Vụ án bầu Kiên: Ông Phạm Trung Cang có tội hay không?
Nhận định trái ngược nhau của các cơ quan tố tụng trong “đại án” Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, mà điển hình là việc xác định ông Phạm Trung Cang có tội hay không, khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Mới đây, TAND TP Hà Nội quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, kiến nghị VKSND TP Hà Nội làm rõ vai trò đồng phạm của ông Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và 4 người khác về hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
CQĐT Bộ Công an khẳng định có tội
Trước đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra bản kết luận điều tra ngày 1/8/2013 và kết luận điều tra bổ sung ngày 30/10/2013 đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên 4 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại ACB và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội và TP HCM.
Ông Phạm Trung Cang va đơn xin tư nhiêm Pho Chu tich HĐQT Eximbank vao ngay 19/9/2012 Ảnh: Minh Anh
Năm bị can khác bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm các ông: Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc ACB). Hai bị can: Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty CP Đầu tư ACBI Hà Nội) và Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội) bị đề nghị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo kết luận điều tra, riêng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam – VietinBank Chi nhánh TP HCM) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số cá nhân nguyên là lãnh đạo ACB đã có hành vi cố ý làm trái, ra chủ trương dùng tiền huy động của khách hàng, ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VNĐ và USD vào các tổ chức tín dụng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định. Trong đó, có việc gửi tiền vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng, gây thất thoát cho ACB 718,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, CQĐT Bộ Công an còn đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải về hành vi “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỉ đồng.
VKSND Tối cao đình chỉ điều tra
Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an, ngày 12/12/2013, VKSND Tối cao ra cáo trạng đồng thời truy tố 7 bị can với nhiều tội danh, tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án là 1.695,6 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, trong việc Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank bị siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, CQĐT đã khởi tố ông Phạm Trung Cang về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” do liên quan đến việc ủy thác gửi tiền nêu trên.
Ông Phạm Trung Cang có tham gia cuộc họp của Thường trực HĐQT ACB vào ngày 22/3/2010 đề ra chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng ngày 31/12/2010, ông Cang đã có đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT ACB khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 chưa có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2011) và đã được ngân hàng chấp nhận. Do đó, ông Cang không phải chịu trách nhiệm về hậu quả làm thất thoát số tiền 718,9 tỉ đồng. VKSND Tối cao đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Phạm Trung Cang.
Ngoài ra, với hành vi “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với số tiền hơn 687 tỉ đồng của ACB do đầu tư cổ phiếu, cáo trạng chỉ truy tố 2 bị can Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên.
TAND TP Hà Nội: Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Video đang HOT
Thế nhưng, ngày 3/1/2014, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ cho VKSND TP Hà Nội để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan.
Theo quyết định này, TAND TP Hà Nội nhận định chủ trương của HĐQT ACB đã thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi 718,9 tỉ đồng vào VietinBank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM, với lãi suất trong hợp đồng là 14%/năm lãi, chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13%/năm.
Trong đó, hành vi của ông Phạm Trung Cang đã cùng ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ACB ra chủ trương dùng tiền huy động của dân để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VNĐ cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất, thông tư của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất và Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong quá trình hoạt động, ngày 24-1-2011, ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang sang làm việc tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Ngày 26-4-2011, ông Phạm Trung Cang có quyết định miễn nhiệm thôi giữ chức vụ phó chủ tịch HĐQT ACB nhưng ông Cang vẫn còn giữ chức vụ thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB, chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7/6/2011, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.
TAND TP Hà Nội cho rằng hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” song chưa được đề cập xử lý trong cáo trạng.
Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của ACB gây thiệt hại hơn 687 tỉ đồng, TAND TP Hà Nội nhìn nhận ngày 2/1/2009, Thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Chứng khoán ACB (viết tắt là ACBS) để mua cổ phiếu của ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo và giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện.
Quá trình điều tra, các bị can đều thừa nhận đây là chủ trương của Thường trực HĐQT ACB. Từ chủ trương trên của Thường trực HĐQT ACB đầu tư cổ phiếu dẫn đến ACB bị thiệt hại hơn 687 tỉ đồng. CQĐT Bộ Công an khởi tố điều tra, đề nghị truy tố Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lý Xuân Hải về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng cáo trạng của VKSND Tối cao chỉ truy tố 2 bị can Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên ở hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm…
Từ những phân tích này, TAND TP Hà Nội ra quyết định trả hồ sơ nhằm làm rõ vai trò đồng phạm đối với 2 ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn về tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, TAND TP Hà Nội cũng cho rằng hành vi của ông Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải có dấu hiệu đồng phạm tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu gây thiệt hại cho ACB hơn 687 tỉ đồng.
Ông Cang không còn ở Việt Nam, khó khăn cho việc điều tra
Ngày 7/10/2013, lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Phạm Trung Cang được dỡ bỏ. Ngày 24/12/2013, ông Cang rời Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Trước đó, ngày 20/9/2012, C46 Bộ Công an có văn bản đề nghị Cục Quản lý xuất nhập cảnh (A72) Bộ Công an thực hiện lệnh cấm xuất cảnh đối với ông Cang.
Bên lề hội nghị tổng kết ngành kiểm sát sáng 16/1, một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết nếu ông Cang không còn ở Việt Nam thì sẽ hết sức khó khăn cho việc điều tra và sẽ nảy sinh vấn đề pháp lý hết sức rắc rối.
Y.Thanh – N.Quyết
Theo Nhóm phóng viên
NLĐ
Điều tra lại vụ án bầu Kiên: Sẽ khởi tố và truy tố thêm bị can?
Chỉ sau hơn 20 ngày tiếp nhận hồ sơ (ngày 18-12-2013), mới đây, TAND TP Hà Nội đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm cho cơ quan truy tố để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan.
Điều đáng nói là CQĐT từng có quan điểm xử lý đối với những cá nhân này trước pháp luật, song không được chấp thuận.
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng
Làm trái quy định để giảm thiệt hại
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được thành lập từ năm 1993 và lần thay đổi giấy phép kinh doanh gần đây nhất là tháng 9/2011 với người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc - Lý Xuân Hải.
Trước đó vào năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chuẩn y việc bầu các chức danh trong HĐQT của ACB, nhiệm kỳ 2008 - 2012 với các thành viên gồm: Trần Xuân Giá - Chủ tịch HĐQT; Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra các thành viên còn có Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn và một số cá nhân khác. Trong số ấy, thường trực của HĐQT gồm có Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Lý Xuân Hải.
Trong quá trình hoạt động, ngày 22/3/2010, thường trực HĐQT ACB đã triệu tập một cuộc họp trong đó có nhiều ban bệ và đại diện Hội đồng sáng lập là Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thua lỗ.
Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của ACB và không chấp thuận giảm lãi suất huy động. Trên cơ sở đó, Lý Xuân Hải đưa ra "sáng kiến" sẽ ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, lại vừa được hưởng "hoa hồng", khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên lập tức hưởng ứng và "lái" thường trực HĐQT ACB nhất trí, tán thành.
Chính vì vậy mà hầu hết các thành viên dự cuộc họp đó đã thống nhất và cùng ký tên vào biên bản với nội dung: "Đồng ý việc ủy thác cho các nhân viên để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao TGĐ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng".
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 27/6 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng thực hiện việc ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, lãi suất trong các hợp đồng tín dụng được các bên xác định là 14%/năm ghi trong hợp đồng, còn lãi ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền gửi này đã nhanh chóng bị Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hết.
Quá trình điều tra đã làm rõ việc làm nêu trên của các cá nhân trong thường trực HĐQT ACB là trái pháp luật vì vào thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Điều này có nghĩa việc làm trên đã vi phạm vào Điều 106 - Luật các Tổ chức tín dụng.
Vung tiền "thao túng" cổ phiếu...
Ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB ra thông báo: "Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng Đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng Đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này".
Thực hiện thông báo đó, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Chứng khoán ACB (gọi tắt là ACBS) tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác.
Do biết pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB nên Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo doanh nghiệp chứng khoán này ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư Á châu do chính ông ta làm Chủ tịch HĐQT để đầu tư mua bán cổ phiếu của ACB.
Cụ thể, ngày 1/12/2009, Nguyễn Đức Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS được phép liên kết với đối tác đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng. Tiếp đến, trong các ngày 17/5/2010 và 28/8/2010, Nguyễn Đức Kiên vẫn lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS liên doanh với đối tác để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 700 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo và "giật dây" của Nguyễn Đức Kiên, Công ty ACBS sau đó đã liên kết với một số doanh nghiệp mua bán cổ phiếu của ACB. Để tiến hành được việc làm trái pháp luật này, Ngân hàng ACB đã cho một số ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng dưới hình thức vay liên ngân hàng để sau đó các ngân hàng này cho Công ty ACBS cùng đối tác liên kết vay vốn "chơi" chứng khoán. Và tính đến thời điểm vụ án bị khởi tố, những ngân hàng được ACB cho vay tiền để sau đó "tuồn" cho các công ty "sân sau" của Nguyễn Đức Kiên vẫn còn nợ hơn 1.193 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ trong phi vụ "thao túng" cổ phiếu này, Ngân hàng ACB đã bị thiệt hại tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng.
Ở hành vi này, trong quá trình điều tra, cả 6 bị can trong thường trực HĐQT ACB đều thừa nhận đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo, đồng thời giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Chính về thế mà kết thúc giai đoạn điều tra, CQĐT của Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố tất cả các bị can gồm Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải cùng về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165-BLHS. Thế nhưng vào thời điểm chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan xét xử (ngày 18-12-2013), cáo trạng lại chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên.
Sẽ khởi tố và truy tố thêm bị can?
Đó chính là tinh thần mà Quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ ngày 3/1 của TAND TP Hà Nội và cá nhân thẩm phán Nguyễn Quốc Thành (người được phân công thụ lý vụ án) đặt ra đối với cơ quan truy tố. Tòa án Hà Nội cho rằng chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB đã thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng vào Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Trong hành vi này, tòa xác định ông Phạm Trung Cang đã cùng một số bị can khác trong vụ án ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ra chủ trương dùng tiền huy động để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VND cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất và Luật các Tổ chức tín dụng.
Trong quá trình hoạt động, ngày 24/1/2011, Ngân hàng ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang. Tuy nhiên, ông Cang sau đó vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB, chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Và sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7/6/2011, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.
Do đó, tòa án cho rằng hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", song chưa được đề cập xử lý trong cáo trạng.
Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng, tòa nhìn nhận, ngày 2/1/2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo và giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Quá trình điều tra, các bị can, trong đó có Trần Xuân Giá đều thừa nhận thường trực HĐQT đã có chủ trương cấp tín dụng cho ACBS. Và thực tế là CQĐT đã đề nghị truy tố cả 6 bị can liên quan theo tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng cáo trạng chỉ truy tố hai bị can Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên ở hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Từ các phân tích này, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ nhằm làm rõ vai trò đồng phạm đối với hai ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", do đã tham gia vào quyết sách ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, Tòa án Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu.
"Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về 4 tội danh, gồm: "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế ". Hai bị can là Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố cùng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị can: Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng".
Theo Trịnh Tuyến
ANTĐ
'Bóng hồng' đứng sau những phi vụ của bầu Kiên Bà Đặng Thị Ngọc Lan không chỉ là "cánh tay phải" đắc lực hỗ trợ bầu Kiên trong kinh doanh mà còn là một "bóng hồng" trong trái tim ông bầu "khủng" này. Năm 2007, bà Lan đứng thứ 4 trong top 10 người phụ nữ giàu nhất TCCK Việt Nam. Người đàn bà quyền lực Bà Đặng Thị Ngọc Lan là vợ...