Vụ án oan 10 năm: Hung thủ gây án khi mới 15 tuổi
Đối tượng Lý Nguyễn Chung (SN 1988) giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan vào ngày 15/8/2003, khi Chung mới 15 tuổi. 10 năm qua, khi ông Chấn phải chịu tù oan, Chung đã lẩn trốn khắp nơi và hiện có hộ khẩu thường trú tại huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc
Tại cuộc họp báo sáng nay (5/11) ở trụ sở Cơ quan VKSND Tối cao (số 44 Lý Thường Kiệt – Hoàn Kiếm – Hà Nội), ông Nguyễn Việt Hùng – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND Tối cao cho biết, ngay sau khi vào cuộc làm rõ về những dấu hiệu về bản án tù chung thân là oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, VKSND Tối cao đã ra quyết định kháng nghị tái thẩm và tạm đình chỉ thi hành án đối với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn với tội “giết người” vào ngày 4/11.
Cũng theo thông báo từ người phát ngôn, vào ngày 25/10/2013 đối tượng Lý Nguyễn Chung (sinh năm 1988 tại Nhượng Ban – Lộc Bình – Lạng Sơn); nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và chỗ ở tại thôn Đoàn Kết, xã EaKa Mút, huyện EaKar, tỉnh Đắc Lắc đã đến đầu thú tại cơ quan điều tra VKSND Tối cao về hành vi “giết người” và “cướp tài sản” đối với nạn nhân Nguyễn Thị Hoan, chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, VKSND đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 17/QĐ-VKSTC-C6 ngày 29/10/2013 với tội danh “giết người” và “cướp tài sản” đối với bị can Lý Nguyễn Chung.
Ông Nguyễn Thanh Chấn, người bị tù oan hơn 10 năm nay đã được trả tự do để các cơ quan pháp luật làm rõ vụ án giết người năm 2003 tại địa phương ông.
Ngay sau khi bắt giữ hung thủ vụ án, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao cũng đã ra Quyết định bắt khẩn cấp đối với Lý Văn Chúc (Bố của Lý Nguyễn Chung, sinh năm 1950) về hành vi đe doạ giết bà Nguyễn Thị Lành (nhân chứng vụ án) và Quyết định tạm giữ hình sự đối với Lý Văn Chúc để phục vụ điều tra, làm rõ.
Theo cáo trạng của vụ án, cách đây hơn 10 năm, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Theo kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, nạn nhân bị nhiều vết thương ở đầu, mặt, bụng làm đứt động mạch, chảy máu và mất máu cấp dẫn tới tử vong.
Cơ quan điều tra, truy tố, xét xử khi đó đều cho rằng ông Nguyễn Thanh Chấn là người phạm tội. Bị kết tội trong cả 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, ông Nguyễn Thanh Chấn phải đi tù thay vì hung thủ thực sự vụ án nghiêm trọng được xác định sau đó là Lý Nguyễn Chung.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của VKSND Tối cao tại buổi họp báo sáng 05/11.
Video đang HOT
Theo thông tin công bố tại buổi họp báo, trong quá trình ở trại giam, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có nộp đơn kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan. Nội dung đơn cho rằng thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
Đến ngày 5/7/2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) đã có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra VKSND Tối cao. Ngay sau khi nhận được đơn, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã tổ chức 3 đoàn đi xác minh, lần theo chỗ ở và tại Bắc Giang nơi bố mẹ ruột đối tượng sinh sống.
Trong quá trình tìm hiểu, điều tra để tiếp cận hung thủ chính của vụ án này, đã rất nhiều lần cán bộ điều tra VKSND Tối cao gặp khó khăn do bị can Chung đã liên tục thay đổi số điện thoại và liên tục thay đổi chỗ ở, cũng như di chuyển khắp nơi từ Đắk Lắk đi Quảng Ninh, sang Trung Quốc… sau đó, bằng sự thuyết phục của người thân, cuối cùng Chung đã chấp nhận ra đầu thú và khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào đêm 15/8/2003 để cướp tài sản.
Đến thời điểm này, VKSND Tối cao đã có quyết định khởi tố vụ án hình sự “Giết người” và “Cướp tài sản” theo luật hình sự đồng thời quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988).
PV Dân trí đặt câu hỏi về căn cứ cụ thể của việc kháng nghị tái thẩm và đình chỉ thi hành án đối với ông Chấn và việc ông Chấn có đơn kêu oan từ trong trại giam gửi cơ quan chức năng, VKSND Tối cao có nhận được? Bà Nguyễn Thị Yến – Vụ trưởng Vụ III trực tiếp trả lời tại buổi họp báo rằng, việc VKSND Tối cao ra quyết định kháng nghị tái thẩm và đình chỉ thi hành án được thực hiện dựa vào kết quả điều tra của Bộ Công an và tài liệu xác minh của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao, kèm việc thu thập thông tin theo đơn của bà Nguyễn Thị Chiến – vợ ông Chấn gửi cơ quan chức năng.
“Việc ông Chấn có đơn kêu oan từ trong trại giam là có nhưng không thấy gửi đến cơ quan của VKSND Tối cao mà là Văn phòng chính phủ hoặc các cơ quan khác không trực tiếp thụ lý giải quyết vụ việc. Trong vụ án VKSND Tối cao ra kháng nghị nhưng quyết định thuộc về Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao kết luận là ông Chấn có tội hay không có tội, bởi vụ án xảy ra đã lâu, khi đưa ra xét xử sẽ còn nhiều tình tiết được làm rõ” – bà Yến cho hay.
Cũng theo lời người phát ngôn VKSND Tối cao, chưa thể nói gì về việc bồi thường vì chưa có kết luận cuối cùng từ tòa án.
Sau khi có quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao, TAND tối cao sẽ xem xét lại bản án đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự tái thẩm do xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi bản chất của vụ án và đó sẽ là căn cứ để mở ra trình tự thủ tục tố tụng tiếp theo đối với vụ án.
Chánh án TAND tối cao đã quyết định đưa vụ án ra Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao để xét xử tái thẩm, tại phiên tòa mở vào ngày mai, 6/11/2013.
Quốc Đô
Theo Dantri
Người chịu án oan 10 năm sẽ được bồi thường khoảng 520 triệu đồng
"Cơ quan cuối cùng xác định ông Nguyễn Thanh Chấn là người có tội phải chịu trách nhiệm. Trong vụ án này, Tòa Tối cao đã xét xử phúc thẩm và vẫn xác định tội nên sẽ phải bồi thường" - luật sư Vi Văn Diện cho biết.
Hai ngày qua, dư luận cả nước đang xôn xao câu chuyện đau lòng về ông Nguyễn Thanh Chấn (52 tuổi, trú tại Việt Yên, Bắc Giang) - một công dân bị nhận án oan 10 năm tù vì cơ quan tố tụng tỉnh Bắc Giang bắt nhầm hung thủ trong một vụ án "giết người" cách đây hơn một thập kỷ.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật Thiên Minh, thuộc đoàn luật sư Hà Nội - cho rằng: " Rất may cho ông Nguyễn Thanh Chấn là không bị tuyên mức cao nhất, án tử hình. Nếu bị tuyên phạt tử hình thì đến thời điểm này, ông Chấn có được minh oan cũng không thể còn cơ hội được gặp lại người thân".
Theo lời luật sư Diện thì thông qua vụ án điển hình này, chúng ta vẫn có thể thấy được việc án oan, xử sai còn tồn tại nhưng cơ hội được phát hiện đưa ra "ánh sáng" như vụ ông Chấn thì không nhiều.
Luật sư Vi Văn Diện, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng TAND tối cao sẽ bồi thường khoảng 520 triệu đồng cho ông Nguyễn Thanh Chấn.
"Điều đáng bàn ở đây là những người tiến hành tố tụng, các cơ quan tiền hành tố tụng, từ địa phương đến trung ương, từ điều tra đến xét xử đều chưa thực sự khách quan khi nghiên cứu chuyên môn, nghiệp vụ và áp dụng pháp luật" - luật sư Diện nhận định.
Theo lập luận của luật sư thì nếu có án oan sai chứng tỏ chỉ là phán quyết một chiều, mang tính áp đặt. Khi có người kêu oan cũng bỏ ngoài tai, không cần xem xét, bằng mọi hình thức ép cho bằng được để hoàn thành nhiệm vụ vì người luôn kêu oan thì không thể họ nhận tội một cách tự nguyện được.
Luật sư cũng cho rằng, các bản khai do điều tra viên thực hiện với ông Nguyễn Thanh Chấn trong vụ án này mà ông ta đã ký nhận tội cần phải xem xét lại, nếu muốn nhận tội thay cho người khác thì người đó phải có ảnh hưởng hoặc quan hệ thế nào hoặc có huyết thống với người nhận tội.
Đối với bà Chiến vợ ông Chấn - đây là người phụ nữ, người vợ đặc biệt cần được xem xét tuyên dương, khen thưởng vì đã có công tích cực tố giác tội phạm, kiên trì trong việc kêu oan để cơ quan Nhà Nước có điều kiện xem xét lại, xác minh điều tra lại làm trong sạch bộ máy trong hệ thống cơ quan tố tụng, cũng như chứng minh được rằng đường lối pháp luật nhà nước ta rất khách quan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn - áo trắng, được minh oan trở về quê hương đoàn tụ gia đình tại Việt Yên - Bắc Giang ngày 04/11.
Việc bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường cho người bị oan được quy định tại Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội; và Thông tư liên tịch Số: 04/2006/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BQP-BTC hướng dẫn thi hành;
Đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, thuộc đối tượng được bồi thường và ông Chấn là người đang chấp hành hình phạt tù chung thân theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 1 của Nghị quyết này. Theo đó, Cơ quan giải quyết và có trách nhiệm bồi thường cho ông Chấn phải giải quyết nhanh, kịp thời, đúng trình tự theo quy định.
Theo luật sư Diện, việc xác định mức bồi thường do tổn thất tinh thần cho ông Nguyễn Thanh Chấn trước hết sẽ do các bên (ông Chấn và cơ quan có trách nhiệm bồi thường) tự thương lượng thỏa thuận. Tuy nhiên tại khoản 1, điều 5 Nghị Quyết 388 thì ông Chấn sẽ được bồi thường khoảng trên dưới 520 triệu đồng nếu tính từ ngày 29/9/2003 đến ngày 04/11/2013. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tính chi tiết từng tháng, 29 ngày hay 31 ngày, tiền lương tối thiểu của tháng chia ra để tính từng ngày thì chỉ được chia cho 22 ngày làm việc chứ không được chia cho tổng số ngày trong cả tháng.
Theo luật sư Vi Văn Diện thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là TAND Tối cao vì cũng theo quy định tại khoản 5 điều 10 Nghị Quyết 388 cũng như thông tư hướng dẫn thì Cơ quan cuối cùng xác định ông Chấn là người có tội thì phải chịu trách nhiệm, trong vụ án này TAND Tối cao đã xét xử phúc thẩm và vẫn xác định ông Chấn có tội.
Luật sư Dương Kim Sơn - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, khi có quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xác định ông Chấn không phạm tội thì Cơ quan chức năng liên quan cần phải tiến hành ngay việc bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự cho ông Chấn theo quy định của Pháp luật để ông Chấn sớm được minh oan và tái hòa nhập cộng đồng xã hội. Theo quy định tại Khoản 2 - Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, trong trường hợp Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì ông Nguyễn Thanh Chấn không thực hiện hành vi phạm tội giết người thì Toà án cấp phúc thẩm (Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội) tuyên ông Chấn có tội phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Chấn về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; tổn thất tinh thần; thiệt hại về vật chất do tổn hại sức khoẻ (nếu có). Ngoài việc bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Thanh Chấn, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ông Chấn nhận được bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định ông Chấn bị oan thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường còn phải khôi phục danh dự cho ông Chấn bằng cách xin lỗi, cải chính công khai tại địa phương nơi ông Chấn cư trú, buổi công bố lời xin lỗi, cải chính còn phải có sự có mặt của đại diện chính quyền, ngoài ra phải đăng tải công khai việc xin lỗi, cải chính trên ba số báo liên tiếp của một báo địa phương và một báo trung ương.
Quốc Đô
Theo Dantri
Người đàn ông đi tù oan hơn 10 năm sẽ được bồi thường ra sao? "Hiện tại chưa thể khẳng định mức bồi thường cho ông Nguyễn Thanh Chấn là bao nhiêu khi hai bên chưa có quyết định cuối cùng...", Luật sư Truyền cho hay. Liên quan đến vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (lĩnh án chung thân vì tội giết người) vừa được Viện KSND Tối cao trao quyết định trả tự do sau hơn 10 năm...