Vụ án ‘mổ bướu, liệt chân’
Từng là chủ doanh nghiệp, có nhà mặt tiền, giờ đây sau 8 năm đi ‘ mổ bướu’, ông Nguyễn Văn Nghệ không những đã liệt mất đôi chân mà hành trình chạy chữa cũng ngốn luôn hết gia sản.
Ông Nghệ với hoàn cảnh bi đát sau khi phẫu thuật – Ảnh: Lê Nga
Sau khi Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm của TAND TP.HCM tuyên hủy án sơ thẩm vì phát hiện ra TAND Q.10 đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chúng tôi quyết định đi tìm ông Nguyễn Văn Nghệ, người đã phát đơn kiện một bác sĩ (BS) từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy để đòi lại công bằng vì cho rằng đã khiến ông liệt chân và tán gia bại sản.
Liệt chân
Ông Nghệ trước đây là chủ DNTN tư nhân Minh Phong, sản xuất nước khoáng đóng chai nhãn hiệu Model và Olympic.
Còn những ngày đầu tháng 9 này, sau khi chúng tôi vất vả thuyết phục và được ông đồng ý tiếp xúc, thì trước mắt chúng tôi là một người đàn ông ngồi xe lăn đầy mặc cảm. “Từ thắt lưng trở xuống mất dần cảm giác và liệt hẳn. Hai chân cứ va chạm là bầm tím, còn móng chân thì, chị thấy đó, lúc nào cũng tụ máu bầm đen và bị thối”, ông Nghệ chỉ vào đôi chân bị liệt nói.
Trước đây ông Nghệ có căn nhà mặt tiền đường số 10, phường Linh Trung, quận Thủ Đức diện tích 135 m2, bây giờ vợ chồng ông đang tá túc trong căn nhà 49 m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở Thủ Đức, DNTN sản xuất nước khoáng đóng chai cũng đã bán. “Vào lúc bi đát nhất, tôi phải chạy tới, chạy lui nuôi anh Nghệ trong bệnh viện, 3 đứa con nhỏ nheo nhóc, không còn vay mượn được ai, chúng tôi đành phải thế chấp căn nhà này cho ngân hàng, vay 500 triệu đồng để thuốc thang, sinh sống. Đến nay vẫn chưa trả được”, vợ ông Nghệ cho biết hoàn cảnh của mình.
Còn ông Phan Đăng Sơn, người đại diện cho ông Nghệ trong vụ án chưa có tiền lệ này thì cho biết: “Tinh thần của Nghệ bây giờ rất khủng hoảng và còn có ý định sẽ tìm đến tận bệnh viện mổ ông để tự thiêu”.
Ông Nghệ được chẩn đoán khối u mỡ bẩm sinh ở vùng thắt lưng. Năm 2005 thì bắt đầu có cảm giác tê, mỏi chân phải nên tìm đến BS Võ Xuân Sơn thăm khám. Nhưng qua hai lần mổ thì chân của ông bị liệt hẳn. Hội đồng giám định y khoa TP.HCM xác nhận ông mất 85% sức lao động. Nhiều lần khiếu nại không thành, ông kiện BS Sơn ra tòa đòi bồi thường thiệt hại sức khỏe hơn 2,6 tỉ đồng, nhưng xử sơ thẩm TAND Q.10 chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của ông Nghệ. Sau đó, cả ông Nghệ và BS Sơn đều kháng cáo.
‘Không có lỗi’
Video đang HOT
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm 4.9, HĐXX thuyết phục hai bên hòa giải. Đại diện của ông Nghệ bày tỏ mong muốn kết thúc sớm vụ án nên chỉ đề nghị phía BS Sơn hỗ trợ 250 triệu đồng. Tuy nhiên, đại diện cho BS Sơn chỉ đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng với điều kiện ông Nghệ xác nhận BS Sơn không có lỗi và rút đơn khởi kiện. Nếu ông Nghệ chấp nhận thêm việc “xin lỗi bác sĩ Sơn” thì BS Sơn đồng ý hỗ trợ 130 triệu đồng.
Do hòa giải không thành nên tòa tiếp tục xét xử. Trình bày yêu cầu kháng cáo, ngoài khoản tiền mà tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận, phía ông Nghệ yêu cầu tòa buộc BS Sơn bồi thường thêm các khoản: tiền ăn, tiền thuê người chăm sóc, nuôi dưỡng, tổn thất tinh thần và trả lại chi phí 2 lần BS Sơn phẫu thuật thất bại… tổng cộng khoảng 1,3 tỉ đồng.
Phía BS Sơn không chấp nhận yêu cầu này và khẳng định không có lỗi, làm đúng quy trình và dẫn chứng: Công văn 996 (ngày 5.3.2012) của Sở Y tế TP.HCM xác định trường hợp này có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ bướu mỡ và gỡ dính. Hội đồng khoa học công nghệ của Sở Y tế TP.HCM cũng nêu: “…bệnh của ông Nghệ là bệnh lý bẩm sinh thoát vị tủy – màng tủy do bướu mỡ có biến chứng thần kinh liệt 1/3 chân. Bệnh không khỏi vì không thể cắt bỏ toàn bộ bướu mỡ và do khả năng tái sinh của bướu mỡ”. Công văn 30/SYT-Ttra (ngày 7.1.2011) của Sở Y tế gửi Thanh tra Bộ Y tế xác nhận BS Sơn phẫu thuật cho ông Nghệ là “hoạt động đúng phạm vi chuyên môn, thực hiện phẫu thuật đúng quy trình có đầy đủ các xét nghiệm cận lâm sàng theo quy định”.
Phản ứng lại, đại diện của ông Nghệ cho rằng: “Các xét nghiệm cho thấy khối u của ông Nghệ là khối u lành tính, ông Nghệ đã sống chung với khối u này 40 năm qua không có vấn đề gì và không biết thời gian cũng như không thể chắc chắn rằng 10 năm hay lâu hơn ông Nghệ mới bị liệt. Nhưng sau 2 lần mổ ông Nghệ bị liệt là một thực tế”.
3 bản án
Bảo vệ quyền lợi cho BS Sơn, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong vụ án này có đến 3 bản án sơ thẩm khác nhau. Cụ thể, án tuyên tại tòa khác với án văn giao cho đương sự và khác với bản án có trong hồ sơ vụ án. Trong đó, thành phần HĐXX giữa các bản án khác nhau, số tiền bồi thường cũng khác nhau. Đặc biệt, số tiền bồi thường trong phần nhận định và phần quyết định của một bản án không khớp nhau và ba bản án có ba số tiền khác nhau…
“Bản án tuyên tại tòa buộc BS Sơn bồi thường 44,2 triệu đồng (mất thu nhập và tiền công chăm sóc) và hỗ trợ cho ông Nghệ 850.000 đồng (không quy định từ thời điểm nào đến thời điểm nào). Bản án giao cho bị đơn tuyên bác sĩ Sơn bồi thường 57,380 triệu đồng (mất thu nhập và tiền công cho người chăm sóc) và bồi thường chi phí hợp lệ cho người chăm sóc mỗi tháng là 430.700 đồng (không tuyên thời hạn bồi thường là bao lâu). Trong khi đó, bản án lưu trong hồ sơ có nội dung mâu thuẫn. Trong phần xét thấy số tiền bồi thường nâng lên 61,938 triệu đồng nhưng phần quyết định thì số tiền bồi thường lại là 57,380 triệu đồng và tiền công chăm sóc mỗi tháng là 861.400 đồng/2 = 430.700 đồng”, luật sư Đức phân tích và đề nghị hủy án để xét xử lại.
Theo HĐXX, những sai sót mà luật sư nêu là những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên tòa phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ bản án để xét xử lại. Do có những vi phạm về mặt thủ tục nên HĐXX không xét đến nội dung vụ án.
Như vậy, sau nhiều năm trôi qua, tranh chấp giữa bệnh nhân và BS vẫn chưa có hồi kết.
‘Thừa nhận bác sĩ không có lỗi’ Trong một diễn biến khác, sau khi phiên tòa kết thúc hai bên đã có buổi gặp gỡ, thương lượng hòa giải với nhau ngoài tòa án nhưng vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Phía BS Sơn vẫn yêu cầu ông Nghệ phải làm đơn thừa nhận BS Sơn không có lỗi và số tiền hỗ trợ có cao hơn một chút so với con số phía BS Sơn đưa ra tại tòa.
Theo TNO
Bệnh nhân bị liệt đòi bác sĩ bồi thường 2,6 tỷ đồng
Cho rằng sau khi bác sĩ phẫu thuật khiến mình bị liệt hai chân không còn khả năng lao động, ông Nghệ kiện đòi bồi thường 2,6 tỷ đồng. Không muốn kéo dài vụ án ông này chấp nhận mức hỗ trợ chỉ 150 triệu nhưng không được bác sĩ chấp thuận.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Nghệ (53 tuổi) là giám đốc một cơ sở sản xuất nước khoáng với cơ ngơi khang trang ở mặt tiền đường tại quận Thủ Đức, TP HCM. Nhưng cuộc sống gia đình ông rơi vào cảnh khốn khó kể từ khi ông bị liệt nửa người sau phẫu thuật cắt khối u mỡ.
Do không còn khả năng lao động, lại nằm một chỗ, việc kinh doanh bị phá sản, ông Nghệ phải bán toàn bộ cơ ngơi chuyển vào hẻm nhỏ ở, để có tiền lo trang trải cuộc sống và điều trị bệnh. Vợ ông trước đó chỉ ở nhà lo chăm sóc gia đình, giờ lại trở thành trụ cột vật lộn với việc buôn bán để lo cho chồng con.
Sau khi phẫu thuật ông Nghệ bị liệt hẳn 2 chân không còn khả năng đi lại. Ảnh: PLTP HCM.
Theo đơn khởi kiện của ông Nghệ, ông bị một khối u nhỏ bẩm sinh ở cột sống, được một bệnh viện ở Sài Gòn chẩn đoán là khối u mỡ. Qua giới thiệu, ông tìm đến bác sĩ Sơn để được điều trị. Lúc gặp bác sĩ Sơn, ông Nghệ có cảm giác tê chân phải nhưng vẫn đi lại, làm việc bình thường.
Được bác sĩ Sơn giới thiệu, ông là một trong những "bác sĩ giỏi trong khu vực Đông Nam Á" về điều trị khối u. Đồng thời, ông cũng tư vấn nếu mổ, bệnh của ông Nghệ sẽ thuyên giảm còn không sẽ bị liệt. Tin tưởng vào khả năng chuyên môn của bác sĩ Sơn, ông Nghệ đồng ý để ông phẫu thuật cho mình.
Tháng 6/2005, ca phẫu thuật được tiến hành với chi phí là 14 triệu đồng. Sau mổ, ông Nghệ có triệu chứng suy yếu, có cảm giác tê liệt. Đến năm 2008, bác sĩ Sơn tư vấn và mổ cho ông lần 2 với chi phí 30 triệu đồng.
Sau lần mổ này, ông Nghệ tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ Sơn nhưng tình hình sức khỏe ngày càng xấu đi. Đến cuối năm đó, ông bị liệt hẳn hai chân và phải ngồi xe lăn, tiêu tiểu không chủ động được. Sau thời gian dài kiên trì điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ Sơn, đến cuối năm 2009, ông Nghệ mới dừng lại.
Sau khi tìm hiểu về bệnh trạng của mình, ông Nghệ cho rằng, bệnh của ông chỉ là một khối u lành tính, nhưng bác sĩ Sơn đã tư vấn không đúng với đánh giá của các nhà khoa học nên đã phẫu thuật, dẫn đến sức khỏe của ông suy giảm. Năm 2011, ông Nghệ kiện vị bác sĩ ra TAND quận 10, yêu cầu bồi thường các khoản chi phí phẫu thuật, thuốc men, tiền ăn, tiền thuê người chăm sóc, tổn thất tinh thần... tổng cộng là 2,6 tỷ đồng.
"Thực tế, chi phí cho việc mổ chỉ hết khoảng vài chục triệu đồng, nhưng chi phí điều trị thì vô cùng tốn kém. Anh ấy đã hơn 40 năm chung sống với khối u đó và làm việc bình thường. Nhưng không ngờ sau khi mổ anh Nghệ trở thành phế nhân sống phụ thuộc vào người khác", người anh họ của ông Nghệ giãi bày.
Hồi tháng 4, TAND quận 10 xử sơ thẩm buộc bác sĩ Sơn phải bồi thường cho ông Nghệ 57,3 triệu đồng; có trách nhiệm bồi thường chi phí hợp lệ do mất khả năng lao động (cần người chăm sóc) là hơn 430.000 đồng/tháng. Không đồng ý với phán quyết này, cả nguyên đơn và bị đơn sau đó đã kháng cáo.
Mới qua, TAND TP HCM mở phiên phúc thẩm, cả ông Nghệ và bác sĩ Sơn đều không đến tòa mà chỉ có người đại diện. Trình bày với HĐXX, người đại diện cho ông khẳng định, trước khi mổ ông vẫn chạy xe máy chở vợ con và đi làm bình thường. Nhưng sau khi phẫu thuật thì 2 chân bị tê liệt, không còn khả năng đi lại phải ngồi xe lăn và không thể tự chăm sóc được bản thân.
Còn đại diện của bác sĩ Sơn cho rằng, theo bệnh án và phác đồ điều trị, "bác sĩ Sơn đã thực hiện theo đúng quy trình". Việc bệnh nhân Nghệ bị liệt hai chân là do bệnh lý bẩm sinh chứ không phải do lỗi của bác sĩ. Đồng thời nguyên đơn không chứng minh được con số thiệt hại cụ thể nên bác sĩ Sơn chỉ có thể "tự nguyện hỗ trợ" cho ông Nghệ 30 triệu đồng.
Cho rằng, việc ông Nghệ bị liệt đều nằm ngoài mong muốn của cả phía bệnh nhân và bác sĩ, HĐXX đã dành khá nhiều thời gian để các đương sự hòa giải thỏa thuận với nhau về mức bồi thường trên tinh thần thiện chí ngay tại tòa. Sau khi hội ý và cân nhắc, đại diện theo ủy quyền của ông Nghệ cho biết, giờ hoàn cảnh của ông rất khó khăn, gia đình cũng không muốn kéo dài vụ án nên đồng ý hạ yêu cầu bồi thường xuống mức 200 triệu đồng. Song phía bác sĩ Sơn khẳng định "không hề có lỗi" nên chỉ có thể nâng mức hỗ trợ cho bệnh nhân lên 100 triệu đồng.
"Tạm gác lại chuyện bác sĩ có lỗi hay không, nhưng trước hoàn cảnh gia đình bệnh nhân Nghệ như vậy, phía bác sĩ có thể nâng mức hỗ trợ lên một chút nữa để toà ghi nhận sự thoả thuận của hai bên và chấm dứt vụ kiện trong êm đẹp được không?", vị thẩm phán hỏi đại diện của bác sĩ Sơn đồng thời đưa ra mức tham khảo 150 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi cân nhắc, đại diện cho bác sĩ Sơn khẳng định, mức hỗ trợ tối đa chỉ có thể là 130 triệu đồng nhưng kèm theo điều kiện "ông Nghệ phải xin lỗi bác sĩ Sơn và có xác nhận bằng văn bản rằng bác sĩ hoàn toàn không có lỗi" và chấm dứt việc kiện tụng. "Việc phía nguyên đơn khởi kiện đã gây mất uy tín và thiệt hại rất lớn không thể tính hết được đối với bác sĩ Sơn", đại diện của phía bị đơn cho biết và nhất quyết giữ nguyên quan điểm của mình.
Các bên không thể đi đến thống nhất, HĐXX buộc phải tiếp tục xem xét yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường số tiền 2,6 tỷ đồng của phía ông Nghệ. Song, do cấp sơ thẩm có nhiều sai phạm về mặt tố tụng nên HĐXX đã tuyên huỷ bản án, trả hồ sơ xét xử lại từ đầu.
Với phán quyết của tòa, dự kiến vụ kiện sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài nếu các bên vẫn không thể hòa giải.
Hải Duyên
Theo VNE
Yêu cầu làm rõ thu nhập của "nhóm lợi ích" Hôm nay 17.12, đoàn Thanh tra Bộ Y tế - đoàn được giao nhiệm vụ thanh tra, làm rõ những sai phạm tại Bệnh viện (BV) Răng Hàm Mặt T.Ư, bắt đầu làm việc với 8 thành viên (trưởng, phó các khoa, phòng của BV), là những người đứng đơn tố cáo sai phạm của Giám đốc BV Lâm Hoài Phương (Báo Thanh...