Vụ 2 người chết sau gây mê ở BV Trí Đức: Công an chờ… Bộ Y tế
Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đang chờ kết luận giám định của Bộ Y tế về vụ việc 2 người tử vong sau khi gây mê ở Bệnh viện đa khoa Trí Đức.
Bệnh viện đa khoa Trí Đức.
Liên quan đến vụ 2 người tử vong sau khi tiêm thuốc gây mê tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức hôm 25.12, trao đổi với PV sáng nay (20.2) Đại tá Đinh Huy Hoàng – Trưởng Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, công an quận vẫn đang trong quá trình điều tra làm rõ, chưa có kết luận cuối cùng.
“Chúng tôi chưa kết luận điều tra được vì phải chờ kết quả giám định của Bộ Y tế, việc này là đúng theo quy định”, Đại tá Hoàng nói.
Khi được hỏi, quy trình khám chữa bệnh và sử dụng thuốc gây mê của Bệnh viện Đa khoa Trí Đức có sai sót gì không? Đại tá Hoàng cho biết, cơ quan điều tra đang chờ kết luận của Bộ Y tế.
Trước đó, sáng 25.12, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, nguyên nhân dẫn tới tai biến y khoa này, bước đầu chẩn đoán nghi sốc phản vệ. Tuy vậy, nguyên nhân chính xác phụ thuộc vào kết quả khám nghiệm pháp y với hai bệnh nhân này.
Mới đây, chị Vũ Hà Giang (ở Phú Xuyên, Hà Nội) vợ của anh H.V.T ( một trong hai người tử vong sau gây mê ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức) chia sẻ với phóng viên, chị rất bức xúc vì đến giờ gia đình chưa biết nguyên nhân vì sao anh T tử vong.
Video đang HOT
Theo chị Giang, anh T khi còn sống là trụ cột của gia đình. Từ khi anh qua đời, mẹ con chị Giang phải về Phú Xuyên nhờ người thân hỗ trợ. Một mình chị Giang phải lo tất cả mọi việc, từ con cái cho đến kinh tế gia đình. Con nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi nên chị Giang vô cùng vất vả.
Theo Danviet
Hai người chết sau gây mê: "Đây là sự việc đáng tiếc!"
"Nếu bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ thì đây là sự việc rất đáng tiếc, nằm ngoài mong muốn của cả gia đình người bệnh và các cán bộ y tế"- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, nói.
Bệnh viện Trí Đức, nơi xảy ra sự việc
Sáng 25/12, Bệnh viện Đa khoa Trí Đức xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Cả hai bệnh nhân này đều được sử dụng các loại thuốc giống nhau trong giai đoạn tiền mê và gây mê. Và cả hai bệnh nhân đều có biểu hiện sốc sau 30 giây tiêm thuốc.
Trước sự việc này, nhiều người lo ngại khám, làm thủ thuật hay phẫu thuật ở phóng khám tư dễ xảy ra biến chứng nếu cơ quan quản lý nhà nước không giám sát hành nghề chặt chẽ.
Phóng viên có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.
Thưa bà, với tư cách là đại diện Sở Y tế Hà Nội, cơ quan quản lý các cơ sở y tế tư nhân, bà có ý kiến gì trước cái chết của 2 người sau gây mê tại một bệnh viện tư? Xin bà cho biết nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với người bệnh?
Chúng tôi rất chia sẻ với mất mát này của gia đình hai bệnh nhân. Nếu bệnh nhân tử vong do sốc phản vệ thì đây là sự việc rất đáng tiếc và nằm ngoài mong muốn của cả gia đình người bệnh và các cán bộ y tế.
Sốc phản vệ phụ thuộc nhiều yếu tố, nằm ngoài mong muốn của cả gia đình bệnh nhân và cán bộ y tế. Sự cố này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào tại các cơ sở khám chữa bệnh và rất khó lường trước, không ai mong muốn có sự cố này.
Để quyết định nguyên nhân nào gây sốc phản vệ phải có kết quả chính thức từ các cơ quan kiểm nghiệm.
Bà Trần Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hai bệnh nhân tử vong đều có có biểu hiện sốc phản vệ và tử vong gần nhau, vậy Sở Y tế Hà Nội có nghi ngờ gì về chuyên môn các bác sĩ gây mê của Bệnh viện Trí Đức, thưa bà?
Đây là sự việc rất đáng tiếc, chúng tôi đã rà soát lại toàn bộ quy trình khám chữa bệnh, hồi sức cấp cứu, cấp cứu sốc phản vệ, và cũng tìm hiểu toàn bộ hồ sơ tài liệu liên quan đến việc mua bán, xuất nhập thuốc, cũng như quá trình bảo quản thuốc tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức.
Liên quan đến 2 bệnh nhân này, ban đầu các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đều nghi ngờ là sốc phản vệ, đây là sự cố y khoa như tôi đã nói là rất khó lường và xảy ra đột ngột. Khi nào có kết luận chính thức từ pháp y và của hội đồng chuyên môn, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí.
Để hạn chế tối đa những sự cố không mong muốn khiến bệnh nhân thương vong, Sở Y tế có những giải pháp như thế nào đối với các phòng khám, bệnh viện tư nhân trên địa bàn Hà Nội?
Thời gian tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường tập huấn, truyền thông để người dân biết những sự cố y khoa, đồng thời tăng cường trình độ cấp cứu sốc phản vệ đối với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng làm việc trực tiếp trong các kíp gây mê khi bệnh nhân có biểu hiện sốc phản vệ.
Trong trường hợp tiên lượng nặng, buộc các cơ sở y tế phải chuyển bệnh nhân đến những bệnh viện có đủ nhân lực và trang thiết bị để cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, Sở Y tế phải làm như thế nào?
Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng phương án chặt chẽ trong công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân, đặc biệt là công tác chuyên môn và quy trình khám chữa bệnh của các bệnh viện cũng như các phòng khám ngoài công lập.
Chúng tôi đã tổ chức các đợt kiểm tra, dán ảnh những người hành nghề tại các vị trí dễ nhận biết để người dân biết bác sĩ nào được sở y tế cấp phép hoạt động.
Thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ có những đợt tập huấn và thanh kiểm tra đột xuất để phát hiện về những hành vi vi phạm theo quy đinh pháp luật. Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội sẽ tăng cường thu hồi tạm thời hoặc vĩnh viễn giấy phép hành nghề đối với các cơ sở y tế vi phạm trên địa bàn Hà Nội.
Xin trân trọng cám ơn bà!
Theo Diệu Thu (thực hiện) (Dân Việt)
Vụ 2 người tử vong tại BV Trí Đức: Người nhà tiếp tục kêu cứu Sau 2 tháng chưa thấy kết luận vụ việc, người nhà 2 nạn nhân tử vong tại BV Trí Đức, Hà Nội tiếp tục kêu cứu. BV Đa khoa Trí Đức, nơi xảy ra vụ việc khiến 2 người tử vong sau gây mê Gần hai tháng trôi qua kể từ ngày xảy ra vụ việc hai người tử vong khi gây mê...