Vụ 5 triệu yen: ‘Chờ tiền nơi ấy’… đến bao giờ?
Điều cuối cùng, dù pháp luật có quy định theo hướng nào, cũng xin các nhà làm luật hãy luôn tạo không gian đủ rộng để dung dưỡng lòng trung thực.
Sau một năm nhặt được 5 triệu yen, với diễn biến kịch tính khi xuất hiện “người đàn bà phút 89″, ngày 12/5, đôi vợ chồng buôn bán ve chai, chị Hồng, anh Vương, đã nhận được câu trả lời chính thức của Công an quận Tân Bình (TP.HCM): vụ việc cần thêm thời gian, chưa biết là bao lâu, để xác minh, để điều tra. Đồng nghĩa, hai tấm lòng lương thiện lại phải tiếp tục một cuộc sống ồn ào, thị phi và chờ đợi.
Luật pháp: Thiếu không gian cho lòng trung thực?
Một vụ việc đời thường tưởng chừng đơn giản nhưng lại tạo nên một làn sóng những bất đồng về quan điểm trong việc áp dụng pháp luật. Việc xem xét 5 triệu yen dưới tư cách là gì ảnh hưởng quyết định đến cách ứng xử của cơ quan công lực. Nó ảnh hưởng đến việc Chị Hồng có được quyền hưởng số tiền vô tình phát hiện không và nếu có thì với giá trị bao nhiêu. Đồng thời, nó còn quyết định thẩm quyền của cơ quan có trách nhiệm giải quyết vụ việc.
Tôi cho rằng, nguyên căn của sự bất đồng là do quy định của pháp luật dân sự Việt Nam vẫn còn những mơ hồ, thiếu thống nhất và chưa bao quát. Đến hiện tại, vẫn thiếu những căn cứ để phân biệt thế nào là vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu với vật bị người khác đánh rơi, bỏ quên.
Trong khi đó, cách xử lý của hai trường hợp này là hoàn toàn khác nhau. Đối với trường hợp 1, sau thời hạn thông báo rộng rãi tìm chủ sở hữu theo luật định, tài sản đó sẽ thuộc về người phát hiện được nếu là động sản, và sẽ thuộc về Nhà nước nếu là bất động sản.
Đối với vật bị bỏ quên, đánh rơi thì sau một năm kể từ thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát thông báo tìm kiếm chủ sở hữu vẫn không xác định được chủ sở hữu, tài sản này sẽ thuộc về người phát hiện nếu nó có giá trị từ 10 tháng lương tối thiểu trở xuống; nếu giá trị tài sản trên 10 tháng lương tối thiểu thì người phát hiện được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu cộng với 50% giá trị tài sản vượt mức 10 tháng lương tối thiểu, phần còn lại thuộc về Nhà nước, sau khi trừ đi chi phí bảo quản tài sản (đối với động sản).
Một nguyên nhân cộng hưởng nữa là do thói quen trong cách áp dụng pháp luật ở ta quá cứng nhắc và lệ thuộc vào câu chữ luật định, thay vì khai thác tinh thần của pháp luật để ứng xử, hành động trong trường hợp luật không bao quát nổi đời sống hay mơ hồ như vụ việc này.
Điều này dẫn đến hệ quả đã từng có quan điểm cho rằng, vì 5 triệu yen là tiền chứ không phải vật, nên phải áp dụng quy chế đối với việc chiếm hữu tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình. Nghĩa là buộc chị Hồng phải chiếm hữu số tiền này liên tục, công khai trong suốt 10 năm thì mới được xác lập quyền sở hữu.
Chị Hồng hoàn toàn không phải là người chiếm hữu tài sản. Do vậy áp dụng quan điểm này sẽ tước đoạt quyền mà chị Hồng đáng lẽ được hưởng.
Từ những gì nói ở trên, tôi cho rằng, pháp luật hiện hành vẫn chưa có đầy đủ không gian cho sự trung thực và tôn vinh sự lương thiện – điều cốt lõi mà luật pháp cần bảo vệ.
Video đang HOT
Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, người bán ve chai tại quận Tân Bình, TP HCM. Ảnh: An Nhơn/ VnExpress
“Quả bóng” lòng trung thực
Đứng trước một vụ việc không có gì phức tạp, nhưng các cơ quan công quyền lại “đá bóng trách nhiệm” cho nhau. Ai cũng có lý lẽ của mình.
Mặc dù hoạt động đúng thẩm quyền là nguyên tắc nhưng phải cân nhắc cẩn trọng mọi quy định trước khi tiến hành. Với cách làm như vừa qua, sự lương thiện bỗng dưng trở thành gánh nặng cho bộ máy công lực.
Rồi cuối cùng, cũng có cơ quan nhận trách nhiệm về mình. Nhưng, cách giải quyết của cơ quan này dường như chưa thể hiện được sự hợp lý, tận tâm cần có. Bởi lẽ theo quy định pháp luật, chỉ cần sau một năm kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu thì cơ quan công an phải thông báo về kết quả xác định chủ sở hữu và tiến hành chuyển giao tài sản theo quy định.
Dù trước khi hết thời hạn vài ngày, có người đứng ra tự nhận mình là chủ sở hữu là bà Ngọt, nhưng đến thời điểm hiện nay (đã hết thời hạn luật định), người này vẫn không chứng minh được mình là chủ sở hữu hay có liên quan đến chủ sở hữu, đồng nghĩa việc xác định định chủ sở hữu là không thực hiện được. Trong trường hợp đó, bà Ngọt cũng không có tư cách yêu cầu xác minh chủ sở hữu số tiền, và sự xuất hiện của bà không thể làm căn cứ để kéo dài vụ việc.
Cách ứng xử mơ hồ theo công văn ngày 12/05/2015 liệu có nguy cơ tạo một tiền lệ xấu: sẽ xuất hiện hàng loạt những kẻ nhận bừa, nhận bậy để phá rối lòng trung thực khi có vụ việc tương tự xảy ra?
Ngẫm về đạo lý đời thường
“Nhặt được của rơi, trả người đánh mất” – một sự răn dạy của cha ông tự ngàn xưa đã trở thành một cách ứng xử mang tính đạo đức luân lý, nhưng ngày nay không ít người Việt vô tình hay cố ý “lãng quên”.
Hành xử của 2 vợ chồng chị Hồng như một điểm sáng giữa một xã hội không ít nhiễu nhương hiện tại. Nhưng biết bao phiền phức, thị phi lại ập đến.
Lướt qua truyền thông, mỗi bài báo về vụ việc có tới vài trăm, vài nghìn bình luận. Có người cảm thương, có người nói chị Hồng dại, có người chê trách cơ quan công quyền, phê phán pháp luật. Song đọng chung lại sau những câu chữ sâu cay đấy có gì đó lắm nỗi niềm. Rồi sẽ còn bao nhiêu người tiếp giữ niềm tin vào những điều tốt đẹp, bao nhiêu người nhặt được của rơi sẽ mang đến nhờ Nhà nước trả người đánh mất?
Tạo không gian dung dưỡng lòng trung thực
Một chuyện đời nhỏ nhưng mang trong nó là niềm tin và giá trị của con người về lòng trung thực và lương thiện. Vì vậy, vụ việc này cần được giải quyết theo nguyên tắc bảo vệ tối đa quyền lợi của người có lòng trung thực. Bằng cách, cần lập tức áp dụng quy định hiện hành theo quy chế đối với người nhặt vật bị đánh rơi, bỏ quên để trao lại cho chị Hồng giá trị tài sản mà chị phải được hưởng.
Đồng thời, về lâu dài, các cơ quan hữu trách cần phải nghiên cứu sửa đổi những quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành theo hướng: (1) thống nhất cách hiểu đối với thuật ngữ vật vô chủ, vật không xác định được chủ sở hữu và vật đánh rơi, bỏ quên; (2) thống nhất cách xử lý trong cả 2 trường hợp theo hướng trao cho người phát hiện tài sản toàn bộ tài sản do họ phát hiện được, nhặt được; đối với những tài sản là bất động sản hoặc di tích lịch sử, văn hóa mà chỉ có nhà nước mới có thể là chủ sở hữu thì người phát hiện vật đó được thưởng một khoản tiền theo quy định pháp luật.
Điều cuối cùng, dù pháp luật có quy định theo hướng nào, cũng xin các nhà làm luật hãy luôn tạo không gian đủ rộng để dung dưỡng lòng trung thực. Đừng mải mê chống lại cái xấu mà quên đi nhiệm vụ song hành của pháp luật là nuôi dưỡng sự lương thiện và tốt đẹp.
Lưu Minh Sang (Giảng viên Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Theo VietNamNet
Người mua ve chai khiếu nại công an về "phán quyết" vụ 5 triệu Yên
Sáng 13/5, chị Nguyễn Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã gửi đơn khiếu nại đến công an quận Tân Bình xung quanh việc "phán quyết" số tiền 5 triệu yên mà chị phát hiện trong thùng loa cũ khi mua ve chai cách đây hơn một năm.
Chị Hồng đến gửi đơn khiếu nại tại công an quận Tân Bình vào sáng 13/5
Trước đó, vào sáng 12/5, Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng công an quận Tân Bình đã ký văn bản trả lời chị Hồng về các vấn đề xung quanh "số phận" của số tiền này.
Văn bản của công an quận Tân Bình thể hiện: "Để có cơ sở giải quyết vụ việc ngày 28/4/2014, công an quận Tân Bình đã đăng thông tin tìm chủ sở hữu trên phương tiện thông tin địa chúng. Đến ngày 10/4/2015 phía công an nhận được đơn trình bày của bà Phạm Thị Ngọt (SN 1975, quê Quảng Nam, tạm trú tại huyện Hóc Môn).
Trong đơn bà Ngọt trình bày đây là số tiền của chồng bà để quên trong thùng loa. Do không nhớ nên đã đém đi bán, bà Ngọt yêu cầu nhận lại số tiền trên. Sự việc phát sinh tình tiết mới, cần có thời gian xác minh làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho các bên liên quan nên công an quận Tân Bình chưa thể giải quyết số tiền trên theo quy định của pháp luật trong thời hạn 1 năm kể từ ngày đăng thông báo tìm chủ sở hữu. Công an quận Tân Bình tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng xác minh làm rõ vụ việc trong thời gian sớm nhất.
Trong văn bản trả lời của chị Hồng của công an quận Tân Bình cũng không thể hiện rõ thời hạn "phán quyết" số tiền trên.
Cho rằng cách giải quyết vụ việc 5 triệu yên của công an quận Tân Bình chưa hợp lý nên chị Hồng đã làm đơn khiếu nại gửi đến cơ quan chức năng.
Trong đơn khiếu nại chị Hồng cho rằng, bà Phạm Thị Ngọt (40 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), người xuất hiện ở "phút 89" trong vụ việc này và ông Afolayan Caled (quốc tịch Nam Phi) chưa phải là vợ chồng hợp pháp, chưa thực hiện thủ tục ghi chú hộ tịch tại Việt Nam. Tức là, bà Ngọt không đủ tư cách là người đứng đơn. Như vậy, công an quận Tân Bình không có cơ sở để nhận đơn yêu cầu nhận lại tài sản của bà Ngọt.
Việc nhận lại tài sản vô chủ là quan hệ dân sự, cơ quan công an chỉ có trách nhiệm tiếp nhận tài sản vô chủ và thông báo công khai cho chủ sở hữu hoặc người phát hiện nếu thời hạn 1 năm tìm kiếm. Trong thời gian đăng thông báo mà có cá nhân, tổ chức đề nghị nhận lại tài sản thì theo quy định, đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng từ, chứng minh để bào vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, cơ quan công an không có trách nhiệm điều tra ai là chủ sở hữu của tài sản. Việc công an quận Tân Bình kéo dài thời gian giải quyết vụ việc với lý do cần xác minh làm rõ đơn tường trình của bà Ngọt là không đúng thẩm quyền.
Biên bản tiếp nhận đơn khiếu nại của chị Hồng
Sau 1 năm tính từ ngày cơ quan công an đăng thông báo công khai mà không xác định được chủ sở hữu động sản, động sản đó sẽ thuộc về người phát hiện. Tuy nhiên, hết 1 năm người phát hiện yêu cầu được nhận tài sản vô chủ thì công an quận Tân Bình lại phát hành văn bản tự gia hạn thời gian xác minh chủ sở hữu là không đúng quy định của pháp luật.
"Bà Ngọt không phải đương sự, không có quyền, nghĩa vụ liên quan đền tài sản. Vậy căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà cơ quan công an quận Tân Bình vẫn thụ lý vụ việc? Dựa vào cơ sở pháp lý nào, công an quận Tân Bình tiếp tục xác minh chủ sở hữu tài sản trên, đặc biệt là khi thời hạn đã hết, dựa vào căn cứ pháp lý nào mà quá thời hạn 1 năm theo quy định pháp luật, công an quận Tân Bình tự gia hạn thời gian tìm kiếm chủ sở hữu? Những việc trên trực tiếp gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi" - Chị Hồng khiếu nại.
Trong sáng 13/5, đại diện công an quận Tân Bình xác nhận đã được đơn khiếu nại của chị Hồng. Cơ quan này đang tiếp tục làm rõ những vấn đề chị Hồng nêu trong đơn và sớm có văn bản trả lời đến chị Hồng.
Trung Kiên
Theo Dantri
Vụ 5 triệu Yen: Luật sư "bóc tách" quyền sở hữu số tiền nhặt được Theo Luật sư Lê Luân, đến nay đã hết thời hạn 1 năm từ ngày thông báo, nên theo quy định 5 triệu Yen phải trở thành tài sản của chị Hồng mới hợp lý Sau 1 năm nhặt được 5 triệu Yen trong chiếc loa thùng cũ, số tiền 5 triệu yên vẫn chưa thuộc về chị Huỳnh Thị Ánh Hồng. Lý...