Vụ 76 đối tượng bị bắt giữ tại Vũng Áng: “Chúng tôi hối hận lắm”
“Tôi thấy lương tâm cắn rứt lắm. Tôi quá tham. Tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình, mong được sự khoan hồng của pháp luật”, một đối tượng quá khích trong dòng người tuần hành phản đối Trung Quốc ở Hà Tĩnh bày tỏ.
Sáng ngày 15/5, chưa đầy một ngày sau khi xảy ra vụ xô xát, gây rối, phá hoại tài sản tại KCN Formosa (Hà Tĩnh), cơ quan điều tra Công an huyện Kỳ Anh đã khởi tố vụ án, bắt giữ 76 đối tượng với các hành vi kích động công dân gây rối phá hoại tài sản, gây mất trật tự; phá hoại tài sản và trộm cắp tài sản.
38 trong số 76 đối tượng bị bắt giữ đã được cơ quan điều tra di lí về trụ sở của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Hà Tĩnh ở phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) để phục vụ công tác xét hỏi làm rõ hành vi phạm tội.
“Tôi hối hận lắm”
Sáng 16/5, PV Dân trí đã có mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự Hà Tĩnh, nơi đang tạm giữ 38 đối tượng gây rối, xô xát, trộm cắp tài sản bị bắt giữ trong vụ xô xát tại khu công nghiệp Formosa. Do số lượng đối tượng phạm tội đông nên khu nhà ăn tập thể của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh rộng mấy trăm mét vuông trở thành nơi các điều tra viên của Phòng Cảnh sản hình sự Công an Hà Tĩnh và Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh lấy lời khai.
Các điều tra viên thuộc Công an và Biên phòng Hà Tĩnh đang tích cực lấy lời khai các đối tượng gây rối.
Trung tá Nguyễn Văn Nhật, một cán bộ điều tra của Phòng CSHS Công an Hà Tĩnh vừa lấy lời khai của đối tượng Nguyễn Tiến Quân (SN 1971) vừa giảng giải: “Họ cũng như các anh, nghèo khó từ bên Trung Quốc qua mình làm thuê, kiếm sống. Họ có làm gì sai với chúng ta đâu. Sai ở đây là sai ở nhà cầm quyền của họ. Đánh họ đã sai, các anh còn lợi dụng để trộm cắp tài sản lại càng sai nữa. Nhà nước phải bỏ tiền mua sắm, trang bị lại những cái các anh phá, các anh lấy đi của họ”.
Lấy lời khai các đối tượng tham gia gây rối, trộm cắp tài sản
Quân kể, anh quê ở xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, gia đình vất vả nên vào làm thuê canh máy xúc cho một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Vũng Áng. Chiều 14/5, thấy dòng người đông đúc tuần hành phản đối Trung Quốc, Quân bỏ việc tham gia. “Khi đám đông tràn vào bên trong khu công nghiệp đốt phá thì tôi nhận được điện thoại của ông chủ báo phải trông coi, bảo vệ cái máy xúc chưa kịp di chuyển ra. Lúc trông coi tôi nhặt được một bịch ni lông ai đó bỏ xuống, soi đèn thấy thỏi đồng bên trong. Thấy nhiều người chôm của, tôi cầm bịch này ra ngoài với ý định bán kiếm tiền thì bị biên phòng bắt giữ” – Quân kể.
Video đang HOT
Nói về hành vi phạm tội của mình, Quân bày tỏ sự hối hận: “Tôi thấy tôi quá tham. Lương tâm tôi cắn rứt lắm. Tôi thấy tôi sai rồi. Tôi đã nhận ra lỗi lầm của mình, mong được sự khoan hồng của pháp luật”.
Tang vật vụ án được Công an Hà Tĩnh thu giữ, phục vụ công tác điều tra
Cũng như Nguyễn Tiến Quân, các đối tượng Trần Vinh, Mai Văn Nam (Thừa Thiên Huế), Phan Văn Cẩm (Quảng Bình)… cũng bày tỏ ăn năn, hối hận khi lợi dụng việc tuần hành phản đối Trung Quốc để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Không xử lý nghiêm sẽ thiếu răn đe
Dù các đối tượng bị tạm giữ đã thừa nhận hành vi sai trái của mình nhưng quan điểm của lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh là sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp tham gia xô xát, gây rối, phá hoại, trộm cắp tài sản tại khu công nghiệp Formosa.
Tại cuộc họp thông báo tình hình KCN Vũng Áng chiều ngày 15/5, CQĐT Công an Hà Tĩnh cho biết, có 3 nhóm đối tượng bị bắt giữ bao gồm: kích động công dân gây rối phá hoại tài sản, gây mất trật tự; nhóm phá hoại tài sản và nhóm trộm cắp tài sản.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, sau khi khởi tố vụ án, di lý các đối tượng phạm tội về nơi tạm giữ, cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ, phân loại hành vi phạm tội của các đối tượng.
“Những hành vi sai trái này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng đến tình hình anh ninh trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng đến nỗ lực chung của Đảng, nhà nước, nhân dân trong việc đấu tranh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành động sai trái ở Biển Đông. Vì thế, quan điểm của chúng tôi là sẽ xử lý nghiêm đối với những người tham gia vụ việc nói trên, nếu không xử lý nghiêm để răn đe, không để vụ việc tương tự tái diễn” – vị cán bộ này nói.
Văn Dũng – Huy Thái
Theo Dantri
Gặp người trả 200 triệu cho lao động Trung Quốc đánh rơi
"Khi biết số tiền này của người lao động từ Trung Quốc đánh rơi, tôi nghĩ càng phải cố gắng tìm bằng được. Vì họ cũng như lao động Việt Nam ở nước ngoài, nếu mất tiền và giấy tờ tùy thân thì không biết sẽ ra sao", anh Đào Hữu Ý, người nhặt được và đã trả lại 200 triệu đồng cho một người Trung Quốc chia sẻ.
Đào Hữu Ý (trái) và Jiang Qin Lin (người Trung Quốc)
Mấy ngày qua, người dân trên địa bàn Kỳ Anh, Hà Tĩnh, truyền nhau câu chuyện anh Đào Hữu Ý (SN 1984, trú tại thôn Hoa Đông, xã Kỳ Hoa, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) trả lại 200 triệu đồng cho một người lao động Trung Quốc. Dưới cái nắng như đổ lửa, dù công việc bận rộn song khi nghe chúng tôi hẹn gặp để tìm hiểu về hành động trả lại 200 triệu đồng cho người Trung Quốc anh lập tức nhận lời.
Cũng tại quán cà phê Phú Sơn, nơi anh Ý nhặt được túi tiền, rất nhiều người phát hiện đến hỏi han, chia sẻ niềm vui. "Công việc của tôi ngày nào cũng tiếp xúc với những công nhân Trung Quốc. Họ rất chăm chỉ", anh Ý mở đầu câu chuyện.
Ngày 11/5, anh Ý vào uống nước tại quán cà phê Phú Sơn, thị trấn Kỳ Anh và nhặt được một chiếc túi xách màu đen. Cũng lúc này, chị Đào Thị Minh Huệ (SN 1995, nhân viên quán cà phê Phú Sơn) có mặt và cho biết vừa có một người Trung Quốc rời quán.
"Trước khi anh Ý đến chỉ có duy nhất vị khách đi ôtô màu đen cầm túi xách giống như của anh Ý nhặt được. Khi biết được thông tin đó, anh Ý bảo ngồi chờ xem vị khách đó có quay lại tìm không", chị Huệ nói.
Ngồi chờ một lúc không thấy ai quay lại tìm túi xách bị đánh rơi, anh Ý nghĩ phải mở túi xách xem bên trong có tài sản gì đáng giá không để tìm trả lại chủ nhân của nó. Mở túi, anh thấy bên trong có nhiều tiền.
"Thấy số tiền quá lớn, tôi mang vào bảo với nhân viên của quán cùng kiểm đếm, có 100 triệu đồng mệnh giá 200 nghìn đồng/tờ, một tờ 500 nghìn đồng, 50 nghìn nhân dân tệ cùng một sổ hộ chiếu mang tên Jiang Qin Lin (SN 1990, quốc tịch Trung Quốc). Anh Ý bảo phải tìm trả lại người đánh rơi bằng được.
"Chờ mãi không thấy ai quay lại nên anh Ý lấy xe máy chạy đi tìm chiếc ôtô màu đen tại các công trường của người Trung Quốc gần đấy. Khi đi anh Ý bảo, nếu vị khách kia quay lại thì gọi điện cho anh", chị Huệ nhớ lại.
Khoảng 2 tiếng sau, một thanh niên đi trên ôtô xuống với vẻ mặt hốt hoảng như đang tìm kiếm cái gì đó. Vị khách này chạy thộc vào quán hỏi nhân viên xem có nhìn thấy túi xách màu nâu bị đánh rơi tại quán không. Lúc này, chị Huệ gọi điện thông báo cho anh Ý.
"Tôi vừa cầm chiếc túi xách bước vào, thấy khuôn mặt người thanh niên như tỉnh ra, tỏ vẻ vui mừng", anh Ý nhớ lại. Nhưng với số tiền quá lớn, anh Ý đề nghị người thanh niên và chị Huệ cùng "sát hạch" để xem có đúng chủ nhân thật sự của số tiền này.
Sau khi xem giấy tờ tùy thân của người đàn ông để so sánh với cuốn sổ hộ chiếu nằm trong túi xách và xác định vị khách đó chính là chủ nhân của chiếc túi.
"Khi trả túi xách cho Jiang Qin Lin, anh này rối rít cảm ơn anh Ý và tặng anh 1 triệu đồng nhưng anh Ý từ chối", chị Huệ nói.
Trả lời về việc tìm mọi cách trả lại bằng được số tiền của người Trung Quốc đánh rơi, anh Ý cho biết, số tiền đấy không phải là tiền của mình dù là ai thì anh cũng sẽ tìm mọi cách trả lại.
"Khi biết đó là người lao động từ Trung Quốc sang, tôi nghĩ càng phải cố gắng tìm bằng được. Vì tôi nghĩ họ cũng như lao động Việt Nam ở nước ngoài, nếu mất tiền và giấy tờ tùy thân thì không biết sẽ ra sao", anh Ý chia sẻ.
Anh Ý tâm sự: "Tôi muốn người Trung Quốc hiểu rằng, người Việt Nam chúng ta rất thân thiện và luôn coi trọng tình hữu nghị, bạn bè quốc tế".
Cũng theo anh Ý, ngày hôm sau (12/5), Jiang Qin Lin mời anh đi ăn cơm trưa.
Tại mâm cơm, hai người có đưa câu chuyện đang diễn ra trên biển Đông, Jiang Qin Lin cho biết, đó là việc của chính quyền Trung Quốc, còn anh và những người dân Trung Quốc chỉ muốn sống trong hòa bình.
Trưa hôm qua, PV Tiền Phong nhờ anh Ý gọi điện để gặp Jiang Qin Lin. Qua điện thoại, với vốn tiếng Việt khá sõi, Jiang Qin Lin cho biết, sau khi xảy ra việc lộn xộn tại khu kinh tế Vũng Áng vào tối 14/5, anh và một số bạn bè hạn chế ra ngoài và hẹn gặp vào dịp khác.
Theo Minh Thùy - Cẩm Thủy
Tiền Phong
Bồi dưỡng kiến thức và an toàn biển đảo cho ngư dân Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đài duyên hải miền Trung tiến hành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển đảo và công tác an ninh an toàn khi hoạt động trên biển cho các ngư dân. Ngày 13/5, các ngư dân phường Quảng Tiến, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa được Bộ chỉ...