Vụ 3 thanh niên hiếp dâm: Vết thương chưa lành
“Chúng em mong sớm có quyết định rõ ràng để có giấy tờ mà đi lại làm ăn, vợ con”, Lợi tâm sự
Có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những vết thương không bao giờ lành được nữa.
Thời gian cứ dần trôi kể từ ngày Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra kháng nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao xem xét theo hướng tuyên không phạm tội hiếp dâm và cướp tài sản cho 3 thanh niên ở Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội. Ngày qua ngày họ mòn mỏi chờ thời khắc mình được chính thức minh oan…
Mòn mỏi đợi chờ
Nguyễn Đình Lợi (SN 1980), Nguyễn Đình Tình (SN 1981) và Nguyễn Đình Kiên (SN 1980) đã “vô tình” vướng vào lưới pháp luật bởi một tội lỗi mà theo họ là “ở trên trời rơi xuống”: cướp tài sản và hiếp dâm. Sau gần 10 năm phải ngồi tù oan, lần lượt cả 3 được trả tự do. Cũng từ ngày đó, họ mong mỏi chờ đợi phiên xử giám đốc thẩm để có một phán quyết đúng sự thật để trở lại cuộc sống. Chờ đợi, hy vọng, rồi thất vọng, cái vòng quay luẩn quẩn đó cứ đeo bám 3 chàng trai suốt gần 1 năm trời và họ còn phải chờ đến bao giờ nữa?
Chúng tôi về xóm Quyết Thắng, thôn Nghĩa Lộ, huyện Yên Nghĩa (Hà Đông) gặp lại 3 chàng trai trong “vụ án oan lịch sử”. Tất cả đều không giấu được vẻ thất vọng khi nói đến việc chờ đợi phán quyết cuối cùng. Sau gần 10 tháng trời được trở về với vòng tay yêu thương của gia đình, về với cuộc sống thường nhật, họ rất khó khăn trong việc hòa nhập và làm lại cuộc đời. Kể từ khi ra tù, Lợi mở cửa hàng sửa xe máy ở ngay cổng Trường ĐH Thành Tây, Tình theo đuổi nghiệp học hành. Tiếc là chúng tôi không gặp Kiên vì anh mới xin phép cơ quan chức năng về miền Trung thăm người thân.
Vừa hì hục sửa xe máy cho khách, Lợi vừa tâm sự: “Có những lần chúng em nín thở chuẩn bị cho phiên xử giám đốc thẩm, đến phút cuối lại thông báo hoãn không hiểu vì lý do gì. Trong lúc chờ phán quyết cuối cùng cho mình, chúng em vẫn phải lao động kiếm tiền. Tuy mở cửa hàng sửa xe ở đây nhưng em làm thêm cả xe ôm, bán nước mía, trà đá… Gần 10 năm ngồi tù là quãng thời gian quá dài, trở lại cuộc sống thường nhật, mọi thứ vẫn đang khó khăn lắm. Chúng em mong chờ cái ngày chính thức được trở lại là người công dân, có giấy tờ để đi lại, được tham gia vào các hoạt động xã hội và còn lập gia đình nữa chứ. Cả tuổi trẻ trong trại giam, đến tuổi này rồi, chúng em cũng muốn có một gia đình nhỏ của riêng mình để xây dựng cuộc sống, để nguôi ngoai nỗi oan khuất mà mình phải chịu. Cứ chờ lê thê thế này, tuổi tác cũng trôi đi… Thật buồn anh ạ!”. Lợi nói mà mặt buồn rười rượi, anh bất giác nhìn ra phía ngoài, cái nhìn xa xăm.
Bà Nguyễn Thị Hưng, mẹ của Nguyễn Đình Lợi vồn vã: “Lúc đầu tôi đâu có biết còn phải chờ phiên xử nữa thì chúng nó mới được tự do thật sự. Tưởng ngày ra tù là được tự do rồi. Ngày ra tù mặt mày xanh xao, những di chứng của bệnh liệt nửa người lúc ở trong tù thỉnh thoảng vẫn hành hạ Lợi. Sau gần 1 năm trở về với gia đình, sức khỏe có phần hồi phục, Lợi đã khỏe mạnh hơn nhiều. Nhưng trong thâm tâm Lợi vẫn buồn và bị ám ảnh bởi vẫn chưa được minh oan để trả lại quyền công dân”. Bà Hưng bảo, bà không nhớ mình và gia đình của Kiên và Tình đã thảo bao nhiêu lá đơn, gõ cửa không biết bao nhiêu cơ quan chức năng để minh oan cho con, cháu mình.
Video đang HOT
Sau gần 10 năm ngồi tù oan, Lợi quyết tâm làm lại cuộc đời.
Sự nghiệt ngã của số phận
Nếu như có thể coi Lợi và Kiên đã trở về với cuộc sống bình thường thì trường hợp của Tình như là một trò đùa nghiệt ngã của số phận. Ra tù, lại mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, thật khó để Tình chấp nhận sự thật phũ phàng của đời mình. Dù nỗi đau cũng nguôi ngoai đi phần nào theo thời gian nhưng nhắc lại chuyện cũ, anh phải nhiều lần trấn tĩnh mới thốt nên lời: “Được ra tù, được minh oan là một sự trả lại công bằng lớn nhất rồi, để không còn bị mang tiếng hiếp dâm dưới con mắt của mọi người. Tuy đời mình kém may mắn nhưng coi như là cái số rồi”.
Trong 3 chú cháu, Tình là người rắn rỏi nhất khi liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng kêu oan trong suốt thời gian ngồi tù. Bị khép vào đối tượng ngoan cố, tháng 6/2007, Nguyễn Đình Tình bị chuyển đến trại giam Tân Lập, Phú Thọ. Trong một lần chơi thể thao, Tình va chạm với một người bạn và bị chảy máu. Đầu năm 2010, Tình hay tin người bạn tù từng va chạm với mình đã chết vì HIV/AIDS. Cũng không lâu sau đó Tình được trả lại tự do mà trong lòng trĩu nặng nỗi lo. Và anh cũng không ngờ, nỗi lo ấy đã thành sự thật. Như một định mệnh, Tình bị lây căn bệnh thế kỷ theo cách mà không ai có thể ngờ được.
Tình nhớ lại: “Em ra trại ngày 28/1, sớm hơn Lợi và Kiên. Ra trại là em đi kiểm tra sức khỏe ngay. Trong bản kết luận, không thấy đề cập gì bệnh tình của em, cũng không ai nói gì cả. Thấy trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo, em đã đi kiểm tra lại lần nữa mới biết sự thật mình đã nhiễm HIV. Thời gian đầu suy sụy nhưng bây giờ thì em nghĩ đơn giản hơn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, mình phải sống có ý nghĩa phần đời còn lại. Nỗ lực và quyết tâm chữa bệnh. Điều khiến em vững tâm hơn là xung quanh mình có rất nhiều những tấm lòng của người thân, bà con lối xóm đứng ra động viên mình vượt lên số phận”.
Một trong vô số lá đơn kêu oan của Lợi, Kiên và Tình ngày nào vẫn được giữ lại.
Căn bệnh thế kỷ và nỗi ám ảnh kết thúc buồn không cản nỗi ước mơ được học tiếp của Tình. Từ nhỏ, Tình vẫn ước mơ sau này lớn lên sẽ mở một xưởng dệt phục vụ nhu cầu khiêm tốn của người dân trong vùng. Vượt lên bệnh tật, vượt lên nỗi oan nghiệt đè nặng, Tình vẫn miệt mài học tập. Anh học thêm cả ngoại ngữ và tin học để chuẩn bị cho cuộc sống của mình sau này.
Cuộc đời đang phơi phới phía trước, bỗng dưng tai họa ập xuống, họ bị giam cầm oan ức, chịu cả nỗi đau giày vò thể xác lẫn tinh thần. Ngày trở về, họ nỗ lực quay lại với cuộc đời tự do. Theo năm tháng, có những vết thương đã liền da, nhưng cũng có những vết thương không bao giờ lành được nữa.
Cuối tháng 12/2006, khi đang ở trại giam Thanh Xuân (Hà Nội), Nguyễn Đình Lợi phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng tai biến mạch máu não do cam khí bất kết, liệt nửa người. Căn bệnh đó tuy đã hành hạ thể xác Lợi nhưng xem như là cơ duyên và mấu chốt để phát hiện ra “vụ án oan lịch sử”. Lợi được gặp lương y Đặng Thị Hồng, người có khả năng nhận diện “ trai trinh”, Lợi nói: “Không có bệnh này thì chắc phải ngồi đủ 16 năm mới được ra. Nhưng bị bệnh, rồi ra tù, cứ mỗi khi trái gió trở trời, đầu lại đau như búa bổ uống bao nhiêu thuốc, chữa trị bao nhiêu nơi mà vẫn không khỏi hẳn được”.
Theo Gia Đình XH
"Huyệt trai trinh" giải án oan hiếp dâm
Cố gắng tìm mọi cách minh oan cho con trai luôn là nỗi lòng đau đáu của anh Lê Văn Hiệu.
Sau khi vụ việc 3 thanh niên ở Hà Đông được giải oan án hiếp dâm nhờ "huyệt trai trinh" thì nhiều thanh niên trong những vụ hiếp dâm khác cũng kêu oan.
Sau khi minh oan cho 3 thanh niên ở Hà Đông, lương y Phạm Thị Hồng đã lên đường vào tận Phú Yên để "kiểm tra" và đưa ra nhận định, 7 thanh niên trong một vụ án "hiếp dâm" khác (đang phải thi hành án) cũng bị oan. Bất ngờ hơn, mới đây, vị lương y lại cho biết, tại Tứ Kỳ (Hải Dương) cũng có vụ việc tương tự...
Chuyên gia tìm "huyệt trai trinh"
Lương y Phạm Thị Hồng có ý định công bố nghiên cứu về huyệt Dương minh của mình và sẽ lấy tên là "huyệt minh oan", hoặc "huyệt cứu người". "Sau nhiều năm tháng đấu tranh, 3 thanh niên ở Hà Đông đã được trả tự do từ ngày 3/2/2010, nhưng cho đến bây giờ tòa án vẫn chưa xử lại. Các cháu sống thế nhưng chưa có quyền công dân, còn vợ con, còn giấy tờ tùy thân để lo cuộc sống... Tôi sẽ theo tới cùng để minh oan cho 6 cháu ở Hải Dương và 7 cháu ở Phú Yên. Một thông tin đáng buồn là 1 trong 7 cháu ở Phú Yên đã qua đời cách đây không lâu", lương y Hồng cho biết.
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, lương y Phạm Thị Hồng bảo bà trở nên nổi tiếng "bất đắc dĩ" sau hơn 3 năm trời bỏ công sức minh oan cho 3 thanh niên ở phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. "Ngay sau khi Lợi, Kiên và Tình được trả tự do, mỗi ngày tôi nhận được hàng trăm lời mời, đề nghị, thỉnh cầu của bà con khắp mọi miền đất nước. Họ năn nỉ tôi giúp đỡ con cái, người thân của họ, thậm chí là nhờ cả những vụ chẳng liên quan gì đến huyệt Dương minh.
Tuy nhiên quan điểm nhất quán của tôi là biết chắc chắn thì mới làm và làm được thì tôi mới nói. Gần đây có trường hợp 6 gia đình ở xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương đến tận nhà xin tôi giúp đỡ. Thấy họ là những người nông dân chân chất, tôi quyết định giúp họ. Sau khi vào trại gặp trực tiếp cả 6 cháu, tôi kiểm tra thì thấy huyệt Dương minh của các cháu đều còn nguyên. Tôi khẳng định 6 cháu này chưa hề sinh hoạt tình dục với phụ nữ".
Trước khi đến trại giam, nghe bố mẹ các cháu trình bày, lương y Hồng được biết 6 cháu đều bị bắt vì tội cướp của, hiếp dâm. Tuy nhiên từ khi ra tòa cho đến tận bây giờ (đang thi hành án tù) các bị án vẫn một mực kêu oan. Từng tham gia giải oan cho 3 bị án ở Hà Đông, lương y Hồng linh cảm nhiều khả năng trường hợp 6 cháu này cũng có nhiều uẩn khúc. Nghĩ vậy nên bà nhận lời đi cùng gia đình các bị án vào trại giam Thanh Phong, Thanh Hóa.
Bà Hồng kể lại: "Tôi đi cùng với bố mẹ các cháu vào trại mà không cho người ngoài biết mình là bác sĩ vào kiểm tra. Cuộc gặp gỡ giữa người thân với các bị án diễn ra rất cảm động. Tôi ngồi phía ngoài quan sát, sau đó mới hỏi chuyện. Tất cả 6 bị án đều ở tuổi ăn chưa no, nghĩ chưa tới. Nói chuyện làm quen một lúc tôi mới đề nghị được kiểm tra tai từng cháu một. Các cháu đồng ý ngay. Huyệt Dương minh ở phía dưới tai các cháu đều rất sáng rõ. Rõ ràng là cả 6 cháu, chưa đứa nào từng quan hệ tình dục cả. Tôi xin đưa cả tính mạng mình ra để bảo đảm điều đó. Tôi lập tức thông báo cho các bậc phụ huynh, mấy bác ấy cũng chỉ biết khóc thương con, chẳng biết phải làm thế nào, bởi cơ quan thực thi pháp luật ai tin gì cái huyệt Dương minh đâu".
Sau chuyến đi đó, cũng như hai lần trước ở Yên Nghĩa và Phú Yên, lương y Hồng đã viết đơn gửi tới các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền với mong muốn xem xét lại vụ án.
Những thắc mắc của phụ huynh
Chia tay lương y Hồng, chúng tôi về thôn Lâm và thôn Quàn, xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ- Hải Dương để gặp người thân của 6 bị án trong vụ cướp của, hiếp dâm nêu trên.
Thời điểm diễn ra sự việc ấy đã 5 năm, trong số 6 em, có người chuẩn bị hết thời gian thụ án. Tuy vậy, sự việc 5 năm trước, bố mẹ các phạm nhân đều không thể nào quên được và theo họ, trong bản án mà con mình phải chịu còn có những uẩn khúc chưa được làm sáng tỏ.
Ông Lê Văn Hiệu, bố của phạm nhân Lê Văn Phương kể: "Công an bắt con tôi tại nhà mà không hề cho chúng tôi, là những người làm cha làm mẹ hay lấy một tiếng. Chiều tối không thấy con về nhà, đi hỏi bạn bè mới hay là bị bắt. Sau đó mới nghe thông tin chúng nó làm chuyện sai trái. Nghĩ cho cùng, con mình hư hỏng thì để pháp luật trừng trị và giáo dục. Nhưng có một điều làm tôi phân vân, lúc gặp tôi lần cuối trước khi giải đi, Phương một mực kêu oan. Bước lên ô tô rồi, nó ném lại cho tôi mấy mảnh báo cũ. Mở ra thấy dòng chữ viết đè lên báo: "Con là Phương đây, bây giờ bố nhờ anh Th. điều tra bọn Vạn (thôn Vạn) xem chúng làm việc đó có phải vào ngày 3/9 không và ở đâu...".
Lúc đó, tuy rất tức giận với con nhưng trong đầu tôi, chỉ một phần nghìn tia hy vọng, tôi vẫn tin con. Thế rồi mấy tháng trước, tôi được biết ở Hà Đông có bác sĩ Phạm Thị Hồng có thể minh oan được cho con tôi, nếu cháu thực sự bị oan. Chúng tôi cả 6 gia đình đều là nông dân quanh năm làm ruộng, hết mùa thì đi phụ xây dựng, hoàn toàn không biết gì chuyện huyệt Dương minh, thấy có le lói cơ may tìm được chân tướng sự việc, nên cả 6 gia đình chúng tôi lên Hà Nội nhờ sự giúp đỡ của bác sĩ Hồng. Cũng rất may là bác sĩ Hồng cảm thông cho hoàn cảnh chúng tôi mà nhận lời. Khi bác sĩ khẳng định con chúng tôi chưa quan hệ tình dục, chúng tôi tin bác sĩ và tin lời kêu oan của con".
Lương y Phạm Thị Hồng
Anh Vũ Đình Thuận, bố phạm nhân Vũ Đình Ý thì thắc mắc: "Trong bản án, cô gái bị hại khai bị hiếp một ngày khác, còn các con chúng tôi đi chơi vào một ngày khác. Lúc bắt, thằng Ý nhà tôi chưa tròn 15 tuổi. Đến Tết này là Ý được ăn tết ở nhà rồi. Mới đó mà đã 5 năm thi hành án, ngày ra tù không còn bao xa. Trong số 6 đứa thì Ý là người được ra sớm nhất. Như Trưởng và Thìn còn phải 4 năm nữa".
Thời gian thi hành án cũng đã quá nửa, tưởng chừng như vụ án này sẽ đi vào quên lãng khi 6 thanh niên lần lượt mãn hạn tù. Nhưng tình cờ, sự xuất hiện của lương y Phạm Thị Hồng cùng với tài xem huyệt Dương minh đã nhen nhóm làm sáng tỏ được những hồ nghi của các phụ huynh 6 phạm nhân.
Huyệt Dương minh có thể lý giải, chứng minh chân lý đến đâu? Đâu là sự thật đằng sau một bản án đã thi hành hơn 5 năm? Những câu hỏi ấy lại một lần nữa được thổi bùng lên ở vùng quê Tứ Kỳ.
6 thanh niên ở Tứ Kỳ, Hải Dương kêu oan 1. Phạm Quốc Trưởng, sinh năm 1988
2. Nguyễn Văn Thìn, sinh năm 1989
3. Mai Thanh Hải, sinh năm 1988
4. Lê Văn Phương, sinh năm 1988
5. Vũ Đình Ý, sinh năm 1990
6. Nguyễn Văn Thuyên, sinh năm 1990.
Theo Gia Đình XH
Vụ 3 thanh niên hiếp dâm: Nhiều lần tự tử Nguyễn Đình Tình. Đến lúc này, 3 chàng trai bị án oan tội hiếp dâm ở Yên Nghĩa mới thở phào nhẹ nhõm, khi CA TP. Hà Nội bắt được nghi phạm của vụ hiếp dâm 10 năm trước. Tuy nhiên, đây cũng là lúc những đắng cay của 10 năm ngồi tù oan lại hiện về rõ mồn một. Nguyễn Đình Lợi...