“Vụ án Dương Chí Dũng đã kết thúc hay chưa?”
Phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình kết thúc bất ngờ với câu hỏi của một đại biểu: “Vụ án Dương Chí Dũng đã kết thúc hay chưa?”. Câu hỏi được chuyển cho lãnh đạo Bộ Công an – cơ quan điều tra vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” sau phiên xử Dương Chí Dũng.
Sáng 13/3, phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại UB Thường vụ Quốc hội về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự đi đến phần cuối. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt bất ngờ đặt câu hỏi với ông Bình: “Vụ án Dương Chí Dũng đến nay đã kết thúc hay chưa? Nếu kết thúc quá trình tố tụng như vậy thì có để lọt tội phạm không? Sau khi tướng Phạm Quý Ngọ mất, đồng chí Nguyễn Bá Thanh vẫn nói sẽ “đeo bám vụ việc đến cùng”. Giờ anh Thanh cũng mất rồi”.
Chánh án Trương Hòa Bình nêu quan điểm, câu hỏi này để Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an cùng tham gia phiên chất vấn trả lời.
Ông Bình có ý nhắc đến vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” mà HĐXX sơ thẩm vụ án cựu Đại tá Dương Tự Trọng cùng các đồng phạm tổ chức đưa Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài đã khởi tố ngay tại tòa từ lời khai của cựu Chủ tịch Vinalines, một số bị cáo và chứng cứ khác thể hiện trong hồ sơ tố tụng. Cụ thể, khi đó Dương Chí Dũng khai trước khi có quyết định khởi tố, lệnh bắt giam và khám xét, can phạm đã nhận được điện thoại “mật báo” của tướng Phạm Quý Ngọ với lời khuyên “nên lánh đi một thời gian”.
Quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” của HĐXX TAND Hà Nội sau đó đã được VKSND thành phố phê chuẩn và CQĐT vào cuộc điều tra. Ít ngày sau đó, tướng Phạm Quý Ngọ qua đời do bệnh trọng. Dư luận khi đó đã đặt vấn đề vụ án có được đình chỉ vì tướng Ngọ là người duy nhất xuất hiện trong tố cáo của Dương Chí Dũng. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn khẳng định vẫn tiếp tục điều tra và từ đó đến nay, chưa có quyết định nào khác về việc này.
Trở lại với phiên chất vấn Chánh án Trương Hòa Bình, câu hỏi được người đứng đầu cơ quan xét xử chuyển lãnh đạo Bộ Công an trả lời nhưng ngay sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã phát biểu kết thúc phiên chất vấn.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, có hiện tượng các cơ quan tố tụng đùn đẩy trách nhiệm bồi thường người bị oan sai.
Về nội dung những chất vấn sau chốt Chánh án TAND tối cao trả lời là về vấn đề giải quyết bồi thường oan trong tố tụng hình sự.
Trước đó, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, thực tế giám sát cho thấy có tình trạng dây dưa kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, có trường hợp kéo dài 5-7 năm và nhiều hơn nữa trong khi việc bồi thường theo quy định phải nhanh chóng kịp thời. Bà Nga đặt vấn đề trách nhiệm của Chánh án trong việc này.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp dẫn chứng vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), người bị hàm oan đã ngồi tù 10 năm mà được tuyên vô tội xong việc giải quyết bồi thường vẫn chậm trễ.
Thêm một trường hợp khác là ông Phan Văn Lá (ở Châu Thành, Long An) năm 1992 bị truy tố rồi được trả lại hồ sơ điều tra sau đó nhưng thân phận bị can kéo dài 21 năm, gần đây mới được đình chỉ điều tra do hết thời hạn. Bà Nga cho biết, ông Lá đã yêu cầu bồi thường nhưng các cơ quan (công an, tòa án, VKS) không thống nhất, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm với nhau. Bà Nga trích đọc hàng loạt công văn của cả CQĐT, VKS, Tòa án về việc xác định trách nhiệm của cơ quan kia, không nhận về mình.
Đáp lại những vấn đề đại biểu Lê Thị Nga đặt ra, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, vụ ông Chấn tòa tối cao đã 2 lần cử cán bộ đến nhà làm việc với gia đình, cũng liên lạc với luật sư của ông Chấn để giải quyết việc bồi thường nhưng ông Chấn chưa chuẩn bị xong tài liệu, căn cứ chứng minh thiệt hại. Khi việc này hoàn thành, TAND tối cao sẽ thực hiện ngay việc thỏa thuận, chi trả bồi thường.
Video đang HOT
Về trường hợp ông Lá, có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm như đại biểu phản ánh thì cả 3 cơ quan tố tụng đều có lỗi với dân. Thiếu sót trực tiếp nhất, theo Chánh án TAND tối cao là VKS đã trả hồ sơ vụ án nhưng CQĐT để suốt 21 năm, kéo dài hết thời hạn mới đình chỉ.
Chánh án Trương Hòa Bình (đứng) và Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên chất vấn.
Ông Bình cho rằng có những bất cập, tồn tại về vấn đề pháp lý cần phải xem xét, cần có một cơ quan làm trọng tài để xác định cơ quan nào phải bồi thường, thời hạn, cách thức bồi thường. Chánh án tối cao nêu quan điểm sửa luật Bồi thường nhà nước, quy định một cơ quan độc lập (ví như Bộ Tư pháp) đứng ra bồi thường cho người dân khi bị oan sai, còn đánh giá lỗi sai do đâu, do cơ quan nào thì Bộ này sẽ xác định cụ thể sau.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (UB Tư pháp) đề cập khía cạnh khác, trong hơn 6 tỷ đồng mà ngành tòa án đã bồi thường trong 3 năm qua, người thi hành công vụ có lỗi đã hoàn trả bao nhiêu, nhiều cử tri cho rằng, không được lấy tiền thuế của dân để bồi thường oan sai.
Chánh án Trương Hòa Bình trả lời, do chưa xác định vụ nào do lỗi cố ý nên chưa xem xét trách nhiệm hoàn trả với thẩm phán nào. Ông Bình cũng cho rằng, trong việc quy trách nhiệm bồi thường cần có quy định thấu đáo để làm sao thẩm phán không phải nơm nớp lo âu khi thi hành công vụ.
Báo cáo về tình hình và kết quả giải quyết yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết, trong thời gian qua, các Tòa án đã triển khai nghiêm túc việc giải quyết các yêu cầu bồi thường, kịp thời bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra theo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Trong 3 năm (từ 2012 – 2014), Tòa án các cấp nhận được 22 đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại (các trường hợp này đều liên quan tới các vụ án đã xét xử từ những năm trước), đã trả lại 3 đơn (trong đó 1 đơn không thuộc thẩm quyền và 2 đơn không đủ điều kiện để thụ lý theo quy định của pháp luật). Các cấp tòa đã thụ lý 19 đơn, trong đó đã giải quyết được 13 trường hợp với tổng số tiền bồi thường là 1,69 tỷ đồng. 6 trường hợp còn lại đang trong quá trình giải quyết. “Việc thương lượng về mức bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người được bồi thường được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định, sau khi có quyết định bồi thường, các Tòa án đã khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại” – ông Bình khái quát. Theo Chánh án tối cao, các Tòa án cũng đã thụ lý 19 đơn khởi kiện các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự; đã giải quyết xong 14 vụ. Tòa án đã tuyên các cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường với tổng số tiền là 6,5 tỷ đồng (cơ quan Công an 3 trường hợp với số tiền bồi thường hơn 480 triệu đồng; Viện kiểm sát nhân dân 6 trường hợp với số tiền bồi thường là 1,39 tỷ đồng; Tòa án nhân dân 5 trường hợp với số tiền bồi thường là 4,64 tỷ đồng).
P.Thảo
Theo Dantri
"Thực tế có bức cung, nhục hình liên quan đến án oan, sai"
Phiên chất vấn Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đang diễn ra tại UB Thường vụ Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương truy vấn, có bức cung, nhục hình trong 5 vụ án có dấu hiệu oan sai đang được giám sát? Thượng tướng Lê Quý Vương xác nhận, kiểm tra thực tế có hiện tượng này.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nhắc lại 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng dư luận đang quan tâm với hàng loạt câu hỏi: Bản án tử hình với Hồ Duy Hải về tội giết người, cướp tài sản xảy ra năm 2008 có oan hay không? Sao khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm và bị cáo đã có đơn xin thi hành án sớm thì tòa lại quyết định hoãn thi hành án?
Tại sao cùng tội giết người, hiếp dâm trẻ em mà Lê Bá Mai ở Bình Thuận nhận án tù chung thân còn Hàn Đức Long ở Bắc Giang lại chịu án tử hình?
Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn có đơn kêu oan nhiều năm qua nhưng tại sao chỉ đến khi hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì mới được xem xét?
Đại biểu Đỗ Văn Đương hỏi thẳng vào 5 vụ án đặc biệt đang được giám sát.
Vụ Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận có người đã làm đơn tố giác tội phạm từ năm 2000 là biết 2 đối tượng khác gây ra vụ giết người, cướp tài sản chứ không phải Nén nhưng không được xem xét mà đến giờ, khi xét lại vụ án, một trong những lý do đưa ra lại là đơn tố cáo của nhân chứng này chưa được giải quyết?
Bản án tử hình với Nguyễn Văn Trưởng (Hải Phòng) về tội giết người đã đúng, tương xứng chưa khi Trường không trực tiếp hành động, giết chết nạn nhân?
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình phân trần, 5 vụ án đặc biệt này đang được các cơ quan tố tụng phối hợp giải quyết đều là những vụ án cũ, cần xem xét rất cẩn trọng để phát hiện sai sót trong điều tra truy tố xét xử và cũng như xác định vụ án nào đã giải quyết đúng, chỉ thận trọng xem xét lại do có đơn kêu oan. Các vụ việc, ông Bình nhận định, đều phức tạp nên cần thận trọng để xác định nếu oan thì kết luận là oan còn có tội thì cũng xác định đúng căn cứ buộc tội.
Với vụ án Hồ Duy Hải xảy ra năm 2008, cơ quan chức năng xác định 2 nhân viên của bưu điện Cầu Voi (Long An) giết người gây bức xúc rất lớn trong dư luận, gia đình bị hại, xã hội đòi hỏi tìm ra thủ phạm để trừng trị. CQĐT đã tiến hành truy xét (vì không bắt quả tang) nên quá trình thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Sau đó phát hiện nghi can là Hồ Duy Hải thì quá trình điều tra bị cáo thừa nhận tội, có luật sư dự cung. CQĐT cũng xác định nhiều chứng cứ khác để chứng minh tội trạng của Hồ Duy Hải.
Ông Bình điểm lại diễn biến vụ việc, tại tòa sơ thẩm bị cáo nhận tội, bị cáo nhận là do mình gây ra án mạng này, không có mớm cung nhục hình. Tại tòa phúc thẩm, một phần bị cáo cho là mình không phạm tội nhưng chứng cứ chứng minh không rõ. CQĐT sau đó xác định có một số sai sót trong quá trình điều tra nhưng không làm ảnh hưởng bản chất vụ án nên vẫn kết tội.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội.
"Vậy nói có oan hay không trong vụ này, tòa án trên cơ sở nghiên cứu vụ án thì chưa phát hiện căn cứ kháng nghị dù có một số sai sót trong quá trình thu thập chứng cứ của CQĐT. VKSND cũng xác định như vậy nên đã thống nhất báo cáo. Vụ án có sự giám sát của Quốc hội, đã lập tổ liên ngành do VKS chủ trì, phúc tra lại quá trình lấy cung với Hồ Duy Hải. Khi đoàn liên ngành trại giam vào hỏi, bị cáo vẫn nhận tội. Đơn của bị cáo cũng chỉ có nội dung xin giảm án tử hình hoặc nếu không được thì xin thi hành án ngay. Chúng tôi đã rất thận trọng, khi có kết luận giám sát sẽ rất thận trọng, nếu có căn cứ sẽ kháng nghị ngay" - Chánh án tối cao trình bày.
Việc hoãn thi hành khi Chủ tịch nước đã bác đơn xin ân giảm, theo lý giải của ông Bình là thuộc vấn đề pháp lý, do tôn trọng nguyện vọng của gia đình và dư luận xã hội khi mẹ bị cáo đến TA tỉnh Long An xin hoãn thi hành án, báo chí thì phản ánh nhiều, thiên về việc đặt câu hỏi có oan hay không.
Về vụ Lê Bá Mai và Hàn Đức Long, Chánh án TAND tối cao cho biết, cả 2 cùng phạm tội hiếp dâm trẻ em, hình phạt khác nhau là do việc áp dụng pháp luật vì theo quy định của luật thì tội này có khung hình phạt rất rộng, từ 12 năm, 20 năm, tù chung thân đến tử hình nên mỗi hội đồng xét xử có quyết định độc lập khác nhau, trong phạm vi khung hình phạt này. Chánh án tối cao tôn trọng và cũng không thể can thiệp vào quyết định của HĐXX, chỉ khi có căn cứ thì Chánh án tòa, Viện trưởng VKS sẽ xem xét kháng nghị. Với vụ này, ông Bình thông tin, bản thân ông đã ký kháng nghị với tư cách Chán án TAND tối cao và HĐXX giám đốc thẩm đã chấp nhận kháng nghị, hủy án để xem xét lại.
Về hình phạt tử hình của Nguyễn Văn Trưởng (Hải Phòng), Chánh án Trương Hòa Bình điểm lại, vụ án có kháng nghị của Viện trưởng VKS kháng nghị theo hướng giảm án từ tử hình xuống chung thân nhưng Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã bác kháng nghị. Có ý kiến cho rằng Trưởng không trực tiếp làm cho nạn nhân tử vong mà do người khác nhưng người này cũng là tay chân cấp dưới trong băng nhóm do Trưởng cầm đầu, thực hiện theo lệnh của Trưởng nên rõ ràng việc chết người là trong ý chỉ của Trưởng.
"Xin khẳng định đây không phải là vụ án oan nhưng nếu có yêu cầu của Quốc hội thì sẽ tiếp tục xem xét thận trọng, chờ sau khi có kết luận giám sát của đoàn giám sát" - ông Bình quả quyết.
Đại biểu Đỗ Văn Đương dấn thêm vấn đề với một truy vấn khác: "Trong 5 vụ án này dư luận cho rằng có hiện tượng bức cung, nhục hình. Có đơn tố cáo về việc này của chính các bị can bị cáo, giải quyết thế nào?".
Câu hỏi được chuyển cho Thứ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Quý Vương. Ông Vương xác nhận, qua thực tế kiểm tra thấy đúng là có chuyện bức cung, nhục hình liên quan đến vấn đề án oan, sai.
Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương xác nhận thực tế kiểm tra có việc bức cung, nhục hình tại CQĐT.
Cụ thể với 5 vụ án đang được giám sát, ông Vương khái quát, sau khi xảy ra vụ Nguyễn Thanh Chấn thì đồng loạt có nhiều phạm nhân đệ đơn kêu oan sai. Các vụ án này đều xảy ra lâu, ít cũng 5-7 năm, nhiều như Huỳnh Văn Nén, từ 1998 đến nay đã gần 20 năm. Vậy nên khi có thông tin, Bộ Công an đã cùng với các cơ quan để xem xét thận trọng chứ nói về luật, các vụ án này đều đã được đưa ra xét xử, kết tội. Và theo quy trình, các vụ án giết người cũng đều có luật sư tham gia bào chữa.
"Có việc bức cung, nhục hình mà đối tượng nhận tội hay không thỉ cần xem xét tổng thể, đánh giá cụ thể mới xác định được" - Tướng Vương nói.
Điểm lại vụ Vụ Huỳnh Văn Nén, Thứ trưởng Công an giải thích về lời khai của một nhân chứng về 2 đối tượng là người gây án thì trong đó, người tên Việt thì đã chết từ lâu, người tên Thọ thì đã trốn khỏi địa phương, cần phải lập chuyên án để xác định rõ xem có oan hay không. Người tố cáo việc này chỉ là người nghe nói lại chứ không phải trực tiếp chứng kiến sự việc.
Vụ Hồ Duy Hải, tướng Vương khẳng định, đến giờ cơ bản các chứng cứ đều chứng minh Hải là người gây ra vụ án, đều thiên về khẳng định tội trạng của Hải, còn các điểm khác cần xem xét một cách thận trọng, khách quan.
Lý giải việc xảy ra oan sai, ông Vương cho rằng, nguyên nhân là cơ bản trong công tác tố tụng chưa tôn trọng chứng minh sự thật khách quan, xem xét chứng cứ mới chỉ coi trọng lời khai, theo hướng trọng cung hơn trọng chứng. Thiếu sót ngay trong hoạt động điều tra thể hiện ở việc, cơ quan điều tra mới chỉ tập trung khai thác lời khai mà chưa chú trọng công tác khám nghiệm hiện trường, đánh giá hiện trường, thu giữ bảo quản vật chứng.
Nguyên nhân chủ quan của cán bộ điều tra thì Thứ trưởng Công an nhận định,cơ bản do năng lực, phẩm chất mà có những việc do nôn nóng, chạy theo thành tích nên dẫn đến hấp tấp, làm sai.
P.Thảo
Theo Dantri
Chánh án Trương Hoà Bình nói về những nghi án oan đang được "xét lại" Báo cáo của Chánh án TAND tối cao Trương Hoà Bình gửi tới UB Thường vụ Quốc hội trước phần đăng đàn trả lời chất vấn sáng 13/3 khẳng định, trong 3 năm 2011-2014 chỉ có 1 người bị kết án sau đó được tuyên vô tội. Các nghi án... oan khác đều từ các khoá trước... Chánh án Trương Hoà Bình quả...