Vụ án oan 10 năm tù: “Nếu ép cung, phải xử lý hình sự”
“Oan sai khiến anh Chấn phải ở tù 10 năm, nguyên nhân chính là do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả sơ thẩm, phúc tẩm đều hết sức chủ quan, chỉ tin vào chứng cứ thu thập, không tin lời khai của bị can, bị cáo…”.
Sáng ngày 6/11, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan vụ án oan 10 năm xảy ra đối với công dân Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Ông Chấn đã thụ án tù chung thân về tội giết người được 10 năm, nhưng sau đó cơ quan điều tra xác định nghi phạm là người khác.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với báo chí (Ảnh: Việt Hưng)
Ông nhìn nhận thế nào việc người ngồi tù 10 năm – Nguyễn Thanh Chấn cho biết, mình đã bị ép cung nên buộc phải nhận tội?
Ông Chấn khai như thế thì cơ quan điều tra của VKSND tối cao sẽ làm rõ vấn đề này. Cái sai đã rõ rồi, còn nếu có đủ căn cứ khẳng định có tình trạng ép cung, mớm cung thì phải xử lý hình sự những người làm sai.
Thực ra, để chống bức cung, nhục hình, có nhiều cách nhưng cơ bản luật hiện hành cũng đã đã xác định rõ nguyên tắc, không được mớm cung, ép cung, nhục hình nếu làm sai, cán bộ vi phạm phải xử lý. Theo tôi những trọng án như này, đúng ra phải có luật sư tham gia từ đầu để bảo vệ cho bị can, bị cáo bởi có thể một cá nhân chưa đủ điều kiện để minh oan cho mình nhưng có người khác trợ giúp thì sẽ tốt hơn.
Trong thực tế hoạt động tố tụng khá phổ biến trường hợp tại cơ quan điều tra, bị can, bị cáo khai nhận tội nhưng ra trước tòa họ đều phản cung cho rằng mình bị ép cung, gây áp lực mới làm vậy. Nhưng sau cùng tòa vẫn xử theo hồ sơ vụ án. Không mấy lời kêu oan có cơ may được xem xét trong cơ chế xét xử kiểu “án tại hồ sơ”?
Chứng cứ hết sức quan trọng nên phải căn cứ vào những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra. Nếu chứng cứ đó khách quan thì có thể các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý khách quan thì tránh được oan sai. Còn nếu chủ quan, có sự phối hợp không tốt hoặc quan hệ giữa các cơ quan tố tụng lại quá gần gũi, dễ thỏa hiệp, mất tính kiểm soát lẫn nhau thì có thể dẫn đến oan sai.
Video đang HOT
Thưa ông, vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn cho thấy thực tế, có án oan sai nhưng khó có cơ hội được phát hiện, khắc phục. Nếu không có những tình tiết hi hữu như vụ của ông Chấn (bố là liệt sĩ nên được miễn án tử hình, hung thủ thực sự ra đầu thú sau 10 năm) thì chắc chắn vụ án khó có cửa gỡ. Ông bình luận thế nào về việc này?
Tôi cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới oan sai do trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử kể cả sơ thẩm, phúc thẩm đều hết sức chủ quan phiến diện, chỉ tin vào chứng cứ thu thập mà không tin vào lời khai của bị can, bị cáo chứng minh người ta ngoại phạm.
Án oan sai, cụ thể trong trường hợp của ông Chấn, phải xử lý tổ chức, cá nhân để một người vô tội ngồi tù 10 năm thế nào, thưa ông?
Theo tôi, trước hết, cơ quan tố tụng sau cùng (tòa án – PV) phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại cho công dân. Trong luật đã xác định rõ cơ quan nào tiến hành tố tụng giai đoạn cuối thì phải thay mặt chịu trách nhiệm. Trong quá trình phải điều tra xác minh làm rõ nguyên nhân vì sao sai, sai bắt đầu từ đâu và ai là người trực tiếp làm sai. Nếu oan sai do cố ý thì phải xử lý về mặt hình sự.
Nhiều người cho rằng vụ ông Chấn phải xử Giám đốc thẩm chứ không phải Tái thẩm như quyết định kháng nghị, ông nghĩ sao?
Theo tôi Tái thẩm mới đúng vì đây là tình tiết mới. Trình tự tái thẩm phải điều tra, xác minh nghĩa là minh oan. Còn Giám đốc thẩm là hủy án để xét xử lại.
Quan điểm của cá nhân ông, có thể đánh giá vụ án này chỉ là trường hợp cá biệt không?
Những trường hợp như vậy đã từng xảy ra cho nên các cơ quan tiến hành tố tụng phải thận trọng tối đa trong những sự việc tương tự. Tuy nhiên, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng cũng không đồng nghĩa theo kiểu “Bộ binh, bộ hộ, bộ hình/ Ba bộ đồng tình con tôi chết ngay”, nếu thế thì rất gay. Điều đó có nghĩa phối hợp nhưng phải làm rõ chức năng từng ngành, phối hợp chặt chẽ đến mức gần gũi nhau quá, dễ bỏ qua cho nhau, dễ dẫn đến sai phạm.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Chiều nay mở phiên tái thẩm vụ Nguyễn Thanh Chấn
14h hôm nay, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao bắt đầu xét xử theo thủ tục tái thẩm xem xét đề nghị hủy hai bản án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân.
Ngày 4/11, ông Chấn được tạm rời trại giam Vĩnh Quang về nhà.
Phiên tái thẩm được mở theo kháng nghị ngày 4/11 của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình về việc tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Theo quy định việc xét xử tái thẩm là do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án, là căn cứ mở ra trình tự tố tụng tiếp theo đối với vụ án. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.
VKSND Tối cao cho biết đã báo cáo việc giải quyết vụ án theo trình tự tái thẩm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và được đồng ý với đề xuất cần xem xét giải quyết theo đúng pháp luật. Nếu thực tế có oan thì phải khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân trong quá trình giải quyết vụ án nếu có vi phạm quy định pháp luật.
10 năm trước, ngày 29/8/2003, ông Chấn bị bắt, khởi tố về tội Giết người do nghi là thủ phạm gây ra cái chết chị Nguyễn Thị Hoan. Tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, ông không nhận tội và bị tuyên án tù chung thân. Trong khi thụ án, ông đã gửi một số đơn kêu oan.
Ở nhà, vợ ông Chấn là Nguyễn Thị Chiến cũng gửi đơn tới nhiều nơi. 4 tháng trước, trong đơn gửi về VKSND Tối cao, bà cho biết qua tìm hiểu thì thủ phạm thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung, từng trú cùng thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao vào cuộc xác minh. Trong hai tháng điều tra, nhà chức trách phát hiện Chung đã liên tục thay đổi chỗ ở, sử dụng gần 100 sim điện thoại nhằm che giấu tung tích. Ngày 25/10 Chung ra đầu thú, khai gây ra vụ giết người tại thôn Me. Chung sau đó đã bị khởi tố, bắt giam. Bố anh ta cũng bị bắt do khống chế vợ không cho lộ ra chuyện con trai gây án từ 10 năm trước.
Cục trưởng Cục điều tra VKSND Tối cao Vũ Đăng Khoa cho biết các nội dung liên quan vụ án giết người, cướp tài sản nghi do Chung gây ra sẽ được chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý. Còn Cục sẽ điều tra những sai phạm trong tố tụng khi giải quyết vụ án của ông Chấn, nếu có.
Ông Chấn bị tòa phúc thẩm kết tội như thế nào?
Ngày 27/7/2004, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xem xét đơn chống án kêu oan của ông Chiến, thẩm phán Phạm Tuấn Chiêm làm chủ tọa. Cấp phúc thẩm xác định, 22h ngày 15/8/2003, nghe tiếng trẻ con khóc trong nhà chị Hoan, mẹ chị sang thì phát hiện xác con gái với nhiều vết đâm trên người. Tại hiện trường, nhà chức trách ghi nhận có nhiều mảnh thủy tinh vỡ (được xác định là vỏ chai bia), thấy lưỡi dao bấm rơi cạnh xác nạn nhân. Trên nền nhà có nhiều dấu chân trần dính máu....
Cơ quan điều tra xác định kích thước vết chân của Nguyễn Thanh Chấn cho thấy: "Bàn chân trái của Chấn gần đúng với vết chân bỏ lại hiện trường".
Theo bản án, ngày 28/9/2003, ông Chấn đến cơ quan điều tra tự thú và khai nhận là người giết chết chị Hoan. Ngày 30/10/2003, cơ quan điều tra đã cho Chấn thực nghiệm hiện trường kết quả Chấn thực hiện thành thạo các động tác giết chị Hoan và phù hợp với lời khai, dấu vết tại hiện trường.
Bản án phúc thẩm cho biết, tại cơ quan điều tra, ông Chấn khai gia đình có quán bán tạp hóa gần sân bóng thôn Me. Khoảng 19h ngày 15/8/2003, ông Chấn dùng xe đạp chở hai thùng nhựa màu trắng (loại thùng đựng sơn) sang nhà chị Viễn cuối sân bóng để xin nước về bán hàng. Thấy cửa sau nhà chị Nguyễn Thị Hoan (39 tuổi, cách cửa hàng khoảng 100 mét) mở, Chấn lẻn vào thì thấy đứa trẻ 16 tháng tuổi đang chơi trên gường, chị Hoan đứng trước tủ quần áo. Chấn muốn quan hệ tình dục nhưng người phụ nữ không đồng ý, cầm vỏ chai bia chống cự.
Trong lúc giằng co, Chấn quật ngã chị Hoan ngã xuống đất, rút con dao bấm dài 10 cm đâm nhiều nhát. Che gối lên xác chị Hoan, Chấn ra về rửa máu dính ở quần áo. Đến 21h cùng ngày, sau khi ăn cơm xong Chấn ra quán trông hàng cho vợ.
Cho rằng trong quá trình điều tra bị can đã nhận dạng được hung khí gây án cùng các tang vật chứng, dấu vết để lại hiện trường phù hợp với hành vi phạm tội, tòa phúc thẩm đã tuyên bác kháng cáo, y án sơ thẩm với ông Chấn về tội Giết người.
Theo Xahoi
10 năm tù oan: "Tôi phải tập diễn cảnh gây án" Ông Chấn cho biết, mình bị cán bộ điều tra bắt luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra. Ông được điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường. Vì sao cho rằng mình không có tội nhưng quá trình điều tra, ông Nguyễn Thanh Chấn lại nhận tội? - Đây là câu hỏi...