Vụ ám sát có thể châm ngòi ‘chảo lửa’ Trung Đông
Sau vụ kiến trúc sư chương trình hạt nhân Iran bị ám sát, Tehran có thể phát động trả đũa Israel hay căn cứ quân sự Mỹ, dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh tại Trung Đông.
Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, người mà phương Tây nghi là “cha đẻ” chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, bị sát hại trong một cuộc phục kích gần Tehran hôm 27/11.
Giới quan sát lo ngại cái chết của ông Fakhrizadeh sẽ gây phức tạp cho tổng thống đắc cử Joe Biden khi muốn khôi phục quan hệ với Iran trong thời gian tới.
Điều đáng quan ngại hơn là Tehran có động lực lớn để trả thù cho ông Fakhrizadeh, người được xem là anh hùng dân tộc ở Iran.
Đổ lỗi cho Israel và gây khó cho ông Biden
Giới chức Iran quy trách nhiệm cho Israel, cáo buộc Tel Aviv muốn tranh thủ những ngày cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Trump để gây căng thẳng.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định trên Twitter rằng “nhiều chỉ dấu nghiêm trọng khẳng định vai trò của Israel trong vụ ám sát ông Fakhrizadeh”.
“Một lần nữa, bàn tay xấu xa của nhóm lính đánh thuê Israel lại nhuốm máu. Vụ ám sát cho thấy sự tuyệt vọng và lòng căm thù sâu sắc của kẻ thù. Sự hy sinh của ông Fakhrizadeh sẽ không làm chậm thành tựu của chúng ta”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói trong một tuyên bố.
Cố vấn quân sự của lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei thề sẽ “tấn công như sấm sét” vào những kẻ gây ra cái chết của nhà khoa học Fakhrizadeh.
Các nguồn tin cho biết Hội đồng An ninh Quốc gia Iran triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các chỉ huy quân đội trong lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.
Như mọi khi, Israel từ chối bình luận. Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao Mỹ, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và nhóm chuyển tiếp của tổng thống đắc cử Joe Biden cũng chưa lên tiếng.
Video đang HOT
Việc nhà khoa học hàng đầu Iran bị ám sát có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với chính quyền tổng thống đắc cử Biden. Trong quá trình tranh cử, ông Biden đặt mục tiêu khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân với Iran. Thỏa thuận đạt được dưới thời ông Obama, nhưng bị Tổng thống Trump hủy bỏ vào năm 2018.
Hiện trường vụ ám sát nhà học Iran. Ảnh: Reuters.
Robert Malley, người từng là cố vấn về Iran cho cựu Tổng thống Obama, nói vụ ám sát xảy ra ở giai đoạn cuối của chính quyền Trump khiến bộ máy mới của ông Biden sẽ khó tái kết giao với Iran hơn.
“Một mục đích đơn giản là gây thiệt hại tối đa với chương trình hạt nhân và nền kinh tế Iran khi còn có thể. Ngoài ra, mục đích khác là làm cho Iran tức giận, gây khó cho ông Biden trong việc nối lại ngoại giao và khôi phục thỏa thuận hạt nhân”, ông Malley nói.
Báo New York Times vào đầu tháng này từng đưa tin Tổng thống Trump yêu cầu các trợ lý quân sự lên kế hoạch cho một cuộc tấn công vào Iran, nhưng ông rút lại ý định sau khi được cảnh báo về xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông.
Hồi đầu năm, ông Trump ra lệnh tiêu diệt Qassem Soleimani – tư lệnh lực lượng người Quds tinh nhuệ – bằng máy bay không người lái. Iran trả đũa bằng cách phóng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq.
Trong vụ lần này, cựu đặc phái viên Trung Đông của Lầu Năm Góc, Michael P. Mulroy, nói Tehran gần như chắc chắn sẽ trả đũa.
“Fakhrizadeh là nhà khoa học hạt nhân Iran cấp cao nhất, chịu trách nhiệm toàn bộ chương trình nguyên tử bí mật của Iran. Ông ấy cũng là sĩ quan cao cấp trong Lực lượng Vệ vinh Cách mạng Hồi giáo, nên Iran sẽ càng có thêm quyết tâm để phát động tấn công”, ông Mulroy nói trên New York Times .
Thượng nghị sĩ Chris Murphy, thành viên đảng Dân chủ trong Tiểu ban Trung Đông ở Thượng viện Mỹ, nói trên Twitter rằng “vụ ám sát (ông Fakhrizadeh) không làm cho nước Mỹ, Israel hay thế giới an toàn hơn”.
Người phát ngôn Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để tránh đẩy căng thẳng leo thang.
Đặc phái viên Iran tại Liên Hợp Quốc tuyên bố “Tehran bảo lưu quyền thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để tự vệ”. Ông cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an lên án vụ ám sát và thực hiện các biện pháp cần thiết để buộc thủ phạm trả giá.
Iran có thể khôi phục chương trình hạt nhân
Không có nhiều thông tin về ông Fakhrizadeh được công khai. Tuy nhiên, giới chức phương Tây và Israel có quan điểm thống nhất rằng Fakhrizadeh là người đứng đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Iran.
Ông cũng là nhà khoa học Iran duy nhất có tên trong bảng đánh giá cuối cùng của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về quá trình làm giàu hạt nhân của Iran.
Vụ ám sát nhà khoa học hàng đầu có thể khiến Iran khôi phục lại chương trình hạt nhân. Ảnh: Getty.
Fakhrizadeh cũng là nhân vật trung tâm trong một bài thuyết trình của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu năm 2018, khi Tel Aviv cáo buộc Iran tiếp tục phát triển vũ khí nguyên tử. “Hãy nhớ cái tên đó, Fakhrizadeh”, Thủ tướng Netanyahu nói.
Theo cựu quan chức Lầu Năm Góc Mulroy, việc ông Fakhrizadeh bị ám sát có thể làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân Iran, nhưng Mỹ cần nâng mức cảnh báo ở những nước mà Iran có thể trả đũa.
Giới phân tích cho rằng việc sát hại Fakhrizadeh có thể tạo ra áp lực chính trị để Iran khôi phục lại kho nhiên liệu hạt nhân mà nước này từ bỏ vào năm 2015.
Các quan chức cấp cao trong lực lượng vũ trang Iran đều thề trả thù cho cái chết của ông Fakhrizadeh. Vụ ám sát diễn ra chỉ hai tuần sau khi nhân vật số 2 của al-Qaeda cũng bị xử trí ngay tại Tehran.
Không lâu sau khi truyền thông Iran xác nhận về vụ ám sát ông Fakhrizadeh, người biểu tình tụ tập bên ngoài dinh thự của Tổng thống Hassan Rouhani kêu gọi chiến tranh với Mỹ.
Họ giơ cao các tấm biển có nội dung “im lặng là cho phép nhiều vụ ám sát hơn”, “không khuất phục, không nhượng bộ, chỉ có chiến tranh với Mỹ”.
Người biểu tình cũng kêu gọi trục xuất các thanh sát viên quốc tế đang theo dõi chương trình hạt nhân ở Iran.
Rộ tin quan chức Mỹ liên quan tới vụ tướng Soleimani thành mục tiêu của Iran
Các quan chức tình báo quân đội Mỹ nhận định, giới lãnh đạo quân sự nước này có thể là mục tiêu của Iran do liên quan tới vụ ám sát tướng Soleimani hồi đầu năm.
Lời nhận định trên không hẳn không có cơ sở, khi đài NBC của Mỹ tiết lộ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã có chuyến công du tới các nước thuộc Trung Đông và Nam Á trong tuần này. Tuy nhiên lịch trình chuyến đi của ông Esper được giữ bảo mật hơn so với mọi khi, có thể là do có những lo ngại về an ninh.
Chẳng hạn, các phóng viên đi cùng đoàn với Bộ trưởng Esper chỉ được phép đưa tin về chuyến thăm hai quốc gia đồng minh của Mỹ tại Trung Đông là Israel và Bahrain, sau khi ông này rời khỏi đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper. Ảnh: AP
NBC dẫn lời các quan chức thuộc quân đội, Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Cục Điều tra Liên bang (FBI) nói rằng, sự cẩn trọng trong lịch trình công tác trên được tiến hành sau khi xảy ra vụ việc với một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ tối hôm 22/9.
Khi đó, vị quan chức trên ngồi trong xe SUV thuộc sở hữu của chính phủ vừa rời khỏi Lầu Năm Góc thì lập tức bị một chiếc xe không rõ lai lịch mang biển số bang Virginia bám theo. Viên tài xế chiếc xe này được nhận định có quốc tịch Iran đã cố theo đuôi chiếc SUV suốt quãng đường dài khoảng 8-11km với thái độ khá 'hung bạo'.
Các ngành chức năng sau đó đã xác định được danh tính của tài xế trên, cũng như phát hiện trong các tài khoản mạng xã hội của người này có rất nhiều người bạn quốc tịch Iran và Afghanistan. Tuy nhiên, không có thông tin về việc tài xế trên bị thẩm vấn hay bắt giữ.
"Bộ Quốc phòng coi trọng sự an toàn của tất cả nhân viên. Chúng tôi sẽ không thảo luận thông tin tình báo về những mối đe dọa tiềm ẩn đối với các nhà lãnh đạo cấp cao, cũng như phạm vi của những biện pháp an ninh mà chúng tôi áp dụng để ứng phó các mối đe dọa này", NBC dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman nói.
"Đối với các chuyến công tác quốc tế của quan chức thuộc Bộ Quốc phòng, những biện pháp an ninh được quyết định dựa trên từng tình huống với sự phối hợp giữa cơ quan an ninh Mỹ và nước sở tại để bảo vệ các quan chức, đội ngũ hỗ trợ và các nhân viên truyền thông đi cùng. Chúng tôi liên tục đánh giá về 'môi trường đe dọa'", ông Hoffman nói thêm.
Cuộc phục kích đoạt mạng chuyên gia hạt nhân Iran Chiếc xe chở chuyên gia hạt nhân Fakhrizadeh bị chặn lại bởi một vụ nổ trên đại lộ ngoại ô thủ đô Tehran, trước khi những tay súng xuất hiện. Vụ phục kích nhằm vào chiếc xe chở Mohsen Fakhrizadeh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của Iran, xảy ra trên tuyến đại lộ tại thành phố Absard, ngoại ô phía đông thủ...