Vụ án Hồ Duy Hải: Luật sư cung cấp chứng cứ mới trước giờ ra phán quyết
Luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải cung cấp thêm chứng cứ mới là 2 lá đơn của dì ruột bị cáo và vị luật sư cũng trình thêm nội dung liên quan.
Sáng 8/5, luật sư Trần Hồng Phong (người hỗ trợ pháp lý cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải) cho biết, sáng cùng ngày, ông tiếp tục được Hội đồng giám xét xử cho tham dự phiên xử giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải tại trụ sở TAND Tối cao (Hà Nội).
Trong phiên tòa sáng nay, vị luật sư này cũng cung cấp một số chứng cứ mới là 2 lá đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Rưỡi (dì ruột của Hải) từ năm 2008 sau phiên tòa sơ thẩm.
Sau khi nộp đơn trên, ông Phong cũng cũng bày về việc trong biên bản phiên tòa giám đốc cũng thể hiện, Hải nói lẫn lộn và trong lời nói sau cùng, có nói đề nghị xem xét lại bản án này.
Luật sư Trần Hồng Phong, người tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải tại phiên giám đốc thẩm.
Theo luật sư Phong, tại phiên tòa sáng nay, chủ tọa đã tạo điều kiện cho ông trình bày đầy đủ các nội dung liên quan.
Sau khi luật sư Phong trình bày, một số thành viên trong Hội đồng thẩm phán sau đó cũng phát biểu ý kiến cá nhân. Tiếp đó, tòa bước vào giai đoạn nghị án và theo thông báo đến 15h30 chiều nay, tòa sẽ có quyết định.
Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, 2 nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc. Thông qua điều tra, cơ quan Công an đã tạm giữ nhiều đối tượng nghi vấn.
Sau đó, Hồ Duy Hải đã bị bắt, khởi tố, đưa ra xét xử; bản án sơ thẩm và phúc thẩm sau đó đã tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải. Sau khi bản án được tuyên, mẹ của Hồ Duy Hải là bà Nguyễn Thị Loan liên tục kêu oan cho con.
Ngày 14/12/2009, Tòa án nhân dân Tối cao đã có công văn trả lời đơn bà Nguyễn Thị Loan với nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xử phạt Hồ Duy Hải hình phạt tử hình về tội “ Giết người”, “ Cướp tài sản” là có căn cứ, đúng pháp luật.
Ngày 24/5/2011, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao đã có quyết định không kháng nghị bản án và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm tử hình của Hồ Duy Hải. Tiếp đến, ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị và có Tờ trình gửi Chủ tịch nước đề nghị bác đơn xin ân giảm án tử hình đối với Hồ Duy Hải.
Bà Nguyễn Thị Loan sau đó vẫn tiếp tục có đơn gửi đến các ngành chức năng thêm nhiều lần nữa. Ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản thông báo tới các cơ quan chức năng về việc Văn phòng Chủ tịch nước đã nhận được đơn kêu oan của mẹ đẻ Hồ Duy Hải nên đã yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự tỉnh Long An tạm dừng thi hành án để xem xét cho kỹ trước khi tước đoạt sinh mạng một con người.
Cùng ngày 4/12/2014, Tòa án nhân dân Tối cao có công văn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo Hội đồng thi hành án tỉnh Long An tạm dừng việc thi hành án tử hình đối với Hải.
Sau khi tạm dừng việc thi hành án tử hình, liên ngành Tư pháp Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội… đã nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án; nghiên cứu những vấn đề do luật sư, người khiếu nại, người kiến nghị và báo chí đưa ra có liên quan đến vụ án; làm việc với các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, lấy lời khai của Hồ Duy Hải tại trại giam; trực tiếp đến quan sát hiện trường vụ án.
Trong nhiều năm, có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh bản án tử hình và những ý kiến đề nghị làm rõ những tình tiết liên quan đến vụ án này. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước cũng có Công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án.
Đến cuối năm 2019, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình về tội “giết người”, “cướp tài sản”.
Video: Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm trong vụ án Hồ Duy Hải
Phán quyết vụ án Hồ Duy Hải: Luật sư phân tích 6 tình huống có thể xảy ra
Luật sư cho rằng, trong 6 tình huống có thể xảy ra, rất có thể Hội đồng giám đốc thẩm sẽ quyết định hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại.
Sáng nay (8/5), phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải diễn ra nội dung trình bày quan điểm về vụ án. Dự kiến đến 14h cùng ngày, Hội đồng thẩm phán sẽ đưa ra phán quyết cho vụ án.
Dự đoán về phán quyết giám đốc thẩm vụ án này, trả lời VTC News, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn quy định tại điều 388 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 và cho biết có 6 tình huống có thể xảy ra.
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Thứ nhất: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bi khang nghi.
Thứ hai: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Thứ ba: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
Thứ tư: Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
Thứ năm: Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ sáu: Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với những nội dung trong bản kháng nghị của VKSND Tối cao, nội dung đơn thư kêu oan và diễn biến của phiên tòa giám đốc thẩm, rất có thể Hội đồng giám đốc thẩm sẽ quyết định theo đa số là hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại theo thủ tục chung bởi giai đoạn điều tra đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, các chứng cứ buộc tội chưa đủ cơ sở để kết tội Hồ Duy Hải.
Đồng thời, việc hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án hình sự sẽ có cơ hội mình oan cho bị cáo nhưng không chắc chắn bị cáo sẽ được tuyên bố không phạm tội nếu kết quả điều tra lại củng cố thêm những chứng cứ buộc tội.
"Trong vụ án này, văn bản kháng nghị của VKSND Tối cao đã chỉ ra nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo. Vấn đề này được nhiều chuyên gia, các luật sư đồng tình cũng như ý kiến của mẹ bị cáo Hải trong quá trình kêu oan.
Tuy nhiên, đây chỉ là căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm còn kháng nghị này có được Hội đồng thẩm phán chấp nhận hay không còn phụ thuộc vào đánh giá của cả một tập thể Hội đồng thẩm phán", vị luật sư này nói.
Theo luật sư Cường, chưa có vụ án nào mà phiên tòa giám đốc thẩm lại có sự quan tâm của dư luận như phiên tòa này, cũng chưa thấy phiên tòa giám đốc thẩm nào mà các chuyên gia, các nhà nghiên cứu dành nhiều thời gian để quan tâm như vụ án này.
Với thông tin mà báo chí phản ánh trong suốt thời gian qua cũng như thông tin văn bản kiến nghị, đề xuất của các cơ quan chức năng, đơn thư kêu oan của gia đình bị cáo và các luật sư bào chữa cho bị cáo cho thấy chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc để kết tội đối với bị cáo Hải.
Nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, khi không đủ căn cứ để kết tội thì tòa án buộc phải tuyên bị cáo không có tội.
Trường hợp tòa án đánh giá là chưa đủ căn cứ để kết tội bị cáo nhưng tài liệu cho thấy bị cáo có dấu hiệu phạm tội, cần phải làm rõ các tình tiết, chứng cứ quan trọng trong vụ án để kết luận là có tội hay không, tòa án sẽ trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung tùy từng trường hợp. Với thẩm quyền của hội đồng thẩm phán TAND Tối cao theo thủ tục giám đốc thẩm, có thể hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại hoặc điều tra lại.
Theo quy định của pháp luật, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ biểu quyết về việc giải quyết vụ án và công bố về việc quyết định giải quyết vụ án. Quyết định giải quyết vụ án này thế nào sẽ phụ thuộc vào số biểu quyết của hội đồng sau khi lắng nghe ý kiến của những người tham dự, lập luận của những bên liên quan và trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Hội đồng giám đốc thẩm sẽ tập trung vào những vấn đề quan trọng về chứng cứ và chứng minh, việc thu thập chứng cứ, tính hợp lệ của chứng cứ (đặc biệt là các chứng cứ buộc tội) và giá trị chứng minh của các chứng cứ này có đủ để kết tội bị cáo hay không.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục giám đốc thẩm. (Ảnh: TTC)
Luật sư Cường cho rằng, vụ án này có căn cứ xác định nạn nhân bị sát hại nên trường hợp hủy án và đình chỉ vụ án sẽ không diễn ra.
Nếu Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan (nếu thực sự không thực hiện hành vi phạm tội).
Trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm và phúc thẩm để thay đổi mức hình phạt, bị cáo Hồ Duy Hải có thể thoát án tử hình nhưng sẽ vẫn có tội. Việc quyết định một trong 6 trường hợp nêu trên thế nào sẽ căn cứ vào biểu quyết của Hội đồng giám đốc thẩm trong phiên xử hôm nay.
Theo quy định tại Điều 391 Bộ luật tố tụng hình sự, việc hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Cụ thể, kết luận trong bản án, quyết định của tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án; hoặc Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
Nếu hủy để xét xử lại thì tùy trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm có thể quyết định xét xử lại từ cấp sơ thẩm hoặc cấp phúc thẩm. Trường hợp xét thấy cần tiếp tục tạm giam bị cáo, Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định tạm giam cho đến khi Viện kiểm sát hoặc Tòa án thụ lý lại vụ án.
Dù trường hợp tòa án hủy bản án sơ thẩm, Hồ Duy Hải mới có cơ hội được minh oan. Tuy nhiên, cơ quan điều tra chỉ đình chỉ giải quyết vụ án nếu như không thể tìm thêm được chứng cứ để buộc tội trong giai đoạn điều tra lại.
Do đó, việc kêu oan của Hải và gia đình sẽ còn nhiều gian nan nhưng việc tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm và có sự quan tâm của nhiều chuyên gia pháp luật, các nhà nghiên cứu và dư luận cũng mở ra những cơ hội, niềm hy vọng cho Hồ Duy Hải và gia đình.
Video: Không để oan sai, bỏ lọt tội phạm trong vụ án Hồ Duy Hải
Giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải: Công bố các tài liệu quan trọng Chiều 7/5, Hội đồng Thẩm phán tiếp tục làm rõ các vấn đề liên quan nêu trong kháng nghị và công bố các tài liệu quan trong khác có liên quan. Ngày 7/5, phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi) kêu oan về cáo buộc giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở xã Nhị Thành, huyện...