Vụ án chòi vịt: Oan sai phải xin lỗi, bồi thường
Chánh văn phòng TP.HCM Võ Văn Hoan cho hay, chính quyền TP đã chỉ đạo cơ quan công an, đặc biệt là công an huyện Bình Chánh rà soát, xử lý rốt ráo vụ việc.
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế – xã hội trưa nay, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, ông Nguyễn Văn Bỉ, người cất chòi vịt bị công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở, vẫn mang thân phận bị can.
Dù công an TP đã chỉ đạo công an Bình Chánh từ trước đó nhưng chưa được đình chỉ điều tra bị can bởi những nội dung này liên quan đến ngành tư pháp.
Ông Nguyễn Văn Bỉ, người bị khởi tố vì xây dựng chòi vịt không có giấy phép bên miếng đất của mình
“Nếu thực sự oan sai sẽ thực hiện trách nhiệm bồi thường, xin lỗi minh bạch, không né tránh”, ông Hoan cho biết.
Trước đó, UBND huyện Bình Chánh tổ chức cuộc họp liên quan đến việc sai phạm trong quá trình tiếp nhận và xử lý giấy tờ liên quan đến vụ ông Nguyễn Văn Tấn (vụ chủ quán Xin chào) và Nguyễn Văn Bỉ (vụ án chòi vịt).
UBND huyện cho biết có hai cán bộ có sai phạm liên quan vụ chòi vịt nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định xử lý cuối cùng. UBND TP đã đôn đốc huyện chỉ đạo kiểm tra làm rõ.
Không có chuyện ngồi lại với nhau để ra án
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi liệu, qua vụ án Xin chào, dư luận thắc mắc có hay không việc thống nhất quan điểm từ trước (họp liên ngành) của các cơ quan tố tụng, Chánh văn phòng UBND TP khẳng định tất cả hoạt động của cơ quan tư pháp đều phải thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Họ có thể trao đổi qua lại nhưng từng cơ quan phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Không vì một vụ án cụ thể mà cho rằng có sự liên kết, thống nhất trước của các cơ quan tố tụng. Tất nhiên khi thực hiện nhiệm vụ không tránh khỏi tính chủ quan của người tiến hành, cũng đưa ra quan điểm xử lý khác nhau.
Cũng theo đại diện UBND TP, vụ Xin chào là một vụ án cá biệt, vừa đáng tiếc vừa đáng buồn, phải chấn chỉnh lại đội ngũ.
“Không vì vụ việc này mà suy nghĩ rằng các cơ quan ngồi lại với nhau ra án. Tất nhiên trong hàng ngàn trường hợp đúng quy trình, kể cả trường hợp này nhưng không thể tránh khỏi tính chủ quan.
Vụ việc có khách quan hay mang tính chủ quan của người điều tra, các cơ quan sẽ xem xét. Đây là một vụ việc vừa đáng tiếc và đánh buồn. Trong nỗ lực của thành phố kêu gọi đầu tư, nhưng chỉ một việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư”, ông Hoan nhấn mạnh.
Không lát đá toàn bộ vỉa hè quận 1 Trả lời câu hỏi liên quan đến đề xuất toàn bộ vỉa hè thuộc 134 tuyến đường trên địa bàn Quận 1 sẽ được lát đá granite với tổng kinh phí ước tính khoảng 1.000 tỷ, ông Võ Văn Hoan cho biết TP đã họp và chỉ đạo UBND quận 1 thống kê cụ thể đường nào giữ lại, đường nào làm lại theo phương thức xã hội hóa. “Chủ trương của TP là không bê tông hóa toàn bộ các tuyến đường. Có những tuyến đường dài phải tạo khoảng không gian trống để trồng cây, trồng hoa. Vì vậy không nhất thiết đưa vào để sửa chữa toàn bộ. Xã hội hóa kêu gọi đầu tư là cần thiết nhưng vấn đề quan trọng là hệ thống hóa, phân loại rõ ràng, cái nào làm, cái nào không làm, giá trị doanh nghiệp tham gia, giá trị của nhà nước”.
Lê Huyền
Theo_VietNamNet
Chủ quán Xin Chào nhờ luật sư cân nhắc đòi bồi thường oan sai
Ngoài mong muốn lấy lại 17 triệu đồng buộc phải nộp phạt, ông Tấn khẳng định "không muốn đòi hỏi gì nhiều" nên nhờ luật sư cân nhắc chuyện đòi bồi thường do bị truy tố oan.
Chiều 25.4, ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào, đối diện Công an huyện Bình Chánh (TP.HCM) vẫn tất bật cùng nhân viên bán nước. Ngoài người thân, bạn bè, khá đông khách lạ tìm đến uống cà phê ủng hộ và chia vui với việc ông được giải oan một ngày trước.
"Tôi mừng lắm, chẳng muốn đòi hỏi gì nhiều. Tôi đang bàn với luật sư của mình để đánh giá vụ việc, sau đó sẽ quyết định đòi quyền lợi cho mình. Trước mắt tôi muốn lấy lại 17 triệu đồng bị buộc phải nộp phạt sai quy định, nó rất lớn với gia đình tôi", ông Tấn nói.
Ông Tấn trong ngày đầu được giải oan. Ảnh: Quốc Thắng
Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo khoản 3 Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 (Luật TNBTNN), quyết định đình chỉ vụ ông Tấn của VKSND huyện Bình Chánh là văn bản có giá trị pháp lý khẳng định ông Tấn bị xử lý hình sự oan. Đây là cơ sở phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động tố tụng hình sự, mà cụ thể theo Điều 31 Luật TNBTNN là VKSND huyện Bình Chánh.
Do đó, ông Tấn có thể làm đơn gửi đến VKSND huyện Bình Chánh yêu cầu được bồi thường với hai nội dung: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tổn thất tinh thần (mức thiệt hại do tổn thất tinh thần được xác định là một ngày lương tối thiểu cho một ngày bị khởi tố) và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.
Điều 18 Luật TNBTNN quy định, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của ông Tấn, VKS có trách nhiệm xác minh thiệt hại. Sau đó phải mời ông Tấn lên để thương lượng về việc bồi thường (có thể diễn ra nhiều lần và ông Tấn có quyền nhờ luật sư hỗ trợ tại các buổi thương lượng).
Nếu hai bên không thống nhất về số tiền bồi thường thì ông Tấn có quyền khởi kiện ra TAND huyện Bình Chánh. Bản án có hiệu lực pháp luật có giá trị cưỡng chế và cơ quan chịu trách nhiệm thi hành bản án này là Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Bình Chánh.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 51 Luật TNBTNN, ông Tấn còn được quyền yêu cầu VKS huyện Bình Chánh khôi phục lại danh dự cho mình. Trong thời hạn 30 ngày, VKS phải thực hiện: trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của ông Tấn có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương, đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại.
Còn luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, số tiền bồi thường thiệt hại về vật chất là thu nhập thực tế của ông Tấn bị mất hoặc bị giảm sút - tức là do bị khởi tố nên quán cà phê không có khách dẫn đến thất thu - và phải cung cấp chứng từ hoặc tài liệu có liên quan.
"Theo tôi, giữa ông Tấn và cơ quan chức năng là VKS Bình Chánh nên chủ động thương lượng để có kết quả thoả đáng, phù hợp với nội dung diễn biến vụ việc. Vụ án này được sự quan tâm của cả nước, cần kết thúc trong thời gian ngắn để đảm bảo quyền và nghĩa vụ các bên không kéo dài thêm quy trình tố tụng", ông Mạch nói.
Ngày 18.8.2015, ông Tấn bị Công an huyện Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi Kinh doanh buôn bán cà phê giải khát, ăn sáng... khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Gần tháng sau, Công an huyện cho rằng ông tiếp tục kinh doanh trái phép "khi chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm" nên khởi tố về hành vi Kinh doanh trái phép.
Ngày 19.4, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, sau đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo UBND TP.HCM kiểm tra việc xử lý hình sự ông Tấn.
Thời điểm đó, Công an TP.HCM xác định xử lý hình sự ông Tấn là "có căn cứ nhưng nóng vội". Còn TAND huyện Bình Chánh trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung.
Chủ quán cà phê Xin Chào bị truy tố vì chưa có giấy phép dấy lên quan ngại về môi trường kinh doanh của Việt Nam, vốn được cho có nhiều cản trở. Việc xử lý vụ án diễn ra trong bối cảnh tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuẩn bị tiếp xúc giới doanh nhân Việt Nam, tại TP.HCM.
Theo_Dân việt
Bất ngờ sau vụ chủ quán cà phê Xin Chào bị xử lý hình sự Sau vụ quán Xin Chào, ông Nguyễn Văn Bỉ (48 tuổi) đã kêu cứu vì cũng bị Công an huyện Bình Chánh (TP HCM) khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý nhà ở. Sau khi nghe thông tin Thủ tướng yêu cầu dừng hình sự hóa đối với chủ tiệm phở Nguyễn Văn Tấn về tội Kinh doanh...