Vụ án Nguyễn Thanh Chấn: Xét xử Lý Nguyễn Chung có nhiều điểm bất thường
Tôi rất băn khoăn và rất ngạc nhiên về phiên toà cũng như trong suốt quá trình xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung. Một vụ án còn rất nhiều vấn đề nghi vấn và chưa làm hài lòng dư luận”- Ls Trần Minh Hùng
Nội dung vụ án có thể tóm tắt như sau: Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án về tội giết người, gia đình đi kêu oan nhiều lần. Thụ án được hơn 10 năm, ông Chấn được tuyên vô tội, do Lý Nguyễn Chung ra đầu thú nhận mình là hung thủ.
Phiên xét xử Lý Nguyễn Chung, có nhân chứng đứng ra khẳng định Chung vô tội, ông Chấn mới có tội với 14 lập luận. Lý Nguyễn Chung phủ nhận những lập luận có lợi cho mình, luật sư và người thân của Chung khẳng định Chung có tội, “mong tòa xử nhanh”. Nhiều nghi vấn chưa được làm rõ, tòa kết án Chung có tội, nhưng lại yêu cầu điều tra bổ sung… Vụ án này sẽ đi vào lịch sử tư pháp vì có quá nhiều điểm bất thường.
Sau khi kết thúc phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung, người ra đầu thú là hung thủ duy nhất trong vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn, nhiều luật sư đã tỏ quan điểm bất ngờ, băn khoăn về tình tiết, nội dung phiên xử cũng như bản án. Để góp một cái nhìn từ góc độ pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn luật sư TpHCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, tưởng rằng vụ án oan ông Nguyễn Thanh Chấn sẽ khép lại, nhưng những gì diễn ra tại phiên xét xử Lý Nguyễn Chung lại khiến nhiều người suy nghĩ. Luật sư có bình luận gì về kết quả xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung?
Tôi rất băn khoăn và rất ngạc nhiên về phiên toà cũng như trong suốt quá trình xét xử vụ án Lý Nguyễn Chung. Một vụ án còn rất nhiều vấn đề nghi vấn và chưa làm hài lòng dư luận. Tôi chưa thấy vụ án nào có nhiều điểm nghi vấn và lạ lung đến vậy. Từ hành vi nhận tội của bị cáo Chung, lời làm chứng của bà Hà….đều có nhiều điểm mâu thuẫn và khó hiểu nhưng tại buổi xét xử vẫn chưa được làm rõ nhưng lạ lùng là toà án vẫn tuyên án với kết quả rất khó hiểu và đặt ra nhiều câu hỏi cho người tham dự phiên toà và người dân cả nước theo dõi vụ án đỉnh điểm tố tụng này.
Tại phiên Toà cả luật sư bị cáo, cha mẹ bị cáo, bị cáo đều mong muốn phiên toà kết thúc sớm, trong khi bà Hà và luật sư bị hại lại đưa ra những tình tiết có lợi cho Chung nhưng Chung không thừa nhận và khăng khăng nhận tội và không muốn kéo dài làm rõ nhiều tình tiết càng đặt ra nhiều vấn đề đa nghi cho dư luận.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được tạm tha, ai cũng tưởng rằng vụ án đã kết thúc có hậu (ảnh NLĐ)
Vụ án khá bất ngờ với 14 lập luận của nhân chứng mới, luật sư có nhận định gì về những lập luận này?
Quan điểm của tôi cho rằng bà Nguyễn Thị Thu Hà không phải là nhân chứng trong vụ án này. Vì những lập luận của bà Hà không có căn cứ và bà Hà không có chứng cứ để chứng minh cho những lập luận này. Lời khai và lập luận của Bà Hà không có căn cứ pháp lý và không đáng tin cậy. Vì khi toà hỏi “những căn cứ nêu trên có chứng cứ gì không?”, bà Hà cho biết bà không có chứng cứ gì, không ghi âm, ghi hình được mà chỉ nghe nói vậy. …
Với tình tiết tòa hỏi về “lá đơn thú tội của ông Nguyễn Thanh Chấn được kèm với đơn bà Hà gửi tòa lấy ở đâu, bà Hà trả lời lấy từ gia đình bị hại”, theo luật sư nên đánh vấn đề như thế nào?
Thực tế lá đơn này chỉ chỉ có cơ quan tố tụng có nhưng có thế vì nhiều lý do nào đó mà bà Hà xin được. Tuy nhiên, việc bà Hà nói xin được của một người nhà bị hại theo tôi câu trả lời này không đáng tin cậy. Tiếc là chúng tôi không được theo dõi trực tiếp phiên tòa nên không biết Tòa có truy đến cùng nguồn gốc của lá đơn. Đó là vấn đề có thể tháo gỡ nhiều nghi vấn.
Qua những tình tiết diễn ra tại phiên tòa, việc tòa vẫn kết tội Lý Nguyễn Chung và yêu cầu tiếp tục điều tra bổ sung, cho thấy vấn đề gì?
Tòa tuyên bị cáo Lý Nguyễn Chung 12 năm tù và bồi thường tổn thất cho gia đình nạn nhân gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, cuối phần tuyên án Chủ tọa phiên tòa lại tuyên bố: “HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh mở rộng vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm”.
Video đang HOT
Vậy thì Tòa đã xác định như thế nào để đi đến kiến nghị rất mâu thuẫn và khó hiểu này. Đó là điều dư luận và mọi người cũng như tôi quan tâm đến vụ án kỳ lạ này đang rất băn khoăn và thấy khó hiểu. Như vậy tình tiết của vụ án có nhiều điểm mâu thuẫn chưa điều tra làm rõ nhưng vẫn kết án theo tôi là không bảo đảm sự thật khách quan của vụ án. Quan điểm của tôi cho rằng không thể buộc tội khi chứng cứ và lời khai của bị cáo và các bên liên quan còn mâu thuẫn. theo quy định pháp luật tố tụng hình sự thì không thể dùng lời khai nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất mà phải chứng minh bằng nhiều nguồn chứng cứ khác. Do vây tôi chưa hài lòng với phiên toà cũng như quá trình tố tụng của vụ án này.
Cảm ơn luật sư!
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Ls TpHCM): Có nhiều điểm bất thường
Tôi nhận thấy có nhiều điểm bất thường tại phiên tòa này, những điểm bất thường và bất hợp lý liên quan đến nội dung vụ án, thì các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại cũng đã chỉ ra.
Qua theo dõi thông tin qua báo chí tường thuật trực tiếp tại phiên tòa, tôi thấy sự phản ứng của người nhà bị cáo là hơi bất thường. Bởi, cha bị cáo không chứng kiến trực tiếp việc con mình giết nạn nhân, thì không có cơ sở gì để khẳng định nhiều lần và quyết liệt rằng, con mình là “hung thủ” duy nhất hạ sát nạn nhân, trong khi đó, quan điểm của luật sư và nhân chứng là đang theo hướng có lợi cho bị cáo. Giả sử, Lý Nguyễn Chung là hung thủ đi chăng nữa, thì việc tìm ra thêm một đồng phạm, cũng là cơ sở để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo hơn nữa, vì khi đó sẽ có sự phân hóa trách nhiệm hình sự.
Điểm bất thường nữa, là Hội đồng xét xử xét thấy cần làm rõ một số tình tiết do luật sư và nhân chứng đưa ra, thì lẽ ra phải trả hồ sơ điều tra bổ sung, chứ không phải vừa không chấp nhận trả hồ sơ điều tra bổ sung, vừa kiến nghị điều tra mở rộng vụ án. Theo tôi, việc kiến nghị điều tra mở rộng cũng có thể xảy ra, nhưng phải là điều tra một vấn đề khác độc lập với hành vi phạm tội của bị cáo trong vụ án, tức không ảnh hưởng đến tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của bị cáo. Còn vụ án này, theo tôi không có vấn đề nào độc lập để tách ra điều tra mở rộng một cách độc lập cả, bởi vụ án này chỉ có hai hành vi “giết người” và “cướp của” liên tục với nhau. Do vậy, nếu sau này phát hiện thêm đồng phạm hay chứng minh được Lý Nguyễn Chung vô tội thì cũng đều ảnh hưởng đến hình phạt đã tuyên với bị cáo.
Theo Infonet
Án oan Nguyễn Thanh Chấn: Cần hết sức thận trọng
Sau 3 ngày xét xử và nghị án, sáng 23-7, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Lý Nguyễn Chung 12 năm tù về hành vi giết người xảy ra tại thôn Me.
Đây là vụ án liên quan đến vấn đề oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn gây xôn xao dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình diễn biến sự việc, có thể nói, lịch sử tố tụng Việt Nam chưa bao giờ có vụ án nào xuất hiện những tình tiết kỳ lạ như vụ án này. Hơn mười năm, trải qua nhiều vòng tố tụng, vụ án đã đưa các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như dư luận xã hội đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nhân chứng xuất hiện ở phút 89
Sau khi Lý Nguyễn Chung ra đầu thú và ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan bằng một bản án có hiệu lực của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao, không ai còn mảy may nghi ngờ gì về tính xác thực của vụ án.
Vấn đề còn lại là, dư luận đang mong chờ các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm đưa vụ án ra xét xử và có một bản án nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội của Lý Nguyễn Chung - kẻ được cho là đã ra tay sát hại chị Nguyễn Thị Hoan từ hơn 10 năm trước.
Phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung
Thế nhưng, trước ngày vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2, nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà bất ngờ xuất hiện với những lời khai chấn động dư luận. Theo đó, bà Hà khẳng định, chính ông Nguyễn Thanh Chấn mới là thủ phạm giết chị Hoan, còn Lý Nguyễn Chung chỉ là "vật thế mạng".
Để chứng minh cho nội dung tố cáo của mình, tại phiên toà sơ thẩm ngày 22/7, bà Hà đã nêu ra 14 căn cứ để khẳng định Lý Nguyễn Chung không phải là thủ phạm.
Theo đó, xuất phát từ việc được nghe chị Hoan kể lại chuyện có quan hệ tình cảm với ông Chấn, sau đó nảy sinh mâu thuẫn nên ông Chấn mới đòi chị Hoan 2 triệu đồng tiền công chở phân bón cho cửa hàng chị. Vì không có tiền nên chiều 15/8/2003 chị Hoan phải mang dây chuyền và hai chiếc nhẫn đi cầm cố cho bà để lấy tiền trả ông Chấn, đến tối hôm đó thì chị Hoan bị giết.
Cũng theo bà Hà, trước khi chết, chị Hoan nói với bà rằng, tay ông Chấn bị gãy là do khi xếp phân bón giúp nhà chị, đống phân bị ngã đổ, đè lên làm gãy tay, chứ không phải bị cơ quan công an đánh đập như lời ông Chấn nói.
Điều đáng kinh ngạc hơn là bà Hà khẳng định, việc ông Chấn được giải oan là do được dàn xếp chứ ông Chấn không vô tội. Theo bà Hà thì bà Hải (người giúp gia đình ông Chấn kêu oan) đã tiết lộ, sau khi giải oan cho ông Chấn, bà Hải được nhận 30% trên tổng số tiền bồi thường mà ông Chấn nhận được.
Ngoài ra, bà Hà cũng cho rằng, được bà Chỉnh ở gần nhà Chung cho biết, sau khi vụ án xảy ra, Lý Nguyễn Chung vẫn ở tại nhà, một thời gian sau đó mới rời khỏi địa phương...
Thật khó có thể tưởng tượng, trong một vụ trọng án đình đám, xôn xao dư luận, lại có một người dám đứng ra làm chứng, tố cáo sự việc với những lời khai chấn động như thế.
Ở đây tạm thời cứ cho là, những lời khai này của bà Hà chưa được chứng minh bằng những chứng cứ xác thực, nhưng sự lý giải chi tiết, cụ thể của nó trong từng bối cảnh, từng tình tiết của vụ án, không khỏi đem lại cho người khác một cảm giác băn khoăn...
Tại sao bà Hà lại bất chấp tất cả những nguy hiểm, thị phi để kiên quyết tố cáo ông Chấn là hung thủ? giữa gia đình ông Chấn với bà Hà có mâu thuẫn hay có mối thâm thù gì?
Tại sao bà Hà lại khẳng định đây là một vụ "dàn xếp" mà không phải là một lý do nào khác? Còn nữa, việc bà Hà khai bà Hải giải thích, sở dĩ không cho Lý Nguyễn Chung ra đầu thú sớm là để tránh cho người thân khỏi bị truy cứu về hành vi che giấu tội phạm. Vậy, liệu một người dân bình thường, họ có biết những vấn đề chuyên môn sâu về pháp luật như thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hơn nữa, xét về mặt nội dung của thông tin, thì đây không phải là chứng cứ trực tiếp tố cáo ông Chấn, mà nó như một câu chuyện tình cờ trong lúc nói chuyện giữa bà Hải và bà Hà. Vậy, nếu không có câu chuyện tình cờ đó, thì bà Hà bỏ công ra nghiên cứu pháp luật, tìm hiểu vấn đề thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự để dựng lên câu chuyện với mục đích gì?
Bao lâu những câu hỏi này chưa được làm rõ, chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng thì người ta hãy còn băn khoăn về tính xác thực của vụ án này.
Có phải tất cả lời khai của bà Hà đều vô căn cứ?
Mặc dù chỉ tiếp cận tin tức vụ án qua báo chí, nhưng dưới góc độ đánh giá chứng cứ, chúng tôi cho rằng, lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Hà, ít nhất có 3 điểm phù hợp với thực tế khách quan của vụ án và đáng để cơ quan tố tụng tiếp tục điều tra làm rõ.
Thứ nhất là thời điểm Lý Nguyễn Chung rời khỏi địa phương. Theo lời khai của nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà thì bà có nghe bà Chỉnh (gần nhà Chung) kể lại, sau khi vụ án xảy ra, một thời gian sau Chung mới đi khỏi địa phương chứ không phải bỏ trốn ngay lúc đó.
Tại phiên toà, bà Hội, ông Chúc và bà Lành đều xác nhận, ở thôn Me có người tên Lê Thị Chỉnh. Lời khai này cũng phù hợp với chứng cứ là giấy tạm trú, tạm vắng năm 2004 của Chung thể hiện địa phương nơi ở là Bắc Giang.
Thứ hai, cùng với việc tố cáo ông Chấn là hung thủ, bà Hà cũng đã xuất trình được một chứng cứ quan trọng đó là " Đơn nhận tội" của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Thứ ba, Hai chiếc nhẫn mà các cơ quan tố tụng cho rằng Lý Nguyễn Chung đã cướp của người bị hại sau khi thực hiện hành vi giết người, bà Hà khẳng định, chị Hoan đã cầm cố cho bà trước đó, nên tại thời điểm xảy ra vụ án không thể còn 2 chiếc nhẫn. Tang vật này của vụ án đã không được cơ quan điều tra thu giữ nên đây là vấn đề còn bỏ ngỏ.
Bất thường từ thái độ của bị cáo và gia đình
Luật sư Hồ Ngọc Diệp
Có thể nói, phiên tòa xét xử Lý Nguyễn Chung là một phiên tòa hết sức kỳ lạ. Bởi lẽ, trong khi người làm chứng một mực khẳng định bị cáo không phải là người thực hiện hành vi phạm tội, thì chính bị cáo cũng như gia đình và luật sư bào chữa cho bị cáo lại cương quyết nhận tội và mong tòa xử nhanh, xử sớm.
Về phương diện tâm lý, những biểu hiện này là hết sức bất thường. Cứ cho rằng, vì sự cắn rứt lương tâm nên Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú. Và một khi đã đầu thú rồi thì mong toà xét xử nhanh để chấp hành án, nhằm sớm trở về đoàn tụ với gia đình.
Tuy nhiên, đã là tội phạm thì khó có tâm lý "nóng lòng" và "mong đợi" được nhận tội như thế. Mặt khác, nếu thực sự bị cáo phạm tội thì hãy để cơ quan bảo vệ pháp luật xem xét hành vi của mình, việc gì bị cáo phải tham gia tranh luận theo kiểu "Bị cáo nghe buồn cười.
Bị cáo không biết bà Hải là ai, sao bà Hải lại dàn xếp cho bị cáo ra đầu thú" để nhất quyết giành lấy "phần thắng", giành lấy tội trạng về mình?
Cũng như thế, ông Lý Văn Chúc (bố bị cáo) người được cho là, trước đây đã kiên quyết giấu nhẹm hành vi phạm tội của bị cáo. Thậm chí còn nghiêm cấm bà Lành (mẹ kế bị cáo) không được khai ra bất kỳ một manh mối nào, nếu Chung bị bắt thì ông sẽ tự sát, thì tại phiên toà lại mong toà án "xử càng nhanh càng tốt, đúng người đúng tội chứ không phải nghe ai cả".
Quả thật, đây là những điều hết sức vô lý. Nhưng nếu đặt nó trong tương quan với những gì nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà trình bày thì nó lại trở nên hợp lý.
Vì vậy, các cơ quan tố tụng cần phải hết sức thận trọng khi xem xét đánh giá về vụ án này. Trước hết, không thể dựa vào việc bà Hà không đưa ra được chứng cứ để cho rằng lời khai của bà là suy diễn, chủ quan. Bởi lẽ, chứng cứ là do cơ quan điều tra thu thập từ nhiều nguồn, trong đó có lời khai của người làm chứng.
Tuy nhiên, trong vụ án này, bà Hà không có mặt từ giai đoạn điều tra mà chỉ mới xuất hiện và tham gia ở giai đoạn xét xử. Vì vậy, tất cả những lời trình bày của nhân chứng chưa được cơ quan điều tra tiến hành xác minh làm rõ cũng như chưa tiến hành việc đối chất giữa bà Hà với những người khác như bà Hải, bà Chỉnh...nên không thể cho rằng, đó là những lời khai không có cơ sở hay không có căn cứ.
Ngoài ra, việc HĐXX xác định, vụ án còn một số tình tiết quan trọng, chưa được làm rõ như, đôi dép bị cáo đi khi gây án không thu giữ được, bộ quần áo bị cáo mặc khi gây án đã biến mất, vết màu nâu để lại trên cánh cửa hộc nhà chị Hoan chưa xác định được... nhưng lại không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà vẫn tuyên phạt Lý Nguyễn Chung 12 năm tù và kiến nghị cơ quan điều tra tiến hành điều tra xác minh mở rộng vụ án là chưa phù hợp với quy định tại Điều 179 BLTTHS.
Chúng tôi cho rằng, thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã phải trả một cái giá quá đắt cho vụ án này, từ tiền bạc, con người cho đến niềm tin ... Vì vậy, sự thận trọng, cân nhắc trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử lại vụ án cần phải được đặt lên hàng đầu. Tất cả những gì còn băn khoăn, nghi ngờ đều phải được làm rõ. Nếu sau khi đã làm rõ mà vẫn không có căn cứ xác định ông Chấn phạm tội như lời tố cáo của bà Hà thì việc xác định Lý Nguyễn Chung là thủ phạm gây ra vụ án sẽ vững chắc và mang tính thuyết phục hơn.
Luật sư Hồ Ngọc Diệp - Đoàn luật sư TP.HCM
Theo_Người Đưa Tin
Lý Nguyễn Chung bị tuyên phạt 12 năm tù 9 giờ 30 phút sáng ngày 23.7, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Lý Nguyễn Chung (27 tuổi, ngụ tại xã Eaka Mút, H.Eakar, tỉnh Đắk Lắk) 12 năm tù giam về tội Giết người, 2 năm tù về tội Cướp tài sản. Tổng hợp hình phạt mà bị cáo Lý Nguyễn Chung phải chấp...