Vụ 32.000 người bị lừa đảo 15.000 tỷ tiền ảo qua góc nhìn pháp lý
Vụ việc 32.000 người bị lừa đảo khi tham gia vào dự án tiền ảo iFan cho thấy, không ít người đang cố tình vi phạm pháp luật, nhiều người biết tiền ảo không được công nhận nhưng vẫn “nhắm mắt” đầu tư…
Liên quan đến dự án iFan của Công ty Modern Tech bị người dân tố lừa đảo 15.000 tỷ đồng, trao đổi với báo NTNN/Dân Việt, luật sư Đặng Huỳnh Lộc – Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng luật sư Huyền Vũ nhận định, sự việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ việc đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin vào Công ty này là bài học cảnh tỉnh đắt giá cho những người có tham vọng đầu tư tiền ảo.
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc – Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ
Theo Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từng lên tiếng cảnh báo không công nhận Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác như một loại phương tiện thanh toán theo pháp luật Việt Nam.
Cuối năm 2017, Đại học FPT dự kiến cho phép thu học phí bằng đồng Bitcoin đối với sinh viên nước ngoài đang học tại trường, NHNN khẳng định không cho phép. Thậm chí từ 1.1.2018, theo Bộ Luật hình sự, việc sử dụng thanh toán bằng tiền ảo có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 200 triệu đồng, có thể xử lý vi phạm hình sự.
Luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh: Theo luật pháp Việt Nam, tiền ảo không phải là đồng tiền hợp lệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam được quy định tại Nghị định 96 và Bộ luật Hình sự.
Video đang HOT
Cụ thể, khoản 1, Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà cố ý thực hiện một trong các hành vi, trong đó có hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp, gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều 206 của Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 có đối tượng điều chỉnh rộng hơn, không chỉ giới hạn là các tổ chức tín dụng như điều 206 của Luật Hình sự 2015 mà còn bao gồm các hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, điểm h, khoản 1, điều 206 Luật Hình sự sửa đổi 2017 liên quan tới các chủ thể khác, trong đó có cá nhân trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp khác.
“Như vậy, Công ty Modern Tech có hoạt động kinh doanh tiền ảo là hành vi vi phạm pháp luật, doanh nghiệp và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hậu quả nếu có xảy ra”, luật sư Đặng Huỳnh Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Trưởng Văn phòng Luật sư Huyền Vũ cho rằng: Trong sự việc này, có một vấn đề pháp lý cũng cần được lưu ý là việc Công ty Modern Tech tuyên bố giải thể. Việc giải thể của Công ty Modern Tech trước hết phải tuân thủ đúng lộ trình theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về Đăng ký doanh nghiệp, nghĩa là phải công bố thông tin giải thể, Quyết định giải thể doanh nghiệp, báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp, danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (nếu có).
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh nhìn nhận, vụ việc xảy ra tại Công ty Modern Tech, cơ quan chức năng có thể tiến hành khởi tố; xử lý theo quy định tại điều 290 Bộ luật hình sự 2015.
“Chế tài xử phạt ở mức cao nhất cho loại tội danh này lên đến 20 năm quy định tại khoản 4 của điều này; khoản 5 của điều luật này còn quy định, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”, luật sư Truyền cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico cho rằng vụ việc trên rõ ràng là lừa đảo, các đối tượng lừa đảo trong vụ này có thể bị xử tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Kinh doanh đa cấp trái pháp luật”.
Theo Danviet
Vỡ đường dây đa cấp 15.000 tỉ: Ông Diệp Khắc Cường "mới là nạn nhân nặng nhất"?!
Ông Diệp Khắc Cường cho biết đã gửi đơn đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Ông Diệp Khắc Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển mạng lưới hữu nghị (FNC) - người bị tố có liên quan đến dự án tiền ảo iFan và công ty Modern Tech lừa đảo 15.000 tỉ đồng của nhà đầu tư, khẳng định chưa từng hợp tác với dự án iFan và cũng là nạn nhân trong vụ việc này.
Ông Diệp Khắc Cường cho rằng mình cũng là nạn nhân của vụ việc.
Liên quan đến vụ việc 32.000 nhà đầu tư bị nhóm cổ đông công ty Modern Tech huy động vốn đa cấp tiền ảo iFan lừa đảo, chiếm đoạt 15.000 tỉ đồng, tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 11-4, ông Diệp Khắc Cường phủ nhận việc hợp tác với iFan từ đầu mà hai bên chỉ mới ở giai đoạn "tìm hiểu thông tin".
Hiện ông Cường cho biết đã gửi đơn đến cơ quan công an để làm rõ vụ việc.
Trước đó, các nhà đầu tư biết đến ông Cường khi ông xuất hiện trong 2 buổi tổ chức hội thảo giới thiệu, kêu gọi đầu tư của iFan vào tháng 9-2017.
Theo ông Diệp Khắc Cường, từ giữa tháng 9-2017, một nhóm người, trong đó có Vũ Hữu Lợi (được cho là người sáng lập, lãnh đạo dự án iFan) đến tiếp cận công ty ông đặt vấn đề hợp tác, diễn thuyết về vấn đề tiền ảo. Phía ông Cường muốn tạo một ứng dụng thư viện số (app) để cung cấp cho người hâm mộ nền tảng giải trí, bán nội dung giải trí, các dịch vụ liên quan đến nghệ sĩ, ca sỹ... Khi ứng dụng được triển khai, tiền ảo iFan do phía ông Lợi cung cấp sẽ được dùng làm phương tiện thanh toán.
"Tôi nhận lời xuất hiện trên các buổi diễn thuyết với nhà đầu tư là về công nghệ chúng tôi đang làm. Mục đích của việc nói chuyện, thỏa thuận miệng với Vũ Hữu Lợi là phải có vốn đầu tư để chúng tôi triển khai dự án. Nhưng vài ngày sau, khi tôi ở Mỹ thì nhận được thông tin nhóm của Vũ Hữu Lợi đã huy động vốn của nhà đầu tư, lợi dụng uy tín của tôi và công ty FNC để trục lợi. Nhóm này còn dùng hình ảnh của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng để quảng cáo, bán coin" - ông Cường kể.
Nói về việc hợp tác với dự án iFan, ông Cường cho biết chưa từng ký hợp tác, thỏa thuận nào và khi phát hiện việc dùng hình ảnh ca sĩ nổi tiếng đưa lên để bán coin thì quyết định không tiếp tục hợp tác. Ông Cường nói mình đã làm một video clip đăng trên mạng xã hội để cảnh báo, không khuyến khích mọi người tham gia.
Khi phóng viên hỏi: vì sao ông không công bố rộng rãi sớm dấu hiệu bất thường để cảnh báo nhà đầu tư, bởi nhiều nhà đầu tư thấy hình ảnh của ông Cường xuất hiện tại các buổi diễn thuyết và tin tưởng?
Ông Cường nói: "Tôi suy nghĩ đơn giản, công nghệ, mạng xã hội là kênh phổ biến rộng rãi nhất và tôi đã làm. Tôi cũng kêu gọi người quen không tham gia. Tiếp nữa chúng tôi chưa ký hợp đồng hợp tác, nếu nói không chính xác tôi có thể bị họ kiện ngược. Tôi mới là nạn nhân nặng nhất trong sự vụ này, khi bị ảnh hưởng uy tín với khách hàng và hợp đồng với các đối tác đang làm".
Trước đó, trong đơn tố cáo lừa đảo gửi cơ quan chức năng, một số nhà đầu tư có đề cập đến ông Diệp Khắc Cường, cùng với các cổ đông sáng lập, lãnh đạo Công ty Modern Tech đã dùng thủ đoạn gian dối khi tạo sự tin tưởng, kêu gọi đầu tư vào tiền ảo iFan để huy động vốn đa cấp.
Bằng việc hứa hẹn trả lãi suất lên tới 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng và khi lôi kéo được người mới sẽ nhận thêm hoa hồng 8%, nhóm công ty Modern Tech đã lôi kéo được khoảng 32.000 người tham gia với tổng số tiền huy động khoảng 15.000 tỉ đồng.
Theo Bài và ảnh: Thái Phương (Người lao động)
32.000 người bị lừa đảo 15.000 tỷ tiền ảo: Đừng "tự sát" vì... tham Nhiều chuyên gia, luật sư nhìn nhận, vụ việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ việc đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin đơn giản bởi một chữ... "tham" Liên quan đến vụ việc hơn 32.000 người được cho là bị Công ty Modern Tech chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng từ...