Vụ án: Kiều nữ và cú lừa hơn 150 tỉ đồng, Kỳ 3: RA NƯỚC NGOÀI TRUY BẮT CON BẠC TRIỆU ĐÔ
Chuyên án được thành lập với sự chỉ đạo trực tiếp từ đại tá Nguyễn Phi Hùng – Phó giám đốc CA tỉnh Đồng Nai, trưởng ban chuyên án cùng với các thành viên là trưởng phó phòng các đơn vị nghiệp vụ CA và nhiều trinh sát, điều tra viên dày dạn kinh nghiệm. Từ công tác trinh sát, nắm vững địa bàn và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa VN và các nước trong khu vực, Ban chuyên án nhanh chóng có được những thông tin liên quan đến việc “xuất ngoại” của Dương Thị Thanh Nhàn và vị giám đốc tài chính người Nhật.
Ông S. (quay lưng) làm việc với cơ quan điều tra
Ngày 2-6-2009, ban chuyên án đã thành lập một tổ công tác đặc biệt gồm: trung tá Bùi Thanh Sơn – Phó trưởng phòng CSĐTTP về TTXH; trung tá Lê Văn Hùng – Phó trưởng phòng CSĐTTP về KT; thượng tá Trần Văn Tiến… có mặt tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia. Với mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp, tổ công tác được trung tá Nui Kên, Trưởng phòng CSĐT TP về ma túy tỉnh Soài Riêng (Svayrieng) trực tiếp theo đoàn nhằm hỗ trợ việc xác minh truy tìm đối tượng. Ngoài ra, qua trung tá Kên, tổ còn được gặp trung tướng Ek Krét – Tổng cục phó Trung tâm tư pháp – Bộ nội vụ, ngài Thống tướng Net Sa Vươn – Tổng cục trưởng TCCS Hoàng Gia Campuchia để trình văn bản của lãnh đạo TCCS – BCA Việt Nam đề nghị nước bạn hỗ trợ việc xác minh, truy bắt các đối tượng liên quan trong vụ án. Được sự giúp đỡ của ngài Thống tướng và cảnh sát Hoàng gia Campuchia, từng khách sạn, casino tại Phnôm Pênh và các sân bay cửa khẩu đều được kiểm tra, thế nhưng bóng dáng Nhàn và ông S. vẫn mất hút.
Không nản chí, tổ công tác lần theo từng địa chỉ mà “kiều nữ” thường xuyên lui tới đánh bạc. Khai thác một đối tượng trước đây từng đi đánh bạc cùng Nhàn, các trinh sát xác định cô ta thường lựa chọn Naga casino làm nơi tiêu khiển. Từ thông tin này, tổ công tác và lực lượng cảnh sát Hoàng Gia Campuchia phối hợp triển khai lực lượng truy bắt. Thế nhưng, Dương Thị Thanh Nhàn đã rời khỏi khách sạn này trước đó hai giờ đồng hồ. Kết quả xác minh thể hiện trước đó từ ngày 6-4 đến 5-5 (2009), Nhàn có đến thuê phòng và đánh bài tại đây, sau đó trả phòng quay về Việt Nam. Tiếp đó, ngày 27-5-2009, cô ta quay lại thuê phòng 815 để nghỉ. Quá trình chơi bạc tại casino này, Nhàn thua một số tiền rất lớn, đến ngày 2-6-2009 thì hết sạch tiền. Nhàn đã phôtô hộ chiếu xin vay 150 USD để sử dụng cá nhân, ngay cả tiền phòng cô ta cũng chưa thanh toán cho khách sạn.
Từ những thông tin có được, Ban chuyên án nhận định Nhàn không còn tiền sinh hoạt và đánh bài nên khả năng thị sẽ tiếp tục lừa đảo các mối quan hệ để tiêu xài và trốn sang nước thứ ba. Mặt khác, đi cạnh Nhàn còn có một phụ nữ (chưa rõ lai lịch) nên công tác truy tìm hai đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Hơn một tuần ở nước bạn nhưng kết quả không như mong đợi, tổ công tác quyết định quay về Việt Nam.
Áp dụng hàng loạt các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án nhận được thông tin hết sức quan trọng là người thân của Nhàn thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại từ châu Âu gọi về. Như vậy rất có thể Nhàn đã rời khỏi Campuchia và sang châu Âu (Hà Lan). Bằng sự nhanh nhạy, bản lĩnh của người từng trực tiếp phá hàng ngàn vụ án phức tạp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, đại tá Nguyễn Phi Hùng cùng ban chuyên án khẳng định việc Dương Thị Thanh Nhàn trốn sang châu Âu là điều không tưởng. Việc sử dụng số điện thoại từ Hà Lan gọi về cho người thân chỉ là “kế nghi binh” của “kiều nữ” nhằm đánh lạc hướng sự điều tra của lực lượng công an.
Video đang HOT
Ngày 16-9-2009, Ban chuyên án nhận được thông tin Nhàn đang ở Macao (Trung Quốc) và hiện bị tạm giữ tại cục di trú xuất nhập cảnh vì tội nhập cảnh trái phép. Ngay sau đó, một tổ công tác khác đáp máy bay đến Macao với quyết tâm không để mất dấu Nhàn.
Vừa đáp xuống sân bay, tổ công tác phải đối mặt với những bất lợi. Nhưng với sự khéo léo, uyển chuyển đồng thời được Cục Di trú Macao nhiệt tình giúp đỡ, tổ công tác đã buộc Dương Thị Thanh Nhàn quay về Việt Nam. Khi chuyến bay của hãng hàng không VIVI – Macao đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Nhàn nhanh chóng bị bắt giữ theo lệnh truy nã.
Sòng bạc ở Macao, nơi “kiều nữ”… đốt tiền
Riêng đối với giám đốc S., từ khi sang Campuchia đến nay, ông ta chưa để lộ tung tích. Do hai đối tượng (Nhàn và S.) xuất cảnh sang đây bằng hai con đường khác nhau và lại không cùng thuê phòng tại khách sạn Naga, chứng tỏ ông S. qua Phnôm Pênh không phải để đánh bài hoặc bỏ trốn. Có thể ông ta phát hiện Nhàn đã lừa đảo và chiếm đoạt tiền nên qua đòi nợ. Khi không gặp, ông ta ở lại đây để trốn hoặc cố gắng tìm Nhàn. Theo lời khai của Nhàn: sau khi bỏ trốn, ông S. có điện thoại cho Nhàn và gặp nhau xong, hai người đã chia tay nên không biết ông ta đang ở đâu. Đến ngày 16-12-2009, Ban chuyên án nhận được nguồn tin “hôm sau, ông ta sẽ trở về Việt Nam” nên quyết định đón lõng đối tượng này tại sân bay Tân Sơn Nhất. Cuộc tình bốn năm giữa ông giám đốc và cô tiếp viên quán karaoke cũng là khoảng thời gian Nhàn lột xác trở thành bà chủ, rồi con bạc VIP tại các casino, để rồi cô ta đã nướng sạch hơn 150 tỉ đồng vào trò đỏ đen.
Tại cơ quan điều tra, ban đầu Nhàn tỏ ra ngoan cố, không nhận tội. Không những vậy, khi đang bị tạm giam Nhàn còn có biểu hiện móc nối với một số phạm nhân để thông cung ra ngoài. Chuyên án kết thúc, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội của hai đối tượng trong việc chiếm đoạt tài sản của công ty SY, các điều tra viên còn xác định nhiều thông tin hết sức quan trọng liên quan đến các hoạt động casino, trong đó phát hiện nhiều đối tượng đang bị truy nã tổ chức các trường gà, sòng bài bên nước bạn. Hàng ngày, hàng ngàn người đổ xô sang biên giới để sát phạt để rồi nhiều gia đình phải lâm vào cảnh nợ nần, tù tội. Qua đó gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những con bạc muốn đổi đời bên trong các sòng casino.
Với sự giúp đỡ của đại tá Nguyễn Phi Hùng – Phó giám đốc cùng các đơn vị chức năng CA tỉnh Đồng Nai, PV Báo CATP đã gặp gỡ Dương Thị Thanh Nhàn trong trại tạm giam CA tỉnh và phải “nổi da gà” với những “canh bạc triệu đô” mà cô gái này vung tay trên đất khách.
(Còn tiếp)
Theo Công An TP
Vụ án: Kiều nữ và cú lừa hơn 150 tỉ đồng ,Kỳ 2: SỰ MẤT TÍCH BÍ ẨN CỦA ÔNG GIÁM ĐỐC
Sự mất tích của ông giám đốc và số tiền hơn 132 tỉ đồng, 530 nghìn USD đã được xác nhận khi cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành thu thập tài liệu và xác minh sự việc. Từ đây, một chuyên án lớn đã được thành lập, với mục đích truy tìm tung tích của ông S. và số tiền trên. Từ những manh mối nhỏ được xâu chuỗi lại, bước đầu ban chuyên án đã phác thảo được tình tiết của sự việc cũng như danh tính của các đối tượng liên quan trong vụ án.
Đại tá Nguyễn Phi Hùng
Theo hồ sơ của công ty SY cung cấp, ông S. (SN 1955) được công ty SYNB quyết định bổ nhiệm làm giám đốc kế toán và nhân sự tại công ty SYVN ở Biên Hòa - Đồng Nai từ ngày 17-12-2004, đến ngày 27-4-2009 thì mất tích cùng với số tiền rất lớn. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ thu thập được, bước đầu cơ quan cảnh sát điều tra nhận định, đây là vụ việc có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà người trực tiếp liên quan là ông S. - giám đốc tài chính của công ty. Sau khi thực hiện được hành vi trên đối tượng có thể đã bỏ trốn ra nước ngoài, không loại trừ khả năng có người giúp sức. Trước tính chất phức tạp và nghiêm trọng của vụ án, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai quyết định thành lập chuyên án, để truy tìm các đối tượng. Ban chuyên án do đại tá Nguyễn Phi Hùng - Phó GĐ làm Trưởng ban, các đồng chí Nguyễn Đình Ngà - Trưởng phòng CSĐTTP về TTXH, Nguyễn Hữu Sào - Trưởng phòng CSĐTTP về KTvà CV làm phó ban... cùng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp điều tra. Đồng thời, ban chuyên án quyết định thành lập hai đội công tác đặc biệt, một đội do trung tá Trần Tiến Sỹ làm đội trưởng, thu thập các chứng cứ liên quan đến vụ án. Một đội khác do trung tá Lê Văn Hùng phụ trách truy tìm tung tích các đối tượng nghi vấn.
Làm việc với nhân viên của công ty SY, các điều tra viên xác định, trong ngày 10-4-2009, bà N.T.K.C được ông S. chỉ đạo chuyển khoản 19 tỉ đồng vào tài khoản cá nhân mang tên Dương Thị Thanh Nhàn, tuy nhiên không ghi rõ địa chỉ của chủ tài khoản này. Thấy việc chuyển số tiền lớn và không đúng thủ tục, bà C. từ chối thực hiện. Sau đó, ông S. chỉ đạo bà C. làm thủ tục chi tiền mặt, ghi giấy giới thiệu để ông ta ký và yêu cầu bà đi cùng đến chi nhánh ngân hàng để rút tiền. Sau khi rút được tiền, ông S. điện thoại cho một người phụ nữ và người này đã cùng 4 - 5 thanh niên đi ôtô đến nhận tiền. Tiếp theo, ngày 17-4-2009, ông S. lại yêu cầu bà C. rút tiếp hơn 10 tỉ đồng giao cho các thanh niên lạ hôm trước, lần này bà nhớ được chiếc xe chở họ mang biển số 52V44...
Vậy Dương Thị Thanh Nhàn là ai, có mối quan hệ như thế nào với ông S., trong khi chính cô ta đã nhiều lần nhận những số tiền rất lớn của công ty SY? Lần theo các mối quan hệ của ông S., đặc biệt là số tài khoản mang tên Dương Thị Thanh Nhàn mà ông có lần yêu cầu bà C. chuyển tiền, đồng thời tiến hành áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát phát hiện cô gái mang tên Dương Thị Thanh Nhàn (SN 1982, HKTT ấp Bình Lục, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) có mối quan hệ như vợ chồng với ông S. Mối quan hệ này bắt đầu vào thời điểm lúc ông S. vừa sang Việt Nam nhận công tác. Một điểm khiến Ban chuyên án đặc biệt lưu ý là vào tháng 3-2007, Nhàn (lúc này đang là sinh viên) nhưng đã làm chủ quán bar Cẩm Tú Cầu nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TPHCM (hiện đã đóng cửa). Như vậy đã rõ, phần lớn số tiền bị thất thoát bước đầu đã xác định do ông S. đã chuyển cho Nhàn, nhưng đối tượng này hiện nay đã rời khỏi lãnh thổ Việt Nam từ cuối tháng 4-2009. Tiến hành điều tra mở rộng các mối quan hệ của Nhàn và bar Cẩm Tú Cầu, Ban Chuyên án phát hiện D.H.T (em cô cậu của Nhàn) và Đ.M.T (người làm thuê cho bar Cẩm Tú Cầu) là các đối tượng đã trực tiếp nhận tiền từ ông S. vào các ngày 10 và 17-4-2009 tại Biên Hòa.
Kiều nữ Dương Thị Thanh Nhàn làm việc với cơ quan điều tra
Xác định hai đối tượng này là "mắt xích" quan trọng liên quan đến việc giao nhận tiền giữa ông S. và Dương Thị Thanh Nhàn cùng các đối tượng khác, đại tá Nguyễn Phi Hùng - Trưởng ban chuyên án ra quyết định tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng này để tìm ra đường dây vận chuyển tiền mà ông S. và Nhàn đã chiếm đoạt. Qua khám xét nơi ở của Nhàn tại chung cư Bình Minh và phòng của ông S. tại chung cư cao cấp Sky Garden, vụ án dần hé mở. Dương Thị Thanh Nhàn là đối tượng cờ bạc chuyên nghiệp, trong thời ngắn thị đã xuất cảnh 112 lần sang Ma Cao, Hồng Kông, Campuchia... để đánh bạc. Toàn bộ số tiền mà Nhàn và ông S. chiếm đoạt có thể được đưa ra nước ngoài và không loại trừ khả năng bị thua bạc tại các casino ở nước ngoài, do không còn khả năng khắc phục hậu quả nên có thể cả hai đã bỏ trốn.
Ngày 29-5-2009, Thủ trưởng cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai - đại tá Nguyễn Phi Hùng ký quyết định khởi tố vụ án "lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" đối với Dương Thị Thanh Nhàn và ông S., đồng thời ra quyết định truy nã đối tượng.
Từ tin tức ngoại biên, kết hợp với công tác vận động quần chúng tham gia tố giác tội phạm, ban chuyên án có cơ sở xác định Nhàn đã rời khỏi Việt Nam sang Campuchia vào ngày 24-4-2009, bằng đường hàng không. Sau đó, ông S. cũng xuất cảnh qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Theo nhận định ban đầu từ ban chuyên án, liệu việc "điều" ông S. ra nước ngoài bằng đường bộ rất có thể là mưu kế nhằm thủ tiêu ông S. để bịt đầu mối và không loại trừ khả năng ông S. có thể tự sát trên đất khách khi biết mình bị "người tình" lừa số tiền quá lớn. Vì thế, song song với việc truy bắt "kiều nữ" thì việc bảo vệ ông S. được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng có khả năng cả hai đã hẹn nhau từ trước, nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan điều tra nên tách nhau ra để cùng nhau bỏ trốn sang một nước thứ ba.
Bằng ý chí và quyết tâm cao trong công tác tấn công các loại tội phạm, đại tá Nguyễn Phi Hùng - Phó giám đốc, thủ trưởng cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các tổ trinh sát ráo riết vào cuộc, nhanh chóng truy bắt các đối tượng làm rõ vụ án. Ba ngày sau khi vụ án được khởi tố, một tổ công tác do các điều tra viên dày dạn kinh nghiệm đã không quản khó khăn gian khổ có mặt ở Campuchia để tiến hành công tác truy bắt đối tượng, đồng thời kết hợp với Interpol ra lệnh truy nã quốc tế đối với S. và Nhàn...
(Còn tiếp)
Theo Công AN TP