vụ Tỉnh ủy xem xét không, thưa ông?
Án tử hình thì không phải đưa ra Thường vụ. Theo chỉ thị 15 của Trung ương thì những trường hợp án tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia thì mới đưa ra cấp ủy, chứ còn án thường là do ngành chuyên môn xác định hết.
- Vị thẩm phán phiên tòa 10 năm trước nói phúc thẩm đã xử rồi, còn oan sai giờ trách nhiệm là thuộc Tòa tối cao, thuộc Quốc hội. Ông thấy ý kiến này thế nào?
Tôi cho rằng, oan sai cấp nào thì cấp đó phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như Tòa tối cao đã xử phúc thẩm thì Tòa án tối cao phải chịu trách nhiệm, chứ không phải đổ cho cấp dưới sai thì lên đây tôi sai. Cái này cũng không thuộc thẩm quyền của Quốc hội nữa, vì các "anh" sai thì "anh" phải tự sửa.
- Xin cảm ơn ông!
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Tù nhân oan 10 năm: "Không khai thì cho chết" Ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết bị công an bức cung, "dạy" thực nghiệm theo kịch bản để dựng lại hiện trường vụ giết người mà ông không gây ra. Tại buổi họp báo sáng 5-11, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh Văn phòng VKSND Tối cao, cho biết sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSND Tối cao,...