Vụ án đau lòng và bi kịch từ lời đồn thổi
Không chịu nổi cảnh đòn roi ghen tuông vô cớ từ chồng, người vợ đưa đơn ra tòa ly dị. Sau khi ly hôn, người chồng nổi cơn “điên”, cầm dao đâm vợ rồi uống thuốc sâu tự vẫn. Hai đứa trẻ rơi vào cảnh bơ vơ…
Vụ án đau lòng
Những ngày qua, người dân ở ấp 8, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, Bình Phước vẫn còn bàn tán xôn xao về cái chết thương tâm của người phụ nữ bạc mệnh. Chị là Đinh Thị Hạnh (SN 1982).
Theo đó, vào hồi 6 giờ 30 ngày 2/5, chị Hạnh điều khiển xe máy từ nhà đến tiệm tóc để làm việc. Đi được khoảng 500m thì bất ngờ chị gặp người chồng mới ly dị là Trần Phước Đào (SN 1979, quê gốc ở Quảng Nam). Đào đã phóng xe máy từ trong hẻm ra, lao thẳng vào xe chị. Quá sợ hãi, chị Hạnh vứt xe bỏ chạy thì Đào cầm dao đuổi theo, đâm chém nhiều nhát vào người chị, khiến chị tử vong tại chỗ.
Sau khoảng 1 giờ truy xét, tìm kiếm hung thủ gây án, lực lượng công an tìm thấy Đào. Lúc này mặt mày Đào tái nhợt, đang nằm thoi thóp dưới gốc cây cà phê trong vườn của một người dân. Công an nhận định, có khả năng Đào đã uống thuốc trừ sâu để tự tử nên nhanh chóng chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Tuy nhiên, vì lượng thuốc sâu quá nhiều nên Đào đã tử vong.
Tìm hiểu được biết, chị Hạnh quê gốc ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, học đến lớp 7 thì phải nghỉ, theo đám trẻ nghèo đi làm thuê, kiếm tiền gửi về phụ giúp người cha đang chống chọi với bệnh tật. Về phần Đào, lúc này cũng đang làm thuê cho một chủ vườn cao su, bà chủ vườn có họ hàng với Đào.
Thời gian thấm thoắt qua đi, tình cờ bà chủ vườn cao su biết chị Hạnh, thấy chị siêng năng, hiền lành, bà chủ này đã đứng ra làm mai mối với người cháu của mình. Năm 1999, đám cưới của chị Hạnh và Đào diễn ra, hai bên họ hàng vui mừng khôn xiết.
Hiện trường vụ án Ảnh: N.D
Thế nhưng từ khi chị Hạnh sinh đứa con đầu lòng thì tính cách của chồng bắt đầu thay đổi, hàng xóm để đồ đạc sơ hở là Đào ra tay chôm chỉa, lấy tiền tiêu xài. Chị Hạnh nhiều lần khuyên can chồng bỏ “nghề”, dù Đào gật đầu, nhưng sau đó lại “ngựa quen đường cũ”. Nhiều lúc thấy vợ nói nhiều quá, hắn còn chửi bới rồi lao vào thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ.
Video đang HOT
Một đêm đầu năm 2006, Đào cắt trộm dây điện và bị công an bắt. Đào bị tòa tuyên phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trong thời gian thụ án, Đào không những không tu tâm, dưỡng tính mà còn tiếp tục đi trộm cắp máy nổ của hàng xóm, sau đó phải ngồi “bóc lịch” 18 tháng tù giam.
Bi kịch từ lời đồn thổi
Từ ngày chồng đi cải tạo, chị Hạnh một thân một mình nuôi con. Oái ăm thay, một số người rảnh chuyện đã phao tin chị có nhân tình mới. Năm 2009, Đào ra tù, vừa về đến nhà là gã đánh đập, tra khảo vợ về việc “lăng nhăng”, không chung thủy với chồng. Từ đó, chị Hạnh phải cắn răng chịu đựng những trận đòn thừa sống, thiếu chết của Đào. Có lần thấy Đào bóp cổ vợ, hàng xóm chạy sang can ngăn thì Đào mới chịu dừng tay, nhưng vẫn chửi bới vợ suốt cả đêm.
Vì không chịu nổi những trận đòn ghen vô cớ liên tục trút xuống, tháng 6/2010, chị Hạnh viết đơn ly dị. Lúc tòa gọi hai người lên hòa giải, Đào cam kết sẽ làm lại từ đầu, lo chí thú làm ăn, yêu thương vợ con. Tưởng chồng hối cải, chị Đào ôm con quay về tiếp tục chung sống. Nhưng sự việc đâu rồi lại vào đó, mỗi khi rượu vào, Đào lại lên cơn ghen và tiếp tục đánh vợ.
Bà H, sống gần nhà chị Hạnh nói: “Khoảng hai năm trở lại đây, hai vợ chồng nó luôn cãi nhau kịch liệt, Hạnh thì lên án chồng tội trộm cắp phải ngồi tù, còn thằng Đào cứ uống rượu vào là lải nhải chuyện vợ trăng hoa với người đàn ông khác. Tụi nó chết đi đã đành, nhưng đứa con gái còn nhỏ không biết tương lai sẽ ra sao”.
Tháng 11/2012, mặc dù Đào không đồng ý ly hôn nhưng chị Hạnh chủ động gửi đơn xin ly dị lên Tòa án Nhân dân huyện Lộc Ninh. Trong thời gian chờ tòa xét xử, chị Hạnh chuyển về sống với cha mẹ. Không có tiền tiêu xài, Đào đem các vật dụng có giá trị trong nhà bán hết, còn đứa con gái thì Đào đưa lên chùa nhờ sư cô chăm sóc. Tháng 3/2013, Tòa án Lộc Ninh gọi hai người lên xét xử nhưng Đào không đến, nên Tòa buộc phải xử vắng mặt. Ngôi nhà hai người sinh sống sau đó được bán với giá 55 triệu đồng, do phải trả nợ nên chị Hạnh lấy 30 triệu đồng, còn lại là phần của Đào.
Bực tức vì bị vợ ly hôn và phân chia tài sản không đều, Đào đã đem con về gửi cho ông bà nội, lên kế hoạch sát hại vợ và chuyện đau lòng đã xảy ra.
Ông Phan Thanh Chiến (SN 1956), ấp trưởng ấp 8 cho biết: “Vợ chồng Đào, Hạnh xảy ra chuyện cãi cọ xung đột trong nhiều năm qua là có thật. Nhưng vì chuyện riêng tư, chúng tôi chỉ mời lên hòa giải chứ không can thiệp sâu. Riêng Đào có nhiều biểu hiện sai trái pháp luật, từng 2 lần bị khởi tố vì tội Trộm cắp tài sản và đi tù. Nhưng sau khi mãn hạn tù thì lại gây ra trọng án nghiêm trọng”.
Theo vietbao
"Ma thuốc độc": Lời đồn phải nghiêm trị
Liên tục thời gian qua, tại Bắc Giang và Hà Tĩnh xuất hiện tình trạng người dân chỉ ốm nhẹ, người mệt mỏi nhưng đã bị kẻ xấu lừa gạt, đồn thổi do bị "ma làm". Vì "ma làm" cho mệt, ốm nên cần phải uống thuốc để "gỡ bả"...
Tuy đã được chẩn đoán, hướng dẫn điều trị bệnh nhưng một số người dân trên địa bàn xã Biển Động, Lục Ngạn, Bắc Giang vẫn dùng thuốc giải độc.
Biển Động vì sao... động?
Chúng tôi về xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, cách trung tâm tỉnh Bắc Giang gần 70km, với gần 50% dân số là đồng bào Tày, Nùng, Hoa và Cao Lan - nơi xảy ra căn bệnh mà người dân gọi là do bùa độc, đúng thời điểm đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Bắc Giang vừa hoàn thành đợt kiểm tra sức khỏe nhân dân trong vùng để kết luận về việc này.
Câu chuyện về bùa độc được đồn thổi rằng, từ năm 2011, một số người dân ở thôn Thùng Thình và các thôn lân cận như Đồng Man, Biển Trên, Biển Dưới... xã Biển Động bỗng dưng mắc bệnh với biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, đau người, ho kéo dài... từ đó nhiều người đồn thổi cho rằng trúng bả độc, nếu không "gỡ bả" sẽ chết dần, chết mòn.
Cùng thời điểm đó, trên địa bàn lại xuất hiện các thầy lang vườn, tự nhận có khả năng phát hiện và "gỡ bả", trong khi họ không có chuyên môn về y dược, chưa hề có chứng chỉ hành nghề. Trong số đó có bà Năng Thị Tẩy, thôn Trại Mật, xã Tân Quang tự cho rằng chỉ cần nhìn trán và lòng bàn tay có thể phát hiện được người bị trúng bả độc. Tiếp xúc với bà Tẩy, bà này kể, khi ngủ nằm mơ có một ông già râu tóc bạc phơ ban cho bà khả năng thần bí. Tuy nhiên, bà chỉ có thể phát hiện trúng bả độc chứ không biết "gỡ bả". Cùng lúc, ở thôn Thùng Thình, xã Biển Động có bà Lý Thị Tần cũng tự nhận có khả năng giải độc từ bài thuốc gia truyền.
Vậy là người dân truyền miệng nhau, hễ thấy một trong các triệu chứng nghi ngờ là nghĩ đến chuyện bị bỏ bùa độc. Cứ như vậy, không khí hoang mang, lo lắng bao trùm lên mỗi nóc nhà của người dân Biển Động vốn trước kia yên bình.
Cũng từ cuối năm 2011, hàng chục người ở Thùng Thình, Đồng Man, Biển Trên, Biển Dưới... tự nghi bị nhiễm độc tìm đến bà Tẩy nhờ phát hiện bệnh người nào bị bà "phán" trúng độc lại được bà giới thiệu đến bà Tần "tháo độc", với bài thuốc dùng rễ cây rừng (không biết tên) giã nát ngâm với nước vo gạo khoảng 30 phút cho người trúng độc uống, người bệnh sẽ nôn ra chất độc. Số tiền khám, tháo bả độc từ 100-400 nghìn đồng/người. Cùng hành nghề phát hiện, giải độc hiện nay còn có ông lang Chiến, thôn Đồng Cún, xã Giáo Liêm ông Thanh Minh, thôn Đồng Bang, xã Chiên Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời điểm này, Biển Động có khoảng hơn 60 người nghi bị bỏ bùa độc đã đến khám, chữa bệnh tại các địa chỉ nêu trên.
Tại huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, vợ chồng anh Phạm Văn Dần và chị Nguyễn Thị Vinh ở thôn Đông Thái, xã Cẩm Bình bị đau bụng, người uể oải, mệt nhọc. Anh Dần đã đến trạm y tế xã để truyền đạm nhưng ngay tối hôm đó khi về nhà thấy mọi người bàn tán về việc mắc "ma thuốc độc", lo sợ nên ngay sáng hôm sau, hai vợ chồng anh cùng với 6 cặp vợ chồng bên xóm đã tìm đường vào "thầy" ở Kỳ Anh để được khám bệnh. Kết quả, cả 2 vợ chồng đều "bị mắc" với mức độ khác nhau, vợ nặng hơn và chồng nhẹ hơn. Để giải thuốc độc, thầy đã kê đơn và cắt cho 2 vợ chồng 4 thang thuốc. Hiện tại, đã sắc uống được 3 thang. Sau khi thấy chính quyền và y tế tuyên truyền trên loa truyền thanh thì một thang còn lại anh Dần và chị Vinh không sắc nữa. Anh Dần nói: "Bản thân tôi cũng không tin vào chuyện ma thuốc độc nhưng vì thấy người ta đồn thổi nhiều nên cũng phải đi xem sao".
Cán bộ y tế xóa tan tin đồn nhảm
Để "gỡ bả", người dân phải uống 2 thang thuốc không rõ chất lượng, nguồn gốc như thế này. Ảnh: Nguyễn Tâm
Tìm hiểu người dân đã đến các ông lang vườn để bốc thuốc, chúng tôi đều biết đó là do bà con thiếu hiểu biết. Người đang khỏe nhưng bỗng nhiên sốt cao, mệt mỏi là cứ nghĩ mình ốm do... ma làm! Thậm chí, có người vẫn tỉnh táo để đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã, được thầy thuốc ở trạm y tế xã cấp thuốc, khám, động viên nhưng về đến nhà, nghe theo lời nhỏ to của không ít người thiếu hiểu biết khác bỏ thuốc của trạm y tế xã cấp để tìm đến thầy lang vườn!?
Tình trạng này đã gây hậu quả xấu đối với sức khỏe người dân. Nhiều người mắc bệnh thông thường nhưng hoang mang, nghĩ bị bùa độc không đến cơ sở y tế để khám, điều trị mà chỉ lo gom góp tiền đi "tháo độc" dẫn đến bệnh càng nặng, giảm sút tinh thần và thể lực. Lo ngại hơn, tình trạng này xảy ra trong thời gian dài dẫn tới mối nghi ngờ, mâu thuẫn giữa các gia đình, dòng họ gia tăng nhiều người còn bỏ sản xuất, ảnh hưởng không tốt tới mối quan hệ cộng đồng và tình hình KT-XH, an ninh trật tự trên địa bàn.
Trước tình hình đó, mới đây, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), UBND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám bệnh, điều tra yếu tố dịch tễ làm rõ sự việc. Được biết tại Bắc Giang, trong buổi khám bệnh, có hơn 60 người tự nghi bị trúng bả độc, đã có 46 người đến khám. Trong đó có 27 người được các bà lang chẩn đoán trúng bả độc và đã uống thuốc "tháo độc" nhưng vẫn mệt mỏi, đau người, đau khớp, ho...
Ông Trương Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết: "Kết quả khám bệnh và chẩn đoán của đoàn công tác cho thấy có 11 trường hợp mắc bệnh đường hô hấp, 9 người bị các nhóm bệnh về khớp, 8 ca mắc bệnh đường tiêu hóa, 3 trường hợp mắc nhóm bệnh tim mạch, 2 trường hợp suy nhược cơ thể, số còn lại khỏe mạnh bình thường. Những ca phát hiện bệnh đã được kê đơn điều trị, một số trường hợp được giới thiệu, hướng dẫn kiểm tra, điều trị tại các chuyên khoa tuyến trên. Trong quá trình khám và điều tra dịch tễ học, đoàn công tác không phát hiện dấu hiệu, yếu tố dịch tễ liên quan đến bệnh truyền nhiễm hay biểu hiện bị ngộ độc".
Cán bộ y tế của Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên và Trạm y tế xã Cẩm Bình đã đến tận nhà những trường hợp mà họ cho rằng bị mắc "ma thuốc độc" để thăm khám sức khỏe. Kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ và trường học. Tuyên truyền rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Định, Trạm trưởng Trạm y tế xã Cẩm Bình cho biết: "Sau khi có tin đồn, cán bộ y tế đã tham mưu với chính quyền địa phương thành lập Ban chỉ đạo. Qua việc thành lập đoàn cùng với Trung tâm y tế dự phòng huyện điều tra, xem xét cụ thể thấy rằng, do thời tiết chuyển từ lạnh sang nóng nên người dân mắc các bệnh cảm cúm, bị nhiễm virut. Chúng tôi đã tuyên truyền và vào cuộc điều trị kịp thời".
Nói về vấn đề này, ông Trần Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Biển Động, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang khẳng định: "Quá trình điều tra và xác minh của các cơ quan chức năng cho thấy tất cả các ông (bà) lang trên đều chưa qua lớp đào tạo về y dược cổ truyền, không có chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện khám, chữa bệnh. Hoạt động của họ là vi phạm pháp luật, mang màu sắc mê tín dị đoan và có yếu tố trục lợi...".
Qua sự việc trên, thiết nghĩ chính quyền địa phương và y tế cơ sở cần quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đẩy mạnh hoạt động giám sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động, ổn định tư tưởng cho nhân dân và tăng cường công tác quản lý nhà nước về hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, góp phần răn đe, cảnh báo, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Theo Sức khỏe & Đời sống
Người dân đổ xô xới tung đồi cát tìm cây "thần dược" Hơn một tháng qua, người dân các xã Hưng Thủy, Sen Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) đổ xô đi đào rễ cây được cho là chữa "bách bệnh", việc làm này đã khiến nhiều đồi cát bị xới tung, khắp các chợ đâu cũng thấy cảnh mua bán cây "thần dược". Loại cây được cho là chữa "bách bệnh" đó là...