Vụ 5 CA dùng nhục hình: Mức án đề nghị gây phẫn nộ
Lẽ ra cả 5 bị cáo phải bị truy tố cùng một khung hình phạt (khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình sự); người có án cao nhất chỉ nằm ở mức thấp nhất trong khung hình phạt này cũng bất hợp lý.
Liên quan đến vụ án 5 sĩ quan công an dùng nhục hình đánh chết nghi can xảy ra tại Công an TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mà TAND TP Tuy Hòa đang tiến hành xét xử (dự kiến ngày 3-4 sẽ tuyên án), ngày 31-3, gia đình người bị hại Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ngụ xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) bày tỏ bức xúc về mức án đề nghị của VKSND TP Tuy Hòa.
Không thể chấp nhận
Trước đó, trong phần luận tội, kiểm sát viên Ngô Thị Hồng Minh, đại diện VKSND TP Tuy Hòa, đề nghị mức án từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy, cán bộ điều tra – Công an TP Tuy Hòa), 4 bị cáo còn lại được đề nghị 12-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
“Tôi thấy quá bất công. Những người đã gây ra cái chết của chồng tôi ra tòa cứ chối tội. Ai cũng nói đánh ở chân hoặc không đánh, vậy ai là người đánh trực tiếp lên đầu chồng tôi? Tôi không đồng ý án tù treo như đề nghị của VKSND đối với 2 ông Nguyễn Minh Quyền (nguyên thiếu tá, thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Phú Yên) và Phạm Ngọc Mẫn (nguyên thượng úy, thuộc Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Tuy Hòa) vì họ cứ quanh co chối tội. Tôi thấy mức án dành cho 2 người này phải nằm cùng khung hình phạt với bị cáo Thành mới xác đáng” – chị Trần Thị Tâm, vợ anh Kiều, bức xúc.
Chị của anh Kiều, bà Ngô Thị Tuyết, cho rằng có nhiều tình tiết cho thấy bỏ lọt tội phạm. Bà Tuyết cũng nghi ngờ kết quả giám định pháp y của Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên. “Bản giám định này không cho biết rõ nội tạng em tôi bị bầm dập là do đâu? Tôi đã đề nghị HĐXX trả hồ sơ để giám định pháp y ở cấp cao hơn nhưng chủ tọa phiên tòa lướt qua không thèm trả lời” – bà Tuyết nói. Đề cập đến mức án VKSND TP Tuy Hòa đề nghị, bà Tuyết phẫn nộ: “Trời ơi, họ nghĩ sao khi điều tra viên dùng nhục hình như thời trung cổ, ra tòa còn quanh co chối tội mà đề nghị án treo? Công lý ở đâu? Làm sao tôi chấp nhận? Nếu HĐXX tuyên theo mức án đề nghị, gia đình chúng tôi sẽ kháng án”.
Video đang HOT
Bà Ngô Thị Tuyết (bên phải) bức xúc về mức án do VKSND TP Tuy Hòa đề nghị cho các bị cáo.
Sẽ trả hồ sơ điều tra lại?
Luật sư Võ An Đôn, Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên, người bảo vệ quyền lợi cho người bị hại, cho rằng nếu gia đình người bị hại kháng án, ông sẽ tiếp tục tham gia bảo vệ miễn phí cho họ. “Bởi vì không chỉ bảo vệ cho người bị hại, tôi còn bảo vệ cho công lý, phải làm rõ sự thật vụ án này. Còn nhiều người chưa bị khởi tố, ví dụ như ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa. Tôi phải theo đến cùng” – luật sư Đôn khẳng định.
Suốt 4 ngày theo dõi phiên tòa, luật sư Nguyễn Khả Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Khả Thành, cho biết lẽ ra trong vụ án này, cả 5 bị cáo phải bị truy tố cùng một khung hình phạt (khoản 3, điều 298 Bộ Luật Hình sự). Hơn nữa, theo đề nghị của VKSND, người có án cao nhất (Nguyễn Thân Thảo Thành – PV) chỉ nằm ở mức thấp nhất trong khung hình phạt này cũng là điều không phù hợp. “Có tình tiết nào giảm nhẹ đâu, ra tòa vẫn quanh co chối tội, làm sao ở mức án này được? Đó là tôi nói nếu truy tố ở tội “Dùng nhục hình”, chưa nói đến những tội danh khác” – luật sư Thành nêu quan điểm.
Bà Nguyễn Thị Yên Bình, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phú Yên, cho biết HĐND tỉnh rất quan tâm về vụ án nhưng phải chờ HĐXX tuyên án thế nào rồi mới có ý kiến. Trong khi đó, một lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên nhận định: “Chưa chắc HĐXX đã tuyên được. Các chứng cứ tranh tụng tại phiên tòa như vậy, có lẽ HĐXX tuyên hoãn để trả hồ sơ điều tra bổ sung”.
Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo VKSND TP Tuy Hòa để hỏi về mức án đã đề nghị đối với các bị cáo nhưng cán bộ phòng tiếp dân của cơ quan này nói ông Lê Minh Chánh, viện trưởng, đi họp, không ủy quyền phát ngôn cho viện phó. Trong khi đó, trên bảng phân công công tác không thấy ghi viện trưởng đi công tác ở đâu.
Quyền im lặng chưa được quy định Trên trang mạng cá nhân của mình, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, bình luận: “Đối với cán bộ điều tra, trong quá trình xét hỏi, nghi can im lặng thường bị quy kết là kẻ phạm tội “ngoan cố”… nên dẫn đến hậu quả đau lòng. Một luật gia nổi tiếng cho rằng sự im lặng của bị can, bị cáo cũng là một cách bào chữa tốt nhất… Ở nhiều nước, nghi can được sử dụng quyền im lặng cho đến khi có luật sư đến. Ở ta, quyền im lặng chưa được tố tụng hình sự quy định”.
Theo Hồng Ánh (Người Lao Động)
Bản án của lương tâm
Năm sĩ quan công an dùng nhục hình tra tấn công dân Ngô Thanh Kiều cho đến chết. Cái chết của anh Kiều là thật, 5 điều tra viên đánh chết một công dân trong trụ sở công an là có thật.
Một sự thật cay đắng khác: đại diện VKSND TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đề nghị 1 án tù từ 5 năm đến 5 năm 6 tháng và 4 án treo.
Và dư luận lên tiếng: Đại diện VKSND TP Tuy Hòa đề nghị các mức án dành cho 5 bị cáo là sĩ quan công an đánh chết công dân Ngô Thanh Kiều là không công bằng với nạn nhân, là không phù hợp với hành vi phạm tội.
Nền tư pháp Việt Nam đang đặt ra một mục tiêu cấp bách, đó là xét xử công bằng, nghiêm minh, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Khi những người chấp pháp bất chấp pháp luật và xét xử không căn cứ vào những sự thật khách quan của vụ án, bỏ lọt tội phạm thì nền tố tụng, tư pháp bị vấy bẩn. Pháp luật mà không nghiêm thì việc trị nước không yên.
Kết quả về cải cách tư pháp không phải là những lý thuyết và các phát biểu động viên hay hô hào khẩu hiệu mà là sự chứng thực qua từng phiên tòa. Một phiên tòa chỉ thực sự khép lại khi HĐXX tuyên một bản án công bằng, công tâm. Ngược lại, đó sẽ là một phiên tòa treo lơ lửng thách thức lương tâm và niềm tin của dân chúng. Nhân dân sẽ tiếp tục viết những trang cáo trạng cho những tội phạm bị bỏ lọt và viết thêm cáo trạng cho những kẻ cố tình bỏ lọt tội phạm.
Trở lại phiên tòa xét xử 5 sĩ quan công an dùng nhục hình tra tấn công dân đến chết ở TP Tuy Hòa, có thể thấy nhiều dấu hiệu bất thường. Những sai lệch về chứng cứ chứng minh hành vi của từng bị cáo và dấu hiệu bỏ lọt tội phạm đã được các luật sư phân tích, ở đây chỉ nói lên điều bất thường khái quát nhất, đó là một công dân bị đánh chết nhưng mức án được đề nghị quá nhẹ đối với những kẻ thủ ác. Nếu HĐXX chấp thuận mức án của VKS đề nghị thì chính họ đã tự viết thêm một chương đen tối vào trong lịch sử pháp đình của đất nước này.
Nếu 5 sĩ quan công an đánh chết anh Ngô Thanh Kiều được nhận 1 bản án quá nhẹ so với tội ác mà họ gây ra thì họ cũng sẽ không bao giờ "thi hành" xong bản án của chính lương tâm mình. Dù tại phiên tòa, 1 trong những sĩ quan là bị cáo toét miệng cười rất tươi trước nỗi đau của vợ con và người thân anh Ngô Thanh Kiều nhưng rồi một ngày nào đó, lương tâm của anh ta và những bị cáo khác sẽ thức tỉnh vì dù sao họ cũng là những con người.
Các vị trong HĐXX có thể rút 1 bản án "tiền chế" trong túi ra để đọc nhưng rồi sau này, chính họ sẽ tự tuyên cho chính mình một bản án của lương tâm.
Theo NLDO
3 mẹ con khăn trắng dự phiên xử 5 công an dùng nhục hình Những ai đến dự phiên tòa xử 5 công an dùng nhục hình, đánh chết nghi can Ngô Thanh Kiều (Phú Yên) đều đau lòng khi thấy 2 bé gái đầu vấn khăn tang, ngồi trên hàng ghế nguyên đơn. Đó là hai bé Ngô Thị Thanh Thảo (8 tuổi) và Ngô Thị Kim Oanh (2 tuổi) là con gái của anh Kiều....