Vụ 36 du khách Việt gặp nạn ở Lào: Trung tâm lữ hành… “phủi tay”?
Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng các nạn nhân trong vụ lật xe khách khiến 3 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương tại tỉnh Bôlykhămxay (Lào) vẫn phải mòn mỏi chờ Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị (Nghệ An) hoàn trả tiền tour, tiền bảo hiểm.
Hiện trường vụ lật xe du lịch khiến 3 người chết, 33 người bị thương tại Lào ngày 20/4/2013 (Ảnh: Đức Quỳnh)
Nạn nhân khổ sở đi đòi tiền tour, bảo hiểm
Trong đơn khiếu nại “khẩn cấp” gửi Công an tỉnh Nghệ An, Sở VH-TT&DL Nghệ An và Văn phòng báo Dân trí thường trú tại Nghệ An của hai đoàn khách du lịch Sơn La và Hà Nội gặp nạn trong vụ lật xe tại tỉnh Bôlykhămxay (Lào) vào ngày 20/4/2013, trình bày: Đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng 36 nạn nhân trong vụ tai nạn vẫn chưa được Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị Nghệ An hoàn trả tiền tour và chi trả tiền bảo hiểm.
Mặc dù những vết thương trên cơ thể chưa bình phục hẳn nhưng ông Chu Tiến Đạt (70 tuổi, trú tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) – trưởng đoàn khách du lịch Hà Nội đi trên chuyến xe gặp nạn phải liên tục “lặn lội” vào Nghệ An để yêu cầu Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị thanh toán 140 triệu đông tiền tour và tiền bảo hiểm cho 20 khách du lịch của đoàn.
Đơn khiếu nại “khẩn cấp” của hai đoàn khách du lịch gửi cơ quan chức năng Nghệ An nhờ giúp đỡ
Ông Đạt cho biết, đầu tháng 4/2013, sau khi tìm hiểu các công ty lữ hành đi tour Lào – Thái, 20 người chủ yếu trong xã Thanh Liệt đã chọn Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị đóng tại Nghệ An để tổ chức đi du lịch. Mỗi khách du lịch đóng trọn gói 8 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận hợp đồng du lịch, ông Đạt đã chuyển khoản hơn 140 triệu đồng tiền cọc cho ông Lê Văn Thành – Giám đốc Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị. Cùng đi tour Lào – Thái với đoàn khách Hà Nội còn có 16 khách du lịch từ Sơn La do anh Nguyễn Đức Quỳnh (32 tuổi, trú tại Sơn La) làm trưởng đoàn. Anh Quỳnh cũng đã chuyển 90 triêu đông cho trung tâm lữ hành này.
Sáng 20/4, xuất phát từ TP Vinh, hai đoàn khách du lịch gồm 36 người đi qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Khoảng 14h, sau khi đoàn dừng lại ăn cơm trưa ở thị trấn Lạc Xao, chiếc xe tiếp tục hành trình và đi được khoảng 20km thì bị lật úp xuống đèo tại địa phận Lạc Xao, tỉnh Bôlykhămxay (Lào).Vụ tai nạn nghiêm trọng làm 3 người tử vong tại chỗ, 33 người bị thương, trong đó nhiều nạn nhân bị thương nặng phải vận chuyển lên tuyến trên để cứu chữa.
Ông Chu Tiến Đạt bức xúc trước việc Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị bỏ mặc khách hàng (Ảnh: Doãn Hòa)
Do việc thực hiện tour du lịch chưa hoàn thành nên hai đoàn khách yêu cầu Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị hoàn trả lại tiền tour và chi trả tiền bảo hiểm cho những nạn nhân bị thương, tử vong. “Tôi đã nhiều lần điện thoại cho ông Thành – giám đốc trung tâm lữ hành – và trực tiếp vào để lấy lại tiền tour nhưng phía trung tâm cứ khất hẹn nhiều lần. Lần cuối cùng, ông Thành hứa là đến 25/7 sẽ hoàn trả tiền tour nhưng đến nay đã hơn một tháng trôi qua họ vẫn chưa trả cho chúng tôi”, ông Đạt cho biết. Riêng đoàn khách du lịch Sơn La đã được hoàn trả môt phân tiên đặt cọc.
Tiền bảo hiểm cho các nạn nhân cũng đang bị trung tâm lữ hành “ỉm”. Anh Nguyễn Đình Kiên (38 tuổi) – con trai ông Nguyễn Hồng Kiệm (70 tuổi – nạn nhân tử vong trong vụ lật xe) – cho biết, sau khi xảy ra tai nạn, Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị chỉ trả 7 triệu đồng tiền mai táng phí ban đầu cho gia đình. “Đã hơn 4 tháng qua kể từ ngày bố tôi mất nhưng Trung tâm lữ hành Hữu Nghị vẫn không liên lạc với gia đình tôi để bồi thường tiền bảo hiểm dân sự, bảo hiểm du lịch…”, anh Kiên bức xúc.
“Lập lờ” mua bảo hiểm cho khách du lịch?
Ngày 23/8, tại buổi đối thoại với hai trưởng đoàn khách du lịch Sơn La và Hà Nội, ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Công ty Cổ phần Hữu Nghị Nghệ An cho biết, sau khi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng, cùng với việc hỗ trợ, giải quyết nạn nhân gặp nạn thì phía tổng công ty đã thành lập đoàn kiểm tra hồ sơ của Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị.
Kết quả kiểm tra cho thấy, tại trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị không lưu bất kỳ một hợp đồng du lịch nào với hai đoàn khách trong vụ tai nạn và trong sổ sách kế toán cũng không có tiền mà khách đã đặt cọc. “Do không có hồ sơ hợp đồng du lịch nên chúng tôi không có đủ căn cứ xác minh và để giải quyết vụ việc cho khách hàng”, ông Hải nói.
Video đang HOT
Phiếu chuyển tiền mà ông Đạt đã chuyển cho ông Lê Văn Thành – Giám đốc trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị
Không có hồ sơ, hợp đồng du lịch vây ai là người nhận tiền và tổ chức cho hai đoàn đi du lịch? Ông Hải trả lời sẽ cho kiểm tra lại và khẳng định “nếu cá nhân nào nhận tiền mà chưa thực hiện xong tour phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách hàng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong chương trình và bản hợp đồng tham quan du lịch tour Lào – Thái 7 ngày 6 đêm mà Trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị đưa ra cho hai đoàn khách du lịch nói rõ, giá trọn gói cho đoàn trên 30 người đi ghép khách là 7.450.000 đồng/khách. Ngoài việc được hưởng các dịch vụ ăn, nghỉ, tham quan các địa điểm du lịch thì khách du lịch còn được mua bảo hiểm du lịch theo quy định. Trách nhiệm của bên B (trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị) phải đảm bảo tối đa sự an toàn của khách du lịch.
Ông Lê Văn Thành (bên trái) – Giám đốc trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị – thừa nhận việc đã nhận tiền tour của hai đoàn khách du lịch (Ảnh: Doãn Hòa)
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Văn Thành – Giám đốc trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu Nghị – thừa nhận, ông là người trực tiếp nhận tiền đặt cọc từ hai đoàn khách thông qua chuyển khoản cá nhân riêng của ông Thành chứ không phải tài khoản của trung tâm lữ hành.
“Vì là chỗ quen biết và thời gian làm hợp đồng gấp nên tôi nói hai trưởng đoàn chuyển tiền vào tài khoản cá nhân tôi, tổng số tiền tôi đã nhận là gần 240 triệu đồng. Tôi trực tiếp đưa 2 đoàn khách đi du lịch tour Lào-Thái thì không may xảy ra tai nạn ở Lào, tôi cũng là một nạn nhân trong vụ lật xe đó. Sau khi xảy ra tai nạn, tôi đã trả lại 35 triệu đồng cho đoàn Sơn La. Hiện tại, do khó khăn nên tôi chưa trả hết số tiền tour đã nhận của hai đoàn”, ông Thành phân trần.
Về quy trình mua bảo hiểm du lịch cho khách hàng, ông Thành cho biết, thông thường trung tâm ký hợp đồng cả năm với công ty bảo hiểm cho một số lượng khách cố định nào đó. Khi đã có khách, trung tâm sẽ chuyển danh sách đoàn và thông tin cá nhân của khách (họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, điện thoại liên lạc…) vào hồ sơ trước khi đoàn khách xuất ngoại. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì toàn bộ nạn nhân gặp nạn trong chuyến du lịch trên vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ, bảo hiểm du lịch như trong hợp đồng du lịch của trung tâm lữ hành Quốc tế Hữu nghị.
Tại buổi làm việc với 2 trưởng đoàn khách du lịch, ông Thành hứa đến ngày 27/8 sẽ hoàn trả tiền tour cho hai đoàn khách du lịch tuy nhiên, đến cuối ngày 27/8, đại diện hai đoàn khách du lịch gặp nạn vẫn chưa nhận lại được tiền tour như lời ông Thành cam kết.
Theo thông tin mới nhất từ hai đoàn khách du lịch Sơn La và Hà Nội thì đến trưa nay (28/8) ông Thành hẹn gặp để trả tiền.
Ngày 13/2/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2012/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Theo đó, bắt buộc các công ty du lịch lữ hành quốc tế phải mua bảo hiểm cho du khách Việt Nam ra nước ngoài. Tại điểm b, khoản 5, Điều 5 Nghị định 16/2012/NĐ-CP cũng quy định xử phạt từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi: “Không mua bảo hiểm cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định”. Ngoài việc xử phạt, nghị định cũng quy định một số hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng có thời hạn giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm…
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên.
Nguyễn Duy – Doãn Hòa
Theo Dantri
Ly kỳ hành trình trở về của cô bé bị bán sang Trung Quốc
Bị chính cậu ruột lừa bán sang Trung Quốc, nhưng nỗ lực chạy trốn và sự may mắn đã giúp cô bé Thào Thị P.N, dân tộc Mông, ở xã Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai được đoàn tụ với gia đình sau hơn 800 ngày lưu lạc nơi đất khách.
Tìm mẹ nhưng chỉ... gặp em
Đẻ nhiều con, tối ngày làm bạn với "lưu linh", nên đói, nghèo cứ đeo đẳng gia đình anh Thào A H, dân tộc Mông, xã Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai).
P.N viết tiếng Trung Quốc khá thành thạo.
Cuộc sống khổ cực, lại bị kẻ xấu dụ dỗ, cuối năm 2010, vợ của anh H quyết định ôm 2 con thơ vượt biên sang Trung Quốc, với hy vọng sẽ có được một cuộc sống giàu sang, an nhàn nơi đất khách.
Đang theo học lớp 3, nhưng vì nhà nghèo, lại đêm, ngày thương em, nhớ mẹ, nên Thào Thị P.N bỏ học, mong muốn tìm thấy mẹ và em.
Lợi dụng sự ngây thơ của cháu ruột của mình, cậu của P.N tỏ ra hết mực thương đứa cháu, với những lời "ngọt như kẹo": rồi cậu sẽ đưa cháu đi tìm mẹ và em, nhưng thực chất là lừa để bán sang Trung Quốc kiếm tiền.
Đầu tháng 3/2011, P.N được cậu ruột đưa đến bờ sông Hồng, một người phụ nữ bên kia biên giới đi đò sang, hai người thì thầm to, nhỏ một lúc, rồi P.N nhanh chóng được đưa xuống đò mà không có cậu đi cùng.
Sang đến biên giới Trung Quốc, P.N được đưa đến một ngôi nhà nằm sâu trong nội địa, tại đây, vô tình P.N gặp được em ruột của mình trong niềm vui khôn tả. Gặp được em, P.N khát khao gặp lại mẹ, tuy nhiên, người phụ nữ kia nói, mẹ em đang đi làm nương rất xa, không về được.
Chỉ sau 1 ngày, 2 đêm bên em gái, P.N tiếp tục được người phụ nữ kia đưa đi trên chiếc xe ô tô, sau đó bán em cho 2 vợ, chồng người Trung Quốc.
Theo P.N, thì cuộc sống với 2 vợ, chồng người Trung Quốc khá thoải mái, em được đối xử tốt, công việc hằng ngày không nặng nhọc, em chỉ phải rửa bát, quét nhà, nhặt cỏ vườn...
Thế nhưng, P.N cũng chỉ ở đây được khoảng 3 tháng, sau đó lại được người ta đưa đi bằng ô tô 3 ngày, 4 đêm, rồi bị bán cho 2 người đàn ông và 1 người phụ nữ. P.N được đưa về ngôi nhà khang trang 2 tầng giữa khu đồi núi, giam trong một căn phòng hơn chục m2, ánh sáng lọt vào căn phòng qua cửa sổ to bằng hai bàn tay.
Hằng ngày, em được người ta cho ăn, uống đầy đủ. Biết bị lừa bán và một trong số 2 người đàn ông kia sẽ lấy mình làm vợ, trong lòng P.N luôn nung nấu ý định bỏ trốn.
Ở đây được 8 ngày, lợi dụng sự sơ hở của những kẻ buôn người, P.N đã bỏ trốn, cả ngày trời, em chạy thục mạng mà không biết mình đang đi về đâu. Trên "hành trình" chạy trốn, nhiều lúc P.N phải băng rừng, vượt núi với bụng đói, cổ khát, nhưng với khát khao cháy bỏng sớm trở về quê nhà giúp em quên đi tất cả.
14 tuổi được vào... viện dưỡng lão
Trên đường chạy trốn, P.N gặp một số người dân địa phương tốt bụng, họ cho ăn, uống và thông báo cho Công an Trung Quốc giúp đỡ em.
Vì không biết tiếng Kinh nhiều, chỉ giao tiếp bằng tiếng Mông, nên sau khi ở đồn công an được 1 ngày, P.N được phía công an địa phương đưa vào Viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc).
Theo như P.N, mặc dù không quen môi trường mới, nhưng với sự đùm bọc, thương yêu của các bác, các bà ở trại dưỡng lão, nên em cảm thấy rất thoải mái.
Thời gian đầu ở Viện dưỡng lão, hằng ngày, P.N được ăn bánh bao như mọi người, được tạo điều kiện cho đi học tiếng Trung Quốc. Sợ em bị lạc, Viện dưỡng lão đã cử người đưa, đón em đi học.
Biết tiếng Trung Quốc, P.N có thể giao tiếp với những người địa phương. Tại Viện dưỡng lão, khi cơ quan Công an Trung Quốc hỏi em muốn ở lại hay trở về Việt Nam, em một mực muốn được về quê hương, bởi em rất nhớ nhà, nhớ bố và các anh, chị, em.
"Tuy nhiên, em cũng rất nhớ nơi này, bởi mọi người coi em như người thân, thậm chí họ đã khóc khi em trở về quê hương", P.N tâm sự.
Trở về nhờ lòng tốt của doanh nhân người Việt
Một ngày tháng 5/2013, truyền hình Trung Quốc phát bản tin về một bé gái Việt Nam khoảng 12 - 14 tuổi bị lạc và đang sống trong Viện dưỡng lão ở tỉnh Hà Nam.
Một doanh nhân người Việt đang kinh doanh ở tỉnh Chiết Giang đã liên lạc với đài truyền hình để tìm hiểu thông tin.
Khi biết hoàn cảnh và nguyện vọng của cô bé, vị doanh nhân này đã liên hệ với một số cơ quan truyền thông Việt Nam, bày tỏ mong muốn giúp em được về đoàn tụ cùng gia đình.
Do cô bé không biết nhiều tiếng Trung nên phóng viên đã yêu cầu ghi tên cha, mẹ, địa chỉ gia đình ra giấy. Hai mẩu giấy viết bằng tiếng Việt sai chính tả khá nhiều, nhưng qua đây người đọc cũng hiểu được nội dung, đó là tên của em, tên bố, mẹ, địa chỉ nhà và mong muốn được gặp bố, mẹ.
Sự giúp đỡ tích cực của phóng viên, doanh nhân người Việt và các cơ quan chức năng phía Trung Quốc, ngày 17/7/2013, sau hơn một ngày đi ô tô, tàu hỏa, P.N đã được đưa tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn) để bàn giao cho phía Việt Nam.
Ông Lý A Dong, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Pa Cheo (Bát Xát) cho biết: Nhận được thông tin từ phía cơ quan chức năng, sáng 17/7/2013, phía Công an Trung Quốc sẽ trao trả P.N cho Việt Nam, để đoàn tụ cùng gia đình.
Vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó, ông H đã được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bát Xát cùng cán bộ địa phương giúp đỡ việc đi lại, ăn, ở trong những ngày đi đón con.
Theo như kế hoạch thì đến 17 giờ, ngày 17/7/2013, nhưng vì nhiều lý do, nên 19 giờ, P.N mới được đưa tới Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, chấm dứt hơn 800 ngày lưu lạc nơi đất khách.
Gặp lại con sau những tháng, ngày xa cách, hai cha con ôm lấy nhau khóc nức nở, những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt chai sạm của người cha, cùng những tiếng nấc nghẹn ngào không thành lời của P.N khiến nhiều người chứng kiến cảm thấy xúc động.
Về đến Việt Nam, hành lý mà P.N có là 2 bộ quần áo mới, 100 nhân dân tệ do Công an Trung Quốc cho, cùng 2 quyển sách tiếng Trung Quốc.
P.N cũng nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, ngành, em được đưa vào Nhà nhân ái. Ở đây, P.N được các cô, các bạn giúp đỡ, động viên tận tình, nên em hòa nhập rất nhanh, bớt sợ hãi.
Khi chúng tôi tiếp xúc với em tại Nhà nhân ái, P.N gần như không biết nói tiếng phổ thông. Mọi thông tin do em cung cấp đều nhờ một bạn gái người Mông làm "thông ngôn".
Thào Thị P.N tâm sự: "Trước hết, em muốn được về nhà thăm gia đình, rồi quay lại Nhà nhân ái, bởi em sợ cậu lắm". Biết được nguyện vọng của em, trong thời gian tới, P.N sẽ được các cô ở Nhà nhân ái đưa về thăm gia đình.
Sau đó, em tiếp tục trở lại Nhà nhân ái để học văn hóa, sau đó học nghề, để có tương lai tốt đẹp hơn.
Theo Báo Lào Cai
Doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng thấp Cục trưởng Cục quản lý giám sát bảo hiểm - Trịnh Thanh Hoan cho biết, thị trường bảo hiểm nói chung đang tăng trưởng thấp so với nhiều năm, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng qua chỉ tăng 2,2%. Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và...