Vụ 2 bệnh viện mắt tại Gia Lai có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm: “Lập lờ đánh lận con đen”
Nhiều dấu hiệu bất thường tại 2 bệnh viện mắt tại Gia Lai vẫn chưa được Sở Y tế, BHXH tỉnh Gia Lai làm sáng tỏ và vẫn “lập lờ đánh lận con đen”.
Như DĐDN đã phản ánh trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện Mắt Cao Nguyên có 13.488 lượt người khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú là 4.662 lượt người; bệnh viện Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai có 4.952 lượt người khám ngoại trú và 2.418 lượt người điều trị nội trú. Dự toán chi, khám chữa bệnh theo quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) năm 2019 của Bệnh viện mắt Cao Nguyên là 18,6 tỷ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm, bệnh viện này đã kiến nghị BHXH tỉnh Gia Lai thanh toán 24,2 tỷ đồng.
Bệnh viện mắt Cao Nguyên
Trước nguy cơ vỡ quỹ BHYT, BHXH tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị BHXH Việt Nam can thiệp. Sau khi báo chí phản ánh, UBND tỉnh Gia Lai cũng ra văn bản số 2297 yêu cầu Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai chỉ đạo khắc phục, chấn chỉnh và báo cáo tỉnh. Và Sở Y tế Gia Lai đã báo cáo khẳng định chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi BHYT. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu bất thường tại hai bệnh viện trên vẫn chưa được Sở Y tế, BHXH tỉnh Gia Lai làm sáng tỏ và vẫn “lập lờ đánh lận con đen”.
Nhiều dấu hiệu bất thường
Theo tìm hiểu của PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, bệnh viện Mắt Cao Nguyên hiện có 2 bác sĩ được cấp chứng chỉ phẫu thuật với bệnh lý Đục thủy tinh thể (phẫu thuật Phaco). Tuy nhiên, trong tháng 3/2019, bệnh viện thực hiện phẫu thuật phaco cho 716 bệnh nhân. Trong đó có 401 người được chỉ định phaco cả 2 mắt, tương đương lượng mổ phaco trung bình cả năm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai.
Bệnh viện Mắt Cao Nguyên đưa thông tin lên trang facebook khiến nhiều người nhầm tưởng là họ được điều trị miễn phí
Để có bác sĩ khám và điều trị, ông Nguyễn Văn Lành – Giám đốc bệnh viện Mắt Cao Nguyên đã có văn bản số 31/BVMCN-PTH gửi BHXH tỉnh Gia Lai điều 6 bác sĩ từ Bệnh viện mắt Tây Nguyên hỗ trợ chuyên cho bệnh viện mắt Cao Nguyên đợt 3 theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”. Văn bản gửi BHXH tỉnh Gia Lai đề ngày 4/3/2019 nhưng ngày thực hiện lại là ngày 2/3/2019, tức thực hiện trước một ngày rồi mới gửi văn bản xin phép. Còn tại văn bản số 23/BVMCN-PTH, ngày 25/2/2019 phát văn bản gửi BHXH tỉnh Gia Lai xin điều 3 bác sĩ từ Bệnh viện Mắt Tây Nguyên hỗ trợ chuyên môn, đồng thời cũng là ngày thực hiện.
Ngoài ra, phòng Giám định Bảo hiểm y tế, thuộc BHXH tỉnh Gia Lai còn bị nghi vấn tiếp tay “hợp thức” hồ sơ bệnh án để trục lợi BHYT. Cụ thể, nhiều bệnh nhân tại xã Đắk Hlơ, huyện Kbang khi tiếp xúc với PV đều khẳng định được phẫu thuật phaco 2 mắt đồng thời tại bệnh viện Mắt Cao Nguyên, nhưng hệ thống quản lý của BHXH Việt Nam lại ghi nhận mỗi bệnh nhân được phẫu thuật 2 ca phaco khác nhau (1 hồ sơ bệnh án được kẹp 2 phiếu phẫu thuật phaco). Vì thế, dù chỉ ghi nhận 2.603 hồ sơ, nhưng hệ thống này xác nhận chi trả cho 3.617 ca phaco độc lập mà không đưa ra cảnh báo bất thường nào.
Video đang HOT
Từ khi Sở Y tế Gia Lai có văn bản dừng khám nhân đạo số lượng bệnh nhân đã giảm rõ rệt trong tháng 7/2019
Theo Hợp đồng số 02 ngày 27/12/2018 – ký với bệnh viện Mắt Cao Nguyên, trong đó có mục nêu rất rõ: “nếu ngoài giờ hành chính, Bảo hiểm Xã hội Gia Lai chỉ thanh toán các trường hợp cấp cứu”. Tuy nhiên, việc phẫu thuật phaco vào tối đêm 18/3 đối với bệnh nhân Đắk Hlơ, huyện Kbang đều đã được hợp thức hoá trong khung giờ hành chính các ngày sau đó.
Ông Nguyễn Văn Mau – Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế (BHXH) tỉnh Gia Lai cho rằng: “không có quy định nào bắt giám định viên phải kiểm soát 24/24 trên bệnh viện. Giám định viên kiểm soát bằng cách yêu cầu đưa bảng chấm công để kiểm tra xem bác sĩ mổ bao nhiêu ca ngoài giờ. Nhìn vào phần mềm hệ thống giám định bệnh viện đó gửi lên là mình biết ngày đó có bao nhiêu ca”, ông Mau nói và cho biết thêm trong 6 tháng đầu năm chỉ có 74 ca mổ ngoài giờ.
Bệnh nhân giảm đột ngột do dừng khám nhân đạo
Thực hiện chỉ đạo của Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn với BHXH tỉnh Gia Lai vào ngày 1/8/2019 về kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT tại hai bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Quốc tế Sài gòn – Gia Lai. BHXH tỉnh Gia Lai đã có quyết định thành lập 2 đoàn kiểm tra tại hai bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai và chỉ đạo BHXH 6 huyện gồm Kbang, Phú Thiện, Chư Prông, Mang Yang, Ia Pa, Kông Chro thành lập Tổ giám định nơi cư trú của người bệnh BHYT đã được 2 bệnh viện mắt là: bệnh viện Mắt Cao Nguyên và Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai phẫu thuật với bệnh lý Đục thủy tinh thể (phẫu thuật phaco). Đoàn công tác kiểm tra và tổ giám định sẽ tiến hành kiểm tra, giám định từ ngày 13/8 đến 19/8/2019 với những người bệnh có đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT với BHXH trên hệ thống thông tin giám định BHYT.
Văn bản thể hiện sự “tiền trảm hậu tấu” của bệnh viện Mắt Cao Nguyên
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Hồ Thanh Giản – Giám đốc BHXH huyện Kbang cho biết, BHXH tỉnh không thành lập Tổ giám định nơi cư trú của người bệnh BHYT mà giao cho huyện đi giám định. “Thời hạn đến ngày 19/8 phải có báo cáo BHXH tỉnh nhưng đến này vẫn chưa giám định được người bệnh nào. Huyện Kbang có 60 người bệnh phẫu thuật phaco, họ có bức xúc kiến nghị nhưng việc mời họ phối hợp giám định rất khó khăn”, ông Giản nói.
Văn bản thể hiện sự “tiền trảm hậu tấu” của bệnh viện Mắt Cao Nguyên
Liên quan đến công tác khám chữa bệnh tại hai bệnh viện mắt Cao Nguyên và Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai, BHXH tỉnh Gia Lai, cho biết từ khi Sở Y tế Gia Lai có văn bản 1064 yêu cầu hai bệnh viện trên dừng việc khám nhân đạo, lượng bệnh nhân đến điều trị nội trú và ngoại trú đã giảm rõ rệt. Tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên từ ngày 1/7 đến ngày 29/7/2019 số lượng bệnh nhân điều trị nội trú đã giảm xuống còn 35 người; bệnh Mắt Quốc tế Sài Gòn – Gia Lai giảm còn 101 người điều trị.
Phạm Hưởng
Theo DĐDN
Gia Lai: Gắn mác từ thiện để "gom" bệnh nhân?
Với việc hai bệnh viện tại Gia Lai chi vượt dự toán được giao, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai thấy có dấu hiệu bất thường nên xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên và lo ngại không có nguồn để chi trả.
Hai Bệnh viện chuyên khoa mắt là Bênh viện mắt Cao Nguyên (đường Lê Duẩn, TP Pleiku, Gia Lai) và Bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai (đường Wừu, TP Pleiku, Gia Lai) được giao dự toán chi khám, chữa bệnh theo quỹ Bảo hiểm Y tế năm 2019 lần lượt là hơn 18 tỷ và 17 tỷ đồng. Dù vậy, mới chỉ 6 tháng năm 2019 hai bệnh viện đều chi vượt dự toán được giao lên đến 24,2 tỷ đồng và 14,2 tỷ. Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Gia Lai thấy có dấu hiệu bất thường nên xin ý kiến chỉ đạo từ (BHXH) Việt Nam và lo ngại không có nguồn để chi trả.
Bệnh viện mắt Cao Nguyên
Bệnh nhân tăng đột biến
Từ ngày 11 đến 19/3, Bệnh viện mắt Cao Nguyên tổ chức khám nhân đạo tại huyện Kbang (Gia Lai) đã thu hút 1.649 lượt người tới khám bệnh. Đa phần trong số này mắc những bệnh về mắt. Sau đó, hàng trăm người đã được Bệnh viện mắt Cao Nguyên cho xe chở lên để điều trị miễn phí. Nhiều bệnh nhân sau khi mổ mắt tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên cho rằng, mang tiếng là khám bệnh "từ thiện", "miễn phí" nhưng lại bắt người dân phải có thẻ bảo hiểm và Chứng minh nhân dân để làm thủ tục. Nếu như ai thiếu một trong số các giấy tờ trên thì bệnh viện sẽ yêu cầu bổ sung đầy đủ rồi mới được chữa trị.
Ông Nguyễn Đức Hải (SN 1949, xã Đắk Hlơ) cho biết, có 2 mắt bị giảm thị lực. Trong đó, mắt phải giảm thị còn khoảng 3/10 do tuổi đã cao; mắt trái giảm thị lực còn 5/10 do bị thương từ khi đi bộ đội. Sau khi được khám tại Trạm y tế xã, ông Hải được Bệnh viện mắt Cao Nguyên chở lên bệnh viện để mổ. "Tôi chỉ có 1 mắt là giảm thị lực do bệnh lý, mắt còn lại do bị thương từ lâu. Nhưng khi vào phòng mổ thì họ "đè" ra mổ luôn 2 mắt. Nếu biết mổ 2 mắt thì không đời nào tôi đồng ý" - ông Hải nói và cho biết khi làm thủ tục thì bệnh viện yêu cầu có thẻ bảo hiểm y tế và Chứng minh nhân dân. Có thể bệnh viện cố tình mổ 2 mắt để thanh toán bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, một số bệnh nhân sau khi khám, phẫu thuật mắt tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên cũng phản ánh có dấu hiệu mắt bị biến chứng, tình trạng xấu hơn lúc chưa được chữa trị. Tình trạng mắt thường xuyên bị "lèm nhèm", "lợn cợn" và đã kiến nghị làm rõ khi đi tiếp xúc cử tri.
Ông Nguyễn Đình Ngụ (84 tuổi, trú xã Đắk Hlơ) nói trước đây một mắt của ông bình thường thị lực 10/10 còn một mắt kém hơn chỉ 7/10. Hằng ngày ông vẫn đọc báo và xem ti vi bình thường. Khi Bệnh viện mắt Cao Nguyên về tận xã khám "từ thiện" nói ông thị lực kém phải mổ. Sau đó ông được người của bệnh viện này chở lên tận TP Pleiku để mổ mắt. "Bây giờ mắt không còn được như trước nữa. Lúc nhìn được lúc rất nhoè. Nước mắt cứ chảy liên tục rất khó chịu, đặc biệt là vào buổi sáng và buổi chiều thì phải đeo kính" - ông Ngụ nói và cho biết lúc khám bác sĩ nói phải mổ để chữa trị thì ông nghe theo. Nếu biết như hiện nay ông sẽ không cho mổ.
Trước thông tin, lấy danh nghĩa khám, chữa bệnh từ thiện rồi về tận các xã, huyện, thị "gom" bệnh nhân đưa về bệnh viện chữa trị rồi lấy quỹ bảo hiểm để thanh toán. Ông Nguyễn Văn Lành - Giám đốc Bệnh viện mắt Cao Nguyên, cho biết bệnh viện khám, đưa đón miễn phí cho bệnh nhân. Tuy nhiên, những bệnh nhân phải tiến hành điều trị (mổ mắt) thì ngoài phần bảo hiểm thanh toán thì những chênh lệch vượt sự chi trả của bảo hiểm thì bệnh viện sẽ chịu và miễn phí cho bệnh nhân.
Về phản ánh của một số bệnh nhân sau phẫu thuật, chúng tôi cũng nhận được phản hồi. "Hiện đã mổ cho hàng ngàn trường hợp thì không thể nào "tròn trịa" hết được. Nếu nhận được thông tin thì chúng tôi sẽ có trách nhiệm với bệnh nhân hết" - ông Lành nói và cho biết một số trường hợp phản ánh không nhìn gần được là do khi mổ không có kinh phí lắp kính điều tiết xa-gần nên bệnh nhân nhìn gần không rõ nhưng nhìn xa được cải thiện.
Vượt dự toán giao
Ông Nguyễn Văn Mau - Trưởng phòng Giám định Bảo hiểm Y tế (BHXH) tỉnh Gia Lai, cho biết quỹ bảo hiểm dự toán giao cho Bệnh viện mắt Cao Nguyên năm 2019 là hơn 18 tỷ đồng. Dù vậy, mới chỉ 6 tháng năm 2019 Bệnh viện mắt Cao Nguyên đã đề nghị thanh toán tiền bảo hiểm hơn 24,2 tỷ đồng. Cùng với đó, Bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn - Gia Lai dự toán giao là hơn 17 tỷ đồng nhưng 6 tháng năm 2019 cũng đề nghị thành toán 14,2 tỷ.
"Việc khám, chữa bệnh từ thiện của các cơ sở y tế là hoàn toàn đúng đắn, hợp đạo lý. Nhưng trong quá trình đó lôi kéo bệnh nhân về cơ sở rồi dùng bảo hiểm thanh toán. Cụ thể số lượng bệnh nhân cùng địa phương, cùng thời điểm đi khám tại cùng cơ sở y tế là dấu hiệu bất thường"- ông Mau nói và lo ngại sẽ vượt dự toán chi bảo hiểm năm 2019.
Trước việc bệnh nhân đến khám chữa, bệnh tại Bệnh viện mắt Cao Nguyên và Bệnh viện mắt Quốc tế Sài Gòn -Gia Lai tăng đột biến trong nửa năm 2019. Ông Lê Quốc Khánh - Phó giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai, cho biết BHXH tỉnh Gia Lai nhận thấy có dấu hiệu của việc thu gom bệnh nhân nên đã tăng cường các biện pháp giám định chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. "Tuy nhiên do lần đầu gặp phải nên BHXH Gia Lai còn lúng túng, khó khăn trong việc xử lý các nội dung theo phân tích và nhận định trên nên xin ý kiến BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết", ông Khánh cho biết.
Phó giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai Lê Quốc Khánh khẳng định việc cơ sở y tế lợi dụng ý nghĩa của các hoạt động nhân đạo, chuyển giao kỹ thuật, từ đó có các biểu hiện tăng cường thu dung người có BHYT đến khám chữa bệnh để trục lợi quỹ BHYT là không đúng với tinh thần, ý nghĩa của các hoạt động nêu trên.
Phạm Hưởng
Theo Dauthau
Gia Lai: Chỉ đạo xử lý bảo kê dưa và giải cứu khoai lang giúp dân Trước tình trạng hàng nghìn tấn khoai lang ế không có đầu ra và dưa hấu được mùa bị côn đồ đòi bảo kê, UBND tỉnh Gia Lai đã có nhiều văn bản hỏa tốc yêu cầu ngành chức năng, địa phương vào cuộc xử lý, giúp dân yên tâm sản xuất. Như Dân Việt đã phản ảnh, thời gian qua người dân...