Vụ án oan hiếp dâm: Bao giờ…?
Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm, chờ đợi cùng với sự minh oan của pháp luật chính là “tin vui” về hạnh phúc riêng tư của ba chàng trai Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Lợi.
Tình yêu vượt lên định mệnh
Những ngày cuối năm, nhiều gia đình có nhu cầu sửa sang nhà cửa đón Tết nên công việc ở đại lý sơn của Nguyễn Đình Tình vô cùng tất bật. Đang thoăn thoắt điều hành công việc thì Tình có điện thoại, chàng “doanh nhân trẻ” bối rối nghe máy, đỏ mặt ngượng ngùng do sự có mặt của chúng tôi. Chủ nhân cuộc điện thoại là Thủy – “một nửa” của Tình.
Ba chàng trai trầm ngâm khi nghĩ về điều gọi là “hạnh phúc”.
Thủy quê Yên Bái, nhân viên làm đẹp tại một cơ sở thẩm mỹ. Đầu năm 2010, một tối buồn ngồi lướt web, cô gái trẻ này đã được đọc câu chuyện oan khuất, éo le của Tình. Vô cùng xúc động và thương cảm, Thủy viết thư làm quen với Tình.
Ban đầu, sự tuyệt vọng, mặc cảm đã khiến Tình không dám mở lòng mình, nhưng rồi tình cảm chân thành của Thủy đã khiến anh thay đổi. Không biết từ bao giờ, Tình hồi hộp chờ mong những lá thư, những tin nhắn, điện thoại của cô gái chưa một lần gặp mặt nhưng lại rất đỗi gần gũi, thân thương.
Thế nhưng khi hẹn hò gặp gỡ, Tình vẫn không dám bày tỏ và đón nhận tình yêu của Thủy, vì anh sợ sẽ làm cho người yêu mình phải khổ. Nhưng Thủy bảo: “Em yêu anh và chỉ muốn sống bên anh trọn đời”. Cô quả quyết rằng tình yêu của cô cũng là một liều thuốc nhiệm màu.
Dường như quá nhiều đau khổ, oan trái cũng khiến cho gia đình Tình phải hoài nghi về cô gái lạ bỗng dưng đem lòng yêu sống yêu chết anh con trai trưởng của gia đình. Nhưng khi tìm hiểu, chính bố mẹ Tình lại đắng lòng khi được biết gia đình Thủy lúc đầu cũng không đồng thuận với tình yêu của con gái vì thấy rõ những khó khăn thử thách mà Thủy sẽ phải đối mặt nếu gắn bó với Tình.
Nhưng trái tim Thủy đã quyết tâm, yêu là lấy, khổ thế nào cô cũng cam lòng. Tính cách mạnh mẽ của Thủy có nét tương đồng với Tình – nhất định kêu oan chứ không xin giảm án, thà tìm đến cái chết để tự minh oan chứ không chịu nhận tội để được khoan hồng. Có lẽ vì thế mà họ mê đắm và quyết tâm gắn bó trọn đời với nhau.
Mới đây, Tình và gia đình lên Yên Bái, thăm gia đình Thủy để hai họ nhận nhau, bàn chuyện trăm năm cho đôi trẻ. Tuy vậy, khi nói về chuyện tương lai, Tình vẫn ngập ngừng. Anh bảo, khi “quyền công dân” vẫn đang bị treo thì chẳng dám mơ đến chuyện gì cả, muốn làm đám cưới nhưng không có giấy tờ tùy thân, nhân thân chưa rõ ràng như vậy ai xác minh cho, sẽ đăng ký kết hôn thế nào đây? Khi tôi muốn xin một tấm ảnh của Tình và Thủy để đăng báo thì Tình đã từ chối khéo: “Để dịp khác đi chị, khi nào bọn em làm đám cưới, chắc chắn sẽ mời chị chung vui!”.
Không thành duyên, chúng mình là bạn tốt
Trong số họ, có lẽ Nguyễn Đình Lợi là anh chàng đào hoa hơn cả. 10 năm trước, trong ba chàng thanh niên vương vòng lao lý thì Lợi là người duy nhất đã có mối tình đầu với một cô gái trên Cầu Gỗ tên Thương. Thương là cháu gái của thầy giáo Nguyễn Quý Long – chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm dạy nghề Phương Nam, nơi Lợi theo học nghề sửa chữa xe máy.
Dạo đó họ yêu nhau vụng dại “y như thời bao cấp”, thậm chí anh mới chỉ dám nắm tay Thương có vài lần. Mối tình trong sáng như pha lê đó đã khiến đôi trẻ đau khổ một thời gian dài khi Lợi phải đi thi hành bản án oan, mang theo lời hứa đợi đẫm nước mắt của người yêu vào trại.
Khi Lợi về thụ án ở Trại Thanh Xuân, Thương vẫn tới thăm và lần nào cô cũng khóc. Dù Thương quyết tâm hứa đợi, nhưng Lợi biết con gái có thì, không thể để người ta phải khổ vì mình nên chính anh đã khuyên Thương hãy đi lấy chồng, đừng hoài công chờ Lợi nữa làm gì. Và những lần sau, khi biết Thương đến thăm thì anh dứt khoát tránh mặt, không ra gặp. Cho đến một ngày, con tim anh nhói đau nhưng ấm áp và thanh thản khi biết tin cô gái ấy đã lên xe hoa và có một gia đình hạnh phúc.
Khi được minh oan, điều khiến Lợi bất ngờ và cảm động nhất là suốt chục năm qua, Thương và gia đình cô vẫn theo dõi về vụ án oan của anh. Khi biết chú cháu Lợi sắp được minh oan, gia đình Thương mừng như đối với người thân của mình vậy.
Video đang HOT
Như một mối nhân duyên, chính bố mẹ Thương đã động viên Lợi học lại nghề sửa xe và còn vận động chuyên gia Nguyễn Quý Long (lúc này đã nghỉ hưu tại Trung tâm Phương Nam) đến “nằm vùng” tại tiệm sửa xe máy cổng Trường Đại học Thành Tây để giúp đỡ, dạy nghề cho Lợi và Kiên. Với sự chỉ bảo tận tình của thầy Long, đến nay cả Lợi và Kiên đều đã trở thành những tay thợ cứng.
Khi được hỏi về tình yêu hiện tại, cả Lợi và Kiên đều bối rối nói rằng “bọn em chưa chính thức”. Nhưng khi chúng tôi võ đoán xem “bí mật” đó có phải có mặt trong dòng người dân Yên Nghĩa đứng dọc triền đê lộng gió vào chiều đông năm trước đón ba chàng trai được trở về với quê hương, gia đình sau 10 năm oan khuất hay không thì cả hai lúng túng và cười trừ.
Với họ, niềm vui chỉ như gió thoảng khi nghĩ đến ngày mai hạnh phúc, rồi họ lại buồn ngay trở lại khi đối mặt với nỗi oan như cái thòng lọng vẫn treo trên trên đầu chưa biết bao giờ mới cởi giải…
Tột cùng nỗi đau là niềm tin
Vụ án oan của ba chàng trai Yên Nghĩa xảy ra cách đây đã hơn 10 năm, với mức án oan đã được tuyên: Lợi 16 năm tù, Tình 14 năm tù và Kiên 11 năm tù. 10 năm bị tù oan, ba chàng trai và gia đình họ không thể nhớ hết họ đã gửi đi bao nhiêu lá đơn kêu oan, rất nhiều lá đơn rơi vào quên lãng và im lặng.
Nơi xảy ra vụ án 10 năm về trước.
Trong tột cùng nỗi đau khổ và tuyệt vọng như vậy thì họ vẫn sáng lên niềm tin vào công lý, rằng bản thân mình bị oan thì sẽ có ngày được pháp luật minh oan. Và thật cảm động khi vụ án oan của họ được vén màn, đưa ra ánh sáng nhờ một phụ nữ có số phận đặc biệt – đó là Lương y Nguyễn Thị Hồng với câu chuyện bí ẩn về huyệt trai tân.
Ngày 3/2/2010, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể đã ký quyết định kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm. Bản kháng nghị chỉ ra tới chín lỗi nghiêm trọng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án, không có căn cứ để kết tội các bị cáo; đề nghị TAND tối cao xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm để hủy hai bản án, tuyên ba bị cáo không phạm tội “Cướp tài sản” và “Hiếp dâm”. Nhờ vậy, lần lượt Tình, Lợi, Kiên được “thả tự do”, chờ bản án giám đốc thẩm minh oan cho mình.
Theo quy định tại Điều 283 Bộ luật Tố tụng hình sự thì phiên tòa giám đốc thẩm phải được tiến hành trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày nhận được bản kháng nghị. Thực tế, vào đầu tháng 6/2010, phiên tòa giám đốc thẩm đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao mở (lần một) nhưng đã bị hoãn. Sau đó, TAND tối cao đã mở lại vào tháng 7 nhưng lại tiếp tục hoãn với lý do yêu cầu VKSND tối cao làm rõ một số vấn đề.
Từ đó đến nay, ba chàng trai cùng gia đình và dư luận quan tâm vụ án vẫn theo dõi, chờ đợi nhưng chưa thấy có thông tin về phiên tòa giám đốc thẩm vụ án.
Chờ đợi quá lâu, hai lần mở phiên tòa không đưa ra phán quyết đã khiến gia đình các chàng trai và dư luận bắt đầu hoang mang. Chẳng biết con em họ còn phải chờ đợi đến bao giờ, hay bi kịch lặp lại là phải chờ cả chục năm trời nữa? Bà Nguyễn Thị Hưng (mẹ Lợi) hỏi tôi với tâm trạng vô cùng lo lắng: “Liệu có xảy ra trường hợp không mở phiên tòa giám đốc thẩm không cô? Tôi sợ VKS rút lại kháng nghị…”.
Tôi giải thích với bà, thực tế cũng có trường hợp phải rút lại kháng nghị, nhưng chắc chắn không thể xảy ra trong vụ án này. Bởi kháng nghị của VKSND tối cao đã chỉ ra tới chín vấn đề sai lầm nghiêm trọng về cả nội dung lẫn tố tụng, không có căn cứ kết tội Kiên, Tình, Lợi.
Mặt khác, vào tháng 8/2010 mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết đã xác định được nghi phạm đích thực của vụ án xảy ra trên cánh đồng Yên Nghĩa 10 năm trước – chính là bằng chứng hiển nhiên, rõ ràng nhất khẳng định Kiên, Tình, Lợi đã bị oan.
Chúng tôi còn kể với bà Hưng câu chuyện trước đó, trao đổi riêng với PLVN, chính Phó Viện trưởng VKSND tối cao Lê Hữu Thể – người trực tiếp ký kháng nghị vụ án đã khảng khái cho biết: “Với chín căn cứ trong bản kháng nghị rất rõ ràng, tôi tin tưởng rằng, với tinh thần trách nhiệm và sự công tâm, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm sẽ có quyết định đúng đắn, khách quan, công bằng và thuyết phục về vụ án”. Nghe chuyện, bà Hưng có vẻ yên tâm nhưng vẫn buồn rười rượi…
Luật pháp và sự vô cảm
Ba chàng trai bùi ngùi kể lại, ngày họ được trở về với gia đình sau 10 năm bị tù oan, lũ lượt bà con Yên Nghĩa và các vùng lân cận, trong đó có người quen và cả những người không quen biết đều ra đứng dọc triền đê Yên Nghĩa chia sẻ, chúc phúc cho họ.
Những ngày tiếp sau đó, rất nhiều khách khứa, kể cả những người từ những miền xa đến chia vui, nhưng tuyệt nhiên họ không nhận được bất cứ sự thăm hỏi nào của chính quyền và Công an phường Yên Nghĩa nơi họ thường trú. Một số cán bộ điều tra Công an tỉnh Hà Tây (cũ) là người trực tiếp đẩy họ vào nỗi oan khiên thì tuyệt nhiên càng vắng bóng; nghe nói bây giờ những người đó đã giữ trọng trách cao hơn rồi.
Buồn lòng hơn, chúng tôi còn được biết vào tháng 11/2010, phường Yên Nghĩa còn định tiến hành cưỡng chế tháo dỡ, san bằng quán sửa chữa xe máy mà Kiên, Lợi đang dùng để mưu sinh. Ông Nguyễn Đình Lộc (bố Lợi) nghẹn giọng: “Mảnh đất này do gia đình tôi thuê của Hợp tác xã, có hợp đồng đàng hoàng. Con em chúng tôi trở về oan khuất như thế, chính quyền đã chẳng giúp gì lại còn gây khó dễ; hôm đó tôi còn nghe có người kích động “cứ tống hai thằng đó vào tù là xong”".
Ba chàng trai thì tỏ ra bao dung độ lượng hơn khi cho rằng ai quan tâm giúp đỡ thì họ cảm ơn, nhưng cũng chẳng trách cứ ai cho dù người đó đã đẩy mình vào lao lý, thống khổ chăng nữa. Họ muốn sống thật thanh thản, bình yên; thậm chí, họ bảo chỉ cần được pháp luật minh oan, bồi thường mà sẽ không theo kiện nữa, vì xét cho cùng có bồi thường bao nhiêu chăng nữa cũng chẳng bù đắp được những năm tháng oan khuất đã qua.
Chúng tôi biết, sẽ có rất nhiều nguyên nhân khiến cho phiên tòa giám đốc thẩm và việc minh oan cho Kiên, Tình, Lợi bị trì hoãn, trong đó có cả nguyên nhân về cơ chế. Tuy nhiên, với những người đã mất cả tuổi thanh xuân chỉ vì sự cẩu thả, tắc trách của một bộ phận cán bộ thực thi pháp luật, thậm chí một người đã phải mang “án tử hình” do hệ luỵ của oan sai thì TAND tối cao cần phải giải quyết sự việc một cách khẩn trương, với tinh thần nhân văn và trách nhiệm cao hơn.
Thiết nghĩ, việc cần làm ngay bây giờ là Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần phải nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử giám đốc thẩm để có cơ sở pháp lý phục hồi các quyền công dân cho Kiên, Tình, Lợi và giải quyết các quyền lợi hợp pháp cho họ theo đúng quy định của pháp luật.
Theo Pháp Luật VN
Vụ án oan hiếp dâm: Tận cùng nỗi đau
Gần 1 năm trời đợi chờ phán quyết cuối cùng của phiên tòa xét xử theo trình tự giám đốc thẩm, không chỉ 3 chàng trai mà cả gia đình, người thân của họ cũng tỏ ra mệt mỏi và thất vọng. Gần 10 năm trời họ bị ngồi tù oan và... mòn mỏi chờ minh oan với những hiện thực đau lòng.
"Có người bảo tôi đừng ước nữa"
Khác hẳn với vẻ mặt tươi rói, hớn hở của ngày mới được ra tù, Nguyễn Đình Tình gày hơn và sự mệt mỏi đã hiện rõ trên khuôn mặt khi anh phải chống chịu với căn bệnh thế kỷ. Tình ngồi im lặng hồi lâu không nói gì, tôi biết chiều nay anh vừa phải lặn lội một quãng đường xa tìm thầy bốc thuốc. Nỗi oan khuất gần 10 năm phải ngồi tù, nỗi đau khi đang mang căn bệnh HIV/AIDS cứ chất chồng khiến Tình có những lúc tưởng chừng không vượt qua nổi.
Lợi, Kiên, Tình (từ trái qua phải)
"Chờ phiên xử giám đốc thẩm ư? Chờ chứ! Công lý phải được thực hiện chứ, nhưng chúng em chờ lâu quá rồi. Chỉ thương cho 2 thằng cháu (Tình là chú của Kiên và Lợi), mãi không có giấy tờ tùy thân mà làm ăn xây dựng cuộc sống. Còn em, không may mắc bệnh này rồi thì còn làm được gì nữa... Sau những hiểu nhầm, quay mặt đi và ghét cay ghét đắng chúng em, rồi thì người dân Nghĩa Lộ, Quyết Thắng đã tin chúng em bị oan, họ động viên chia sẻ giúp đỡ nhiều trong cuộc sống. Ai cũng nói nhiều đến "phiên giám đốc thẩm". Phiên xử này không chỉ gột nỗi oan sai cho bản thân chúng em mà phụ huynh, người thân của chúng em cũng đỡ khổ. Hơn chục năm nay họ sống trong sự đàm tiếu, ra đường không dám nhìn ai, khổ lắm rồi...", Tình nói ra những day dứt trong lòng bấy lâu nay.
Cùng với học nghề, sau khi ra tù, Lợi vẫn không ngừng gửi đơn đến các cơ quan chức năng để được minh oan
Tình kể rằng, nếu như ngày mới ra tù anh hạnh phúc, vui sướng đến tột cùng với bao nhiêu kế hoạch làm lại cuộc đời vạch ra trong đầu thì nó đã nhanh chóng tan vỡ sau lần thử máu kiểm tra bệnh. Gần 1 năm qua, chuỗi ngày trở về với cuộc đời tự do là những ngày tháng khắc khoải chờ đợi phán quyết cuối cùng trong sự hành hạ của bệnh tật. "Chấp nhận số phận của mình thôi anh ạ! Chẳng có cái gì có thể đổi lại được cuộc sống cho em cả. Nhiều đêm nằm nghĩ miên man, suy nghĩ đến những điều xấu nhất mà lạnh cả sống lưng. Nhưng rồi em thấy chả việc gì phải nghĩ quẩn như thế cả. Cuộc sống vẫn tiếp tục, em vẫn chống chịu với bệnh tật để sống vui. Sống cho mình và cho gia đình", Tình nói.
Với lòng can đảm và nghị lực phi thường, Tình giữ cho mình vẻ bình thản đến ngạc nhiên. Tuy nhiên do chịu tác dụng của thuốc, Tình gày và đen đi nhiều. Để chống chọi với căn bệnh thế kỷ, Tình uống thuốc còn nhiều hơn ăn cơm: "Mỗi ngày vài chục viên thuốc Tây, thêm vào đó còn thuốc Nam, thuốc Bắc. Hễ chỗ nào có bài thuốc hay lại tìm đến, nhưng uống thuốc vào mệt lắm. Có những ngày chỉ nằm bệt trên giường không thể đi lại được".
Cái dự định học thêm tiếng Anh và mong muốn có tấm bằng đại học khó khăn hơn Tình nghĩ. "Em đi đăng ký thi vào Trường ĐH Đại Nam nhưng không được vì còn chưa có giấy tờ tùy thân. Tự do mà như không có tự do vậy. Lúc mới bị bắt chỉ mong mình bị HIV để chứng minh mình trong sạch. Bây giờ thì... Có người bảo em, từ giờ đừng nên ước nữa...", Tình buồn thiu.
Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi: "Người ta nói rằng dễ mà không có phiên xử giám đốc thẩm lắm"
Muốn quay lại nghề cũ
Bên mâm cơm chiều dang dở, nhắc đến chuyện của chú cháu Lợi, bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi buồn không ăn nữa. Bà buột miệng hỏi: "Không biết các cháu có được xử lại không? Dân tình người ta cứ bảo được thả ra là tốt rồi chứ đừng mong có phiên xử cuối cùng. Hoãn xử đến lần thứ 3 rồi. Tuy nhiên tôi vẫn mong mỏi đến ngày đó, các cháu đã quá khổ rồi, nỗi nhọc phải mang quá lâu, chỉ chờ ngày được gột rửa chứ".
Bà Hưng kể lại cuộc sống đầy tủi nhục của gia đình sau ngày Lợi bị bắt, những kỳ thị, ánh mắt coi thường của người dân hướng vào những người làm cha làm mẹ như bà. "Trong thôn xóm, hễ có cưới xin hay lễ hội gì, tôi có dám đến dự đâu, lúc nào cũng tránh sự dòm ngó. Nếu có đám cưới người trong họ cũng phải tránh mặt nhiều người, đến bằng cửa sau. Gặp ai cũng không được tự nhiên. Khổ lắm chú ạ. Bây giờ các cháu được minh oan, trở về với gia đình chúng tôi mừng lắm...". Ngồi trầm ngâm hồi lâu rồi bà nói tiếp: " Khổ nhất là Tình, không may mắn dính căn bệnh quái ác. Rồi Lợi và Kiên bây giờ muốn yên ổn để làm nghề cũng bị gây khó dễ. Đường về của các cháu sao mà trúc trắc nhiều chông gai đến vậy".
Bà Hưng cho biết, trước ngày bị bắt, Lợi đã sang Trung tâm Phương Nam ở Ô Cách, Gia Lâm để học nghề sửa xe máy. Lợi đã học được 6 tháng, chuẩn bị về mở hiệu thì tai họa ập xuống. Công việc mơ ước bị gián đoạn 10 năm, Lợi trở về với nghề cũ. Thương cảm cho số phận đen đủi của cậu học trò ngày nào, ông Nguyễn Quý Long, trước là thầy giáo của Lợi đã tìm đến Nghĩa Lộ để trực tiếp chỉ dạy cho cậu học trò ngày nào.
Nói về Lợi, ông Long bảo: "Đây là một học trò ngoan và có năng khiếu. Lúc hay tin cháu bị bắt vì tội hiếp dâm cướp của, tôi không tin vào tai mình. Tôi vẫn tin có sự oan khuất ở vụ án này. Phải gần 10 năm sau thầy trò mới được gặp lại nhau, thấy hoàn cảnh của cháu tội quá. Lợi phải chịu thiệt thòi ngồi tù gần 10 năm, các bạn cùng khóa học ngày nào bây giờ đã thành đạt cả. Nghĩ vậy nên tôi đã đến đây để giúp Lợi cứng tay nghề, thực hiện nốt mơ ước còn dang dở của cháu". Đồng cảm với mong muốn của 3 chàng trai và người thân của họ, ông Long cũng mong muốn sớm có quyết định cuối cùng để "Lợi, Kiên, Tình còn tìm công ăn việc làm. Chứ sống kiểu này, tự do mà không tự do, không tù tội nữa là công dân rồi mà cũng không có quyền công dân. Khổ lắm!".
Kiên chập chững vào nghề với sự chỉ dạy của thầy Long
Trong những tháng ngày ròng rã đợi chờ phiên giám đốc thẩm, Lợi đã rủ Kiên cùng học sửa xe máy để chuẩn bị cho mình một tương lai tốt đẹp. Lợi kể chuyện nghề: "Hồi em còn học ở Trung tâm Phương Nam, thời đó chỉ học sửa toàn xe Simson, Cup 50, 81. Ngồi tù 10 năm trở về, thấy bao nhiêu loại xe lạ trên đời. Tất nhiên cùng một nguyên lý vận hành cả thôi nhưng mọi thứ đổi khác, nhiều đến mức em chóng hết cả mặt. May nhờ có thầy Long thương cho hoàn cảnh của em nên mới đến giúp đỡ".
Tuy mới chập chững bước vào nghề sửa xe máy nhưng Nguyễn Đình Kiên cũng đã bước đầu tìm lại được niềm vui nơi cuộc sống bên ngoài song sắt. So với Lợi và Tình, trông Kiên khỏe khoắn và hoạt bát hơn. Cho đến bây giờ, Kiên vẫn bị ám ảnh vào cái ngày bị bắt.
"Em chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cả. Bỗng dưng ngồi tù gần 10 năm, đến giờ, em vẫn chưa thông báo hết cho bạn bè trong tiểu đoàn 3, lữ đoàn 144 về việc mình bị oan, nhưng có lẽ qua báo chí các bạn cũng đã biết sự thật. Về làng với 10 năm tù tội, chú Tình lại bị bệnh, chúng em thì chưa được tự do thật sự. Anh xem có cô gái nào ba đầu sáu tay mà dám đến với chúng em. Nếu tòa án cứ dây dưa thế này, chẳng mấy mà mọi thứ sẽ khép lại với chúng em...", Kiên bộc bạch. Những lời lẽ ấy cứ ám ảnh tôi cả quãng đường về.
Vụ án gần 10 năm trước đã lấy đi nước mắt của biết bao con người trong cùng một dòng họ. Giờ phút này, họ rất mong chờ công lý được thực hiện, trả lại cho họ một phần những gì đã mất khi phải đem thân vào chốn lao tù.
Theo Gia Đình XH
Vụ 3 thanh niên hiếp dâm: Vết thương chưa lành "Chúng em mong sớm có quyết định rõ ràng để có giấy tờ mà đi lại làm ăn, vợ con", Lợi tâm sự Có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những vết thương không bao giờ lành được nữa. Thời gian cứ dần trôi kể từ ngày Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra kháng nghị, đề...